Hói đầu khi còn trẻ – Nỗi lo lắng của thanh niên thời đại
Hói đầu khi còn trẻ có thể phát sinh do thiếu máu, di truyền, căng thẳng thần kinh kéo dài và thường xuyên sử dụng hóa chất trên da đầu. Ở một số trường hợp, tình trạng hói đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của một số vấn đề, bệnh lý tiềm ẩn. Cụ thể như bệnh tiểu đường, rối loạn nội tiết tố, các vấn đề về tuyến giáp, hội chứng buồng trứng đa nang hay lupus ban đỏ. Để lựa chọn và áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp, người bệnh cần xác định chính xác nguyên nhân gây hói đầu.
Nguyên nhân gây hói đầu khi còn trẻ
Hói đầu thể hiện cho tình trạng rụng nhiều tóc dẫn đến mất tóc trên diện rộng. Dựa vào đặc điểm và các biểu hiện đi kèm, tình trạng hói đầu được phân ra thành hai dạng chính. Bao gồm: Hói đầu từng mảng và hói đầu lan tỏa.
Thông thường tình trạng hói đầu chỉ xảy ra ở những người có độ tuổi trên 50. Tuy nhiên dựa trên kết quả nghiên cứu gần đây, tình trạng này có thể xuất hiện ở những người trẻ tuổi.
Thực tế cho thấy tình trạng hói đầu ít khi làm ảnh hưởng và tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Thế nhưng tình trạng này xảy ra lâu ngày có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngoại hình. Từ đó khiến người bệnh lúng túng, thiếu tự tin trong giao tiếp hàng ngày, khi làm việc…
Tình trạng hói đầu khi còn trẻ có thể xuất hiện bởi những nguyên nhân sau:
1. Dùng quá nhiều hóa chất trên da đầu
Nhằm làm mới bản thân và đa dạng hơn trong việc tạo kiểu tóc, những hóa chất nhuộm, uốn, duỗi, và giữ nếp tóc được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng bạn chỉ nên dùng những loại hóa chất này trên da đầu 6 tháng/ lần. Điều này sẽ giúp tóc có thời gian phục hồi. Đồng thời có thời gian tái tạo và làm lành những tổn thương do các loại hóa chất gây ra.
Việc sử dụng quá nhiều hóa chất để tác động lên da đầu và tóc có thể khiến nang tóc nhanh chóng khô xơ, suy yếu, chẻ ngọn và mất độ đàn hồi. Hơn thế hàng rào bảo vệ tự nhiên có thể mất đi, da đầu và tóc dễ bị tổn thương trước sự tác động của các yếu tố từ môi trường. Cụ thể như bụi, gió, ánh nắng mặt trời…
2. Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền được xác định là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng hói đầu xảy ra ở người trẻ. Cho đến hiện tại, các chuyên gia và bác sĩ chuyên khoa vẫn chưa xác định được cơ chế rụng tóc đối với những trường hợp này.
Tuy nhiên nếu tình trạng hói đầu xảy ra ở những người thân cận huyết trong một gia đình (cha mẹ, anh chị em, ông bà), thì nguy cơ bị hói đầu của bạn sẽ cao hơn so với những người không có tiền sử gia đình bị hói đầu.
Tham khảo thêm: 7 thuốc chống rụng tóc – Giúp phục hồi, mọc lại nhanh nhất
3. Căng thẳng thần kinh kéo dài
Căng thẳng thần kinh là tình trạng xảy ra phổ biến ở những người trẻ tuổi. Nguyên nhân là do những áp lực từ quá trình học tập, tính chất công việc hoặc khối lượng công việc nặng nề, cuộc sống bận rộn có thể tác động và làm tăng áp lực lên não bộ. Từ đó khiến hệ thần kinh trung ương hoạt động mạnh và bị căng thẳng quá mức.
Căng thẳng thần kinh kéo dài không chỉ khiến các hoạt động của não bộ bị ảnh hưởng mà còn gây ra nhiều tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến những cơ quan quan trọng khác trong cơ thể. Điểu hình như đường ruột, dạ dày, tuần hoàn máu, hệ tim mạch, da, tóc…
Đối với những trường hợp lo lắng, căng thẳng thần kinh kéo dài nhưng không có biện pháp kiểm soát, quá trình tuần hoàn máu thường bị ảnh hưởng và gián đoạn. Điều này tác động không nhỏ đến nang tóc. Theo thời gian cơ quan này bị suy yếu nghiêm trọng.
Ngoài tình trạng rụng tóc và hói đầu, căng thẳng thần kinh kéo dài còn làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm và gây mất ngủ.
4. Bị các vấn đề về tuyến giáp
Tóc rụng nhiều và hói đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của các vấn đề về tuyến giáp. Tuyến giáp được xác định là một cơ quan nhỏ nằm tại cổ. Cơ quan này đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh hormone với mục đích đảm bảo quá trình trao đổi chất và hoàn thiện chức năng sinh lý của cơ thể.
Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc có dấu hiệu suy yếu đều có khả năng gây rối loạn nội tiết và tác động xấu đến toàn bộ cơ quan trong cơ thể, kể cả nang tóc và mái tóc.
Theo các chuyên gia, tình trạng mất cân bằng hormone tuyến giáp có thể khiến quá trình trao đổi chất xảy ra ở nang tóc bị cản trở. Từ đó khiến nang tóc không được nuôi dưỡng, nhanh chóng suy yếu và làm phát sinh tình trạng hói đầu, rụng tóc nhiều…
5. Thay đổi nội tiết tố
Tình trạng thay đổi nội tiết tố thường đột ngột xuất hiện ở người trẻ khi mang thai, căng thẳng thần kinh kéo dài hoặc sau khi sinh. Tương tự như quá trình sản sinh hormone ở tuyến giáp, đối với nữ giới nội tiết tố được buồng trứng sản xuất cũng có khả năng tác động và làm ảnh hưởng xấu đến nang tóc, chu kỳ tăng trưởng của tóc. Từ đó làm tăng nguy cơ hói đầu.
6. Thiếu máu
Máu là cơ quan quan trọng, có chức năng vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan cũng như toàn bộ các mô tế bào trong cơ thể. Chính vì thế nếu tình trạng thiếu máu xuất hiện, các cơ quan như tóc, móng, da thường không được cung cấp đủ oxy và hàm lượng chất dinh dưỡng cần thiết.
Tình trạng này xuất hiện lâu ngày có thể khiến móng giòn, dễ gãy, khô da, tóc khô xơ, rụng nhiều, đồng thời tăng cao nguy cơ hói đầu khi còn trẻ.
Tham khảo thêm: Dấu hiệu trẻ bị rụng tóc do thiếu chất – Cách bổ sung
7. Những nguyên nhân thường gặp khác
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, tình trạng hói đầu khi còn trẻ cũng dễ phát sinh từ những nguyên nhân sau:
- Mắc bệnh tiểu đường type 1
- Điều trị u não (thực hiện xạ trị trên vùng da đầu)
- Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống
- Đột ngột giảm cân
- Chàm
- Viêm nhiễm da đầu (viêm da đầu, nấm da đầu…)
- Vảy nến
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Dùng thuốc điều trị ung thư.
Tình trạng hói đầu ở người trẻ được chẩn đoán như thế nào?
Trước khi tiến hành điều trị hói đầu, người bệnh cần xác định mức độ rụng tóc và nguyên nhân. Từ đó đề ra hướng điều trị thích hợp. Để chân đoán tình trạng hói đầu khi còn trẻ, người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán sau:
- Thử nghiệm kéo tóc: Để xác định mức độ rụng tóc và đánh giá tình trạng, bác sĩ chuyên khoa có thể nắm một ít tóc, sau đó kéo nhẹ.
- Sinh thiết da đầu: Để thực hiện sinh thiết da đầu giúp kiểm tra tình trạng rụng tóc và nguyên nhân, bác sĩ sẽ sử dụng một vài sợi tóc hoặc mẫu da đầu đưa vào phòng thí nghiệm. Kỹ thuật chẩn đoán này có thể xác định được tình trạng hói đầu do các bệnh lý tự miễn hoặc do nhiễm trùng da đầu.
- Xét nghiệm máu: Khi có nghi ngờ rụng tóc nhiều là triệu chứng đặc trưng của một số bệnh lý nghiêm trọng như bệnh tiểu đường, Lupus ban đỏ, hội chứng buồng trứng đa nang… bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm máu.
Phương pháp điều trị hói đầu khi còn trẻ
Tình trạng hói đầu khi còn trẻ có thể kéo dài vĩnh viễn hoặc xảy ra tạm thời. Đối với những trường hợp nang tóc bị tổn thương nhẹ, có thể phục hồi trở lại, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bệnh nhân chữa bệnh với các phương pháp điều trị bảo tồn.
Đối với những trường hợp bị hói đầu vĩnh viễn và các phương pháp điều trị nội khoa không mang đến hiệu quả chữa bệnh như mong đợi, bác sĩ chuyên khoa có thể xem xét và cân nhắc việc can thiệp bằng những thủ thuật ngoại khoa cần thiết .
1. Sử dụng thuốc
Nếu những bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể là nguyên nhân gây ra tình trạng hói đầu, người bệnh cần sử dụng các loại thuốc khắc phục bệnh lý nguyên nhân. Đối với những trường hợp rụng nhiều tóc, hói đầu do rối loạn nội tiết tố, di truyền hoặc thiếu máu, bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu bạn sử dụng những loại thuốc được liệt kê dưới đây:
- Thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai là một loại thuốc được sử dụng phổ biến để phòng ngừa tình trạng thụ thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên nếu tình trạng rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân gây rụng tóc, nữ giới bị rụng tóc có thể được chỉ định sử dụng thuốc tránh thai nhằm kích thích mọc tóc và cân bằng nồng độ hormone trong cơ thể. Tuy nhiên loại thuốc này không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ đang mang thai hoặc những người đang trong thời kỳ cho con bú.
- Minoxidil: Thuốc Minoxidil thường được dùng bằng cách bôi trực tiếp lên da đầu. Các hoạt chất có trong loại thuốc này sẽ giúp kích thích nang tóc phục hồi và phát triển. Đồng thời giúp hình thành và bảo vệ các sợi tóc mới. Tuy nhiên người bệnh cần kiên trì sử dụng thuốc Minoxidil trong vòng 6 tháng để vùng da đầu bị hối có thể được cải thiện.
- Finasterid: Thuốc Finasterid được sử dụng phổ biến trong quá trình điều trị phì đại tuyến tiền liệt đối với nam giới. Tuy nhiên nhờ khả năng ức chế quá trình sản sinh hormone androgen – hormone gây hói đầu và rụng tóc, thuốc Finasterid còn được chỉ định dùng trong điều trị chứng hói đầu ở phái nam.
- Biotin: Biotin hay vitamin H là thành phần dinh dưỡng quan trọng và cần thiết trong việc duy trì mái tóc khỏe mạnh. Đối với những trường hợp giảm cân đột ngột hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, bác sĩ chuyên khoa có thể đề nghị bạn bổ sung vitamin H bằng cách kê toa thuốc Biotin. Từ đó giúp kích thích nang tóc phát triển, khỏe mạnh và giảm số lượng tóc rụng.
Tham khảo thêm: Trị rụng tóc bằng tỏi – Mẹo hay giúp tóc mọc nhanh
2. Laser chữa chứng hói đầu khi còn trẻ
Việc tác động trực tiếp lên da đầu và nang tóc bằng tia laser mức độ thấp có khả năng làm giảm số lượng tóc rụng và cải thiện tốt tình trạng viêm. Tuy nhiên phương pháp điều trị này chỉ phù hợp với những đối tượng bị hói đầu ở mức độ nhẹ, nang tóc có khả năng phục hồi do chưa bị thoái hóa hoàn toàn.
3. Cấy tóc
Đối với những trường hợp hói đầu và mất tóc vĩnh viễn do nang tóc thoái hóa hoàn toàn và không có khả năng phục hồi, người bệnh có thể được điều trị bằng phương pháp cấy tóc. Trong thủ thuật này, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành di chuyển một số nang tóc khỏe mạnh ở khu vực có da đầu khỏe và có mật độ tóc dày đến những khu vực có da đầu bị hói.
Một số kỹ thuật cấy tóc thường được áp dụng gồm:
- Cấy tóc sinh học: Những bệnh nhân bị hói đầu lan tỏa có thể được bác sĩ chuyên khoa chỉ định kỹ thuật cấy tóc sinh học. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách cấy vào da đầu các sợi tóc sinh học để tăng số lượng tóc. Từ đó che đi phần da đầu bị hói.
- Cấy tóc tự thân: Kỹ thuật cấy tóc tự thân được thực hiện bằng cách cấy vào những khu vực có da đầu bị hói bằng chính nang tóc của bệnh nhân.
Cấy tóc là phương pháp điều trị ngoại khoa được chỉ định ở những trường hợp bị hói đầu nghiêm trọng. Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp điều trị này có thể khiến bệnh nhân đau đớn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó chi phí thực hiện cấy tóc rất đắt đỏ. Chính vì thế, trước khi quyết định thực hiện, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về vấn đề này.
Tham khảo thêm: Cách trị rụng tóc bằng muối – Hiệu quả và sạch da đầu
Biện pháp chăm sóc tóc và da đầu dành riêng cho người trẻ bị hói đầu
Chế độ chăm sóc da đầu và tóc là một trong các yếu tố có khả năng tác động và làm ảnh hưởng tích cực đến chu kỳ tăng trưởng của tóc và nang tóc. Việc không chăm sóc tóc cũng như duy trì thói quen không khoa học sẽ làm tăng mức độ tổn thương, khiến nang tóc bị suy yếu và tăng nhanh số lượng tóc rụng.
Chính vì thế những người bị hói đầu hoặc rụng nhiều tóc nên áp dụng chế độ chăm sóc hợp lý. Điều này sẽ giúp vùng da đầu tránh khỏi tổn thương, bảo vệ nang tóc và hạn chế số lượng tóc rụng. Biện pháp chăm sóc tóc và da đầu dành riêng cho người trẻ bị hói đầu:
- Mỗi tuần chỉ nên gội đầu từ 2 – 3 lần. Nên lựa chọn và sử dụng dầu gội, các sản phẩm làm sạch tóc có chiết xuất từ thiên nhiên, có độ pH trung tính và ít xà phòng. Bên cạnh đó bạn nên massage da đầu một cách nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương, tránh kích thích nang tóc và làm giảm nguy cơ gãy rụng.
- Dùng quạt sấy tóc để tránh vùng da đầu bị ảnh hưởng. Ngoài ra bạn cần đảm bảo tóc khô hoàn toàn trước khi lên giường và đi ngủ.
- Tận dụng tinh dầu ô liu và tinh dầu bưởi để bảo vệ và nuôi dưỡng những khu vực có chân tóc khô xơ, chẻ ngọn. Đồng thời tạo hàng rào vững chắc để bảo vệ cho mái tóc.
- Nên sử dụng kem chống nắng dành riêng cho da đầu và tóc, dùng thêm nón hoặc dù trước khi di chuyển và hoạt động ngoài trời. Bên cạnh đó bạn cần bảo vệ da đầu và tóc trước gió, bụi bẩn và môi trường ô nhiễm.
- Không nên sử dụng nhiệt độ cao và hóa chất lên tóc.
- Để hạn chế số lượng tóc rụng, bạn nên chải tóc bằng lược răng thưa.
- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá. Nguyên nhân là do khói thuốc lá có khả năng tác động xấu, làm ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của tóc.
Hói đầu khi còn trẻ thường xảy ra do các bệnh lý, vấn đề tiềm ẩn trong cơ thể và do yếu tố di truyền. Vì thế nếu thấy tóc rụng nhiều, tình trạng mất tóc xảy ra trên diện rộng, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ da liễu để được kiểm tra, thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán và áp dụng các phương pháp chữa trị thích hợp trong thời gian sớm nhất.
Có thể bạn quan tâm
- 7 cách trị hói đầu ở nữ – Giúp tóc mọc dài, dày nhanh
- Rụng tóc do nội tiết tố nam – Cách nhận biết, điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!