Thuốc Amiodaron: Tác dụng - Liều dùng - Lưu ý
Thuốc Amiodaron có tác dụng chống loạn nhịp tim. Thuốc được chỉ định trong điều trị – dự phòng loạn nhịp thất, loạn nhịp trên thất tái phát và có xu hướng kháng lại điều trị thông thường.
- Tên thuốc: Amiodaron
- Tên khác: Amiodarone
- Phân nhóm: Thuốc chống loạn nhịp
Những thông tin cần biết về thuốc Amiodaron
1. Tác dụng
Amiodaron có tác dụng kéo dài thời gian điện thế hoạt động ở tâm nhĩ và tâm thất, dẫn đến tăng thời gian tái phân cực nhằm chống loạn nhịp tim.
Amiodaron hấp thu chậm, tính lũy nhiều trong mô và có tốc độ thải trừ rất chậm. Tác dụng của thuốc có thể kéo dài ngay cả khi ngưng dùng thuốc 1 tháng. Amiodaron được thải trừ chủ yếu qua mật và phân, một số ít có thể được bài tiết qua đường tiểu.
2. Chỉ định
Thuốc Amiodaron được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Điều trị và dự phòng loạn nhịp thất.
- Điều trị và dự phòng loạn nhịp trên thất tái phát và có xu hướng kháng lại điều trị thông thường.
3. Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc Amiodaron cho những đối tượng sau:
- Sốc do tim
- Block nhĩ thất độ II – III
- Suy nút xoang nặng gây ra biến chứng block xoang nhĩ và chậm nhịp xoang
- Bệnh nhân suy hô hấp, suy tuần hoàn và suy tim
- Người quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Đã xác nhận hoặc nghi ngờ mắc bệnh tuyến giáp
- Hạ huyết áp động mạch
- Bệnh nút xoang hoặc block nhánh
- Chậm nhịp từng cơn gây ngất
4. Dạng bào chế – hàm lượng
Thuốc Amiodaron có những dạng bào chế và hàm lượng sau:
- Thuốc tiêm – 50mg/ ml
- Viên nén – 200mg
5. Cách dùng – liều lượng
Thuốc Amiodaron được sử dụng bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Liều dùng thông thường khi điều trị loạn nhịp thất
Thuốc uống:
- Liều dùng tấn công: Uống 200mg/ 3 lần/ ngày trong 7 ngày đầu.
- Giảm liều ở tuần tiếp theo: Uống 200mg/ 2 lần/ ngày.
- Tiếp tục giảm liều sau 2 tuần tiếp theo: Uống 200mg/ lần/ ngày.
Thuốc tiêm tĩnh mạch:
- Tiêm truyền tĩnh mạch: 5mg/ kg, truyền tĩnh mạch chậm từ 20 – 120 phút.
- Có thể lặp lại liều trong trường hợp cần thiết.
Liều dùng thông thường khi điều trị loạn nhịp trên thất
Người lớn:
- Liều tấn công: Uống 600 – 800mg/ ngày, duy trì từ 1 – 4 tuần.
- Liều duy trì: Uống 100 – 400mg/ ngày (lưu ý: cần giảm liều từ từ).
Trẻ em:
- Liều tấn công: Uống 10 – 15mg/ kg/ ngày trong khoảng 4 – 14 ngày.
- Liều duy trì: Uống 5mg/ kg/ ngày trong vài ngày.
Không cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận. Tuy nhiên bắt buộc phải giảm liều cho bệnh nhân suy gan. Nếu ngộ độc gan trong quá trình điều trị, cần ngưng sử dụng thuốc Amiodaron.
6. Bảo quản
Bảo quản thuốc Amiodaron dạng viên ở nhiệt độ dưới 25 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp và môi trường có độ ẩm cao. Với thuốc Amiodaron dạng tiêm, cần bảo quản trong nhiệt độ từ 15 – 25 độ C. Phải đặt ống tiêm trong bao bì để tránh tiếp xúc với ánh sáng.
7. Giá thành
Thuốc Amiodaron được bán với mức giá khoảng từ 270 – 300.000 đồng/ hộp 10 ống x 3ml.
Tham khảo thêm: Papaverin có tác dụng gì?
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Amiodaron
1. Thận trọng
Thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân suy giảm thị lực, người chuẩn bị thực hiện thủ thuật ngoại khoa và không thể trì hoãn, bệnh nhân suy gan nặng, suy tim sung huyết, rối loạn chức năng tuyến giáp, hạ kali máu…
Cân nhắc khi điều trị kết hợp với các thuốc chẹn kênh canxi và beta. Kết hợp Amiodaron với những loại thuốc này có nguy cơ block nhĩ thất và gây chậm nhịp tim. Ngoài ra, cần cân nhắc và theo dõi phản ứng ở người quá mẫn với iod.
Sử dụng thuốc Amiodaron ở liều cao có thể gây rối loạn dẫn truyền với nhịp tự thất và gây chậm nhịp tim – nhất là với bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc digitalis.
Thuốc Amiodaron tiêm truyền tĩnh mạch có thể làm nghiêm trọng hóa tình trạng suy tim. Cân nhắc về dạng bào chế và liều lượng với nhóm bệnh nhân này.
Phối hợp Amiodaron với các thuốc chống loạn nhịp khác có thể làm giảm kali huyết và gây rối loạn điện giải.
Thuốc có thể gây chóng mặt, giảm thị lực, nhức đầu,… Các triệu chứng này có thể nặng hơn khi bạn dùng chất kích thích, rượu bia và những đồ uống có cồn trong thời gian dùng thuốc.
Amiodaron đi qua nhau thai và gây nguy hại đến sức khỏe của thai nhi. Trẻ sinh ra có thể bị bệnh tuyến giáp, nhiễm độc, chậm phát triển và bị bướu giáp trạng bẩm sinh. Vì những nguy cơ khi dùng thuốc Amiodaron trong thời gian thai kỳ nên loại thuốc này không được khuyến cáo dùng cho sản phụ.
Thuốc Amiodaron cũng có thể đi qua sữa mẹ và làm giảm sự phát triển của trẻ nhỏ. Nếu buộc phải sử dụng thuốc, bạn cần ngưng cho trẻ bú trong thời gian này.
2. Tác dụng phụ
Amiodaron tích lũy trong nhiều mô và chậm thải trừ nên có thể gây ra nhiều tác dụng phụ – ngay cả khi bạn đã ngưng dùng thuốc. Các tác dụng phụ có xu hướng phát sinh khi sử dụng liều cao (trên 400mg/ ngày). Mức độ của tác dụng phụ tỷ lệ thuận với liều lượng và thời gian sử dụng, do đó chỉ nên dùng thuốc ở liều thấp nhất.
Tác dụng phụ thường gặp:
- Khó chịu
- Tê cóng
- Đau nhói ở ngón tay/ ngón chân
- Dị cảm
- Hoa mắt
- Nôn mửa
- Táo bón
- Run
- Mệt mỏi
- Mất điều hòa
- Buồn nôn
- Chán ăn
- Tác dụng gây loạn nhịp
- Suy tim
- Viêm phế nang lan tỏa
- Hạ huyết áp ngay sau khi tiêm
- Nhịp tim chậm
- Block nhĩ thất
- Xơ phổi
- Rối loạn thị giác
- Viêm phổi kẽ
- Nhiễm sắc tố da
- Suy giáp trạng
- Ban đỏ
- Cường giáp trạng
- Rối loạn đông máu
- Nóng bừng
- Thay đổi khứu giác và vị giác
Tác dụng phụ ít gặp:
- Rối loạn giấc ngủ
- Nhịp xoang chậm
- Đau đầu
- Suy tim ứ huyết
- Bệnh thần kinh ngoại vi
- Loạn nhịp tim
- Bệnh cơ
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Tăng áp lực nội sọ
- Viêm gan
- Phản ứng quá mẫn
- Giảm tiểu cầu
- Ban da
- Xơ gan
- Viêm thần kinh thị giác
- Rụng tóc
- Viêm da tróc vảy
Nếu bệnh nhân bị giảm huyết áp sau khi tiêm tĩnh mạch, cần xử lý bằng cách giảm tốc độ tiêm. Với trường hợp loạn nhịp nặng, cần ngưng sử dụng thuốc Amiodaron và áp dụng liệu pháp thay thế. Bệnh nhân suy tim và hạ kali huyết cần được điều trị trước khi sử dụng thuốc Amiodaron.
Tác dụng phụ bệnh dây thần kinh ngoại vi và bệnh cơ rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên tác dụng phụ này có thể không thể hồi phục ngay cả khi ngưng dùng thuốc.
Chức năng tuyến giáp có thể phục hồi bình thường trong khoảng 3 tháng sau khi ngưng thuốc. Với bệnh nhân mẫn cảm với ánh sáng gây ban đỏ và ngứa da, cần giảm liều để cải thiện tổn thương da.
Tác dụng phụ xơ phổi và viêm phế nang lan tỏa có thể gây tử vong ở một số bệnh nhân. Nếu bạn nhận thấy triệu chứng khó thở, cần thông báo với bác sĩ để được kiểm tra về khả năng mắc viêm phế nang. Với trường hợp này, cần ngưng dùng thuốc và có thể sử dụng corticoid để kiểm soát.
3. Tương tác thuốc
Cân nhắc trước khi sử dụng phối hợp Amiodaron với những loại thuốc sau:
- Quinidine, flecainide, phenytoin, procainamide: Amiodaron làm tăng nồng độ của những loại thuốc này trong huyết tương.
- Disopyramide, quinidine, procainamide: Dùng chung với Amiodaron làm tăng thời gian QT và gây xoắn đỉnh ở một số bệnh nhân. Nếu sử dụng kết hợp, cần phải giảm liều thuốc.
- Thuốc chẹn kênh canxi và beta: Dùng với Amiodaron làm tăng nguy cơ chậm tim, block nhĩ thất và ngừng xoang. Cần giảm liều khi sử dụng phối hợp.
- Glycoside, digoxin, digitalis: Amiodaron làm tăng nồng độ của những loại thuốc này và có thể gây ngộ độc. Cần ngưng dùng 1 trong 2 loại thuốc, hoặc giảm một nửa liều digitalis.
- Thuốc chống đông coumarin: Amiodaron ức chế quá trình chuyển hóa và tăng khả năng chống đông máu của nhóm thuốc này.
- Thuốc lợi tiểu: Sử dụng đồng thời với Amiodaron làm tăng nguy cơ hạ kali huyết và loạn nhịp.
4. Tương kỵ
Thuốc Amiodaron tiêm tĩnh mạch tương kỵ với cefamadol nafate, mezlocilin natri, natri clorid, aminophylin, cefazolin natri, heparin natri, natri bicarbonate,…
5. Quá liều và cách xử lý
Khi dùng Amiodaron quá liều, cơ thể có thể phát sinh các triệu chứng như hạ huyết áp, block tim, chậm nhịp xoang,…
Để xử lý trường hợp quá liều Amiodaron, bác sĩ sẽ tiến hành gây nôn, sục rửa dạ dày và uống than hoạt để tăng đào thải thuốc. Sau đó sẽ tiến hành theo dõi huyết áp và nhịp tim để có biện pháp điều trị hỗ trợ.
- Với trường hợp hạ huyết áp, sử dụng thuốc co mạch (dopamine) hoặc nor-epinephrine bằng đường truyền tĩnh mạch.
- Nếu bệnh nhân chậm nhịp xoang, dùng máy tạo nhịp đồng thời sử dụng chất chủ vận beta-adrenergic. Trong trường hợp block nhĩ thất và chậm nhịp tim, có thể dùng isoprenalin hoặc atropine.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Propranolol có tác dụng gì?
- Thuốc Vytorin là thuốc gì?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!