Đau cổ tay do nguyên nhân gì? Cách nhận biết và điều trị
Đau cổ tay thường do bong gân hoặc gãy xương do chấn thương bất ngờ. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể là triệu chứng của những vấn đề mãn tính như viêm khớp, gout hay hội chứng ống cổ tay.
Những nguyên nhân gây đau cổ tay
1. Bong gân
Bong gân là tình trạng dây chằng ở cổ tay bị kéo giãn vượt quá mức giới hạn.
Dây chằng là cơ quan bao quanh khớp, có chức năng ổn định cấu trúc bàn tay và kiểm soát chuyển động của cơ quan này. Do đó khi bị bong gân, bạn sẽ thấy cảm thấy đau đớn và khó khăn khi cử động.
Với những người bị bong gân nặng, cấu trúc bàn tay có thể bị biến dạng nhất thời. Nếu bạn cố cử động, cơn đau sẽ có xu hướng nghiêm trọng hơn. Vì vậy trong trường hợp này, bạn cần chủ động đến bệnh viện để được xử lý đúng cách.
2. Viêm bao gân
Gân là cơ quan nối kết cơ bắp và xương. Viêm bao gân xảy ra khi màng bào xung quanh bị viêm và tổn thương.
Cơn đau do viêm gân thường âm ỉ ở vùng khớp bị ảnh hưởng. Triệu chứng có thể nặng nề hơn khi bạn cử động cổ tay. Ngoài các cơn đau âm ỉ, bạn có thể bị cứng khớp, tê bì vào mỗi buổi sáng.
Những người làm công việc phải chuyển động cổ tay liên tục như nhân viên văn phòng, vận động viên golf, tennis,… có nguy cơ mắc bệnh viêm gân cổ tay cao hơn người bình thường.
3. Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay hình thành do rối loạn chức năng của dây thần kinh giữa ở cổ tay.
Dây thần kinh giữa là nơi dẫn truyền cảm giác cho các ngón tay. Khi cơ quan này bị chèn ép, đè nén, bạn có thể nhận thấy bàn tay và ngón tay tê, yếu và ngứa ran. Hội chứng này có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai tay.
4. Gãy cổ tay
Gãy cổ tay có thể do chấn thương bất ngờ hoặc do loãng xương gây ra. Nếu bạn nghi ngờ mình bị gãy xương, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện.
Khi xương gãy, bạn sẽ nghe âm thanh nhỏ phát ra và nhận thấy sự bất thường của cấu trúc khớp xương. Trong một số trường hợp nặng, bạn có thể thấy xương gãy chọc qua da.
Gãy xương cổ tay có thể trở thành tổn thương vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.
5. Viêm khớp
Viêm khớp là tình trạng khớp bị hư hại và sưng viêm. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất cứ khớp nào trong cơ thể, trong đó có khớp cổ tay.
Nếu bị viêm khớp, bạn sẽ nhận thấy các triệu chứng như đau nhức, cứng khớp và giảm phạm vi chuyển động. Triệu chứng thường khó xác định và nhanh chóng thuyên giảm trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên theo thời gian, cơn đau có xu hướng nặng nề và xuất hiện với tần suất dày đặc hơn.
Viêm khớp là bệnh mãn tính không thể chữa trị dứt điểm. Nếu bạn tiến hành điều trị sớm, hầu hết bệnh đều đáp ứng tốt với các phương pháp bảo tồn.
6. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh rối loạn tự miễn thường gặp. Bệnh lý này xảy ra khi kháng thể trong hệ miễn dịch tấn công vào mô sụn và tế bào xương khỏe mạnh.
Viêm khớp dạng thấp thường tập trung ở khớp ngón tay và cổ tay. Bệnh lý này có triệu chứng tương tự như viêm khớp, do đó bạn không thể xác định chính xác qua các triệu chứng lâm sàng.
Nếu nhận thấy cơn đau ở cổ tay, ngón tay kéo dài và có xu hướng nghiêm trọng hơn. Bạn cần chủ động gặp bác sĩ để được chẩn đoán và khắc phục kịp thời.
7. Viêm bao hoạt dịch
Bao hoạt dịch nằm xung quang vai, đầu gối, khuỷu tay và hông. Cơ quan này điều tiết dịch nhầy ở khớp nhằm làm giảm ma sát khi vận động.
Tuy nhiên bao hoạt dịch có thể bị tổn thương và làm phát sinh tình trạng viêm sưng. Tương tự như viêm khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch có triệu chứng tương tự như bệnh viêm khớp.
Để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bạn nên gặp trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý dùng thuốc để cải thiện triệu chứng bệnh.
8. Bệnh Gout (gút)
Gout là một dạng viêm khớp thường xuất hiện ở nam giới. Bệnh hình thành do hàm lượng axit uric vượt quá mức cho phép.
Axit uric không được đào thải sẽ có xu hướng tích tụ tại các khớp trong cơ thể và gây ra hiện tượng viêm. Gout thường xuất hiện ở ngón chân cái, tuy nhiên tình trạng này cũng có thể phát sinh ở cổ tay và ngón tay.
Không giống như các bệnh viêm khớp khác, gout gây ra các cơn đau đớn cực độ và kéo dài. Bên cạnh việc dùng thuốc làm giảm axit uric, bạn có thể thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt để tăng quá trình đào thải axit uric và cải thiện tiến triển bệnh.
9. Bệnh to đầu chi
Bệnh to đầu chi là tình trạng rối loạn nội tiết hiếm gặp. Ở những người mắc bệnh lý này, hormone tăng trưởng (GH) được sản sinh quá mức. Lượng hormone dư thừa khiến xương và các mô mềm trong cơ thể phát triển bất thường.
Bên cạnh triệu chứng đau cổ tay, bệnh nhân mắc bệnh to đầu chi có thể nhận thấy các dấu hiệu như xương to ở mặt, bàn chân và bàn tay, tóc mọc quá mức, tăng cân nhanh chóng, khớp sưng, giảm khả năng vận động, tăng các tuyến sản xuất dầu trên da,…
Để làm giảm các triệu chứng của bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành điều chỉnh lượng hormone tăng trưởng. Trong trường hợp điều trị nội khoa không đem lại hiệu quả, bạn có thể phải thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối u gây ra hormone dư thừa.
10. Viêm khớp vị thành niên (Viêm khớp tự phát thiếu niên)
Viêm khớp vị thành niên là dạng viêm khớp phổ biến ở trẻ em. Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định nguyên nhân gây ra bệnh lý này. Tuy nhiên một số bác sĩ cho rằng tình trạng này là hệ quả của rối loạn miễn dịch.
Ở những người bị viêm khớp vị thành niên, lượng cytokine có xu hướng tăng lên đáng kể. Cytokine là chất được hệ miễn dịch giải phóng, có khả năng gây tổn thương các mô khỏe mạnh của cơ thể.
Hầu hết bệnh viêm khớp vị thành niên đều ở mức độ nhẹ và đáp ứng tốt với điều trị. Tuy nhiên ở một số trường hợp nghiêm trọng, khớp có thể bị tổn thương và biến dạng vĩnh viên.
11. Sốt thấp khớp
Sốt thấp khớp là một trong những biến chứng của viêm họng liên cầu khuẩn. Tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ em từ 5 – 15 tuổi.
Sốt thấp khớp do vi khuẩn nhóm A Streptococcus gây ra. Bệnh lý này khiến hệ miễn dịch tấn công vào tất cả các mô khỏe mạnh, khiến tình trạng viêm lan rộng khắp cơ thể và gây đau nhức xương khớp.
Các triệu chứng của sốt thấp khớp bao gồm: hạch bạch huyết mềm và sưng, sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nhức mỏi toàn bộ cơ thể, chảy máu mũi,…
Sốt thấp khớp có thể được điều trị dứt điểm và không gây ra bất cứ biến chứng nào. Tuy nhiên, ở một số trường hợp bệnh có thể gây ra những rủi ro như:
- Hẹp van động mạch chủ
- Tổn thương cơ tim
- Rung tâm nhĩ
- Suy tim
- Trào ngược động mạch chủ
Có thể bạn quan tâm: Viêm gân cổ tay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Chẩn đoán nguyên nhân gây đau cổ tay
Đau cổ tay có thể là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó trước khi chỉ định phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán để xác định đúng nguyên nhân.
Trước tiên bác sĩ sẽ đặt các câu hỏi về triệu chứng đau cổ tay và các dấu hiệu đi kèm. Để bác sĩ dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán, bạn cần chủ động trình bày tiền sử chấn thương và tình trạng bệnh lý (nếu có).
Kiểm tra thể chất
Bác sĩ có thể đề nghị bạn kiểm tra thể chất để quan sát triệu chứng bên ngoài của cổ tay, bàn tay và cánh tay. Bạn sẽ được yêu cầu thực hiện một số động tác để đánh giá phản ứng và phạm vi chuyển động của cổ tay.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra mạch và dây thần kinh để xác định có sự chèn ép lên các dây thần kinh hay không.
Kiểm tra hình ảnh
Kiểm tra hình ảnh là xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán đau cổ tay.
Tùy vào chẩn đoán nghi ngờ mà bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện X-Quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hay chụp cộng hưởng từ (MRI).
Chẩn đoán phân biệt
Với những bệnh lý có triệu chứng tương tự nhau, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt để loại trừ một số khả năng. Bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt các vấn đề sức khỏe sau:
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh tuyến giáp và tiểu đường
- Hội chứng chèn ép cột sống cổ
- Khối u mô mềm
Các biện pháp điều trị đau cổ tay
Điều trị đau cổ tay phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân cụ thể. Do đó cần xác định đúng nguyên nhân trước khi lựa chọn phương pháp điều trị.
Để được chỉ định phương pháp thích hợp, bạn cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa. Tự ý điều trị có thể khiến các tình huống rủi ro phát sinh.
1. Biện pháp không dùng thuốc
Bên cạnh các biện pháp điều trị chuyên sâu, bạn có thể thực hiện kế hoạch chăm sóc tại nhà để cải thiện triệu chứng đau cổ tay.
Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi và hạn chế vận động ở khớp cổ tay sẽ làm giảm các cơn đau ở vị trí này.
Tuy nhiên để khớp bất động trong một thời gian dài có thể gây ra tình trạng cứng khớp. Do đó bạn có thể thực hiện những cử động nhẹ hoặc các bài tập ở cổ tay trong thời gian nghỉ ngơi.
Chườm lạnh
Chườm lạnh được thực hiện khi bạn được chẩn đoán bong gân. Chườm lạnh trong vài ngày đầu tiên có thể giúp khớp cổ tay ổn định và giảm bớt hiện tượng sưng viêm.
Băng
Bạn có thể sử dụng băng y tế để quấn từ cổ tay đến gốc ngón tay cái. Băng tay được thực hiện với trường hợp trật khớp hoặc nứt xương nhẹ.
Bạn nên nhờ sự trợ giúp của nhân viên y tế để băng đúng cách. Băng quá chặt có thể ngăn chặn máu lưu thông và gây tê bì, ngứa ran ở tay.
Nẹp
Nẹp cổ tay được thực hiện với những người bị bong gân do chấn thương hoặc người bị hội chứng cổ tay. Với tình trạng bong gân, nẹp được áp dụng để ổn định khớp và ngăn chặn lệch khớp. Trong khi đó, hội chứng cổ tay thực hiện nẹp nhằm giảm áp lực và chèn ép lên cơ quan này.
2. Sử dụng thuốc
Thuốc có thể được sử dụng nhằm cải thiện cơn đau ở cổ tay. Tùy vào mức độ và tần suất của triệu chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định một loại thuốc phù hợp.
Thuốc giảm đau thông thường
Thuốc giảm đau thông thường – Acetaminophen là lựa chọn ưu tiên trong điều trị đau cổ tay. Loại thuốc này có khả năng làm giảm cơn đau có mức độ nhẹ và vừa.
Acetaminophen ít gây tác dụng không mong muốn, vì vậy các bác sĩ thường khuyến khích bạn sử dụng trước khi chỉ định các loại thuốc có hoạt động mạnh hơn.
Nhóm thuốc này có thể gây ngộ độc gan, vì vậy bệnh nhân suy gan, có tiền sử nghiện rượu,… nên thận trọng khi dùng.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
NSAID có khả năng chống viêm và giảm đau. Nhóm thuốc này được áp dụng khi Acetaminophen không cải thiện được cơn đau ở cổ tay.
NSAID thường được chỉ định để làm giảm cơn đau cổ tay và các triệu chứng khác của bệnh viêm gân, viêm khớp và bong gân. Ngoài ra, bệnh nhân hội chứng ống cổ tay không được khuyến khích dùng loại thuốc này.
Corticosteroid
Corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh mẽ. Thuốc được sử dụng với trường hợp đau cổ tay do viêm gân, viêm khớp dạng thấp và hội chứng ống cổ tay.
Nhóm thuốc này hoạt động tương tự như cortisone được tuyến thượng thận sản sinh. Lạm dụng corticosteroid có thể ức chế hoạt động của hệ miễn dịch và gây ra nhiều vấn đề tiêu cực. Do đó bạn chỉ nên sử dụng loại thuốc này khi có yêu cầu từ bác sĩ.
3. Phẫu thuật
Một số nguyên nhân gây đau cổ tay cần phải phẫu thuật như gãy xương, hội chứng ống cổ tay,… Tuy nhiên phương pháp này chỉ được thực hiện khi có yêu cầu từ bác sĩ chuyên khoa.
Phẫu thuật có thể tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm như tổn thương dây thần kinh, nhiễm trùng, trật khớp,… Vì vậy bạn cần trao đổi với bác sĩ về lợi ích và nguy cơ trước khi quyết định can thiệp ngoại khoa.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- U bao hoạt dịch khớp cổ tay là bệnh gì? Chữa như thế nào?
- Bệnh gai xương cổ tay: Thủ phạm gây cơn đau nhức kinh hoàng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!