Hơn 90% trẻ em trên thế giới hít phải khí độc mỗi ngày
Ô nhiễm không khí là một trong những vấn nạn mang tính toàn cầu mà hầu hết các quốc gia nào trên thế giới cũng đều gặp phải, đặc biệt là các nước phát triển. Tình trạng này làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của tất cả chúng ta, nhất là trẻ nhỏ. Do đó, cần có những biện pháp để khắc phục vấn đề ô nhiễm không khí càng sớm càng tốt.
Ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm không khí đối với sức khỏe của bé
Theo thống kê, có khoảng 93% trẻ em ở độ tuổi dưới 15 trên khắp thế giới phải hít một lượng lớn không khí bị ô nhiễm mỗi ngày. Mức độ ô nhiễm trầm trọng đến mức sức khỏe và sự tăng trưởng của những đứa trẻ này luôn bị đe dọa, thậm chí là đã có nhiều trường hợp tử vong vì tình trạng này. Bằng chứng là vào năm 2016, tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra số liệu về các trường hợp trẻ em tử vong vì bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do ô nhiễm không khí gây ra với con số lên đến 600.000 trường hợp.
Cũng từ tổ chức này, một báo cáo mới được đưa ra vào đêm trước Hội nghị toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm không khí đầu tiên của WHO . Đây là báo cáo dựa trên sự khảo sát mối liên hệ giữa tình trạng ô nhiễm không khí của môi trường đối với sức khỏe của trẻ ở khắp các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước có thu nhập nhập thấp và trung bình.
Bản báo cáo đã cho thấy những người phụ nữ trong giai đoạn mang thai thường xuyên tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm sẽ có nguy cơ sinh non và sinh con nhỏ và nhẹ cân rất cao. Với những trẻ thường xuyên phải hít không khí bị ô nhiễm, khả năng nhận thức, sự phát triển của hệ thần kinh thường thấp hơn những đứa trẻ khác. Hơn nữa, tình trạng này còn làm gia tăng khả năng mắc bệnh hen suyễn, các bệnh mạn tính như tim mạch, thậm chí là ung thư ở trẻ.
Theo lời của Tổng giám đốc WHO – Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, ô nhiễm không khí đang đầu độc và làm hủy hoại cuộc sống của hàng triệu trẻ em trên thế giới. Đây được xem là một tội ác không thể chấp nhận được, vì bất cứ đứa trẻ nào cũng có quyền được sống trong một môi trường trong lành để sức khỏe của chúng luôn được đảm bảo và được phát triển một cách toàn diện cả về trí và lực.
Một trong những lý do khiến cho trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí hơn người lớn là vì chúng thở nhanh hơn, do đó hấp thụ các chất ô nhiễm nhiều hơn. Ngoài ra, vì trẻ nhỏ chưa thể có chiều cao như người lớn nên hít thở không khí gần mặt đất – nơi có các chất ô nhiễm với nồng độ cực đại, điều này sẽ khiến chúng dễ bị bệnh hơn.
Không chỉ bị ô nhiễm ở ngoài môi trường mà trẻ nhỏ cũng có khả năng bị nhiễm độc không khí ngay trong chính gia đình của mình. Điều này xuất phát từ việc sử dụng nhiều các nguyên liệu thắp sáng, nấu nướng, sưởi ấm hàng ngày.
Từ những kết quả khảo sát và các báo cáo trên, các nhà nghiên cứu đã rút ra được những kết luận như sau:
- Ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh, dẫn đến khả năng nhận thức thấp hơn, làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển về tinh thần và vận động của trẻ.
- 93% trẻ em dưới 15 tuổi trên khắp toàn cầu bị phơi nhiễm với sự ô nhiễm không khí, gây tổn hại đến sức khỏe và ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy.
- 98% trẻ dưới 5 tuổi sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình bị phơi nhiễm với sự ô nhiễm không khí. Với các nước có thu nhập cao, tỉ lệ này chiếm khoảng 52%.
- Khoảng 40% dân số thế giới, trong đó có khoảng 1 tỷ trẻ em dưới tuổi 15 bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm khói bụi ngay trong chính gia đình của mình do dùng các nguyên nhiên liệu để nấu nướng, chiếu sáng và sưởi ấm.
- Con số thống kê vào năm 2016 cho thấy, có 600.000 ca tử vong ở trẻ dưới 15 tuổi được cho là do ô nhiễm không khí gây ra.
- Tình trạng không khí bị ô nhiễm là mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe của trẻ, nó là nguyên nhân gây ra khoảng 1/10 các ca tử vong cho trẻ ở độ tuổi dưới 5.
Sự phát triển không ngừng của xã hội, bên cạnh những tác động tích cực thì nó còn kéo theo hàng loạt các hệ lụy khác mà trong đó ô nhiễm không khí được xem là vấn đề nặng nề nhất. Tình trạng này đe dọa đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của tất cả chúng ta, không trừ một ai. Vì vậy, việc đưa ra các giải pháp nhằm làm giảm tình trạng này là điều vô cùng cần thiết.
Theo chuyên gia Maria Neira – Giám đốc Sở Y tế cộng đồng, các yếu tố quyết định môi trường và xã hội WHO cho biết: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang thực hiện các biện pháp làm giảm tình trạng ô nhiễm bằng cách sử dụng các nguyên liệu sạch thay cho các nguyên liệu làm hại đến môi trường, thực hiện chính sách quy hoạch lại đô thị, áp dụng nền công nghiệp sạch để bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, trong Hội nghị toàn cầu về ô nhiễm môi trường đầu tiên của WHO diễn ra ở Geneva, những cam kết hành động ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí đã được thống nhất bởi các nhà lãnh đạo cấp cao của các nước. Đây sẽ là một bước tiến lớn, với hi vọng cải thiện được đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường. Các cam kết bao gồm:
- Những hành động của các tổ chức y tế để thông báo, giáo dục, tuyên truyền, cung cấp nguồn nhân lực cho các cuộc nghiên cứu, hoạch định chính sách liên ngành.
- Áp dụng các chính sách làm giảm ô nhiễm không khí: Dùng các nguồn nguyên liệu sạch, đầu tư vào việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, quản lý tốt hơn các chất thải…
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm bằng cách xây dựng các trung tâm vui chơi, giải trí cho trẻ, các trường học xa khu vực bị ô nhiễm như các nhà máy, đường sắt…
Với những cam kết này, chúng ta có thể hi vọng mức độ ô nhiễm không khí sẽ được cải thiện trong những thời gian tới. Vì để hạn chế được tình trạng này cần phải có sự chung tay của nhiều quốc gia, nhiều tổ chức khác nhau. Trong đó, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của mỗi cá nhân cũng là yếu tố quan trọng, góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm, tạo được một không gian sống trong lành hơn cho chính bản thân. Vì vậy hãy bắt tay hành động từ ngay bây giờ bằng những việc làm nhỏ nhặt nhất để tự bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Tìm hiểu thêm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!