Cha mẹ học cách xử lý bệnh “Viêm mũi dị ứng ở trẻ em”
Tỷ lệ viêm mũi dị ứng ở trẻ em ngày càng tăng. Nhìn chung, 80% bệnh nhân được chẩn đoán là bị viêm mũi dị ứng trước 20 tuổi. Trong đó có 80-90% trẻ em có triệu chứng viêm mũi dị ứng tiếp tục đến tuổi trưởng thành.
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Giống như viêm mũi dị ứng ở người lớn, trẻ em cũng bị mắc phải do các nguyên nhân sau đây
- Dị ứng với phấn hoa hoặc cây cỏ.
- Mạt bụi.
- Lông động vật.
- Môi trường ô nhiễm.
- Khói thuốc lá.
- Bào tử nấm.
- Thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Thông thường, trẻ em mắc bệnh hen suyễn thường có nguy cơ bị viêm mũi dị ứng cao hơn những đứa trẻ khác. Bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng chính là tác nhân gây bùng phát bệnh. Nếu gia đình có người bị viêm mũi dị ứng thì khả năng mắc phải bệnh ở trẻ là rất cao.
Triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em thường xuất hiện thành từng cơn sau khi trẻ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Và biểu hiện cụ thể đó là:
- Nghẹt mũi gây khó thở, trẻ phải thở bằng miệng.
- Sổ nước mũi.
- Chảy máu cam.
- Hắt xì.
- Ngứa mắt, tai và họng.
- Đau đầu, đau họng.
Tùy thuộc vào cơ địa của mỗi trẻ mà các triệu chứng bệnh xuất hiện thường không giống nhau. Do đó, nếu thấy con xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào nghi là do viêm mũi dị ứng gây ra, cha mẹ nên đưa con đến ngay bệnh viện để thăm khám.
Chẩn đoán viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Bác sĩ sẽ thực hiện đầy đủ tất cả các thủ thuật kiểm tra bao gồm cả lâm sàng và cận lâm sàng để giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng. Trước khi tiến hành các xét nghiệm, chuyên viên y tế sẽ đánh giá tình trạng bệnh thông qua các bộ phận như đầu, tai, mắt, cổ họng và mũi.
Nếu không đưa ra được kết quả, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thường hữu ích trong việc chẩn đoán bệnh, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm da: Độ nhạy và độ đặc hiệu cao với hoạt chất gây dị ứng.
- IgE đặc hiệu của dị ứng: Xét nghiệm này khá hữu ích nếu nghi ngờ bệnh là do chất dị ứng gây ra.
- IgE huyết thanh.
- Xét nghiệm dịch mũi.
Ngoài ra, bác sĩ có thể đo phế dung để xem xét viêm mũi dị ứng có phải do bệnh hen suyễn gây ra. Hoặc chụp CT hay nội soi mũi để kiểm tra trực tiếp đường hô hấp có bị nhiễm trùng, đồng thời giúp đánh giá polyp mũi.
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em được điều trị như thế nào?
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em thường khó điều trị và bệnh thường tái phát lại. Vì vậy, để chấm dứt bệnh cho con, cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau:
1. Tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng
Mục tiêu điều trị viêm mũi dị ứng là làm giảm các triệu chứng của bệnh xuống mức tối thiểu. Tránh không cho trẻ tiếp xúc với chất gây dị ứng là biện pháp hữu hiệu nhất giúp cải thiện và phòng chống bệnh. Cha mẹ nên vệ sinh nhà cửa, chăn trải giường, nệm, gối sạch sẽ để hạn chế trẻ tiếp xúc với mạt nhà. Bởi đây là một trong những tác nhân gây viêm mũi dị ứng phổ biến.
Ngoài ra, không cho con chơi đùa cùng với thú cưng. Đồng thời, dùng máy tạo ẩm để làm ẩm không khí trong nhà, hạn chế tình trạng niêm mạc mũi bị khô gây kích ứng và viêm. Khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang cho con. Quan trọng hơn, nếu viêm mũi dị ứng ở con là do phấn hoa, cha mẹ không nên phơi đồ ngoài trời, nhất là vào những mùa phấn hoa nhiều.
2. Dùng nước muối rửa mũi
Đây là cách điều trị viêm mũi dị ứng ít tốn kém nhưng giúp cải thiện bệnh đáng kể. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý không chỉ giúp cải thiện chức năng niêm mạc mũi mà còn làm giảm phù nề niêm mạc. Không chỉ thế, nước muối còn giúp làm loãng dịch nhầy, đồng thời giúp tiêu diệt vi khuẩn.
Nước muối sinh lý có thể sử dụng cho trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên. Vì vậy, bố mẹ có thể dùng để rửa mũi cho con. Tuy nhiên, không nên lạm dụng nước muối, bởi nồng độ natri cao có thể gây teo niêm mạc mũi dẫn đến kích ứng và khiến bệnh thêm nặng.
3. Dùng thuốc điều trị
Có rất nhiều nhóm thuốc dùng để điều trị bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ. Thuốc thường được phân thành 2 loại đó là thuốc uống và thuốc dùng tại chỗ.
# Nhóm thuốc uống
+ Thuốc kháng histamine
Các nhóm thuốc kháng histamin thế hệ 1 như chlorphenamine giúp làm giảm triệu chứng ngảy mũi, chảy nước mũi, ngứa mũi, chảy nước mắt ở trẻ em. Tuy nhiên, các loại thuốc này không có tác dụng trong điều trị nghẹt mũi. Bên cạnh đó, thuốc có tác dụng an thần gây buồn ngủ và ảnh hưởng đến khả năng học tập và tập trung của trẻ.
Thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai như desloratadine, loratadine, cetirizine, levocitirizine, azelastine,… làm giảm đáng kể triệu chứng bệnh chỉ sau 4 tuần sử dụng. Bên cạnh đó, thuốc thường ít gây buồn ngủ và ít tác dụng phụ hơn thế hệ trước đó. Nhưng để đảm bảo an toàn cho con trẻ, trước khi sử dụng thuốc cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
+ Nhóm thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được bác sĩ kê đơn dùng khi bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc dùng khi chưa có sự chỉ định của chuyên viên y tế.
+ Thuốc cường giao cảm
Nhóm thuốc pseudoephedrine, ephedrin và phenylephrine có tác dụng thông mũi và cải thiện tình trạng nghẹt mũi. Nhóm thuốc này chỉ dùng cho người lớn nhưng đối với những trẻ bệnh nặng, bác sĩ có thể kê đơn sử dụng.
# Thuốc dùng tại chỗ
Đối với trẻ em, cha mẹ không nên dùng các loại thuốc co mạch hay thuốc xịt mũi để điều trị bệnh cho con. Bởi thuốc có thể gây tác dụng phụ dẫn đến choáng và tím tái. Bên cạnh đó, những loại thuốc này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tim, gan và thận của trẻ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi có chứa NaCl 0,9 để làm sạch mũi cho con.
4. Phương pháp điều trị bằng thuốc khác
Leukotriene là chất trung gian gây viêm được sản xuất bởi các tế bào viêm bao gồm cả tế bào mast và bạch cầu ái toan. Hoạt chất này gây ngứa và khó chịu ở mũi. Vì vậy, để kiểm soát triệu chứng và loại bỏ căn nguyên gây bệnh, thuốc kháng Leukotriene thường được bác sĩ khuyến cáo sử dụng để điều trị bệnh.
Montelukast là thuốc được khuyên dùng để chữa viêm mũi dị ứng ở trẻ em lớn hơn 6 tuổi. Bởi thuốc dung nạp khá tốt và tác dụng phụ ít. Tuy nhiên, sau 2 – 4 tuần điều trị, nếu triệu chứng bệnh không thuyên giảm, cha mẹ nên nói chuyện với bác sĩ để xem xét loại thuốc thay thế khác, phù hợp hơn.
5. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch hay giải mẫn cảm là biện pháp liên quan đến việc tiếp xúc giữa cơ thể với tác nhân gây dị ứng. Bác sĩ sẽ đưa dị nguyên mẫn cảm vào cơ thể theo đường tiêm dưới da hoặc dưới lưỡi với nồng độ và liều lượng tăng dần. Mục đích của việc làm này là kích thích cơ thể hình thành kháng thể để bao vây chống lại tác nhân gây hại. Đồng thời giúp cơ thể thích nghi với chất gây dị ứng, ngăn ngừa triệu chứng viêm mũi dị ứng xuất hiện.
Liệu pháp miễn dịch thường mang lại kết quả điều trị khá cao khoảng 60 – 80%. Tuy nhiên, thời gian điều trị bệnh khá dài ít nhất từ 6 tháng đến 3 năm để cơ thể sản xuất và duy trì kháng thể chống lại tác nhân gây dị ứng. Vì vậy, đòi hỏi người bệnh cần phải kiên trì.
ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
Tham khảo thêm: Biến chứng do viêm mũi dị ứng là cực kỳ nguy hiểm: Cần ngăn chặn ngay!
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!