Thoái hóa khớp gối có chữa khỏi được không? Chuyên gia nói gì ?
Thoái hóa khớp gối là tình trạng chuyển biến nặng hơn của bệnh viêm khớp gối. Quá trình thoái hóa thường khiến bệnh nhân bị đau nhức, xơ cứng và sưng phù ở khớp gối. Người bệnh thoái hóa khớp gối gặp rất nhiều bất tiện trong việc vận động và sinh hoạt hàng ngày.
Thoái hóa khớp gối nếu không điều trị sớm sẽ khiến các dấu hiệu của bệnh ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân cũng khá hoang mang vì bệnh lâu ngày không hết, không biết có chữa khỏi được không.
I. Thoái hóa khớp gối có chữa được không?
Theo bác sĩ cho biết, chứng thoái hóa khớp gối thường không thể điều trị dứt điểm. Các phương pháp hiện nay chỉ có thể giúp bệnh nhân giảm đau, khôi phục khả năng vận động và tránh những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe của khớp gối.
Thoái hóa khớp thường gặp ở nữ giới lớn tuổi, chiếm đến 80% trong tổng số các trường hợp mắc bệnh. Bên cạnh việc hỗ trợ điều trị y tế, bệnh nhân thoái hóa khớp gối phải biết giữ cân nặng hợp lý, tránh béo phì, không làm việc quá sức, tập luyện thể dục, đi bộ, đạp xe, đi bộ… để bảo vệ và tránh cho khớp gối bị quá tải.
II. Những phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối
Việc can thiệp sự tiến triển của chứng thoái hóa giúp bệnh nhân cải thiện và duy trì chức năng của khớp gối. Từ đó ngăn chặn các cơn đau nhức, tình trạng suy nhược và các biến chứng nghiêm trọng:
1. Dùng thuốc
Các loại thuốc được sử dụng thường giúp giảm các triệu chứng viêm đau khớp gối. Bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng, lịch sử y tế, lối sống của bệnh nhân mà áp dụng loại thuốc điều trị phù hợp:
- Thuốc giảm đau: Các loại thuốc như acetaminophen thường được kê toa nhằm giúp giảm đau nhức khớp gối. Tuy nhiên, đa phần các loại thuốc giảm đau không có tác dụng giảm sưng.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Các loại thuốc chống viêm thường được sử dụng như aspirin, ibuprofen, naproxen và thuốc ức chế COX-2 được bác sĩ kê đơn giúp bệnh nhân giảm sưng và tiêu viêm. Tuy nhiên, những loại thuốc này thường mang lại nhiều tác dụng phụ đáng kể. Bệnh nhân nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ khi sử dụng cho người cao tuổi, nhất là với những người cao huyết áp và mắc các vấn đề tim mạch.
- Thuốc tiêm: Bác sĩ thường tiêm cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối hai loại thuốc là steroid và axit hyaluronic. Việc tiêm steroid giúp giảm đau nhức và cứng xương khớp; còn axit hyaluronic giúp cung cấp chất nhờn cho phần sụn để bôi trơn khớp gối.
2. Vật lý trị liệu
Bác sĩ thường đưa ra cho bệnh nhân liệu trình tập luyện lâu dài nhằm giảm đau và viêm sưng xương khớp gối. Các động tác cụ thể giúp bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối kéo căng mô mềm và củng cố phần sụn khớp. Từ đó làm giảm khả năng mất cấu trúc sụn và hỗ trợ khớp gối vận động linh hoạt hơn.
Bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối mạn tính cũng có thể sử dụng một số sản phẩm hỗ trợ chỉnh hình nhằm ổn định và giảm áp lực đầu gối như:
- Đệm lót giày mềm để làm giảm áp lực đặt lên khớp gối khi di chuyển
- Sử dụng nẹp đầu gối để giúp các cơ xung quanh khớp được đàn hồi tốt hơn.
- Cầm gậy ở bên đầu gối bị thoái hóa để nâng đỡ, giảm áp lực và củng cố sự ổn định cho khớp gối.
3. Biện pháp tâm lý
Các chuyên gia thường gợi ý cho bệnh nhân sử dụng các kỹ thuật thư giãn tâm lý như thiền, yoga, thôi miên, biện pháp sinh học… nhằm giúp bệnh nhân có cái nhìn tích cực, giúp kiểm soát tốt cơn đau khớp gối.
4. Phẫu thuật
Những người bị thoái hóa khớp gối đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa phá hủy khớp gối sẽ được cân nhắc tiến hành phẫu thuật để điều trị. Thông thường, đầu gối bị thoái hóa ở mức độ nặng sẽ được cân nhắc phẫu thuật thay khớp để giúp bệnh nhân khôi phục khả năng vận động.
5. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng Y học cổ truyền
Để hạn chế ảnh hưởng tác dụng phụ của thuốc Tây, tránh rủi ro đáng tiếc từ phương pháp phẫu thuật, đa số người bệnh lựa chọn các bài thuốc Y học cổ truyền được nghiên cứu và ứng dụng bài bản trong điều trị thoái hóa khớp gối.
Thuốc Y học cổ truyền ưu tiên nguyên tắc điều trị bảo tồn, loại bỏ căn nguyên gây bệnh trước khi điều trị triệu chứng. Đồng thời, thuốc Y học cổ truyền bồi bổ xương khớp, tái tạo và phục hồi sụn khớp, phục hồi vận động, chống tái phát.
Xem thêm: Cảnh giác nguy cơ thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi
III. Giảm đau thoái hóa khớp gối không dùng thuốc
1. Hoạt động vừa phải
Việc tập thể dục rất được khuyến khích đối với người gặp các vấn đề xương khớp. Tuy nhiên, bạn nên tránh những hoạt động và các môn thể thao cường độ cao để không làm tình trạng thoái hóa khớp gối nặng thêm.
Bệnh nhân nên đi bộ nhẹ nhàng, bơi lội và đạp xe vì đây là những hoạt động thể chất ít gây nên tác động có hại cho khớp gối, giúp tăng cường sự dẻo dai cho cơ xương gân và sụn khớp. Từ đó, bệnh nhân sẽ thích nghi và không còn đau đớn trong quá trình vận động.
2. Nghỉ ngơi nhiều hơn
Nếu khi bạn thấy đau nhức khớp gối liên tục hoặc ngắt quãng từng cơn, hãy nằm nghỉ một lúc để khớp xương được thư giãn. Bệnh nhân đừng gắng sức vượt qua cơn đau vì điều này khiến khớp xương của bạn gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn.
3. Chườm nóng/lạnh
Bạn có thể dùng một chiếc khăn ấm hoặc bọc đá lạnh vào bên trong rồi chườm lên vùng bị đau để giúp thư giãn và thả lỏng khớp gối. Việc chườm nước ấm hoặc đá lạnh khiến khớp gối giảm đau, sưng và cải thiện các triệu chứng trong một khoảng thời gian nhất định.
4. Giữ cân nặng ổn định
Bệnh nhân nên thiết lập một chế độ ăn kiêng hợp lý để duy trì cân nặng của bản thân và giảm áp lực lên khớp gối. Theo các nhà nghiên cứu, ở những người đau nhức xương khớp thì việc tăng lên mỗi một kilogram sẽ tăng áp lực trọng lượng cho khớp gối là 3 kilogram.
Do đó, khi bản thân đang phải chống chịu những cơn đau nhức từ việc khớp gối bị thoái hóa, bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn các phương pháp chữa trị thích hợp.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Thông tin bạn nên biết:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!