Bệnh giun rồng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bệnh giun rồng là một trong các trường hợp nhiễm ký sinh trùng trên người nguy hiểm. Nguyên nhân gây bệnh thường liên quan đến thói quen ăn đồ tươi sống, uống nước không hợp vệ sinh,... Bệnh làm bùng phát nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng của con người.

Tổng quan

Bệnh giun rồng là tên gọi của tình trạng nhiễm ký sinh trùng do loại giun Guinea, tên đầy đủ là Dracunculus medinensis gây ra. Giun rồng xâm nhập vào cơ thể người thông qua hệ tiêu hóa. Người bệnh có thể nhiễm phải ấu trùng giun rồng khi ăn thực phẩm, uống nguồn nước không đảm bảo.

Bệnh giun rồng
Ấu trùng giun rồng xâm nhập vào cơ thể sau đó phát triển thành giun trưởng thành gây hại sức khỏe

Sau thời gian ủ bệnh, giun rồng ký sinh và phát triển tấn công cơ thể con người. Bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng như viêm da, cảm giác đau đớn khó chịu, hình thành ổ áp xe,... Trường hợp giun rồng tấn công các cơ quan quan trọng trong cơ thể gây ra các biến chứng nặng nề.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Giun rồng có đặc điểm hình thái là tròn, dài. So sánh giun rồng với các loại giun gây bệnh cho người, loại giun này có chiều dài dài nhất. Những con giun rồng cái khi đã trưởng thành có đường kính thân từ 1-2mm, chiều dài từ 70-120cm. Trong khi đó những con giun đực trưởng thành chỉ dài tầm 4cm.

Sau khi giun rồng đực và cái giao phối, các con đực sẽ chết đi. Giun rồng cái có thể mang 3 triệu ấu trùng giun rồng. Với điều kiện môi trường bình thường ấu trùng có thể tồn tại khoảng 21 ngày. Chúng có khả năng xâm nhập vào cơ thể người hoặc động vật thông qua đường tiêu hóa.

Các yếu tố nguy cơ khiến người bệnh nhiễm phải giun rồng như:

  • Con người uống nước các khu vực khe suối, nguồn nước ô nhiễm không được lọc, nấu chín có khả năng bị nhiễm ký sinh trùng, trong đó có ấu trùng giun rồng.
  • Ăn rau, trái cây dính phải một loại giáp xác nhỏ nhiễm ấu trùng. Đặc biệt là trường hợp người dùng không rửa rau, trái cây sạch sẽ, nhặt trái cây hoặc thực phẩm rơi rớt từ dưới đất lên ăn,...
  • Ăn phải những loại hải sản nhiễm ấu trùng giun rồng nhưng không nấu chín, ăn thịt hải sản tái sống.

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh giun rồng nếu không may ăn, uống phải thực phẩm hoặc nguồn nước chứa ấu trùng giun rồng. Những con ấu trùng khi đã vào cơ thể có khả năng bám lên thành dạ dày. Thời gian ủ bệnh tính từ khi nhiễm ấu trùng đến khi chúng phát triển thành giun trưởng thành là 10 tuần.

Giun rồng sau khi trưởng thành có khả năng di chuyển nhanh, tấn công dạ dày đến ruột non, xâm nhập vào ổ bụng, khoang sau phúc mạc của người bệnh. Giun rồng cái và giun rồng đực sẽ giao phối với nhau, giun đực chết đi và giun cái tiếp tục chui lên da dẫn đến các triệu chứng lâm sàng nặng.

Nguyên nhân gây bệnh giun rồng
Ấu trùng giun rồng có điều kiện phát triển thành giun trưởng thành bắt đầu gây ra nhiều triệu chứng cho người bệnh

Bệnh giun rồng có thể xảy ra ở bất kỳ thời gian nào trong năm, không phân theo mùa như một số bệnh lý khác. Số lượng người bệnh giun rồng được thống kê mỗi năm mỗi tăng, trong đó xảy ra phổ biến ở người trong độ tuổi 15-45, đặc biệt là người làm nghề chăn nuôi gia súc, thủy hải sản, trồng trọt.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Như đã đề cập đến quá trình xâm nhập và phát triển của giun rồng, những con cái sẽ tiếp tục chui vào mô liên kết để ký sinh dưới da, đặc biệt là vùng da chân. Thông thường phải mất thời gian khá lâu từ 9-14 tháng các triệu chứng bệnh mới bùng phát rõ nét.

Con giun cái khi đã trưởng thành kích thước có thể dài hơn 1m. Người mắc bệnh giun rồng có thể nhận thấy các biểu hiện như:

  • Da xuất hiện một vết phồng rộp bất thường, cảm giác đau và ngứa khó chịu.
  • Nốt phồng bên trong chứa nước khi bị vỡ ra mang theo ấu trùng giun rồng thoát ra môi trường.
  • Người bệnh bị sốt nhẹ, kèm theo tình trạng tiêu chảy, nổi mề đay hoặc phát ban đỏ.
  • Chóng mặt, buồn nôn, nôn, khó thở.
  • Da xuất hiện tình trạng viêm ngày càng nặng nề hơn.

Đa số các trường hợp nhiễm ấu trùng giun rồng giai đoạn đầu không nhận thấy biểu hiện bất thường nào. Tuy nhiên các triệu chứng sẽ bắt đầu rõ ràng và nặng hơn khi giun rồng trưởng thành. Khi giun cái đẻ trứng chúng có thể giải phóng một loại chất độc làm mô dưới da bị viêm loét.

Nếu bệnh nhân không phát hiện và điều trị, sau khoảng 3 đến 6 tuần giun rồng sẽ tự chui ra ngoài qua lỗ viêm loét. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu giun rồng chui ngược gây viêm các cơ quan trong cơ thể. Do đó, người bệnh cần được khám và điều trị sớm.

Xem thêm: Bệnh giun chỉ: Dấu hiệu nhận biết và điều trị

Chẩn đoán

Dựa vào các biểu hiện lâm sàng chẩn đoán bệnh giun rồng như vết loét, phồng rộp trên da, dấu hiệu giun rồng cái chui lên và ký sinh dưới da, phát hiện đầu của con giun cái ở vị trí vết loét. Ngoài ra, người bệnh còn được chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác nhằm chẩn đoán phân biệt như:

  • Chụp X quang: Xác định vị trí giun rồng trong cơ thể, tình trạng vôi hóa giun rồng và các tổn thương dưới da.
  • Xét nghiệm máu: Tăng bạch cầu ái toan.
  • Soi dịch tiết vết loét: Phát hiện ấu trùng giun rồng.

Tùy mức độ nhiễm trùng mà bệnh nhân đang gặp phải, bác sĩ sẽ đưa ra cách loại bỏ giun rồng ra khỏi cơ thể, kiểm soát triệu chứng cho bệnh nhân.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh giun rồng có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Giun rồng tấn công mô dưới da dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, áp xe. Ngoài ra, người bệnh còn có rủi ro bị nhiễm trùng máu, nhiễm trùng xương khớp dẫn đến biến dạng, uốn ván,...

Biến chứng bệnh giun rồng
Giun rồng cái tấn công mô liên kết dưới da, phóng độc tố dẫn đến viên nhiễm và nhiều vấn đề khác

Mặc dù các ca bệnh tử vong được ghi nhận không cao, tuy nhiên người bệnh cần cảnh giác với diễn biến của bệnh. Các tổn thương thực thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, suy giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị tránh những rủi ro không mong muốn.

Điều trị

Hiện nay các biện pháp áp dụng điều trị bệnh giun rồng giúp kiểm soát triệu chứng, loại bỏ giun rồng cái, trên thực tế vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin phòng bệnh. Bệnh nhân nếu phát hiện sớm, can thiệp điều trị có thể phòng tránh các rủi ro nặng nề hơn.

Một số cách giúp loại bỏ ấu trùng, giun rồng trưởng thành và xử lý vết thương như:

  • Vệ sinh vết thương: Ngâm vết thương vào trong nước ấm giúp ấu trùng thoát ra ngoài, tạo điều kiện cho việc loại bỏ giun rồng cái. Sau khi ngâm, nước ngâm sẽ được xử lý với hóa chất chuyên dụng hoặc nước sôi để tiêu diệt ấu trùng trước khi thải ra ngoài môi trường. Người bệnh nằm nghỉ ngơi, vệ sinh vết loét bằng dung dịch sát khuẩn, kết hợp dùng thuốc kháng sinh dạng bôi để tránh nhiễm trùng.
  • Loại bỏ giun rồng thủ công: Nếu phát hiện có đầu giun rồng ở vết thường, tiến hành kéo giun rồng bằng một que gỗ nhỏ. Thông thường sau khi đã giải phóng hết ấu trùng, giun cái sẽ tìm đường thoát ra ngoài qua lỗ nhỏ trên da. Người lấy giun sẽ xác định vị trí đầu giun, quấn tròn đầu giun vào que gỗ sau đó kéo nhẹ, từ từ cho đến khi loại bỏ hết toàn bộ thân giun. Việc này được khuyến khích nên thực hiện tại cơ sở y tế để tránh rủi ro đứt giun trong quá trình kéo dẫn đến tình trạng nhiễm trùng thứ phát. Các bác sĩ sẽ biết cách xử lý đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh.
  • Sử dụng thuốc: Một số thuốc có hoạt chất chống giun cũng được sử dụng. Chẳng hạn như loại Metronidazol, Thiabendazole,... thuốc có tác dụng cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân, đồng thời đẩy giun chui ra ngoài, tạo cơ hội cho việc lấy giun dễ dàng hơn. Thuốc không có tác dụng loại bỏ hoàn toàn ấu trùng giun rồng trong cơ thể cũng như không thể giết chết giun rồng trưởng thành.
  • Phương pháp ngoại khoa: Áp dụng biện pháp phẫu thuật cho đối tượng bị bệnh giun rồng phức tạp. Giun rồng không chui ra ngoài mà đi ngược vào trong, không phẫu thuật nếu giun bám vào gân, bám chặn vào cân sâu.

Có thể bạn quan tâm: Thuốc Fugacar mebendazole trị giun: Cách sử dụng và lưu ý

Phòng ngừa

Bệnh giun rồng gây viêm nhiễm da, tăng nguy cơ nhiễm trùng máu và các vấn đề xương khớp, biến chứng nặng nề. Mặc dù tỷ lệ tử vong thấp, tuy nhiên bệnh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng cho đời sống và sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, nếu không biết cách phòng tránh, loại bỏ ấu trùng giun khả năng lây bệnh cho người xung quanh cao. Hiện nay các nước trên thế giới đã tổ chức nhiều đợt diệt giun rồng mang lại hiệu quả tốt.

Phòng ngừa bệnh giun rồng
Ăn chín uống sôi, loại bỏ các yếu tố nguy cơ lây nhiễm ấu trùng giun rồng

Thế nhưng bạn đọc không nên chủ quan, bởi ấu trùng giun rồng có thể sống ký sinh trên cơ thể động vật. Do đó, không thể loại bỏ hoàn toàn được loại giun này ra khỏi môi trường. Bạn chỉ có thể chủ động phòng bệnh thông qua một số cách như:

  • Thay đổi thói quen ăn uống, tốt nhất hãy ăn chín, uống sôi. Không nên ăn các món tươi sống như hải sản tái, gỏi hải sản,... nếu không đảm bảo chất lượng thực phẩm, nguồn gốc hải sản.
  • Rửa sạch thực phẩm như tôm, cá, ếch,... loại bỏ ruột, dùng muối chà sát sạch sẽ trước khi chế biến.
  • Chỉ nên ăn sống các loại rau củ được trồng trong môi trường sạch sẽ, đảm bảo chất lượng. Tốt nhất vẫn nên nấu chín rau trước khi ăn hoặc sử dụng sản phẩm ngâm rửa cẩn thận.
  • Nguồn nước sử dụng nên lọc sạch hoặc dùng dung dịch thanh tẩy phù hợp, đun nước chín trước khi uống.
  • Nếu nhận thấy thú cưng có biểu hiện nổi mụn nước trên đa, sưng nề,... nghi ngờ nhiễm giun rồng bạn nên tránh tiếp xúc trực tiếp vết thương. Đồng thời thông báo với thú y để tìm giải pháp điều trị phù hợp.
  • Khám sức khỏe định kỳ, tẩy giun cho bản thân và gia đình mỗi 6 tháng/lần. Kết hợp xây dựng lối sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe, nâng cao đề kháng cho cơ thể.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh giun rồng là gì?

2. Vì sao tôi bị nhiễm bệnh giun rồng?

3. Triệu chứng nào nhận biết bệnh giun rồng?

4. Biến chứng bệnh giun rồng nguy hiểm như thế nào?

5. Biện pháp điều trị bệnh giun rồng là gì?

6. Có chữa khỏi hoàn toàn bệnh giun rồng không?

7. Lấy giun rồng bằng tay có nguy hiểm không?

8. Tôi cần làm gì trong thời gian điều trị để tránh lây giun rồng cho người thân?

9. Sử dụng thuốc tân dược có diệt được giun rồng không?

10. Biện pháp phòng ngừa biến chứng bệnh giun rồng như thế nào?

Bệnh giun rồng là tên gọi của hiện tượng ký sinh trùng xâm nhập gây viêm nhiễm trong cơ thể. Nếu không phát hiện sớm, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều biến chứng ảnh hưởng đời sống, sức khỏe. Do đó, nếu cơ thể có biểu hiện nghi ngờ, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ điều trị sớm.