Răng Ê Buốt Kéo Dài Do Đâu? Nguy Hiểm Chớ Coi Thường

Răng ê buốt kéo dài là triệu chứng thường gặp khi bạn thường xuyên ăn đồ lạnh, đánh chải răng quá mạnh, dùng kem tẩy trắng răng hoặc mắc các bệnh lý về răng miệng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nhai thức ăn mà còn phát sinh thêm nhiều biến chứng nếu không được điều trị đúng cách.

Răng ê buốt kéo dài do đâu?

Răng ê buốt là tình trạng răng trở nên nhạy cảm quá mức và thường xuyên xuất hiện cảm giác ê buốt ở bên trong, nhất là khi tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh từ thức ăn hoặc khi nhai đồ cứng. Hiện tượng này có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cũng có những đối tượng bị ê buốt răng kéo dài gây khó chịu, mất tập trung trong công việc và gặp nhiều khó khăn trong ăn uống.

Răng ê buốt kéo dài
Răng ê buốt kéo dài do nhiều nguyên nhân gây ra

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng ê buốt kéo dài. Bạn có thể mắc bệnh do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, lớn tuổi, tẩy trắng răng, chăm sóc răng miệng không đúng cách… Trong một số trường hợp, ê buốt răng kéo dài còn là triệu chứng cảnh báo các vấn đề về nha khoa cần sớm được điều trị. Vậy răng ê buốt kéo dài do đâu?

1. Ê buốt răng kéo dài do chăm sóc răng miệng không đúng cách

Chăm sóc răng miệng không đúng cách khiến cho men răng của bạn bị ăn mòn, phá hủy. Từ đó, các mạch máu, dây thần kinh cũng như hệ thống mô liên kết bên trong tủy răng không được bảo vệ tốt và trở nên nhạy cảm hơn khi có tác động từ bên ngoài, đặc biệt là khi bạn sử dụng các thức ăn nóng, lạnh.

Những thói quen xấu trong việc vệ sinh, chăm sóc răng miệng hàng ngày có thể dẫn đến ê buốt răng kéo dài bao gồm:

  • Sử dụng bàn chải kém chất lượng và quá cứng
  • Đánh răng quá mạnh
  • Chải răng nhiều lần trong ngày
  • Lạm dụng kem đánh răng chứa chất tẩy trắng hoặc các sản phẩm có độ mài mòn cao khiến cho men răng bị tổn thương, phá hủy.
  • Sử dụng nước súc miệng chứa hàm lượng clo và axit.

2. Răng bị ê buốt kéo dài do lớn tuổi

Một số người cao tuổi cũng trở thành đối tượng tấn công của chứng ê buốt răng. Tình trạng này thường xuyên diễn ra liên tục trong thời gian dài do lớp men răng đã bị ăn mòn đáng kể theo thời gian khiến cho tủy răng trở nên nhạy cảm, dễ chịu tác động từ bên ngoài.

3. Tụt lợi

Tình trạng tụt lợi thường xảy ra ở người già. Đây cũng chính là hậu quả của tình trạng viêm nha chu, viêm nướu răng hay áp xe răng tái đi tái lại nhiều lần.

Khi lợi bị tụt, lớp ngà dưới chân răng bị lộ ra ngoài nên phải tiếp xúc trực tiếp với axit và nhiệt độ nóng lạnh từ thực phẩm. Chúng khiến cho hệ thống dây thần kinh bên trong bị kích thích và gây ra cảm giác ê buốt kéo dài vô cùng khó chịu.

4. Thói quen ăn uống không hợp lý gây ê buốt răng trong thời gian dài

Một số thói quen xấu trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể là nguyên nhân khiến răng ê buốt kéo dài. Chẳng hạn như:

Ăn nhiều đồ cứng:

Khi ăn đồ cứng như xương, sụn hay kẹo cứng, răng hàm phải hoạt động mạnh hơn để tạo ra một lực lớn đủ để cắn vỡ và nhai nát thức ăn. Quá trình ma sát giữa răng với thức ăn có thể khiến cho men răng bị ăn mòn hoặc nghiêm trọng hơn là bị nứt vỡ.

Tại những vị trí men răng bị tổn thương, lớp ngà và tủy răng bên trong dễ dàng bị kích thích dẫn đến sự xuất hiện của các cơn đau răng kèm theo cảm giác ê buốt kéo dài. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến khả năng nhai.

Thường xuyên ăn các thực phẩm chứa nhiều axit:

Sở thích ăn đồ muối chua hay các thực phẩm chứa nhiều axit ( chanh, xoài xanh,…) có thể ảnh hưởng không tốt tới men răng của bạn. Khi nhai thức ăn, axit trong thực phẩm sẽ liên kết cùng với thành phần axit có trong nước bọt bám dính trực tiếp bên ngoài bề mặt răng và khiến men răng bị ăn mòn, hư hại.

Ban đầu, những cơn ê buốt răng chỉ xuất hiện với tần suất thưa thớt. Tuy nhiên, càng về sau răng càng bị ê buốt với tần suất dày đặc và kéo dài hơn theo mức độ mài mòn của men răng.

Ăn nhiều đồ ngọt:

Nhiều người có sở thích ăn socola, bánh kẹo ngọt, mứt hoa quả hay uống nước ngọt mà không biết rằng đây cũng chính là món ăn khoái khẩu của vi khuẩn gây hại trong khoang miệng. Chúng sử dụng đường làm thức ăn và giải phóng nhiều axit gây hại đến men răng. Từ đây, bạn có thể gặp phải hàng loạt các vấn đề về răng miệng như sâu răng hàm, viêm nha chu, hôi miệng, viêm loét miệng hay rê buốt răng kéo dài…

ê buốt răng kéo dài do ăn đồ ngọt
Ăn nhiều đồ ngọt làm tăng axit trong khoang miệng khiến cho men răng bị ăn mòn, từ đó gây ê buốt răng kéo dài

– Sử dụng thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh:

Ăn lẩu, uống nước đá, ăn kem hoặc dùng các món có độ nóng lạnh quá mức đều có thể gây kích thích mạnh vào tủy răng và khiến răng bạn bị ê buốt. Trong trường hợp men răng bị tổn thương sẽ làm cảm giác ê buốt tăng nặng và kéo dài.

5. Răng bị ê buốt kéo dài do tổn thương cấu trúc răng

Cấu trúc răng có thể gặp nhiều vấn đề khiến cho lớp ngà răng bị lộ ra ngoài và thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn, axit cũng các tác nhân có hại, từ đó khiến cho răng bị ê buốt kéo dài. Thường gặp nhất là các tổn thương như:

  • Vỡ răng
  • Mẻ răng
  • Mòn men răng
  • Mòn hở cổ răng.

6. Tẩy trắng răng

Các sản phẩm tẩy trắng răng thường chứa chất tẩy mạnh và nhiều loại hóa chất khác khiến cho răng lợi bị kích ứng, ê buốt. Cảm giác ê buốt răng thường kéo dài khá lâu sau khi kết thúc quá trình sử dụng kem tẩy trắng do men răng bị tổn thương.

Tình trạng ê buốt răng thường xảy ra nghiêm trọng hơn ở các trường hợp tự tẩy trắng răng tại nhà bằng những cách phản khoa học hoặc sử dụng kem tẩy kém chất lượng.

8. Tật nghiến răng

Thói quen nghiến răng có thể khiến cho lớp men bảo vệ ngà và tủy răng ngày càng suy yếu. Cùng với đó là thói quen ăn uống không hợp lý thúc đẩy quá trình ăn mòn men răng diễn ra nhanh hơn. Điều này khiến người bệnh thường xuyên phải đối mặt với tình trạng đau nhức, ê buốt răng kéo dài.

Điều đáng lo ngại là tật nghiến răng lại thường xảy ra một cách vô thức trong giấc ngủ ban đêm nên rất khó nhận biết và kiểm soát. Hãy hỏi người thân để xác định xem bạn có tật nghiến răng hay không để sớm đưa ra được phương pháp khắc phục.

9. Ê buốt răng kéo dài do ảnh hưởng của các thủ thuật nha khoa

Một số thủ thuật nha khoa có thể khiến cho răng bị ê buốt kéo dài trong thời gian từ 4 – 6 tuần hoặc lâu hơn. Bao gồm:

  • Cạo vôi răng
  • Bọc mão răng giả
  • Niềng răng…

Trong trường hợp này bạn không nên quá lo lắng. Tình trạng ê buốt răng thường sẽ thuyên giảm dần khi chăm sóc răng miệng đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ.

10. Do mắc các bệnh lý về răng miệng

Nếu răng ê buốt kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên thận trọng bởi đây có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề về nha khoa. Bao gồm:

  • Sâu răng: Răng bị sâu nặng gây tổn thương đến cả ngà răng và tủy sẽ khiến bạn thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ê buốt, đau nhức răng.
  • Tụt lợi: Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến người già và các trường hợp mắc bệnh nha chu. Lợi bị tụt sẽ khiến ngà răng cùng chân răng bị lộ ra ngoài. Lúc này các dây thần kinh bên trong dễ bị kích thích dẫn đến ê buốt.
  • Viêm lợi mãn tính: Ở những người mắc căn bệnh này, tình trạng sưng viêm lợi tái phát nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến cả chân răng và khiến răng bị ê buốt thường xuyên.
răng ê buốt kéo dài do bệnh viêm lợi
Người mắc viêm lợi mãn tính có thể bị ê buốt răng kéo dài

Ê buốt răng kéo dài có nguy hiểm không?

Như đã thông tin ở trên, tình trạng ê buốt răng kéo dài có nguyên nhân khá đa dạng. Một số trường hợp còn tiềm ẩn các vấn đề về nha khoa. Nếu không được điều trị sớm, những bệnh lý này đều có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm hơn như mất răng, viêm xương hàm, áp xe quanh chân răng, viêm xoang, viêm amidan…

Ngoài ra, răng ê buốt kéo dài còn khiến người bệnh luôn phải chịu đựng cảm giác khó chịu gây khó ngủ, mất tập trung khi học tập, làm việc. Tình trạng này cũng khiến người bệnh gặp khó khăn khi ăn uống và dễ phát sinh trạng thái tâm lý căng thẳng, hay cáu gắt. Tất cả đều làm giảm chất lượng sống và gián tiếp mang lại những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe.

Cách điều trị răng ê buốt kéo dài

Các phương pháp khắc phục răng ê buốt kéo dài được thực hiện chủ yếu nhằm mục đích điều trị nguyên nhân gây bệnh và giảm nhẹ cảm giác khó chịu, đồng thời khôi phục men răng cho người bệnh. Điều này sẽ giúp răng bớt nhạy cảm hơn và không còn bị ê buốt.

Các phương pháp đang được áp dụng để chữa ê buốt răng kéo dài bao gồm:

Điều trị các bệnh lý về răng:

Đối với tình trạng răng ê buốt kéo dài xuất phát từ các bệnh lý như sâu răng, viêm tủy, nứt vỡ răng, viêm nha chu,… bạn nên tìm đến các phòng khám nha khoa để được điều trị ngay. Tùy theo vấn đề gặp phải mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn một phương pháp khắc phục phù hợp.

Tình trạng ê buốt răng sẽ thuyên giảm dần và biến mất sau khi các bệnh lý về răng miệng được điều trị khỏi.

Dùng thuốc chữa ê buốt răng kéo dài:

  • Thuốc giảm đau:

Nhóm thuốc này được chỉ định cho các trường hợp bị ê buốt răng nhiều gây khó khăn cho việc ăn uống hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc hàng ngày. Thuốc giảm đau như Paracetamol đáp ứng tốt đối với hầu hết trường hợp.

Đôi khi, thuốc Aspirin có thể được sử dụng thay thế cho Paracetamol. Loại thuốc này có tác dụng giảm đau nhanh hơn, đồng thời còn giúp cải thiện tình trạng sưng viêm ở nướu và các mô mềm trong khoang miệng.

thuốc trị răng ê buốt kéo dài
Thuốc giảm đau thường được bác sĩ kê đơn để điều trị răng ê buốt kéo dài
  • Thuốc kháng sinh: 

Loại thuốc này có thể được bác sĩ kê đơn cho các trường hợp răng ê buốt kéo dài liên quan đến tình trạng nhiễm trùng trong khoang miệng. Cần chú ý uống thuốc kháng sinh đúng liều, đủ thời gian để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn mà không gây hiện tượng lờn thuốc.

  • Gel bôi chống ê buốt răng kéo dài chứa fluor:

Các loại thuốc này được dùng bôi trực tiếp lên về mặt răng để củng cố men răng, làm giảm độ nhạy cảm và giúp răng bớt ê buốt.

Điều trị phục hình:

Phục hình răng được thực hiện nhằm mục đích tái tạo lại men răng đã bị mất hoặc khôi phục cấu trúc cho răng bị sứt, mẻ.

Cách chăm sóc, hỗ trợ điều trị tại nhà khi bị ê buốt răng kéo dài

Khi răng bị ê buốt kéo dài, ngoài việc tích cực khắc phục các nguyên nhân căn bản theo hướng dẫn của nha sĩ thì bạn cần chăm sóc răng đúng cách để nâng cao hiệu quả điều trị.

Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích giúp bạn biết cách chăm sóc và điều trị răng bị ê buốt kéo dài tại nhà đúng cách:

  • Đánh răng nhẹ nhàng bằng bàn chải có đầu lông tơ mềm mại.
  • Sử dụng kem đánh răng dịu nhẹ, chứa flour và thành phần thiên nhiên an toàn được đặc chế cho răng nhạy cảm, ê buốt. Tránh sử dụng các sản phẩm có nhiều clo, chất tẩy trắng, chất tạo màu hay các thành phần có hại cho men răng.
  • Uống nhiều nước để duy trì lượng nước bọt được sản xuất, ngăn ngừa hình thành mảng bám và làm giảm nồng độ axit trong khoang miệng. Bạn có thể uống nước ấm hoặc nước ép trái cây nhưng tránh bỏ thêm đá.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu canxi, vitamin A, C, D vào trong thực đơn. Chúng giúp kích thích tái tạo men răng, làm răng chắc khỏe, đồng thời ngăn ngừa và cải thiện tình trạng nhiễm trùng trong khoang miệng.
  • Bổ sung flour cho răng thông qua các thực phẩm như khoai lang, hải sản, nho, khoai tây, trà đen…
  • Không ăn nhiều đồ ngọt, thực phẩm có hàm lượng axit cao, các thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng.
  • Tái khám định kỳ để kiểm soát tốt tình trạng răng ê buốt kéo dài cùng các bệnh lý liên quan.

Bạn nên tìm hiểu thêm

Tổng quan về phương pháp bọc răng sứ

Răng Bị Ê Buốt Sau Khi Bọc Sứ Có Sao Không? Cách Xử Lý

Răng bị ê buốt sau khi bọc sứ là hiện tượng mà nhiều người gặp phải. Theo các chuyên gia,...

Bị ê buốt răng cửa là do đâu?

Bị Ê Buốt Răng Cửa (Hàm Trên + Hàm Dưới) Phải Làm Gì?

Bị ê buốt răng cửa hàm trên và hàm dưới gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhiều...

Nguyên nhân gây ê buốt răng

Răng Ê Buốt: Nguyên Nhân, Cách Điều Trị và Khắc Phục

Răng ê buốt do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm các yếu tố tạm thời, bệnh lý và các...

Ê buốt răng hàm trên có nguy hiểm không?

Bị Ê Buốt Răng Hàm Trên: Nguyên Nhân và Cách Xử Lý

Bị ê buốt răng hàm trên gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến nhu cầu ăn uống, sinh hoạt...

Nguyên nhân gây ê buốt răng khi ăn đồ lạnh

Răng Ê Buốt Khi Ăn Đồ Lạnh và Cách Khắc Phục Tình Trạng

Răng ê buốt khi ăn đồ lạnh xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó, tình trạng ê buốt có...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.