Thuốc Mecasel trị viêm khớp và gout
Mecasel được sản xuất bởi công ty Roussel Việt Nam, thuốc dùng để điều trị một số vấn đề về xương khớp. Những thông tin về Mecasel sau đây sẽ có thể giúp bạn có thể chủ động hơn trong quá trình điều trị.
- Tên biệt dược: Mecasel
- Tên hoạt chất: Meloxicam
- Nhóm thuốc: Thuốc giảm đau – hạ sốt, thuốc chống viêm không steroid, nhóm thuốc điều trị gout và các bệnh về xương khớp.
Những thông tin bạn cần biết về thuốc Mecasel
1. Thành phần và công dụng
Thuốc Mecasel có thành phần chính là Meloxicam (hàm lượng 7,5 mg) cùng các tá dược vừa đủ. Bạn có thể tham khảo tờ hướng dẫn được đính kèm trong hộp thuốc để biết thêm về thành phần đầy đủ của thuốc.
Mecasel là thuốc dùng dài hạn, có công dụng làm giảm các cơn đau mãn tính như:
- Viêm đau xương khớp (thoái hóa khớp, biến dạng khớp).
- Viêm khớp dạng thấp.
- Viêm cột sống dính khớp.
Ngoài các bệnh lý trên, thuốc Mecasel có thể sẽ được sử dụng cho những mục đích khác.
2. Chống chỉ định
Những trường hợp sau đây chống chỉ định với Mecasel:
- Người quá mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
- Bệnh nhân có tiền sử nhạy cảm chéo với aspirin và các NSAID khác.
- Người có dấu hiệu hen suyễn, bị polyp mũi, phù mạch hoặc nổi mề đay do aspirin và các thuốc nhóm NSAID.
- Người bị loét dạ dày, tá tràng và bệnh đang có những diễn biến phức tạp.
- Bị suy gan nặng.
- Bị suy thận nặng và không chạy thận nhân tạo.
- Phụ nữ đang mang thai và đang trong giai đoạn cho con bú.
- Người bị xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não hoặc tất cả các dạng xuất huyết khác.
- Trẻ em dưới 18 tuổi.
- Người đang điều trị bệnh mạch vành hoặc suy tim nặng.
3. Dạng bào chế – hàm lượng
Thuốc Mecasel được bào chế ở dạng viên nén, đóng gói ở dạng vỉ, mỗi vỉ 10 viên nén.
4. Cách dùng – liều dùng
Cũng như những loại thuốc Tây khác, bạn không nên sử dụng khi chưa hiểu rõ về cách dùng và liều lượng của thuốc.
Theo đó, Mecasel được dùng bằng đường uống, người bệnh nên uống thuốc với nhiều nước và không nên nhai nát thuốc trước khi uống. Dưới đây là liều lượng được khuyến cáo cho từng mục đích khác nhau khi đối với thuốc Mecasel:
- Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp: Dùng 15 mg/ngày, tùy theo khả năng đáp ứng điều trị mà có thể giảm liều còn 7,5 mg/ngày.
- Viêm đau xương khớp: Mỗi ngày dùng 7,5mg nhưng trong trường hợp cần tăng liều thì có thể dùng 15 mg/ngày.
- Đối với bệnh nhân có phản ứng phụ cao: Cần khởi đầu điều trị với liều là 7,5 mg/ngày.
- Bệnh nhân suy thận nặng (phải chạy thận nhân tạo): Liều dùng không quá 7,5 mg/ngày.
- Liều dùng cho trẻ em: Chưa được xác định.
Người bệnh cần có sự chỉ định về liều lượng của bác sĩ trước khi sử dụng Mecasel.
5. Hướng dẫn bảo quản
Bảo quản thuốc Mecasel ở nơi thoáng mát, độ ẩm ổn định và tránh sự chiếu sáng trực tiếp của ánh sáng mặt trời. Tủ lạnh, nhà tắm không phải là nơi bạn có thể bảo quản được thuốc vì điều kiện ở đó sẽ khiến cho tình trạng ẩm mốc xảy ra nhanh hơn.
Nên để thuốc vào trong tủ thuốc và khóa lại, tránh trường hợp trẻ em hoặc thú nuôi nuốt phải.
Những điều bạn cần lưu ý khi sử dụng thuốc Mecasel
1. Thận trọng
Những trường hợp sau đây cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc Mecasel:
- Bệnh nhân có tiền sử mắc phải các bệnh về đường tiêu hóa trên.
- Người đang điều trị bằng các loại thuốc kháng đông hoặc có phản ứng ngoại ý trên da.
- Người có nguy cơ bị giảm lưu lượng máu thận và thể tích máu. Cụ thể như các bệnh lý: Mất nước mãn tính, suy tim sung huyết, xơ gan, hội chứng thận hư, suy thận.
- Người đang dùng các thuốc lợi tiểu.
- Người cao tuổi bị suy kiệt.
Ngoài ra, bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc Mecasel ngay sau khi nhận thấy các biểu hiện của bệnh loét dạ dày tá tràng hay xuất huyết tiêu hóa.
Liều dùng Mecasel dành cho bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối không được vượt quá 7,5 mg/ngày. Tuy nhiên, trường hợp suy thận nhẹ hay vừa thì không cần phải giảm liều (đối với bệnh nhân có độ thanh thải creatinin lớn hơn 25 ml/phút).
Cũng như các phần lớn các NSAID, thuốc có thể làm tăng transaminase huyết thanh và các thông số chức năng gan khác (thường chỉ thoáng qua). Vì vậy, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và tiến hành các xét nghiệm theo dõi nếu sự gia tăng này trở nên đáng kể hoặc bất thường.
2. Tác dụng phụ
Người sử dụng có thể gặp phải một số tác dụng phụ khi uống thuốc Mecasel trong thời gian dài với liều lượng lớn. Mức độ nặng nhẹ và thời gian kéo dài của các tác dụng phụ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và thường gặp nhất là các biểu hiện sau:
- Khó tiêu, đầy hơi.
- Buồn nôn và nôn.
- Táo bón.
- Tiêu chảy.
- Đau đầu, chóng mặt.
- Ù tai.
- Một số bất thường thoáng qua do thay đổi các thông số men gan.
- Ngứa, phát ban da.
- Nổi mề đay.
- Thiếu máu, rối loạn công thức máu (rất hiếm).
- Hồi hộp.
- Loét và chảy máu đường tiêu hóa.
Bệnh nhân cũng có thể gặp phải các tác dụng hiếm gặp khác chưa được đề cập ở trên. Thông thường, những phản ứng phụ này sẽ thuyên giảm sau khi bạn được điều chỉnh lại liều lượng thuốc Mecasel hàng ngày.
3. Tương tác thuốc
Những phản ứng tương tác giữa các loại thuốc khác nhau sẽ có thể làm giảm hoạt động của thuốc và gia tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ. Trong đó, Mecasel có sự tương tác với những thuốc, nhóm thuốc sau đây:
- Các thuốc NASID nhóm khác: Làm tăng nguy cơ bị xuất huyết tiêu hóa do tác động hiệp lực.
- Thuốc kháng đông, thuốc làm tan huyết khối: Làm tăng guy cơ chảy máu nội tạng.
- Thuốc Lithium: Nồng độ lithium trong huyết tương sẽ được nâng cao hơn, vượt mức bình thường.
- Methotrexat: Sự tương tác sẽ làm tăng độc tính trên hệ tạo máu.
- Các thuốc hạ huyết áp: Uống song song với Mecasel sẽ làm giảm các tác dụng hạ huyết áp của thuốc.
- Thuốc Cholestyramin: Gia tăng sự đào thải thành phần meloxicam do sự liên kết ở ống tiêu hóa.
4. Xử lý khi dùng thiếu liều
Trường hợp bạn quên dùng 1 liều Mecasel, hãy dùng ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu đã sắp đến giờ uống liều tiếp theo, có thể bỏ qua liều đã quên, tự ý gấp đôi liều sẽ khiến bạn gặp phải các vấn đề về tiêu hóa. Ngược lại, nếu bạn không cẩn thận dùng quá liều thì hãy thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Những thông tin về thuốc Mecasel trên chỉ mang tính tham khảo, mọi thắc mắc về liều lượng bạn vui lòng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn khi dùng.
Có thể bạn quan tâm
- 10 thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp tốt nhất hiện nay
- Waruwari là thuốc gì? Liều dùng và thận trọng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!