Phì đại VA: Mọi điều bạn nên biết về căn bệnh này
Phì đại VA là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh gây nghẹt mũi, khó thở và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm tai giữa, ngưng thở khi ngủ…
Phì đại VA là gì?
VA là tổ chức nằm phía sau vòm miệng, nơi mũi nối thông với cổ họng. Nó đóng vai trò tạo ra kháng thể hoặc các tế bào bạch cầu để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là vi khuẩn.
Thông thường, VA xuất hiện ở trẻ ngay từ khi được sinh ra và phát triển cho đến khi các bé được 3-5 tuổi. Bước qua tuổi thứ 7, VA có khuynh hướng co lại và có thể biến mất khi trưởng thành.
Khi bị nhiễm bệnh, VA bị sưng to hơn nhưng có thể trở lại kích thích bình thường khi nhiễm trùng giảm. Tuy nhiên, trong một số người VA vẫn tiếp tiếp tục phát triển to hơn ngay cả khi kết thúc nhiễm trùng. Trường hợp này được xác định là mắc bệnh phì đại VA.
Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ nhỏ gây tắc nghẽn đường thở, ho, sốt. Để điều trị phì đại VA, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Việc lựa chọn phương pháp nào còn tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Nguyên nhân gây phì đại VA
Cơ chế hoạt động của VA tương tự như các mô bạch huyết, nó phóng to khi bị nhiễm trùng. Đôi khi, có quá nhiều vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào VA và tồn tại trong đó dẫn đến tình trạng nhiễm trùng mãn tính. Chúng khiến VA bị phình to trong nhiều năm và thậm chí có thể kéo dài cho đến tuổi trưởng thành.
Ngoài ra, bệnh phì đại VA cũng có thể được gây ra bởi dị ứng. Một số trẻ bị bệnh bẩm sinh, có VA phì đại ngay từ khi sinh ra.
Bệnh phì đại VA có triệu chứng như thế nào?
Tắc nghẽn mũi, khó thở được xem là triệu chứng đặc trưng của bệnh phì đại VA. Các VA khi phình to có thể đạt đến kích thước của một quả bóng bàn. Nó nằm chắn ngang mũi và chặn hoàn toàn luồng không khí qua đường mũi. Điều này khiến cho bệnh nhân bị khó thở, phải hít thở bằng miệng.
Khi VA bị nhiễm trùng, nó có thể tiết ra nhiều dịch nhầy khiến người bệnh bị nghẹt mũi. Chất dịch chảy xuống cổ họng mang theo một ổ vi khuẩn khiến cho niêm mạc cổ họng, thanh quản bị kích ứng và bị viêm. Dịch nhầy cũng có thể tràn vào lỗ vòi tai và tích tụ tại đây gây viêm tai giữa.
Ngoài ra, một số bệnh nhân còn gặp các triệu chứng khác như:
- Khó ngủ
- Ngủ ngáy
- Đau họng
- Khó nuốt
- Nứt nẻ môi và khô miệng (do khó thở)
- Ngưng thở tạm thời khi ngủ
Cách chẩn đoán bệnh phì đại VA
Để chẩn đoán bệnh phì đại VA, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp sau:
- Thăm khám lâm sàng: Đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi con bạn về các triệu chứng đang gặp phải. Chẳng hạn như bé đang gặp triệu chứng gì? Chúng xuất hiện bao lâu rồi? Có nghiêm trọng không? Hay có ảnh hưởng gì đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của bạn không?…
- Nội soi mũi sau: Một ống nhỏ mềm có gắn camera sẽ được đưa vào mũi để kiểm tra VA bên trong.
- Chụp X quang bên mũi họng: Giúp chẩn đoán phân biệt phì đai VA với u mạch máu và ung thư.
- Đo ký giác giấc ngủ: Trong trường hợp nghiêm trọng, có biểu hiện ngủ ngáy sẽ được đo ký giác giấc ngủ để xác định sớm tình trạng ngưng thở trong lúc ngủ. Trong quá trình thực hiện con bạn sẽ ngủ qua đêm tại bệnh viện và được theo dõi bằng các điện cực. Tuy không gây đau nhưng một số trẻ có thể gặp khó khăn và bất hợp tác khi phải ngủ ở một nơi xa lạ.
Phương pháp điều trị phì đại VA
Việc chữa phì đại VA bằng phương pháp nào còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu các tổ chức VA bị phình to nhưng không bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi định kỳ xem liệu VA có tự co lại khi trẻ tới tuổi trưởng thành hay không.
Bên cạnh đó, còn có các sự lựa chọn điều trị khác như:
- Dùng thuốc:
Trẻ có thể được chỉ định thuốc chống dị ứng nếu nguyên nhân VA bị phì đại là do dị ứng. Một số trường hợp được đề nghị dùng steroid để kháng viêm, giảm đau và cải thiện các triệu chứng khác của bệnh.
- Phẫu thuật:
Thông thường, các VA phì đại sẽ được cắt bỏ nếu trẻ không đáp ứng được với thuốc điều trị hoặc bị nhiễm trùng liên tục gây nghẹt mũi, khó thở, ngưng thở khi ngủ và các biến chứng ở tai, họng. Đây là một phẫu thuật đơn giản, ít gây ra biến chứng.
Trẻ sẽ được gây mê toàn thân trước khi thực hiện. Bác sĩ sẽ cắt bỏ VA thông qua đường miệng. Cuộc phẫu thuật kéo dài không quá hai giờ.
Sau ca phẫu thuật, trẻ có thể gặp phải một số vấn đề như đau họng, chảy máu nhẹ, đau tai, nghẹt mũi. Bác sĩ sẽ kê toa một loại kháng sinh để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng sau mổ. Con bạn cũng có thể cần dùng thuốc giảm đau trong vài ngày đầu.
Trẻ được khuyến khích uống sữa lạnh hay ăn đồ lạnh để cảm thấy dễ chịu hơn và tránh ăn thức ăn khi còn nóng trong bảy ngày đầu tiên. Sau vài tuần kể từ khi phẫu thuật phì đại VA, các triệu chứng khó chịu sẽ biến mất.
Bài viết vừa giúp bạn hiểu hơn về bệnh phì đại VA cũng như phương pháp điều trị căn bệnh này. Cần lưu ý thông tin bài viết cung cấp không thể thay thế cho chẩn đoán và phác đồ điều trị của bác sĩ. Bạn cần tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm chuyên môn trước khi áp dụng.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!