Viêm amidan và viêm VA khác nhau như thế nào?
Viêm amidan và viêm VA đều là những bệnh tai mũi họng thường gặp ở trẻ em. Mặc dù có những biểu hiện tương tự nhau, nhưng bản chất của 2 căn bệnh này lại có những điểm khác biệt. Phân biệt rõ viêm amidan và viêm VA sẽ giúp việc điều trị được diễn ra một cách thuận lợi và hiệu quả.
Dựa vào đâu để phân biệt viêm amidan và viêm VA?
Là 2 căn bệnh tai mũi họng thường gặp, viêm amidan và viêm VA đều gây ra các triệu chứng tương tự nhau. Người bệnh sẽ bị sốt cao, nghẹt mũi, chán ăn, khiến cơ thể mệt mỏi… Để phân biệt bệnh viêm amidan và viêm VA, chúng ta thường dựa vào các yếu tố sau đây:
1/ Cấu trúc
Amidan là một thuật ngữ tiếng Pháp, được dùng để chỉ các mô bạch huyết nằm ở ngã tư hầu họng, nơi giao thoa giữa đường ăn và đường thở. Các mô này vây xung quanh cửa hầu để tạo nên một vòng kín gọi là vòng bạch huyết quanh hầu (vòng Waldayer).
Khác với amidan, VA dùng để chỉ khối lympho nằm ở nóc vòm họng. Tương tự như amidan, VA cũng là một bộ phận của vòng bạch huyết quanh hầu (vòng Waldayer) ở họng. Khi bị một tác nhân gây hại tấn công, những khối lympho này bị viêm, sưng gây bệnh viêm VA.
Cả amidan và VA đều là những bộ phận bình thường của con người, xuất hiện từ lúc mới chào đời. Chúng có xu hướng phát triển ở giai đoạn trẻ nhỏ, càng lớn chúng càng teo dần đi.
2/ Đối tượng mắc bệnh
Viêm amidan thường xảy ra ở độ tuổi từ 6 – 18 tuổi hoặc những người có độ tuổi lớn hơn.
Với viêm VA, bệnh bắt đầu xuất hiện ở những trẻ từ 6 tháng tuổi, phổ biến ở độ tuổi từ 2 – 5. Sau đó VA bị teo dần, khả năng mắc bệnh cũng giảm theo. Tuy nhiên, với những người bị viêm VA kéo dài thì khi trưởng thành, họ cũng sẽ có nguy cơ bị lại.
3/ Triệu chứng
Cả 2 căn bệnh đều diễn tiến qua 2 giai đoạn là cấp tính và mãn tính. Tùy vào từng giai đoạn khác nhau mà bệnh cũng gây ra các biểu hiện khác nhau. Thông thường, viêm amidan và viêm VA sẽ gây ra các triệu chứng như sau:
♦ Với viêm amidan:
- Viêm amidan cấp tính: Biểu hiện đầu tiên dễ thấy nhất là cơ thể sốt cao 38 – 39ºC. Đi kèm với sốt là cơ thể mệt mỏi, đau đầu, cảm thấy chán ăn, tiểu tiện thấy có màu đỏ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ cảm thấy khó nuốt, khô rát vùng họng, ho có đờm, đau ngực, khàn tiếng…
- Viêm amidan mãn tính: Khi bệnh chuyển sang mãn tính, người bệnh hay bị sốt vặt, cổ họng có cảm giác ngứa rát, nuốt thấy vướng, hơi thở có mùi hôi, vào mỗi buổi sáng thường bị ho khan.
♦ Với viêm VA:
- Viêm VA cấp tính: Tương tự như viêm amidan, trẻ bị viêm VA sẽ có biểu hiện sốt cao, nhưng mức độ sốt lại trầm trọng hơn. Một số trường hợp có thể sốt đến 39 – 40ºC. Đi kèm với sốt cao là bị nôn mửa, hệ tiêu hóa bị rối loạn, co giật, khó thở… Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị nghẹt mũi, sổ mũi, ngủ ngáy. Nếu đối tượng mắc bệnh là người trưởng thành, họ sẽ thấy mệt mỏi, khô rát vùng cổ họng, đau đầu…
- Viêm VA mãn tính: Biểu hiện thường gặp ở những trẻ bị viêm VA mãn tính là ho, hay sốt vặt, quá trình phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ có các biểu hiện khác như nghẹt mũi, sổ mũi, phải thường xuyên thở bằng đường miệng…
4/ Biến chứng
Nếu không được chữa trị sớm, viêm amidan và viêm VA có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Cụ thể như sau:
♦ Viêm amidan:
- Biến chứng tại chỗ: Gây viêm quanh vùng amidan, áp xe quanh amidan… Những biến chứng này thường xảy ra ở những trẻ bị viêm amidan cấp tính, không được chữa trị dứt điểm. Bệnh kéo dài làm cho các vi khuẩn xâm nhập sâu gây sưng, tạo mủ tại amidan. Nếu bị áp xe, viêm quanh amidan, người bệnh sẽ thấy bị đau răng, cơn đau lan dần lên tai, ăn uống khó khăn vì khó mở miệng và khó nuốt.
- Biến chứng gần: Viêm amidan có thể gây ra các biến chứng khác như viêm xoang, viêm mũi, viêm tai giữa, viêm tấy hạch dưới hàm, viêm thận, viêm khớp….
♦ Viêm VA:
Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhưng viêm VA lại rất dễ tái phát. Ngoài ra, nếu không được chữa trị sớm, bệnh có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng khác. Cụ thể:
- Biến chứng gần: Viêm tai giữa, viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản… Ngoài ra, bệnh sẽ làm cho trẻ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây suy tim, thậm chí khiến trẻ bị ngừng thở và dẫn đến tử vong.
- Biến chứng xa: Viêm khớp, viêm tim, viêm thận
- Biến chứng toàn thân: Hệ tiêu hóa bị rối loạn, quá trình phát triển khối xương mặt hoặc lồng ngực bị ảnh hưởng.
5/ Điều trị
Vì đây là 2 căn bệnh khác nhau nên cách điều trị cũng có sự khác biệt. Thông thường, chúng sẽ được chữa trị theo những cách như sau:
♦ Điều trị viêm amidan:
- Với viêm amidan cấp tính: Tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng các loại thuốc khác nhau. Những loại thuốc thường được sử dụng bao gồm: Thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, các loại thuốc nhỏ mũi, xịt mũi, thuốc làm loãng chất nhầy…
- Viêm amidan mãn tính: Có thể được chỉ định phẫu thuật cắt amidan.
♦ Điều trị viêm VA:
Nếu trẻ bị viêm VA nhẹ, có thể tự điều trị tại nhà bằng cách xây dựng chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần thường xuyên dùng dung dịch nước muối để rửa mũi cho trẻ. Phải tắm rửa, vệ sinh cho trẻ thường xuyên, giữ ấm cho trẻ nếu trời lạnh để giúp cho bệnh nhanh khỏi hơn.
Với những trường hợp nặng hơn, cha mẹ nên đưa trẻ đến các bệnh viện để bé được thăm khám và điều trị kịp thời. Tùy vào mức độ bệnh mà bác sĩ có thể kê các loại thuốc kháng viêm, kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, các loại thuốc kháng histamin cho bé sử dụng. Tuy nhiên, khi bị viêm VA nặng, trẻ bị tắc nghẹt mũi hoàn toàn thì sẽ được chỉ định phẫu thuật nạo VA.
Cách phòng ngừa bệnh viêm amidan và viêm VA
Viêm amidan và viêm VA đều là những bệnh tai mũi họng, xảy ra khi bị các vi khuẩn và virus tấn công. Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, tuy nhiên đối tượng thường gặp nhất là trẻ nhỏ. Vì trẻ em có hệ miễn dịch còn yếu nên dễ dàng bị các tác nhân xấu từ bên ngoài xâm nhập. Do đó, các biện pháp phòng bệnh viêm amidan và viêm VA cũng tương tự nhau.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho trẻ và cho chính bản thân, các bậc phụ huynh có thể áp dụng một số biện pháp như sau:
- Xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học: Cơ thể được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ giúp cho hệ miễn dịch được hoạt động tốt hơn.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Răng miệng không được vệ sinh thường xuyên hoặc vệ sinh không đúng cách cũng có thể gây viêm amidan hoặc viêm VA. Nên tập thói quen cho trẻ đánh răng ít nhất là 2 lần mỗi ngày, súc miệng bằng nước muối để diệt vi khuẩn…
- Tập thói quen tốt cho trẻ: Nên tập cho trẻ những thói quen tốt như rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không ngậm đồ vật, không cắn móng tay…
- Chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ họng cho trẻ vào những ngày thời tiết lạnh hoặc vào thời điểm giao mùa.
- Tiêm chủng vắc xin phòng cúm cho trẻ hàng năm.
- Nên tránh xa khói bụi, khói thuốc lá hay những khu vực bị ô nhiễm…
Viêm amidan và viêm VA là 2 căn bệnh khác nhau, các cách điều trị cũng có những nét khác biệt. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc cả 2 chứng bệnh này bằng các biện pháp tương tự nhau. Hãy tham khảo các thông tin mà chúng tôi cung cấp trên đây để hiểu rõ hơn về viêm amidan và viêm VA. Từ đó xác định được hướng điều trị và cách phòng bệnh phù hợp.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm
- 10 cách chữa viêm amidan cho trẻ tại nhà hiệu quả, an toàn
- Trẻ bị viêm amidan sốt mấy ngày? Có cần đi bệnh viện?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!