Tổng quan về ung thư đại tràng giai đoạn 4 (giai đoạn cuối)
Bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 4 có thể di căn đến gan, phổi, xương và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh nhân thường được phẫu thuật, hóa xạ trị hay áp dụng liệu pháp miễn dịch để kéo dài thời gian sống.
Bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 4 là gì?
Ung thư đại tràng giai đoạn 4 còn được gọi là ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Khi được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn này có nghĩa là các tế bào ung thư đã lan rộng ra khỏi thành đại tràng và ảnh hưởng đến các cơ quan khác như gan, phổi, xương hoặc các bộ phận ở xa hơn.
Theo GS.TS. Cố Tấn ( Chủ tịch hội Chuyên môn ung thư đại tràng), có đến hơn 70% bệnh nhân tìm đến bệnh viện khám và điều trị khi đã bị ung thư đại tràng giai đoạn muộn. Lúc này, việc điều trị thường không mang lại hiệu quả cao. Các phương pháp chữa trị được áp dụng chỉ nhằm mục đích làm giảm triệu chứng, kìm hãm bệnh phát triển và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Tìm hiểu thêm: Các giai đoạn của bệnh ung thư đại tràng và dấu hiệu nhất biết
Các triệu chứng của ung thư đại tràng giai đoạn cuối
Có khá nhiều bệnh nhân thắc mắc không biết ung thư đại tràng giai đoạn cuối có đau không? Ở giai đoạn muộn, bệnh gây ra những cơn đau bụng âm ỉ, nhức nhối hoặc đôi khi là đau quặn bụng kéo dài.
Ngoài ra, bệnh nhân sẽ thấy các biểu hiện rất rõ nét như:
- Có máu lẫn trong phân:
Máu thường có màu đỏ sẫm hoặc màu đen. Người bệnh ung thư đại tràng thời kỳ cuối thường bị đi cầu ra máu liên tục, số lượng máu mất nhiều. Tình trạng này kéo dài sẽ gây thiếu máu và xuất hiện thêm các triệu chứng khác như chóng mặt, mệt mỏi, da đen sạm…
- Táo bón hoặc tiêu chảy:
Biểu hiện này cũng có thể xuất hiện khi bạn gặp các vấn đề khác ở đường tiêu hóa. Tuy nhiên nếu tình trạng này diễn ra liên tục trong một thời gian dài và mọi phương pháp khắc phục đều không đạt hiệu quả thì bạn nên nghĩ đến ung thư đại tràng.
- Thay đổi hình dáng phân:
Khi bị ung thư đại tràng giai đoạn 4, khối u phát triển khá to và nó có thể gây tắc nghẽn đại tràng. Điều này khiến phân có hình dáng dẹt, mỏng giống như bút chì.
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược:
Mệt mỏi, không còn sức làm bất cứ việc gì cũng là một dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn cuối bạn nên đề phòng.
- Chướng bụng, đầy hơi:
Các khối u đại tràng có thể gây ra tắc nghẽn khiến việc tiêu hóa và đào thải phân ra ngoài gặp nhiều khó khăn. Kết quả là bạn luôn cảm thấy đầy bụng, chướng khí rất khó chịu.
- Sút cân nghiêm trọng:
Nếu bạn giảm liên tục từ 4kg trở lên mà không phải do ăn kiêng hoặc tập thể dục, có thể là ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Điều này càng được khẳng định chắc chắn nếu có mắc kèm theo các triệu chứng khác được đề cập.
Ngoài ra, ở giai đoạn cuối, các tế bào ung thư còn di căn đến gan, phổi, phúc mạc, xương và các cơ quan ở xa hơn. Khi ảnh hưởng đến bất kì cơ quan nào, nó cũng gây ra các triệu chứng tương tự như khi chúng ta mắc căn bệnh ung thư ở bộ phận đó. Chẳng hạn như:
- Ung thư đại tràng di căn gan: Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, sốt, ngứa, đau bụng, vàng da, vàng mắt, sưng ở chân…
- Ung thư di đại tràng di căn phổi: Ung thư đã lan đến phổi thường ảnh hưởng đến hô hấp. Người bệnh thường bị ho kéo dài, đau tức ngực, khó thở, đau xương, ho ra máu, móng tay dùi trống…
- Ung thư đại tràng giai đoạn 4 di căn phúc mạc: Phúc mạc tức niêm mạc ruột cũng là một trong những cơ quan chịu ảnh hưởng sớm từ căn bệnh ung thư đại tràng. Các triệu chứng bao gồm: Đau bụng, ăn không ngon miệng, giảm cân hoặc tăng cân bất thường.
- Ung thư đại tràng di căn xương: Bệnh nhân bị đau xương, xương giòn và dễ gãy, táo bón, buồn nôn, chán ăn, tê yếu tay chân, đau lưng…
Có thể thấy, các triệu chứng ung thư đại tràng thời kỳ cuối có nhiều điểm tương đồng với các căn bệnh thông thường khác. Vì vậy, bạn nên thận trọng đi khám khi thấy những dấu hiệu trên.
Giải đáp: Ung thư đại tràng di căn nguy hiểm thế nào?
Ung thư đại tràng giai đoạn cuối có thể sống được bao lâu?
Bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 4 sống được bao lâu còn tùy thuộc vào độ tuổi mắc bệnh, và mức độ lan rộng của ung thư. Nếu bệnh nhân còn trẻ, và ung thư mới di căn đến một cơ quan thì cơ hội sống sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy số bệnh nhân mắc ung thư ở thời kỳ cuối sống được trong vòng 5 năm chỉ dao động từ 8-11%. Tỷ lệ này là khá thấp nhưng người bệnh cũng không nên bỏ cuộc. Hãy lạc quan chiến đấu với bệnh để nâng cao cơ hội sống cho bản thân.
Cách điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 4
Phương pháp điều trị ung thư đại tràng giai đoạn cuối phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Kích thước, vị trí, số lượng khối u và nơi mà tế bào ung thư đã di căn đến… Để xác định chính xác mức độ bệnh, bạn cần được thăm khám kỹ càng và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, chẳng hạn như nội soi đại tràng, sinh thiết, chụp x-quang ngực, chụp CT, MRI, siêu âm.
Dựa vào kết quả chẩn đoán, các phương pháp sau có thể được đề xuất để chữa trị cho bệnh nhân:
1/ Phẫu thuật
Phẫu thuật thường được chỉ định khi ung thư đã lan đến gan hoặc phổi . Bác sĩ sẽ loại bỏ một phần của đại tràng, gan hoặc phổi nơi chứa tế bào ung thư. Một số hạch bạch huyết lân cận cũng có thể bị loại bỏ vì ung thư có thể lây lan qua chúng đến các bộ phận khác trên cơ thể bạn.
Sau khi cắt bỏ một phần đại tràng bị ung thư, bác sĩ tiến hành khâu hai đầu ruột lại với nhau để phân có thể tiếp tục đi qua. Bạn có thể được gắn một ống thông nối từ cuối của đại tràng với một lỗ mở trong bụng để đưa chất thải ta ngoài. Nếu đại tràng bị cắt bỏ phần lớn hoặc hoàn toàn, phần cuối ruột non sẽ được gắn vào lỗ mở. Dù bằng cách nào, bạn cũng sẽ phải đeo một cái túi bên ngoài cơ thể để thu gom chất thải.
Đau là cảm giác khó tránh khỏi sau khi phẫu thuật điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 4. Một số người có vấn đề về đường ruột như táo bón hoặc tiêu chảy. Những tác dụng phụ thường biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng.
Nếu khối u quá lớn gây hẹp và tắc nghẽn đại tràng, bác sĩ có thể tiến hành nội soi đặt ống stent để giữ cho ruột mở.
Xem thêm: Chế độ ăn uống sau phẫu thuật ung thư đại tràng giúp nhanh phục hồi
2/ Hóa trị chữa ung thư đại tràng giai đoạn cuối
Hóa trị cũng là một trong những phương pháp được chỉ định phổ biến cho những bệnh nhân bị ung thư giai đoạn muộn. Bạn sẽ được truyền một hay nhiều loại thuốc hóa học vào cơ thể thông qua đường tĩnh mạch hoặc đường uống nhằm tiêu diệt tế bào ung thư.
Bạn có thể được hóa trị liệu trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u, giúp dễ dàng loại bỏ được chúng. Hóa chất đôi khi được đưa ra sau khi phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Nếu ung thư ở gan, bác sĩ sẽ đặt một máy bơm đưa thuốc hóa học thẳng vào gan thông qua một động mạch. Do thuốc chỉ tác động đến gan nên có thể được sử dụng với liều lượng cao hơn mà không gây ra quá nhiều tác dụng phụ.
Việc hóa trị ung thư có thể khiến bạn gặp một số phản ứng ngoài ý muốn như:
- Tiêu chảy
- Buồn nôn và nôn ói thường xuyên
- Tê và ngứa ran bàn tay bàn chân do bị tổn thương thần kinh ở các khu vực này
- Lở loét miệng
- Dễ mắc các bệnh nhiễm trùng
Những tác dụng phụ trên thường sẽ dần được cải thiện sau khi kết thúc quá trình hóa trị.
3/ Xạ trị ung thư
Với phương pháp này, một bức xạ chứa tia X có năng lượng cao sẽ được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể không chữa khỏi ung thư đại tràng giai đoạn 4 nhưng nó giúp thu nhỏ khối u và cải thiện một số triệu chứng bạn đang gặp phải.
Thông thường, bạn sẽ được xạ trị tại bệnh viện với tần suất khoảng 5 ngày một tuần trong một khoảng thời gian nhất định. Có nhiều loại xạ trị khác nhau như:
- Liệu pháp xạ trị lập thể: Dùng máy chiếu trực tiếp chùm tia bức xạ từ bên ngoài vào một khu vực nhỏ của gan, phổi đã bị ung thư đại tràng di căn tới.
- Xạ trị trong phẫu thuật: Sau khi cắt bỏ khối u, tia xạ trị sẽ được bắn trực tiếp vào khu vực xung quanh để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
- Xạ trị trong chọn lọc (SIRT): Những hạt vi cầu phóng xạ nhỏ sẽ được bơm vào động mạch nhằm chặn đứng nguồn dinh dưỡng nuôi khối u, không cho nó tiếp tục phát triển.
Các tác dụng phụ thường gặp khi điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 4 bằng xạ trị bao gồm:
- Cảm giác mệt mỏi trong người
- Da đỏ, ngứa, bong tróc và có thể bị phồng rộp
- Đi tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có lẫn máu.
Tìm hiểu chi tiết: Các loại xạ trị ung thư đại tràng, chi phí và đối tượng chỉ định
4/ Đốt u bằng vi sóng hoặc áp lạnh
Những phương pháp này thường được lựa chọn nếu bạn bị ung thư đại tràng di căn gan giai đoạn cuối. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ dựa vào siêu âm hoặc chụp CT để đưa một đầu dò mỏng đến khối u. Đầu dò sẽ phát ra sóng vô tuyến năng lượng cao đốt cháy khối u hoặc đóng băng nó bằng khí lạnh.
Khi chữa ung thư bằng phương pháp này, bạn sẽ được về nhà ngay khi điều trị kết thúc hoặc sau đó khoảng một ngày. Nó cũng ít gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, bạn chỉ bị sốt, nhiễm trùng hoặc chảy máu nhẹ.
5/ Cách điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 4 bằng liệu pháp nhắm mục tiêu
Liệu pháp nhắm mục tiêu ( còn gọi là liệu pháp nhắm đích) là phương pháp sử dụng thuốc để tấn công các gene và protein chuyên biệt mà các tế bào ung thư cần để phát triển. Nó giúp tạo ra các tế bào khỏe mạnh và ngăn chặn sự lan rộng của ung thư.
Các liệu pháp nhắm mục tiêu được chỉ định để điều trị ung thư đại tràng giai đoạn cuối bao gồm:
- Thuốc kháng EGFR: Bao gồm các thuốc như Cetuximab (Erbitux) và Panitumumab (Vectibix). Chúng làm chậm sự phát triển ung thư bằng cách ngăn chặn EGFR- một loại protein giúp các tế bào ung thư phát triển.
- Thuốc chống tái tạo mạch máu: Những loại thường được sử dụng là Bevacizumab (Avastin), Ramucirumab (Cyramza) và Ziv-aflibercept (Zaltrap). Chúng hoạt động bằng cách loại bỏ VEGF (loại protein giúp tái tạo các mạch máu nuôi dưỡng khối u). Khi không có nguồn cung cấp máu, các khối u sẽ bị “chết đói”. Bác sĩ có thể kết hợp thuốc này cùng với hóa trị để nâng cao hiệu quả điều trị sau cùng.
- Liệu pháp ức chế Kinase: Khi protein Kinase bị đột biến, nó có thể khiến tế bào tăng trưởng mất kiểm soát và dẫn đến ung thư. Bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc Regorafenib (Stivarga) để chặn loại protein này, khiến các tế bào ung thư không thể tiếp tục phát triển.
Việc điều trị bằng liệu pháp nhắm đích sẽ được tiến hành 2-3 tuần một lần. Thuốc có thể ở dạng viên uống hoặc dạng lỏng truyền qua đường tĩnh mạch.
Tùy theo loại thuốc được sử dụng, bạn có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Mất cảm giác ngon miệng, khô miệng
- Cơ thể mệt mỏi
- Sụt giảm cân nặng
- Tiêu chảy
- Viêm loét niêm mạc miệng hoặc cổ họng
- Nổi phát ban trên da
- Tê ngứa tay chân
- Một số tác dụng phụ nghiêm trọng ít gặp: Làm chậm tiến trình hồi phục của vết thương, bầm tím da, xuất hiện lỗ trên thành ruột.
6/ Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư đại tràng giai đoạn cuối
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp dùng thuốc để kích hoạt hệ thống miễn dịch trong cơ thể hoạt động mạnh hơn nhằm tấn công lại các tế bào ung thư và thu nhỏ khối u. Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn thử một số loại thuốc như Nivolumab (Opdivo) hay Pembrolizumab (Keytruda).
Trong quá trình điều trị bằng các thuốc trên, bạn có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Sốt, ho, khó thở
- Buồn nôn
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Ngưa da, phát ban
- Chán an, đau cơ.
Một số ít trường hợp, thuốc gây rối loạn hoạt động của hệ thống miễn dịch khiến các bộ phận trong cơ thể như phổi, ruột, gan hay thận khiến bạn bị đe dọa đến tính mạng.
Ở giai đoạn cuối của ung thư đại tràng, các phương pháp điều trị đều nhắm đến mục đích làm giảm các triệu chứng và kéo dài sự sống cho bạn. Hãy trao đổi với bác sĩ để lựa chọn được giải pháp chữa bệnh tốt nhất cho bản thân.
Ung thư đại tràng giai đoạn cuối ăn gì tốt?
Việc ăn uống đúng cách không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch mà còn giúp kéo dài thời gian sống. Lúc này, cơ thể bạn rất mệt mỏi, chán ăn nên cần được chăm sóc bằng một chế độ ăn giàu năng lượng.
Bạn nên ăn các thực phẩm chứa nhiều đạm dễ tiêu như cá, trứng, sữa. Bữa ăn cũng cần có hoa quả, rau xanh hay ngũ cốc để tăng cường chất xơ, chất chống oxy hóa cùng các loại vitamin thiết yếu để cải thiện sức khỏe.
Nếu bạn cảm thấy khó nuốt, nên tránh dùng các thức ăn khô cứng. Thay vào đó, hãy ăn các món lỏng như cháo, súp hoặc xay nhuyễn thức ăn để dễ nuốt hơn. Ngoài ra, nên dự trữ sẵn một số đồ ăn vặt mà bạn yêu thích như trái cây sấy khô hay bánh quy để sử dụng thêm mỗi khi có nhu cầu.
Việc ăn quá nhiều thức ăn cùng lúc có thể khiến bạn bị quá tải, khó tiêu. Do vậy, mỗi bữa bạn chỉ nên ăn ít một, ăn làm 5-6 bữa trong ngày thay vì chỉ có 3 bữa như thông thường. Điều này sẽ giúp cơ thể hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Tránh ăn nhiều đồ béo, đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn, thịt đỏ, dưa muối hay các món ăn cay nóng. Khi bị ung thư đại tràng giai đoạn 4 bạn cũng nên từ bỏ rượu bia, thuốc lá hay các chất kích thích khác bởi chúng có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển của ung thư.
Thông tin bài viết vừa chia sẻ chỉ mang tính tham khảo, không thể thay thế cho lời khuyên, chẩn đoán hay chỉ định từ những người có kinh nghiệm chuyên môn. Nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh, bạn nên chủ động tới bệnh viện thăm khám để được bác sĩ lập kế hoạch điều trị phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
- Ung thư đại tràng tái phát: Nguyên nhân và cách phòng tránh
- Bị ung thư đại tràng nên ăn gì, kiêng ăn gì để hỗ trợ điều trị bệnh?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!