Mẹo khắc phục chứng nghẹt mũi khi ngủ ai cũng có thể áp dụng
Chứng nghẹt mũi khi ngủ có thể khiến bạn ngủ không ngon giấc, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Bài viết dưới đây là tổng hợp một số mẹo nhỏ được thực hiện vào ban ngày, buổi tối và trước khi đi ngủ để làm dịu các triệu chứng nghẹt mũi giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn.
Mẹo khắc phục chứng nghẹt mũi khi ngủ vào ban ngày
Thực hiện các bước cải thiện triệu chứng nghẹt mũi vào ban ngay có thể giúp làm giảm khó chịu do bệnh vào ban đêm, nhờ đó đem lại giấc ngủ ngon hơn.
1. Chống lại sự thôi thúc xì mũi
Sử dụng khăn giấy là điều bình thường khi bạn nghẹt mũi, tuy nhiên xì mũi không được khuyến khích. Nguyên nhân là nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hành động này tạo một áp lực dư thừa trong các hốc mũi, có thể khiến chất lỏng từ mũi đi vào xoang.
Thay vì hành động xì mũi, bạn hãy dùng khăn giấy thấm nhẹ vào mũi. Trong trường hợp bạn nhất định phải xì mũi, hãy chọn một bên lỗ mũi cho mỗi lần và nên xì nhẹ nhàng.
2. Sử dụng bấm huyệt
Bấm huyệt là việc sử dụng tay để kích hoạt các điểm áp lực nhất định. Mặc dù bấm huyệt không thể chữa khỏi bệnh cảm lạnh nhưng nó có thể làm giảm áp lực xoang.
Để giảm áp lực xoang, bạn hãy sử dụng ngón tay trỏ trái và phải nhấn vào đáy của hai bên mũi, giữ trong khoảng ba phút. Còn đối với đau đầu do xoang, người bệnh hãy ấn ngón tay vào góc trong cùng của lông mày trong ba phút.
3. Giữ nước
Khi chất nhầy quá nhiều và dày, nó có thể dính vào mũi khiến tình trạng nghẹt mũi thêm trầm trọng. Do đó, uống đủ nước sẽ làm lỏng chất nhầy nhờ đó xoang thông thoáng hơn. Nếu bạn bị cảm lạnh, hãy uống đủ lượng chất lỏng tối thiểu hàng ngày khoảng 11.5 cốc đối với nữ và 15.5 cốc với nam. Những người bị sốt, nôn hoặc tiêu chảy thì có thể cần uống nhiều nước hơn.
4. Ăn thứ gì đó cay
Capsaicin là một hợp chất hóa học có trong ớt, công dụng của nó là làm loãng chất nhầy. Do đó, thực phẩm có chứa Capsaicin sẽ làm giảm nghẹt mũi tạm thời. Tuy nhiên, Capsaicin cũng kích thích tiết chất nhầy khiến bạn chảy nước mũi. Bạn nên ăn cay với mức độ vừa đủ, không quá cay và nên tránh ăn cay nếu đã bị đau bụng.
5. Dùng thuốc thông mũi
Thuốc thông mũi là một loại thuốc giúp làm giảm tắc nghẽn bằng cách giảm sưng trong các mạch máu của mũi. Loại thuốc này thường được bán tại quầy dưới dạng thuốc xịt mũi và thuốc uống.
Thuốc thông mũi thường được kết hợp với thuốc giảm đau và thuốc kháng histamin để đạt được hiệu quả tối đa. Mặc dù không cần đơn thuốc khi mua chúng nhưng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ nếu như bạn đang mắc phải một bệnh lý nào đó hay sử dụng một sản phẩm thuốc, thảo dược, vitamin khác.
6. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có công dụng giảm viêm và đau. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc này có thể hiệu quả trong điều trị các triệu chứng cảm lạnh, chẳng hạn như:
- Hắt xì
- Đau đầu
- Đau tai
- Đau khớp, cơ
- Sốt
Một số thuốc chống viêm không steroid có sẵn mà không cần toa của bác sĩ, các loại phổ biến bao gồm ibuprofen (Motrin, Advil), naproxen (Aleve) và aspirin.
7. Sử dụng viên ngậm
Các viên ngậm có chứa tinh dầu bạc hà sẽ tạo ra cảm giác thông khí trong mũi. Mặc dù tinh dầu bạc hà không thực sự làm giảm nghẹt mũi nhưng một nghiên cứu vào năm 1990 cho thấy nó có thể giúp việc thở trở nên dễ dàng hơn. Bạc hà cũng có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh khác như ho hoặc đau họng.
8. Không uống rượu
Uống rượu khi nghẹt mũi có thể làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Hơn 3.4% người nhận thấy việc tiêu thụ rượu gây ra các triệu chứng hô hấp như hắt hơi hoặc sổ mũi. Nguyên nhân là do rượu làm tăng sản xuất nước tiểu. Khi đó việc giữ nước sẽ khó khăn hơn, mất nước nhiều dẫn đến chất nhầy đặc và không thể thoát ra dễ dàng.
9. Tránh uống caffein sau 2 giờ chiều
Caffein là một chất kích thích được tìm thấy trong trà, cà phê và soda. Nó có thể giúp bạn tăng năng lượng nhưng lại có tác dụng lợi tiểu nhẹ. Do đó, nó làm tăng khả năng bị mất nước và hình thành chất nhầy dày. Hơn nữa, caffein không có lợi cho giấc ngủ.
10. Hạn chế cho thú cưng vào phòng ngủ
Thú cưng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí trong phòng ngủ. Lông chó mèo là dị nguyên có thể kích hoạt phản ứng dị ứng, trong đó bao gồm nghẹt mũi. Cho nên bạn hãy giữ thú cưng tránh khỏi phòng ngủ.
Cách trị nghẹt mũi khi ngủ vào buổi tối
Những biện pháp khắc phục vào khoảng thời gian này giúp giảm bớt tắc nghẽn và thư giãn hơn.
1. Ăn phở gà
Một nghiên cứu vào năm 2000 đã cho thấy súp gà mang lại khá nhiều lợi ích. Cụ thể hoạt tính của các dược liệu có công dụng chống viêm nhẹ nhờ đó giảm các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như nghẹt mũi. Mặc dù kết quả chưa được xác định cụ thể nhưng việc ăn một bát súp gà vào buổi tối có thể giúp cải thiện quá trình hydrat hóa, giảm nghẹt mũi.
2. Uống trà nóng
Trà có đặc tính chống vi-rút, chống viêm và oxy hóa. Mặc dù không có bằng chứng cho thấy trà sẽ làm sạch chất nhầy gây nghẹt mũi nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng đồ uống nóng như trà sẽ giúp cải thiện triệu chứng cảm lạnh.
3. Thử xông hơi mặt
Hơi nước sẽ làm lỏng chất nhầy trong đường mũi nên cải thiện được tình trạng nghẹt mũi. Để thực hiện, hãy đổ đầy một nồi nước ấm rồi trùm một chiếc khăn lên đầu, đặt mặt ngay vị trí hơi nước bốc lên. Nhưng nên cẩn thận để không làm bỏng mặt.
4. Tắm bằng nước nóng
Tắm bằng nước nóng là cách để giảm nghẹt mũi tạm thời bằng cách làm loãng chất nhầy. Hãy sử dụng vòi hoa sen với nước nóng vừa phải và nên đóng cửa phòng tắm để lưu giữ hơi nước nóng. Hãy hít thở thật sâu để xoang được làm sạch.
5. Rửa mũi bằng nước muối
Có nhiều bằng chứng cho thấy nước muối có thể cải thiện tình trạng nghẹt mũi và triệu chứng hô hấp liên quan. Rửa mũi giúp người bệnh dễ thở, tránh tình trạng chất nhầy và gỉ mũi làm bít tắc đường thở.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm giúp rửa mũi như chai nhựa, bơm tiêm vệ sinh mũi, thiết bị bơm mũi theo nhịp giúp việc rửa mũi trở nên thuận lợi hơn.
6. Sử dụng thuốc xịt mũi corticosteroid
Corticosteroid là một loại thuốc làm giảm viêm. Thuốc xịt mũi corticosteroid được sử dụng để điều trị nghẹt mũi liên quan đến viêm, chảy nước mũi và hắt hơi.
Mẹo trước khi đi ngủ
Thuốc, miếng dán thông mũi và một số mẹo có thể giúp bạn giảm triệu chứng nghẹt mũi trước khi ngủ.
1. Dùng thuốc kháng histamin
Histamin là một chất đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng dị ứng. Thuốc kháng histamin có công dụng ngăn chặn tác dụng của histamin trong cơ thể, từ đó làm giảm hắt hơi, nghẹt mũi và các triệu chứng dị ứng khác.
Thông thường, các thuốc kháng histamin đều có tác dụng phụ là gây buồn ngủ nên thời gian sử dụng tốt nhất là trước khi đi ngủ. Thuốc kháng histamin hầu hết đều được bán ở các hiệu thuốc nhưng hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và dược sĩ trước khi sử dụng.
2. Dùng tinh dầu trong phòng ngủ
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu cây trà có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn nên có thể giúp giảm nghẹt mũi. Nghiên cứu khác vào năm 2009 được thực hiện để kiểm tra tác động của thành phần chính trong dầu khuynh diệp là 1,8-cineole, kết quả cho thấy viên nang chứa cineole giúp cải thiện triệu chứng xoang.
Còn tinh dầu bạc hà có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Vì vậy bạn hãy sử dụng máy khuếch tán để phân tán tinh dầu trong khắp phòng ngủ, nhờ đó cải thiện triệu chứng nghẹt mũi.
3. Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ
Không khí khô là nguyên nhân gây kích ứng họng và đường mũi. Nếu không khí trong phòng ngủ quá khô, máy tạo độ ẩm sẽ giúp cung cấp thêm độ ẩm vào không khí. Mặc dù chúng không được khẳng định là có thể điều trị các triệu chứng cảm lạnh nhưng sẽ khiến người bệnh cảm thấy dễ thở hơn.
4. Giữ cho phòng ngủ được mát mẻ và tối
Khi bạn bị nghẹt mũi, hãy giữ cho nhiệt độ trong phòng ngủ mát mẻ, sử dụng rèm chắn sáng để ánh sáng bên ngoài không ảnh hưởng đến giấc ngủ. Đây là một biện pháp tốt để có được giấc ngủ ngon hơn.
5. Dùng miếng dán thông mũi
Miếng dán thông mũi giúp mở đường thở, cải thiện nhịp thở và hơi thở tốt hơn khi mũi bị tắc nghẽn. Bạn có thể mua miếng dán thông mũi ở các cửa hiệu thuốc. Thực hiện theo hướng dẫn trên bao bì để sử dụng trước khi đi ngủ.
6. Thoa dầu
Mặc dù không có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của tinh dầu đối với giấc ngủ nhưng nó được cho là có thể cải thiện các triệu chứng cảm lạnh và thúc đẩy giấc ngủ. Dầu bạch đàn, bạc hà và dầu cây trà là một ví dụ cho đặc tính chống lạnh. Tuy nhiên, nên pha loãng tinh dầu với một loại dầu nền khác để ngăn ngừa kích ứng da.
Bạn có thể sử dụng tinh dầu để tự xoa ngực. Mặc dù xoa bóp ngực không chữa được triệu chứng ở mũi nhưng hành động này có thể cải thiện được giấc ngủ.
7. Gối đầu cao
Theo một nghiên cứu của trường y khoa Harvard, gối đầu cao khi ngủ có thể giúp chất nhầy thoát ra và giảm áp lực xoang.
Trên đây là một số mẹo khắc phục chứng nghẹt mũi khi ngủ mà bạn nên biết. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về chứng bệnh này hoặc tình trạng không được cải thiện, hãy thăm khám và điều trị với bác sĩ.
ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị thay cho bác sĩ chuyên môn.
Tham khảo thêm: Vì sao bị nghẹt mũi vào ban đêm?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!