Bệnh Hắc Lào
Bệnh hắc lào thuộc một loại nấm da phổ biến hiện nay, bệnh có thể gặp đối với tất cả mọi người không phân biệt độ tuổi, giới tính. Đặc trưng của loại nấm da này là vùng da bị tổn thương mọc nhiều mụn nước, tạo thành hình vòng tròn giống như đồng xu, gây ngứa ngáy khó chịu. Đặc biệt các cơn ngứa tăng dần khi gặp các điều kiện thuận lợi như cơ thể ra nhiều mồ hôi, thời tiết nóng nực, vệ sinh kém.
Tổng quan bệnh học
Bệnh hắc lào (Tinea Corporis) hay còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như nấm da, lác đồng tiền, là một trong những căn bệnh da liễu phổ biến với tỷ lệ người mắc bệnh rất cao. Đặc biệt là với thời tiết khí hậu nóng ẩm như ở nước ta thì tình trạng bệnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng.
Hắc lào xảy ra do các loại nấm thuộc nhóm Dermatophytes gây ra, bao gồm 3 loại nấm cơ bản đó là Trychophyton, Epidermophyton, Microsporum. Khi xâm nhập vào cơ thể các loại nấm này có thể gây ra nhiễm trùng ở bất kỳ vị trí nào. Tùy thuộc vào bộ phận da bị tổn thương trên cơ thể mà bệnh hắc lào được gọi tên theo đúng bộ phận đó.
Thông thường bệnh hắc lào sẽ xuất hiện ở các vị trí như da đầu, kẽ tay chân, vùng đùi, kẽ mông, thắt lưng, lưng, vùng ngực, tay chân, nếp vú của phụ nữ, thậm chí ở vùng kín của cả nam và nữ. Đặc trưng của bệnh là nổi mụn nước li ti, tạo thành hình vòng tròn, ngứa ngáy khó chịu, sau một thời gian phát bệnh có dấu hiệu bong vảy.
Căn bệnh này có khả năng lây lan cho những người xung quanh nếu như họ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung đồ dùng với người đang mắc bệnh. Đặc biệt hắc lào sẽ tiến triển mạnh mẽ khi gặp những điều kiện thuận lợi như ẩm ướt, nóng, cơ thể không được vệ sinh sạch sẽ. Bệnh tuy không mang tính chất nguy hiểm nhưng gây ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Phân loại bệnh
Như đã chia sẻ ở trên, để phân loại bệnh hắc lào người ta dựa vào vị trí tổn thương do các loại nấm gây ra trên cơ thể để gọi tên chính xác. Bệnh thường được chia làm các loại phổ biến như sau:
- Hắc lào ở thân mình.
- Hắc lào ở bẹn, háng.
- Hắc lào ở bàn chân, bàn tay, móng tay.
- Hắc lào ở đùi.
- Hắc lào ở vùng da mặt.
- Hắc lào ở mông.
- Hắc lào ở da đầu.
- Hắc lào ở trên râu.
- Hắc lào ở thể đa sắc.
Dù hắc lào ở dạng nào cũng đều gây ngứa ngáy khó chịu cho người bệnh. Nếu như không được thăm khám và sử dụng thuốc điều trị sẽ khiến cuộc sống sinh hoạt cũng như chất lượng công việc của người bệnh bị ảnh hưởng. Tuy không nguy hiểm nhưng cũng không vì thế mà chủ quan khi gặp phải chứng bệnh này.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh hắc lào có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu, thường xuyên làm việc nặng, chơi thể thao ra nhiều mồ hôi, tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến bệnh sớm khởi phát và diễn tiến ngày càng nghiêm trọng, cụ thể:
Nguyên nhân trực tiếp:
Cơ thể mắc phải bệnh hắc lào là do các loại nấm thuộc nhóm Dermatophytes gây nên. Các loại nấm này thường tồn tại ở dạng bào tử, trú ngụ ở trong đất lâu dài. Có 3 loại nấm chủ yếu gây bệnh hắc lào đó là Microsporum, Epidermophyton, Trychophyton. Một số nguyên nhân trực tiếp gây bệnh hắc lào mà nhiều người mắc phải đó là:
- Do tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị nhiễm nấm Dermatophytes, quan hệ tình dục với người bệnh
- Dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân với bệnh nhân hắc lào như khăn lau, bàn chải đánh răng, quần áo, chăn, lược, giường chiếu.
- Vô tình tiếp xúc với chó, mèo, các loài động vật bị nhiễm nấm thông qua việc vuốt ve, cưng nựng, hôn chúng.
- Do tiếp xúc trực tiếp với những vùng nước, đất đai, không khí có chứa mầm bệnh sẽ khiến cơ thể có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Các yếu tố nguy cơ:
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ khiến cho bệnh hắc lào nhanh khởi phát, biểu hiện các triệu chứng ra bên ngoài, chẳng hạn như:
- Cơ thể có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch kém không đủ sức chống lại các tác nhân trực tiếp tấn công.
- Thường xuyên làm việc nặng, chơi các môn thể thao ra nhiều mồ hôi và tiếp xúc trực tiếp với da.
- Cơ thể không được tắm gội, vệ sinh sạch sẽ ngay cả khi đổ nhiều mồ hôi.
- Mặc quần áo bó sát hoặc ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn và các loại nấm phát triển.
- Người mắc các bệnh lý về da như khô da, nứt da thường có nguy cơ mắc bệnh hắc lào cao, do chức năng bảo vệ da bị suy giảm.
- Người trưởng thành thường ít mắc bệnh hắc lào hơn so với trẻ nhỏ dưới 15 tuổi.
Bệnh hắc lào có nguy cơ lây lan từ người sang người, từ động vật sang người một cách nhanh chóng. Do đó, nếu xác định chính xác những tác nhân xung quanh đang mắc chứng bệnh này thì chúng ta nên cẩn thận, tránh tiếp xúc trực tiếp với chúng để giảm thấp nhất nguy cơ mắc bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Triệu chứng và Chẩn đoán
Bệnh có thể gây tổn thương, nhiễm trùng ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Lúc mới khởi phát các triệu chứng chưa rõ ràng nên nhiều người thường nhầm lẫn với các bệnh ngoài da khác như bệnh chàm, vảy nến. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận biết bệnh thông qua một số triệu chứng điển hình sau:
- Lúc mới đầu trên da xuất hiện các mảng đỏ, nâu nhạt, có hình vòng tròn như đồng xu hoặc hình bầu dục.
- Các hình dạng trên da này sẽ tiến triển theo thời gian, dần dần lan rộng ra và chồng chéo lên nhau.
- Khi bệnh tiến triển nặng hơn các mảng này sẽ có màu đậm dần, nổi các mụn nước nhỏ li ti phồng rộp.
- Ngứa ngáy khó chịu khiến người bệnh dùng tay gãi ngứa thường xuyên gây xước da, chảy máu.
- Sau một thời gian các mụn nước xẹp dần, da bị bong tróc thành vảy có màu trắng, nếu hắc lào ở trên da đầu sẽ xuất hiện từng mảng trắng rơi ra, rụng tóc.
- Có nhiều trường hợp gãi ngứa thường xuyên khiến vùng da tổn thương bị chảy nước nhiễm trùng chảy mủ đau nhức.
- Các triệu chứng ngứa ngáy, nóng rát tăng dần khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể ra nhiều mồ hôi, ẩm ướt.
- Một số ít trường hợp sốt nhẹ không rõ nguyên nhân.
Tình trạng gãi ngứa thường xuyên khi bị hắc lào sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác. Do đó, khi thấy xuất hiện những triệu chứng nêu trên, người bệnh nên chủ động phòng ngừa lây lan bệnh cho mọi người xung quanh bằng những việc đơn giản như tránh dùng chung đồ dùng cá nhân, tránh để người khác tiếp xúc trực tiếp với bản thân.
Chẩn đoán bệnh hắc lào:
Hắc lào là một chứng bệnh da liễu, các triệu chứng thường biểu hiện ra bên ngoài. Do đó, thông qua các tổn thương da mà bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh. Để xác định chính xác nguyên nhân và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Soi dưới dung môi KOH: Lấy một lượng vừa đủ phần da bị tổn thương do nấm, đặt lên kính hiển vi, thêm vào đó một giọt dung dịch KOH và hòa chúng với nhau. Thành phần KOH sẽ tác động và phá vỡ các tế bào da khỏe mạnh, phần còn lại là các tế bào bị nhiễm nấm sẽ được nhìn thấy rõ ràng hơn.
- Soi tươi tìm sợi nấm: Lấy một ít dịch tiết hoặc mẫu da ở vùng da bị nhiễm nấm đem đi làm thí nghiệm và soi dưới kính hiển vi. Bác sĩ sẽ dựa vào những hình ảnh trực tiếp đó để đưa ra chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
- Nuôi cấy khuẩn lạc: Tương tự, lấy một mẫu da bị nhiễm nấm, đem đi nuôi cấy trong môi trường thích hợp để từ đó loại trừ các bệnh lý về da khác và xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Tuy mất khá nhiều thời gian nhưng mức độ chính xác cao.
Sau khi thực hiện khám lâm sàng và cận lâm sàng nói trên, bác sĩ sẽ đưa ra kết quả chẩn đoán mức độ bệnh nặng nhẹ, nguyên nhân trực tiếp gây bệnh. Từ đó đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp và hướng dẫn người bệnh tự cải thiện các triệu chứng tại nhà.
Biến chứng và tiên lượng
Là một trong những chứng bệnh về da phổ biến, nhưng bệnh hắc lào không có tính nghiêm trọng cao, không gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Đồng thời cũng không để lại những biến chứng nặng nề cho cơ thể.
Tuy nhiên, khi mắc bệnh hắc lào người bệnh phải đối mặt với sự khó chịu, ngứa ngáy, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Ngứa ngáy khiến người bệnh mệt mỏi, chán nản, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Đặc biệt, những trường hợp bị hắc lào ở vùng da mặt, tay chân có nguy cơ để lại sẹo gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh luôn tự ti không dám đối mặt với mọi người xung quanh.
Ngoài ra, triệu chứng ngứa ngáy còn gây nên tình trạng mất ngủ vào ban đêm khiến cơ thể bị suy nhược, sút cân nghiêm trọng. Trường hợp mụn nước mọc khắp người, người bệnh thường xuyên gãi ngứa có thể gây lây lan bệnh cho những người xung quanh thông qua mủ và dịch tiết nếu như người khác vô tình tiếp xúc phải.
Bệnh hắc lào rất lành tính, nếu như được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ sớm loại bỏ các triệu chứng bệnh hoàn toàn, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người bệnh, đồng thời không để lại sẹo mất thẩm mỹ trên da.
Điều trị
Bệnh hắc lào tuy lành tính nhưng không thể tự khỏi, mà cần được điều trị đúng cách, tích cực. Thời gian điều trị bệnh kéo dài khá lâu, hiện nay để chữa trị căn bệnh ngoài da này các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân và tự cải thiện tình trạng bệnh tại nhà.
Cụ thể các phương pháp điều trị bệnh hắc lào như sau:
Điều trị tại chỗ:
Phương pháp này được áp dụng cho những trường hợp mắc bệnh ở mức độ nhẹ, các triệu chứng mới khởi phát và chưa lây lan rộng ra các vùng da xung quanh. Thuốc điều trị tại chỗ có thể là dung dịch sát trùng, kháng sinh dạng bôi, thuốc có tác dụng kháng viêm, chống nấm, cải thiện các triệu chứng ngứa ngáy nhanh chóng và hạn chế sự lây lan rộng.
- Dung dịch sát khuẩn bao gồm ASA 1 - 2%; BSI 1 - 3%, Dizigone.
- Thuốc bôi chống nấm như Itraconazole, Terbinafin, Clotrimazol, Ketoconazol, Ciclopiroxolamin, Miconazol.
Tuy đem lại hiệu quả nhanh chóng, nhưng các loại thuốc điều trị này thường có chứa lượng Corticoid cao nên người bệnh không nên quá lạm dụng. Chỉ nên bôi trong vòng một tuần hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh kéo dài thời gian gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn trên da.
Điều trị toàn thân:
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh hắc lào toàn thân hoặc bệnh ở mức độ nặng gây lây lan rộng ra các khu vực xung quanh thì bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định sử dụng thêm các loại thuốc đường uống để giúp kiểm soát bệnh tốt hơn, cụ thể:
- Thuốc kháng nấm: Nhóm thuốc này có tác dụng cải thiện các triệu chứng bệnh hiệu quả trên diện rộng. Tuy nhiên, nếu thường xuyên sử dụng có thể gây ảnh hưởng đến bộ phận gan, thận trong cơ thể. Một số thuốc kháng nấm bao gồm Terbinafin, Griseofulvin, Nizoral...
- Thuốc kháng sinh: Những trường hợp hắc lào kéo dài không khỏi, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thêm các loại thuốc kháng sinh theo phác đồ điều trị.
- Thuốc kháng Histamin H1: Tác dụng cơ bản của nhóm thuốc này là làm giảm các triệu chứng ngứa ngáy do nấm gây ra. Một số thuốc phổ biến như Cetirizine, Fexofenadine, Loratadine...
- Vitamin tổng hợp: Ngoài những loại thuốc đường uống cơ bản nói trên, nhằm tăng sức đề kháng, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh nhanh khỏi, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh uống thêm một số loại Vitamin tổng hợp.
Đối với thuốc đường uống cũng vậy, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để tránh trường hợp gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như buồn nôn, ói mửa, đau đầu, chóng mặt, đặc biệt là ảnh hưởng đến thận, gan.
Cải thiện các triệu chứng tại nhà:
Ngoài sử dụng thuốc bôi, thuốc uống theo phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra, bệnh nhân cần chú ý thực hiện tốt chế độ ăn uống, sinh hoạt thì bệnh mới nhanh khỏi. Một số biện pháp cải thiện bệnh tại nhà đơn giản mà mỗi chúng ta có thể thực hiện hàng ngày đó là:
- Hạn chế cào gãi lên vùng da bị tổn thương do nấm hắc lào, trường hợp ngứa không chịu nổi có thể dùng khăn ấm để chườm giúp xoa dịu ngứa ngáy.
- Luôn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nhất là vùng da bị bệnh, sau khi tắm cần lau khô người.
- Có thể dưỡng ẩm vùng da bị tổn thương bằng các loại kem dưỡng lành tính.
- Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi, thấm hút mồ hôi để tránh tình trạng cọ xát lên da gây kích ứng.
- Trong quá trình mắc bệnh, các đồ dùng như chăn gối, mùng mền, quần áo nên thường xuyên giặt giũ sạch sẽ.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường hoa quả tươi, rau xanh.
- Hạn chế những thực phẩm dễ gây dị ứng như đồ nếp, thịt gà, hải sản, kiêng rượu bia, thuốc lá, đồ uống có cồn.
ĐỌC THÊM: Cách chữa hắc lào bằng tỏi: Công dụng và cách dùng
Phòng ngừa
Bệnh hắc lào xuất hiện do các loại nấm da gây ra, tuy nhiên những loại nấm này thường trú ngụ ở trong đất. Khi tiếp xúc với những tác nhân này sẽ khiến bệnh khởi phát. Ngoài ra, bệnh còn có khả năng lây lan cho người khác. Do đó, chúng ta có thể hoàn toàn phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc chứng bệnh này thông qua một số việc làm đơn giản sau:
- Khi làm việc ở ngoài sân vườn hoặc ở những nơi ô nhiễm cần mặc đồ bảo hộ, đeo gang tay cẩn thận.
- Vệ sinh sạch sẽ và luôn để cơ thể khô ráo, tránh mồ hôi ẩm ướt thường xuyên.
- Nếu nhà nuôi thú cưng cần tắm rửa và xịt khuẩn cho chúng.
- Khi trong nhà có người bị bệnh hắc lào, chúng ta tuyệt đối không được dùng chung các vật dụng với họ, đồng thời cũng không tiếp xúc trực tiếp với da người bệnh.
- Trường hợp mắc các bệnh về da liễu cần điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ.
- Có thể thoa kem dưỡng da để dưỡng ẩm cơ thể, nhưng cần lựa chọn những loại lành tính.
- Xà bông tắm, sữa tắm cũng nên chọn loại phù hợp, tránh để kích ứng da.
- Nên mặc quần áo thoải mái, rộng rãi, tránh mặc đồ chật thường xuyên, quần áo bị ẩm ướt.
- Tăng cường sức khỏe, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng sức đề kháng.
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm tốt cho da.
- Nghỉ ngơi, làm việc đúng giờ giấc, tránh thức khuya, hạn chế căng thẳng, stress kéo dài.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Đâu là nguyên nhân chính và yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh hắc lào tôi đang mắc phải?
2. Tôi cần theo dõi những dấu hiệu đặc trưng nào của bệnh?
3. Mức độ nguy hiểm của bệnh hắc nào như thế nào? Bệnh ảnh hưởng gì đến sức khỏe của tôi?
4. Đâu là phương pháp điều trị bệnh hắc lào tốt nhất? Hiện nay đã có thuốc đặc trị bệnh hắc lào chưa?
5. Bệnh hắc lào có lây không? Tôi cần làm gì để tránh lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh?
6. Bệnh hắc lào có thể chữa khỏi hoàn toàn được không? Thời gian điều trị mất bao lâu?
7. Xin cho tôi biết chi phí điều trị bệnh hắc lào có cao không? Cụ thể là bao nhiêu?
8. Nếu như tôi không điều trị bệnh hoặc quá trình điều trị bị gián đoạn sẽ xảy ra điều gì tồi tệ không?
9. Trong quá trình điều trị tôi cần tránh những gì? Chế độ ăn uống, sinh hoạt như thế nào để giúp cải thiện bệnh?
10. Sau khi điều trị khỏi bệnh tôi có cần tái khám không? Bệnh có tái phát lại không? Tôi nên làm gì để phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả?
Bệnh hắc lào là một loại nấm da phổ biến, nhưng không mang tính chất nguy hiểm. Nếu như phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ bệnh, người bệnh nên chủ động thăm khám. Không nên chủ quan để tránh trường hợp bệnh nặng mất nhiều thời gian điều trị, có nguy cơ để lại sẹo gây mất thẩm mỹ sau khi khỏi bệnh.
Xem thêm:
- 10 Cách Trị Hắc Lào Tại Nhà Hiệu Quả Nhanh Nhất
- Dùng cồn chữa bệnh hắc lào có khỏi không?