Bệnh Á Sừng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Da liễuPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh á sừng đặc trưng bởi tình trạng da khô nứt nẻ, bong tróc kèm theo ngứa ngáy. Vì có tính chất dai dẳng, dễ tái phát nên bệnh gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt và ảnh hưởng đáng kể đến ngoại hình. 

Tổng quan

Bệnh á sừng (Dermatitis Plantaris Sicca) là một nhóm nhỏ của viêm da cơ địa. Thuật ngữ này được sử dụng để đề cập đến tổn thương da khô, nứt nẻ, dày sừng, xuất hiện chủ yếu ở vùng da tay và da chân. Á sừng có tính chất mãn tính, hay tái phát - nhất là khi thời tiết khô lạnh.

bệnh á sừng
Á sừng là bệnh da mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng da nứt nẻ, khô ráp kèm theo ngứa ngáy

Á sừng được xem là một nhóm biểu hiện của viêm da cơ địa hoặc cũng có thể được coi là một bệnh da liễu riêng biệt. Bệnh chủ yếu gặp ở thanh thiếu niên và người trưởng thành, ít gặp ở trẻ em.

Tương tự như các bệnh da liễu do cơ địa, á sừng là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh có tính chất mãn tính, dai dẳng và hay tái phát. Tổn thương da dạng dày sừng không chỉ ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ mà còn gây ngứa ngáy, khó chịu khi sinh hoạt.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây bệnh á sừng chưa được biết rõ. Tuy nhiên, tương tự như các bệnh da cơ địa khác, nguyên nhân có liên quan đến yếu tố cơ địa với vai trò rõ rệt của một số gen.

Nguyên nhân bệnh á sừng
Tiếp xúc với chất tẩy rửa thường xuyên là yếu tố làm bùng phát bệnh á sừng

Dù chưa tìm ra nguyên nhân chính xác nhưng các chuyên gia đã xác định được những yếu tố có liên quan đến bệnh á sừng:

  • Cơ địa nhạy cảm: Cơ địa nhạy cảm là tình trạng hệ miễn dịch có phản ứng thái quá với các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Đối với bệnh á sừng, cơ thể vô cùng nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài - đặc biệt là hóa chất và xà phòng. Khi tiếp xúc với những yếu tố này, da có biểu hiện sừng hóa, nứt nẻ, viêm và ngứa ngáy.
  • Di truyền: Các bệnh da liễu do cơ địa nói chung và bệnh á sừng nói riêng đều có liên quan đến yếu tố di truyền. Các chuyên gia nhận thấy, những người có gen mang bệnh sẽ có nguy cơ bị á sừng cao hơn.
  • Thiếu hụt vitamin, khoáng chất: Người bị thiếu hụt các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin C, E, A, kẽm… sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh á sừng. Bởi khi thiếu dưỡng chất, hàng rào bảo vệ da sẽ bị suy yếu. Các tác nhân ngoại sinh vì thế sẽ dễ dàng xâm nhập và kích hoạt phản ứng dị ứng.
  • Rối loạn nội tiết tố: Hormone thay đổi là yếu tố thuận lợi để kích hoạt và làm tái phát triệu chứng của bệnh á sừng. Rối loạn nội tiết trong giai đoạn mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh sẽ tăng độ nhạy cảm của hệ miễn dịch với các yếu tố ngoại sinh.
  • Thời tiết khô lạnh: Viêm da cơ địa nói chung và á sừng nói riêng thường bùng phát mạnh vào thời tiết lạnh, khô hanh. Lý do là vì thời tiết lạnh làm da mất độ ẩm, hàng rào bảo vệ da suy yếu tạo điều kiện cho các yếu tố ngoại sinh thâm nhập.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Tương tự như rối loạn nội tiết tố, miễn dịch suy yếu cũng là điều kiện thuận lợi khiến cho bệnh á sừng bùng phát và kích hoạt. Khi hệ miễn dịch giảm, cơ thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với hóa chất, xà phòng, dị nguyên có trong không khí.
  • Tiếp xúc với chất tẩy rửa: Thường xuyên tiếp xúc với nước rửa chén, bột giặt, xà phòng, hóa chất,... là yếu tố trực tiếp khiến cho bệnh á sừng bùng phát. Các chất tẩy rửa sẽ khiến cho hàng rào bảo vệ da suy yếu, hệ miễn dịch phản ứng lại bằng cách giải phóng các yếu tố gây viêm làm cho da dày sừng, viêm đỏ, ngứa ngáy.

Nhìn chung, cơ địa nhạy cảm được xem là yếu tố có vai trò quan trọng nhất. Ở những người có cơ địa bình thường, tiếp xúc với chất tẩy rửa hay khi thời tiết khô hanh, da cũng không xuất hiện tổn thương dày sừng, nứt nẻ, ngứa ngáy.

Á sừng gặp chủ yếu ở thanh thiếu niên và người trưởng thành. Đặc biệt là những người làm việc trong môi trường có độ ẩm thấp, thường xuyên tiếp xúc với chất tẩy rửa như thợ làm tóc, nội trợ, nông dân, công nhân trong các nhà máy…

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh á sừng có các triệu chứng điển hình như sau:

Nguyên nhân bệnh á sừng
Biểu hiện đặc trưng của á sừng là tổn thương da khô, nứt nẻ, dày sừng tập trung chủ yếu ở bàn tay và bàn chân

  • Đặc trưng của bệnh á sừng là tình trạng da dày sừng, nứt nẻ, vùng da tổn thương có hiện tượng đỏ/ hồng kèm theo ngứa ngáy. Tổn thương tập trung chủ yếu ở ngón tay, lòng bàn tay, ngón chân và lòng bàn chân, đặc biệt hay xuất hiện ở xung quanh rìa móng.
  • Nếu thời tiết quá khô, các vết nứt trên da sẽ trở nên sâu hơn gây chảy máu và đau rát. Các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn vào thời tiết khô lạnh và sau khi tiếp xúc với các chất tẩy rửa như bột giặt, xà phòng…
  • Do tổn thương xuất hiện ở bàn tay, bàn chân nên có nguy cơ nhiễm nấm và nhiễm khuẩn cao. Trường hợp này sẽ gây đau nhiều, xuất hiện mụn mủ, mụn nước.

Bệnh á sừng có thể tự cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc và thuốc không kê toa. Tuy nhiên, nếu triệu chứng kéo dài gây nứt nẻ, chảy máu và đau nhiều, việc thăm khám là cần thiết.

Giống như các bệnh da do cơ địa khác, bệnh á sừng được chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng. Bác sĩ cũng có thể đặt câu hỏi về tiền sử bệnh lý của cá nhân, gia đình để xác định nguy cơ mắc bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Nhìn chung, á sừng là bệnh da lành tính, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, tổn thương da dày sừng, nứt nẻ, ngứa ngáy ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và hiệu suất lao động. Da tay, da chân bị nứt nẻ còn gây đau rát, làm giới hạn một số hoạt động sinh hoạt như rửa chén bát, giặt đồ, lau nhà, dọn dẹp…

biểu hiện của bệnh á sừng
Á sừng gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt do ngứa ngáy dai dẳng, da nứt nẻ, chảy máu

Vùng da tổn thương dễ bị nhiễm nấm và vi khuẩn do vết nứt sâu. Hơn nữa, á sừng xảy ra chủ yếu ở tay và chân. Đây đều là những vị trí có tần suất tiếp xúc cao nên không tránh khỏi bội nhiễm.

Không chỉ gây ra những bất tiện trong sinh hoạt, bệnh á sừng còn ảnh hưởng đáng kể đến yếu tố thẩm mỹ. Vì vậy, dù là bệnh lành tính, vẫn nên chủ động thăm khám và điều trị á sừng để tự tin, thoải mái hơn trong cuộc sống.

Điều trị

Điều trị á sừng cần phối hợp dùng thuốc và tránh tiếp xúc với các yếu tố có thể kích hoạt bệnh bùng phát. Có như vậy, triệu chứng mới thuyên giảm hoàn toàn, hạn chế đáng kể tần suất tái phát.

Các phương pháp điều trị bệnh á sừng bao gồm:

Dưỡng ẩm cho da

Ở những người bị á sừng, hàng rào bảo vệ da đều có hiện tượng suy yếu. Do đó khi vào mùa đông, da dễ bị mất nước và trở nên nhạy cảm khi tiếp xúc với hóa chất, xà phòng, bột giặt…

Dưỡng ẩm cho da có vai trò quan trọng trong điều trị và phòng ngừa bệnh á sừng. Khi cung cấp đủ ẩm, hàng rào bảo vệ da sẽ được củng cố. Da khỏe và có thể chống lại các tác nhân có hại từ môi trường.

Ngoài ra, sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên còn giúp giảm tình trạng khô, dày sừng và nứt nẻ. Nếu tổn thương da không quá nghiêm trọng, có thể dùng các loại kem dưỡng ẩm lành tính để cải thiện thay vì dùng thuốc.

Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại kem dưỡng ẩm dành riêng cho người bị á sừng, viêm da cơ địa. Bệnh nhân có thể tự tìm hiểu hoặc trao đổi với dược sĩ để được tư vấn sản phẩm phù hợp với tình trạng da.

Sử dụng thuốc

Trường hợp da dày sừng, nứt nẻ nhiều, cần phải dùng thuốc bôi và thuốc uống. Tùy theo mức độ triệu chứng, các loại thuốc được chỉ định bao gồm:

điều trị của bệnh á sừng
Nếu cần thiết, có thể dùng thuốc bôi để giảm ngứa và cải thiện tình trạng dày sừng

  • Thuốc bôi chứa corticoid
  • Thuốc bôi chứa axit salicylic
  • Thuốc bôi chứa hoạt chất kháng nấm
  • Kháng sinh (dùng trong trường hợp bội nhiễm)
  • Thuốc kháng histamin H1 được sử dụng để giảm ngứa

Các biện pháp hỗ trợ

Ngoài sử dụng thuốc, có thể kết hợp thêm với một số biện pháp hỗ trợ. Các biện pháp này giúp cải thiện tình trạng da dày sừng, nứt nẻ, đồng thời hạn chế nguy cơ bội nhiễm và tái phát.

Các biện pháp hỗ trợ giúp kiểm soát bệnh á sừng:

  • Không gãi, chà xát lên vùng da tổn thương. Thay vào đó, có thể ngâm tay chân với nước ấm (không ngâm với nước muối pha loãng) để giảm ngứa và làm bong các lớp da dày sừng.
  • Bổ sung vitamin, khoáng chất thông qua chế độ dinh dưỡng. Trường hợp thiếu hụt nhiều có thể bổ sung bằng viên uống theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Trong thời gian bị á sừng, cần phải giữ vệ sinh tay chân. Nên dùng xà phòng hữu cơ để làm sạch và cắt ngắn móng tay, móng chân nhằm hạn chế tình trạng nhiễm nấm, nhiễm khuẩn.
  • Mang bao tay khi tiếp xúc với hóa chất, xăng dầu, bột giặt, xà phòng,...
  • Kiêng tiếp xúc với phấn hoa, lông chó mèo, tránh các loại thức ăn gây dị ứng.
  • Giữ ấm tay chân khi trời lạnh để tránh tình trạng da khô, nứt nẻ gây chảy máu.

Phòng ngừa

Á sừng là bệnh da mãn tính, hay tái phát. Vào mùa đông, sau khi tiếp xúc với hóa chất, xà phòng hoặc khi bị dị ứng thức ăn,... các triệu chứng đều có thể tái phát.

điều trị của bệnh á sừng
Dưỡng ẩm thường xuyên là cách phòng ngừa bệnh á sừng hiệu quả

Để hạn chế những phiền toái do căn bệnh này, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:

  • Nâng cao sức đề kháng cho cơ thể nói chung và làn da nói riêng bằng chế độ ăn hợp lý, ngủ nghỉ đúng giờ, tránh căng thẳng…
  • Kiêng các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, ghẹ, thịt gà, đậu phộng…
  • Làm sạch da bằng các sản phẩm dịu nhẹ, không chứa xà phòng.
  • Dưỡng ẩm da tay, da chân ít nhất 2 lần/ ngày.
  • Thay đổi công việc nếu thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa.
  • Người làm công việc nội trợ nên dùng bao tay khi làm việc nhà để tránh tái phát bệnh.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh á sừng có lây không?

2. Bệnh á sừng có chữa khỏi được không?

3. Bị á sừng ở tay, chân có ảnh hưởng gì không?

4. Cần kiêng gì, ăn gì để cải thiện bệnh á sừng?

5. Làm thế nào để giảm ngứa do á sừng?

6. Bị á sừng có nên ngâm nước muối?

7. Bị á sừng khi đang mang thai phải làm sao?

Bệnh á sừng gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt nhưng nhìn chung là bệnh da lành tính, không nguy hiểm. Nếu điều trị đúng cách, tổn thương da sẽ thuyên giảm trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, nên chủ động dưỡng ẩm và chăm sóc da đúng cách để hạn chế tái phát.