Phương pháp nạo VA: Khi nào cần thực hiện và lưu ý điều gì?
Nạo VA là phẫu thuật loại bỏ VA bị viêm nhằm cải thiện các triệu chứng như sổ mũi, sốt, viêm xoang, nghẹt mũi,… Trước khi quyết định thực hiện phương pháp này cho trẻ, phụ huynh cần trang bị kiến thức cần thiết để chủ động phòng ngừa các biến chứng sau phẫu thuật.
Những thông tin cần biết về phương pháp nạo VA cho trẻ
VA là một mô lympho nằm ở vòm mũi họng. Cơ quan này đảm nhiệm chức năng miễn dịch, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Thông thường, các vấn đề về VA sẽ xuất hiện ở trẻ từ 6 tháng – 4 tuổi. Lúc này, cơ thể trẻ đã dùng hết kháng thể từ mẹ và buộc phải sử dụng hệ miễn dịch non yếu để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.
Viêm VA khiến trẻ bị nghẹt mũi kéo dài, sốt, viêm tai giữa, viêm mũi, ho,… Tuy nhiên nếu trẻ chỉ bị viêm VA cấp tính, điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm,… có thể chữa trị dứt điểm tình trạng này. Thời gian điều trị thường khoảng 5 – 10 ngày, một số trường hợp nặng có thể kéo dài từ 3 – 4 tuần.
1. Nạo VA được thực hiện khi nào?
Nạo VA được thực hiện trong các trường hợp sau:
- VA phình đại quá to (gây bít tắc gần hết đường mũi sau), ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của trẻ. Và không thuyên giảm hoặc chỉ thuyên giảm không đáng kể khi điều trị nội khoa.
- VA bị nhiễm trùng thường xuyên, có dấu hiệu tái phát nhiều lần trong một năm. Tình trạng này kéo dài gây ra các biến chứng như: viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm thanh quản, rối loạn tiêu hóa, viêm xoang tái phát, giảm thính lực,…
VA bị viêm trong một thời gian dài là điều kiện để vi khuẩn trú ngụ và tấn công vào những cơ quan khỏe mạnh. Do đó nạo VA không chỉ là phương pháp điều trị bệnh mà còn là cách ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.
XEM THÊM: Viêm VA quá phát có nguy hiểm không? Cách chữa?
2. Chi phí nạo VA cho trẻ
Chi phí nạo VA phụ thuộc vào tình trạng bệnh của trẻ và kỹ thuật nạo VA được áp dụng. Giá nạo VA có thể dao động từ 1 – 1,5 triệu đồng.
Để biết giá thành cụ thể, bạn nên trao đổi trực tiếp với nhân viên tại cơ sở y tế trẻ thăm khám và điều trị.
Những điều cần lưu ý khi thực hiện nạo VA cho trẻ
1. Chỉ định nạo VA
Nạo VA được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Viêm VA tái phát nhiều lần trong năm (thường là trên 5 lần/ năm)
- Tình trạng không đáp ứng với điều trị nội khoa
- Viêm VA đã gây ra các biến chứng như nghẹt mũi kéo dài, bít tắc cửa mũi sau,…
2. Chống chỉ định nạo VA
Nạo VA chống chỉ định tuyệt đối với những trẻ có bệnh về máu, bệnh lao tiến triển hoặc bệnh tim nặng.
Ngoài ra, trẻ đang gặp các vấn đề sau nên điều trị dứt điểm trước khi tiến hành nạo VA.
- Viêm nhiễm cấp vùng mũi họng
- Cơ địa dị ứng, hen phế quản, hở hàm ếch,…
- Đang mắc các bệnh do virus cúm gây ra như ho gà, sởi, sốt xuất huyết, cúm,…
- Trẻ vừa uống hoặc tiêm vắc xin cần khoảng 2 tuần nghỉ ngơi mới có thể thực hiện nạo VA.
Trước khi thực hiện nạo VA cho trẻ, cần thông báo với bác sĩ các vấn đề sức khỏe mà trẻ gặp phải. Tuyệt đối không lơ là và chủ quan trong trường hợp này, những rủi ro có thể phát sinh nếu thực hiện nạo VA với những trẻ đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe.
3. Biến chứng trong và sau khi nạo VA
Mặc dù hiện nay các kỹ thuật nạo VA mới ra đời đã cải thiện được những mặt hạn chế của kỹ thuật đầu tiên (dùng thìa nạo kim loại), tuy nhiên phương pháp này vẫn có thể gây ra các biến chứng trong và sau khi thực hiện.
Các biến chứng thường gặp như:
- Dụng cụ được sử dụng để banh miệng trong khi phẫu thuật có thể làm tổn thương nướu, lưỡi, môi hoặc làm gãy răng của trẻ.
- Một số trẻ bị nhiễm trùng, cơn đau kéo dài và mất nước khiến sức khỏe suy giảm. Trường hợp này gia đình buộc phải đưa trẻ đến bệnh viện để được truyền dịch và thực hiện các biện pháp kiểm soát cơn đau.
- Nếu trẻ bị chảy máu nhiều, bác sĩ có thể truyền máu để bù lại lượng máu đã mất.
- VA có thể mọc lại và tái phát tình trạng viêm, đặc biệt là ở những trẻ dưới 4 tuổi.
- Trẻ có thể bị thay đổi giọng sau khi nạo VA, tuy nhiên tình trạng này sẽ biến mất sau khoảng 4 tuần.
- Một số trẻ sau khi nạo VA vẫn không cải thiện các triệu chứng như đau họng, viêm xoang, chảy nước mũi, ngủ ngáy,…
- Rất hiếm có trường hợp vết sẹo phẫu thuật đóng kín toàn bộ thành mũi sau hoặc miệng. Tuy nhiên nếu con bạn gặp phải biến chứng này, trẻ có thể phải thực hiện phẫu thuật lần hai.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
HỮU ÍCH
- Bệnh viêm VA mãn tính: Cách chăm sóc và điều trị
- Viêm amidan và viêm VA: Cách nhận biết nhanh
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!