Cách dùng - Liều lượng thuốc Cefapirin kháng sinh cephalosporin thế hệ I
Thuốc Cefapirin là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ I, có tác dụng tương tự như Cefalotin. Thuốc được sử dụng trong trường hợp nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm như viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn da, đường tiêu hóa, đường hô hấp trên và dưới,…
- Tên thuốc: Cefapirin
- Phân nhóm: Kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ I
- Dạng bào chế: Thuốc bột pha tiêm
Những thông tin cần biết về thuốc Cefapirin
1. Tác dụng
Thuốc Cefapirin là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ I, có tác dụng tương tự như Cefalotin. Cefapirin hoạt động bằng cách ức chế sinh tổng hợp thành tế bào nhằm ngăn chặn quá trình phân đôi của khuẩn gây bệnh.
Thuốc Cefapirin nhạy cảm với hầu hết các cầu khuẩn gram dương và một số vi khuẩn gram âm, bao gồm chủng Staphylococcus nhạy cảm với methicillin, chủng vi khuẩn đường ruột E.coli, Shigella, Haemophilus influenza, Clostridium perfringens, chủng Streptococcus (bao gồm cả Streptococcus pneumonia nhạy cảm với penicillin), Salmonella (trừ Salmonella paratyphi và Salmonella pneumonia), Proteus mirabilis, Neisseria gonorrhoeae,…
Ngoài ra, đã xuất hiện nhiều chủng vi khuẩn đã kháng lại Cefapirin, bao gồm chủng Streptococcus kháng penicillin, chủng Staphylococcus kháng methicillin, Citrobacter, Providencia,…
Cefapirin hấp thu ít qua đường tiêu hóa nên hầu như không được sử dụng bằng đường uống. Thuốc chủ yếu được dùng ở dạng tiêm bắp và tiêm/ truyền tĩnh mạch.
2. Chỉ định
Thuốc Cefapirin được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưỡi
- Viêm nội tâm mạc
- Nhiễm khuẩn ở xương, khớp, niêm mạc và da
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do Salmonella, E. coli hoặc Klebsiella
- Nhiễm khuẩn huyết
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu – sinh dục
- Dự phòng nhiễm khuẩn khi điều trị ngoại khoa
3. Chống chỉ định
Không sử dụng thuốc Cefapirin cho những trường hợp sau:
- Dị ứng với lidocain (lidocain có trong dung môi pha tiêm khi sử dụng thuốc ở dạng tiêm bắp)
- Quá mẫn với bất cứ kháng sinh nhóm cephalosporin
- Không tiêm bắp cho trẻ dưới 30 tháng tuổi
4. Dạng bào chế – hàm lượng
- Thuốc Cefapirin được bào chế ở dạng thuốc bột pha tiêm (thường ở dạng muối natri).
- Hàm lượng: Lọ 1g Cefapirin x dung môi pha thuốc 5ml/ ống.
5. Cách sử dụng – liều dùng
Khi sử dụng thuốc ở dạng tiêm tĩnh mạch, cần pha với dung dịch natri clorid 0.9% hoặc dung dịch glucose 5% rồi tiêm tĩnh mạch chậm trong khoảng 3 – 5 phút.
Trong trường hợp truyền tĩnh mạch, cần pha dung dịch Cefapirin vào trong 250 – 500ml dung dịch natri clorid 0.9% hoặc glucose 5% và truyền trong 24 giờ.
Người lớn:
Liều dùng thông thường khi điều trị nhiễm khuẩn
- Tiêm bắp/ tiêm tĩnh mạch từ 0.5 – 1g, lặp lại sau 4 – 6 giờ
- Nếu nhiễm khuẩn nặng, có thể tiêm đến 12g/ ngày
- Bệnh nhân suy thận: Tiêm liều 7.5 – 15mg/ kg
Liều dùng nhằm đề phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật
- Tiêm tĩnh mạch 1 – 2g trong 30 – 60 phút trước và sau khi phẫu thuật
- Sau 6 giờ tiêm lại 1 liều và duy trì trong vòng 24 giờ sau khi mổ
Trẻ em:
Liều dùng thông thường khi điều trị nhiễm khuẩn
- Dùng 100mg/ kg/ ngày, chia thành 3 – 4 lần dùng
- Không sử dụng thuốc ở dạng tiêm bắp cho trẻ dưới 30 tháng tuổi
Trong một số trường hợp nhiễm khuẩn riêng biệt, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng tùy vào mức độ nhiễm khuẩn và khả năng đáp ứng của người bệnh.
Bài viết cung cấp một số liều dùng cho các trường hợp nhiễm khuẩn đặc biệt. Tuy nhiên thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, vì vậy hãy chắc chắn bạn đã trao đổi với bác sĩ trước khi quyết định sử dụng.
Liều dùng thông thường khi điều trị viêm nội tâm mạc do các chủng Streptococcus nhạy cảm
- Dùng 6g Cefapirin/ ngày phổi hợp với Vancomycin 2g/ ngày
- Nếu do S. aureus cần dùng 6g Cefapirin/ ngày phối hợp với Fluoroquinolon/ Vancomycin 2g/ ngày
Liều dùng thông thường khi điều trị viêm màng ngoài tim do các khuẩn nhạy cảm
- Sử dụng thuốc Cefapirin phối hợp với aminoglycoside
Liều dùng thông thường khi điều trị viêm tủy xương do H. influenza và S. aureus ở trẻ từ 2 – 6 tuổi
- Dùng Cefapirin phối hợp với kháng sinh aminoglycoside
Liều dùng thông thường khi điều trị nhiễm trùng huyết do Streptococcus aureus nhạy cảm methicillin
- Dùng 3 – 6g Cefapirin/ ngày phối hợp với Rifampicin 20mg/ kg/ ngày
- Nếu nhiễm trùng huyết do Streptococcus nhóm A: Dùng 6g Cefapirin/ ngày
- Nhiễm trùng huyết do Streptococcus nhóm B: Dùng 2 – 6g/ ngày
- Nhiễm trùng huyết do S. pneumonia: Dùng 2 – 4g/ ngày
6. Bảo quản
Bảo quản thuốc Cefapirin ở nhiệt độ từ 15 – 30 độ c. Thuốc bột đã pha tiêm chỉ có hiệu lực trong 12 giờ nếu bảo quản ở nhiệt độ thường. Trong trường hợp bảo quản dưới 4 độ C, dung dịch có thể ổn định trong vòng 10 ngày.
Tham khảo thêm: Tixocortol là thuốc gì?
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Cefapirin
1. Thận trọng
Vì có tác dụng và tính chất tương tự như penicillin nên bệnh nhân dị ứng với nhóm kháng sinh này có nguy cơ dị ứng chéo với cephalosporin. Do đó cần phải thận trọng khi dùng Cefapirin cho các bệnh nhân này.
Cefapirin thải trừ qua mật vì vậy cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân có vấn đề về gan và mật. Đồng thời cần giảm liều cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận. Thuốc Cefapirin được khuyến cáo tiêm tĩnh mạch, nếu tiêm bắp cần phải tiêm sâu.
Thuốc có thể đi vào nhau thai nhưng không có ghi nhận báo cáo về khả năng gây quái thai của Cefapirin. Tuy nhiên chỉ sử dụng thuốc cho sản phụ trong trường hợp cần thiết. Cefapirin có thể bài tiết qua sữa mẹ nhưng hầu như không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ bú mẹ.
2. Tác dụng phụ
Tác dụng phụ thường gặp:
- Phát ban sần
- Viêm tĩnh mạch huyết khối (thường gặp ở bệnh nhân tiêm/ truyền thuốc qua tĩnh mạch)
- Đau ở chỗ tiêm
- Tăng bạch cầu ưa eosin
Tác dụng phụ ít gặp:
- Nổi mề đay
- Sốt
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Giảm bạch cầu hạt trung tính
- Thiếu máu tan huyết
- Giảm tiểu cầu
- Sốc phản vệ
- Tiêu chảy
- Nôn mửa
- Viêm đại tràng giả mạc
- Buồn nôn
3. Tương tác thuốc
Cần thận trọng khi phối hợp Cefapirin với những loại thuốc sau đây:
- Colistin (kháng sinh nhóm polymyxin): Dùng đồng thời với kháng sinh nhóm cephalosporin có thể tăng nguy cơ tổn thương thận.
- Probenicid: Loại thuốc này làm giảm độ thanh thải của thận đối với Cefapirin, vì vậy có thể làm tăng nồng độ của Cefapirin trong huyết tương.
- Aminoglycoside (Gentamicin): Dùng phối hợp với Cefapirin có thể tăng độc tính đối với thận. Vì vậy chỉ sử dụng phối hợp trong trường hợp thực sự cần thiết.
Ngoài ra, thuốc Cefapirin có thể ảnh hưởng đến một số kết quả của các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm định lượng creatinin bằng phương pháp Jaffle: Cefapirin có thể gây tăng giả tạo định lượng creatinin.
- Dương tính giả trong xét nghiệm glucose nước tiểu: Cefapirin có thể làm cho các phản ứng khử bị dương tính giả.
- Thử nghiệm chéo trong máu: Cefapirin gây ra phản ứng Coombs và gây dương tính giả.
Để kết quả xét nghiệm phản ánh đúng tình trạng sức khỏe, bạn nên thông báo với nhân viên y tế việc đang sử dụng thuốc Cefapirin.
4. Tương kỵ
Trộn dung dịch kháng sinh nhóm aminoglycoside với cephalosporin có thể làm mất nhiều hoạt tính của nhau. Khi dùng đồng thời cần tiêm ở những vị trí khác nhau.
5. Quá liều & xử trí
Quá liều thuốc Cefapirin có thể gây sốc phản vệ. Trong trường hợp này cần ngưng tiêm/ truyền thuốc và tăng quá trình đào thải bằng cách truyền dung dịch natri clorid đẳng trương. Đồng thời phải theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sống, đảm bảo thông khí và điều trị triệu chứng khi cần thiết.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiến hành thẩm phân máu nhằm loại bỏ 25 – 50% lượng Cefapirin trong cơ thể.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Prednisone: Công dụng, cách sử dụng và liều lượng
- Otifar là thuốc gì? Công dụng và cách dùng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!