Ung thư bàng quang giai đoạn cuối (giai đoạn 4) là gì?
Hóa trị và phẫu thuật là hai phương pháp điều trị phổ biến nhất cho người mắc ung thư bàng quang giai đoạn cuối. Mặc dù chúng không giúp loại bỏ ung thư hoàn toàn nhưng có thể làm giảm triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Ung thư bàng quang giai đoạn cuối là gì?
Ung thư bàng quang giai đoạn cuối còn được gọi là ung thư bàng quang giai đoạn 4 hay ung thư bàng quang di căn. Đây là mức độ tiến triển nặng nhất của căn bệnh này.
Khi một người được chẩn đoán mắc ung thư bàng quang giai đoạn 4, điều đó có nghĩa là các tế bào ác tính đã xâm lấn đến bất kì hoặc tất cả những nơi sau:
- Thành bụng
- Hạch bạch huyết
- Thành khung chậu
- Các bộ phận xa của cơ thể, chẳng hạn như gan phổi
Có khoảng 4% trong tổng số bệnh nhân bị ung thư bàng quang phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối. Việc điều trị bệnh ở giai đoạn này khá khó khăn. Các phương pháp được áp dụng nhằm mục đích làm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Dấu hiệu ung thư bàng quang giai đoạn cuối
Các triệu chứng ung thư bàng quang giai đoạn 4 bệnh nhân có thể gặp là:
- Có máu trong nước tiểu
- Đi tiểu liên tục nhiều lần trong ngày
- Bị đau rát khi đi tiểu
- Khó đi tiểu hoặc bí tiểu
- Luôn có cảm giác mót tiểu nhưng khi vào nhà vệ sinh lại không thể tiểu được
- Đau lưng
- Đau ở vùng chậu
- Mệt mỏi, sức khỏe giảm sút
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Sưng bàn chân
- Chán ăn
- Ung thư bàng quang di căn gan: Đau và trướng bụng, vàng da, da nổi nhiều nốt mẩn ngứa…
- Ung thư di căn phổi: Đau tức ngực, khó thở, ho kéo dài…
- Ung thư bàng quang di căn xương: Đau nhức trong xương và các khớp, đau cột sống, xương yếu, dễ gãy.
Bệnh ung thư bàng quang giai đoạn 4 sống được bao lâu?
Đối với một người bị ung thư bàng quang giai đoạn cuối, tỷ lệ sống 5 năm kể từ khi được chẩn đoán là khoảng 5%. Tỷ lệ phần trăm này là con số gần đây nhất, nó được tính toán dựa trên dữ liệu thu thập được từ năm 2008 – 2014.
Tuy nhiên, bệnh nhân không nên quá bi quan bởi đó chỉ là tỷ lệ ước lượng. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu và tạo ra những bước tiến mới trong điều trị ung thư. Điều này có thể nâng cao tỷ lệ sống sót cho người bệnh.
Thêm vào đó, thời gian sống của bệnh nhân bị ung thư bàng quang giai đoạn cuối còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như tuổi tác hoặc sức khỏe nói chung. Điều quan trọng là người bệnh cần giữ vững tâm lý, luôn lạc quan, tích cực điều trị bệnh theo phác đồ của bác sĩ để kéo dài sự sống cho bản thân.
XEM THÊM: Ung thư bàng quang giai đoạn 3 – Nhận biết và điều trị
Các phương pháp điều trị bệnh ung thư bàng quan giai đoạn cuối
Để diệt trừ hoàn toàn ung thư giai đoạn cuối là rất khó. Mục đích của điều trị là giảm nhẹ các triệu chứng, làm cho bệnh nhân cảm thấy tốt hơn và có thể sống được lâu hơn.
Các sự lựa chọn để điều trị bệnh ung thư bàng quang giai đoạn 4 bao gồm:
1. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp điều trị bệnh có liên quan đến hóa chất. Bác sĩ có thể chỉ định phương pháp này đầu tiên nếu ung thư đã lan đến các khu vực xa của cơ thể.
Các thuốc sử dụng thường được điều chế dưới dạng chất lỏng, viên nén, viêm nang uống hay thuốc tiêm tĩnh mạch. Khi xâm nhập vào máu, thuốc sẽ nhắm đến các tế bào ung thư, làm suy yếu và tiêu diệt chúng.
Hiện có hai loại hóa trị là cổ điển và nhắm mục tiêu:
- Hóa trị cổ điển
Đây là phương pháp hóa trị truyền thống sử dụng thuốc gây độc cho các tế bào ung thư nhằm ức chế sự phát triển và phân chia của chúng.
Hai phác đồ hóa trị truyền thống phổ biến cho ung thư bàng quang bao gồm:
+ Gemcitabine (Gemzar) và cisplatin
+ Methotrexate, vinblastine, doxorubicin (Adriamycin) và cisplatin
Hóa trị cổ điển cũng có thể giết chết các tế bào khỏe mạnh ở nang tóc, các tế bào trong tủy xương và các tế bào lót đường tiêu hóa. Điều này khiến bệnh nhân phải đối mặt với một số biến chứng như: Rụng tóc, giảm sản xuất tế bào máu, ức chế hệ thống miễn dịch, táo bón, tiêu chảy, chán ăn…
- Liệu pháp nhắm mục tiêu
Các loại thuốc này có thể giúp hệ miễn dịch tiêu diệt protein hoặc enzyme được tạo ra bởi các tế bào ung thư để ngăn chặn sự phát triển hoặc làm giảm cơ hội lây lan. Do mục tiêu mà loại thuốc này nhắm đến là các tế bào ung thư nên bệnh nhân sẽ gặp ít tác dụng phụ hơn so với hóa trị cổ điển.
2. Xạ trị chữa ung thư bàng quang giai đoạn cuối
Xạ trị sử dụng tia X có năng lượng cao hoặc các loại phóng xạ khác. Nó có thể tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn chặn chúng phát triển.
Bức xạ sẽ được chiếu tập trung vào khu vực bị ung thư. Nó đâm xuyên vào cơ thể và phá hủy ADN của các tế bào nằm trong khối u, ngăn chặn sự nhân lên của chúng.
Hóa trị hữu ích nhất khi ung thư nằm trong một khu vực nhỏ. Vì vậy xạ trị thường chỉ được sử dụng cho người mắc ung thư bàng quang giai đoạn cuối nhằm thu nhỏ khối u trước khi họ được hóa trị.
Các tác dụng phụ của xạ trị bao gồm: Khô da, lột da, buồn nôn, đau bụng…
3. Chữa ung thư bàng quang giai đoạn 4 bằng phẫu thuật
Trong hầu hết các trường hợp, điều trị phẫu thuật cho ung thư bàng quang giai đoạn 4 sẽ không điều trị khỏi ung thư hoặc cải thiện tuổi thọ cho bệnh nhân. Tuy nhiên phương pháp này có thể giúp giảm triệu chứng và làm chậm sự lây lan của bệnh ung thư. Các hạch bạch huyết đã bị tế bào ung thư xâm lấn cũng có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật.
Khi điều trị ung thư bàng quang xâm lấn bằng phẫu thuật, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bàng quang. Phẫu thuật này được gọi là cắt bàng quang.
Trường hợp phải cắt bỏ hết bàng quang, bác sĩ sẽ tạo ra một lỗ nhỏ trên thành bụng và gắn ống niệu quả với túi nhựa để đào thải nước tiểu ra ngoài.
Tùy thuộc vào mức độ tiến triển của ung thư, các bộ phận của cơ quan hoặc mô gần đó cũng có thể cần phải được loại bỏ. Điều quan trọng là bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ để nắm rõ lợi ích và nguy cơ từ phẫu thuật.
Những biến chứng tiềm ẩn của phẫu thuật bao gồm:
- Đi tiểu thường xuyên hơn do bàng quang bị thu nhỏ
- Vô sinh
- Mãn kinh sớm và rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ
- Suy giảm khả năng tình dục ở nam giới
4. Chăm sóc giảm nhẹ cho người bị ung thư bàng quang giai đoạn cuối
Những người bị ung thư bàng quang giai đoạn 4 không chỉ cần điều trị mà còn phải được chăm sóc cơ thể, tâm trí và tinh thần. Các bác sĩ, y tá, nhà tâm lý hay các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách giảm đau, kiểm soát triệu chứng, cảm xúc và có chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp để cảm thấy thoải mái hơn.
Tốt nhất, liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ nên được bắt đầu ngay từ lúc ung thư được chẩn đoán và điều trị. Một số giải pháp sau có thể giúp bệnh nhân kiểm soát tốt các triệu chứng và hạn chế tác dụng phụ của điều trị:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Hóa trị có thể gây giảm cân và khiến người bệnh mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng. Ăn nhiều bữa trong ngày với lượng thức ăn ít hơn có thể giúp duy trì năng lượng cho cơ thể.
Người bị ung thư bàng quang giai đoạn 4 nên ăn ngũ cốc, trái cây, rau quả, cá. Cắt giảm đường và các thực phẩm chức nhiều chất béo bão hòa như xúc xích, socola, sữa nguyên chất, bơ, thịt bò…
- Vận động nhẹ nhàng
Đi bộ, bơi lội, tập yoga, tập thể dục dưỡng sinh… có thể giúp nâng cao thể trạng, giảm mệt mỏi, căng thẳng. Các bộ môn thể dục này an toàn cho hầu hết những người bị ung thư bàng quang nhưng trước khi thực hiện bệnh nhân nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ để có chế độ luyện tập phù hợp.
- Sử dụng thuốc giảm đau
Giảm đau là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị và chăm sóc giảm nhẹ cho người bị ung thư bàng quang giai đoạn cuối. Mỗi bệnh nhân sẽ có một mức độ đau khác nhau. Hãy mô tả chính xác cho bác sĩ biết những gì người bệnh đang trải qua để được kê toa thuốc giảm đau hiệu quả nhất.
Trong quá trình điều trị, người bị ung thư bàng quang giai đoạn cuối cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kì theo lịch đã hẹn. Điều này sẽ giúp bệnh nhân có chất lượng sống tốt hơn và nâng cao được tuổi thọ.
Thông tin ThuocDanToc.vn cung cấp chỉ mang tính tham khảo, không thể thay thế cho chỉ định và lời khuyên từ bác sĩ.
THÔNG TIN HỮU ÍCH
- Ung thư bàng quang nên ăn gì để “đối phó” với bệnh?
- Ung thư bàng quang có thể di truyền không?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!