Chỉ thực có tác dụng gì? Tính vị, qui kinh và những bài thuốc

Chỉ thực còn có tên gọi khác là Kim quất, Khổ chanh, trái non của quả Trấp. Dược liệu chứa một số thành phần hóa học hữu ích với tác dụng tiêu đờm, lợi tiểu, chống dị ứng. Ngoài ra dược liệu còn có tác dụng điều chỉnh những rối loạn chức năng xảy ra tại đường tiêu hóa, làm tăng huyết áp, cường tiêm…

Chỉ thực
Thông tin cơ bản về tính vị, qui kinh, thành phần hóa học, tác dụng dược lý và những bài thuốc chữa bệnh từ Chỉ thực

Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Kim quất, khổ chanh, trái non của quả Trấp, Chấp, Phá hông chùy, Niêm chích, Đổng đình, Chùy hông phích lịch (Hòa Hán dược khảo)

Tên khoa học: Fructus ponciri Immaturi, Fructus aurantii Immaturi

Thuộc họ: Cam (danh pháp khoa học: Rutaceae)

Giải thích tên gọi: Chỉ có nghĩa là tên của cây, thực có nghĩa là tên của quả. Do đó dược liệu được gọi là Chỉ thực.

Đặc điểm sinh thái

Mô tả

Chỉ thực là quả Trấp. Chúng được thu hái vào lúc còn non nhỏ ở cây Citrus Hystric D.C. Đây là một loại cây rậm lá, thân mọc thẳng thường nhẵn hoặc có gai. Cây có lá đơn mọc so le với nhau. Lá cây có hình bầu dục với chiều dài khoảng 7 – 10 cm. Hoa xuất hiện với màu trắng hoặc màu vàng nhạt, có mùi thơm đặc trưng. Hoa có 5 cánh. Quả dược liệu có vỏ dày màu vàng nhạt, vỏ quả sù sì. Bên trong quả có rất nhiều hạt và vị đắng.

Chỉ thực gồm các quả nguyên xuất hiện với hình cầu, có đường kính từ 0,5 – 1 cm. Khi bổ đôi chúng có hình bán cầu. Ở bên ngoài, vỏ có màu nâu đen, trên quả vẫn còn vết tích của cuống. Bên phía đối diện có một chấm nhỏ lồi. Chấm nhỏ này là vết tích của vòi nhị sau khi rụng. Khi bổ đôi quả, quả có đường kính khoảng 1 – 1,5cm. Mắt cắt ngang sẽ xuất hiện một vòng vỏ quả bên ngoài mỏng, có màu nâu. Sát phần vỏ là những túi tinh dầu lỗ chỗ. Một lớp cùi hơi lồi lên có màu vàng nâu nhạt hoặc màu gà. Ở giữa là phần ruột có màu đen nâu, xen kẽ là các múi hình tia nan hoa bánh xe. Bên trong quả có phần chất cứng chắc, có mùi thơm và có vị đắng chát.

Phân bố

Dược liệu thường mọc hoang ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam gồm: Thanh Hóa, Cao Lạng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Bắc.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

Bộ phận dùng: Quả non sau khi rụng phơi khô

Thu hái: Vào tháng 4 đến tháng 6 lúc trời khô ráo. Người dùng thu nhặt những quả non còn xanh rụng dưới gốc cây sẽ được dược liệu Chỉ thực. Quả nhỏ có vỏ dày, bên trong quả là phần thịt dày đặc, chắc, nhỏ ruột không bị mốc hoặc mọt là tốt.

Chế biến:

Đối với những quả có đường kính dưới 1cm, người dùng cần để nguyên quả. Đối với những quả có đường kính trên 1cm thì dùng dao bổ đôi quả theo chiều ngang. Khi dùng, mang dược liệu rửa sạch với nước muối, loại bỏ đất bụi, ủ mềm sau đó mang đi bào mỏng hoặc thái lát và sao giòn.

Hoặc giấp nước vào cho dược liệu mềm, moi bỏ phần hạt và các múi bên trong quả. Sau đó thái nhỏ dược liệu và mang đi phơi khô. Sao dược liệu với cám hoặc gạo nếp. Bỏ cám sau khi sao xong. Có khi sao cháy tồn tính rồi mang đi tán bột.

Bảo quản: Để dược liệu tại những nơi khô ráo, tránh ẩm mốc.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản dược liệu Chỉ thực
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản dược liệu Chỉ thực

Thành phần hóa học

Bên trong dược liệu Chỉ thực chứa những thành phần hóa học sau:

Theo thông tin từ Hà Triều Thanh, Trung Dược Chí 1981, 12 (8) : 345

  • Hoạt chất Synephrine
  • Hoạt chất N-Methyltyramine

Theo thông tin từ Nobile Luciano và cộng sự, C A 1969, 70 : 31620b

Vỏ dược liệu chứa 0,469% chất dầu. Bên trong chất dầu chứa:

  • Hoạt chất -Pinene
  • Hoạt chất Limonene
  • Hoạt chất Camphene, (-Terpinene, Caryophyllen, p-Cymene).

Theo thông tin từ R F Albach và cộng sự, Phytochemistry 1969, 8 (1) : 127

  • Hoạt chất Hesperidin
  • Hoạt chất Neohesperidin
  • hoạt chất Naringin.

Ngoài ra dược liệu còn chứa chất Glucozit hoạt động như vitamin P (theo Trung Dược Học)

Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

Tác dụng của dược liệu Chỉ thực:

  • Làm tăng huyết áp, cường tim nhưng không làm tăng nhịp tim. Tác dụng này là do Neohesperidin – thành phần chủ yếu của dược liệu mang lại
  • Tăng sự co bóp của cơ tim, co mạch, làm tăng lực cản của tuần hoàn ngoại vi, tăng lượng cGMP của huyết tương và cơ tim trong những thí nghiệm với chuột nhắt
  • Làm tăng lưu lượng máu đến não, động mạch vành và thận. Tuy nhiên lượng máu trong động mạch ở đùi lại giảm
  • Thành phần trong nước sắc dược liệu có tác dụng ức chế cơ trơn ruột cô lập trong những thí nghiệm với chuột lang, chuột nhắt và thỏ. Tuy nhiên trong thí nghiệm với chó đã được gây rò ruột và dạ dày nhưng lại có tác dụng hưng phấn dẫn đến tăng nhu động ruột
  • Điều chỉnh sử rối loạn chức năng xảy ra ở đường tiêu hóa
  • Nước sắc dược liệu có tác dụng làm hưng phấn đối với tử cung của thỏ đang có thai hoặc chưa có thai, cô lập hoặc không cô lập. Tuy nhiên ở thí nghiệm với tử cung chuột nhắt cô lập, nước sắc của dược liệu lại có tác dụng ức chế
  • Khả năng hưng phấn tử cung của dược liệu có tác dụng điều trị chứng tử cung sa
  • Chống dị ứng, lợi tiểu
  • Chất Glucozit có trong dược liệu hoạt động như vitamin P làm giảm nhanh tính thẩm thấu của mao mạch.

Theo y học cổ truyền

Theo Dược Phẩm Hóa Nghĩa

  • Tả vị thực
  • Tiêu đờm tích
  • Khai đạo kiên kết
  • Khứ đình thủy
  • Phá kết hung
  • Thông tiện bí.

Theo Bản Thảo Diễn Nghĩa

  • Hoạt khiếu
  • Tả khí
  • Tả đờm.

Theo Trung Dược Học

  • Dẫn khí xuống qua đường đại tiện
  • Tan đờm
  • Hành khí trệ.

Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách

  • Hành khí
  • Phá khí
  • Tiêu tính
  • Tả đàm
  • Trừ bỉ tích.
Tác dụng dược lý của dược liệu Chỉ thực
Tác dụng dược lý của dược liệu Chỉ thực

Chủ trị

Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách, dược liệu Chỉ thực chủ trị một số bệnh lý sau: Đại tiện không thông, thực tích đàm trệ, trị ngực bụng căng đầy.

Tính vị

Vị đắng, tính hàn (theo Bản kinh).

Vị cay, đắng (theo Dược Tính Bản Thảo).

Vị chua, hơi hàn, không độc (theo Biệt Lục).

Vị đắng, tính hơi hàn (theo Trung Dược Học).

Vị đắng, tính hơi lạnh (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Qui kinh

Qui vào kinh Tỳ, Vị (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Qui vào kinh Tỳ, Vị (theo Trung Dược Học).

Qui vào kinh Tỳ, Vị (theo Bản Thảo Kinh Sơ).

Qui vào kinh Can, Tỳ (theo Bản Thảo Tái Tân).

Qui vào kinh Tâm Tỳ (theo Lôi Công Bào Chế Dược tính Giải).

Liều dùng và cách dùng

Liều dùng

Dùng 4 – 12 gram/ngày.

Cách dùng

Dùng tươi hoặc phơi khô sắc lấy nước uống, tán thành bột mịn, nấu thành cao hoặc kết hợp với hợp với những vị thuốc khác để chữa bệnh.

Liều dùng và cách sử dụng Chỉ thực
Liều dùng và cách sử dụng Chỉ thực

Bài thuốc

Nhờ có thành phần hóa học và tác dụng dược lý đa dạng, dược liệu Chỉ thực được sử dụng trong nhiều đơn thuốc chữa bệnh sau:

  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị đau xóc dưới sườn lên tim, ngực đau tức, đau cứng dưới tim (theo Chỉ thực Phỉ Bạch Thang – Kim Quỹ Yếu Lược Phương): Dùng 4 quả dược liệu lâu năm, 240 gram phỉ bạch, 120 gram hậu phác, 1 trái qua lâu, 30 gram quế và nước 5 thăng. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch với nước muối. Cho hậu phác và Chỉ thực vào nồi, sau đó sắc cùng với 1 lít nước lọc. Chắt lấy phần nước và bỏ bã. Tiếp đến cho tất cả những vị thuốc còn lại vào nồi. Đun thuốc với lửa nhỏ trong 30 phút. Để nguội bớt và chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị đau nhức trong ngực (Hung tý thống – Trửu Hậu Phương): Mang dược liệu rửa sạch với nước muối, phơi khô dưới trời nắng ráo. Tán dược liệu thành bột mịn, cho vào lọ thủy tinh và bảo quản tại nơi khô ráo. Khi cần lấy 12 gram thuốc bột uống cùng với 250ml nước ấm. Uống ngày 3 lần, đêm 1 lần trong 5 – 7 ngày sẽ nhận thấy bệnh tình thuyên giảm đáng kể.
  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị bôn đồn khí thống (theo Ngoại Đài Bí Yếu): Mang dược liệu rửa sạch với nước muối, phơi khô dưới trời nắng ráo. Tán dược liệu thành bột mịn. Khi cần lấy 12 gram thuốc bột uống cùng với 250ml nước ấm. Uống ngày 3 lần, đêm 1 lần trong 5 – 7 ngày trong 5 – 10 ngày.
  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị phong chẩn ngoài da (theo Ngoại Đài Bí Yếu): Mang dược liệu rửa sạch với nước muối. Tẩm dược liệu với giấm táo, sau đó cho dược liệu vào chảo và sao sơ với lửa nhỏ. Chườm dược liệu vào vị trí bị bệnh đến khi nguội thì sao nóng và chườm lại.
  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị sa thực tràng do bệnh lỵ (theo Thiên Kim Phương): Mang dược liệu mài trên đá cho nhẵn. Cho dược liệu vào chảo và thực hiện sao vàng cùng với mật ong nguyên chất. Chườm dược liệu vào vị trí bị bệnh cho đến khi rút lên.
  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị lở đầu ở trẻ nhỏ (theo Thánh Huệ Phương): Đốt cháy dược liệu. Để dược liệu nguội bớt và trộn với mỡ heo. Bôi thuốc vào vùng da bệnh 2 ngày/lần cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị ngực đau do thương hàn, sau khi điều trị chứng đau bụng hàn cơn đau xuất hiện đột ngột tại giữa ngực (theo Tế Sinh Phương): Mang dược liệu rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào chảo cùng với cám, thực hiện sao vàng. Để nguội bớt và tán dược liệu thành bột mịn. Khi cần lấy 8 gram thuốc bột uống cùng với 250ml nước ấm. Uống 2 lần/ngày trong 5 ngày.
  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị đau bụng sau sinh (theo Tế Sinh Phương): Mang dược liệu và thược dược rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào chảo cùng với cám và thực hiện sao vàng. Cho thược dược vào chảo và thực hiện sao vàng cùng với rượu. Mỗi vị thuốc lấy 8 gram cho vào nồi sắc cùng với 600ml nước lọc. Khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại 200ml, tắt bếp và chắt lấy nước uống. Hoặc mang cả hai vị thuốc tán thành bột mịn, sau đó uống cùng với 350ml nước lọc. Sử dụng 1 lần/ngày trong 3 – 5 ngày.
  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị âm hộ sưng đau cứng (theo Tử Mẫu Bí Lục Phương): Dùng 240 gram dược liệu rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào cối và thực hiện giã nát. Tiếp tục cho dược liệu vào chảo và sao sơ. Gói dược liệu trong bao vải và chườm lên vị trí đau cho đến khi nguội thì sao lại và chườm tiếp. Người bệnh cần kiên trì thực hiện 2 lần/ngày trong 5 ngày sẽ thấy bệnh tình thuyên giảm rõ rệt.
  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị táo bón (theo Thế Y Đắc Hiệu Phương): Dùng 10 gram dược liệu, 10 gram tạo giáp rửa sạch với nước muối, phơi khô dưới trời nắng ráo. Tán cả hai vị thuốc thành bột mịn. Trộn thuốc với hồ bột và tạo thành viên. Uống 1 lần/ngày trong 2 – 3 ngày.
  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị các loại trĩ kinh niên ở trẻ nhỏ (theo Tập Nghiệm Phương): Mang dược liệu rửa sạch với nước muối, phơi khô dưới trời nắng ráo. Tán dược liệu thành bột mịn, luyện thuốc với mật ong nguyên chất để tạo thành viên to bằng hạt ngô đồng. Uống 30 viên/lần/ngày trong lúc bụng đói.
  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị trường vị tích nhiệt, táo bón, bụng căn đầy (Chỉ Thực Đạo Trệ Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học): Dùng 12 gram dược liệu, 12 gram bạch truật, 12 gram phục linh, 12 gram trạch tả, 12 gram thần khúc, 12 gram đại hoàng, 4 gram hoàng liên, 8 gram hoàng cầm, 8 gram sinh thương. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch với nước muối. Cho nguyên liệu vào nồi và thực hiện sắc thuốc cùng với 2 lít nước lọc. Khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại 1 lít, tắt bếp và chắt lấy phần nước thuốc. Chia thuốc thành nhiều lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm. Hoặc mang tất cả vị thuốc phơi khô, tán thành bột mịn. Sau đó làm thành viên uống mỗi ngày.
  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị đau bụng, khi huyết tích trệ, đầy tức không yên (Chỉ Thực Thược Dược Tán – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học): Dùng 12 gram dược liệu, 12 gram bạch thược rửa sạch với nước muối. Cho cả hai vị thuốc vào nồi sắc cùng với 800ml nước lọc. Khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại 400ml, tắt bếp và chắt lấy nước uống. Hoặc mang cả hai vị thuốc tán thành bột mịn, sau đó uống cùng với 350ml nước lọc. Sử dụng 1 lần/ngày trong 3 – 5 ngày.
  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị tức ngực, tiêu hóa kém, bụng đầy (Chỉ Truật thang – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học): Mang dược liệu và bạch truật rửa sạch với nước muối. Mỗi vị thuốc lấy 12 gram cho vào nồi. Sau đó sắc thuốc cùng với 800ml nước lọc cho đến khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại 400ml. Tắt bếp và chắt lấy nước uống. Sử dụng 1 thang/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
  • Bài thuốc từ Chỉ thực điều trị đầy tức dưới tim, tinh thần mệt mỏi, ăn uống không ngon, đại tiện không thoải mái, tiêu hóa kém (Chỉ Truật thang – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học): Dùng 20 gram dược liệu, 20 gram hoàng liên, 4 gram can khương, 16 gram hậu phác, 8 gram bạch truật, 8 gram mạch nha, 8 gram phục linh, 8 gram cam thảo, 12 gram nhân sâm, 12 gram bán hạ khúc. Rửa sạch tất cả vị thuốc với nước muối, phơi khô dưới trời nắng ráo, tán thành bột mịn và làm thành viên. Uống 1 – 12 gram/lần, sử dụng 3 lần/ngày trong 5 ngày sẽ thấy cơ thể khỏe mạnh, bệnh tình thuyên giảm.
Những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Chỉ thực
Những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Chỉ thực

Kiêng kỵ

Những người có Tỳ Vị hư yếu, phụ nữ đang mang thai không nên dùng dược liệu (theo Trung Dược Học).

Những người không có khí trệ thực tà, người có tỳ vị thư hàn mà không có thấp, tích trệ thì cấm dùng dược liệu. Cơ thể yếu ớt, phụ nữ đang mang thai cần thận trọng (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

Dược liệu Chỉ thực kết hợp với Nga Truật, Thanh bì, Tam lăng, Bình lang có tác dụng tác động và làm mòn tiêu tích khối cứng chắc. Tuy nhiên sự phối hợp này chỉ phù hợp với những người có Tỳ Vị mạnh, có sức khỏe cao và còn ăn được (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

Bài viết là những thông tin cơ bản về dược liệu Chỉ thực. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Trước khi đưa dược liệu vào quá trình điều trị, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc những người có trình độ chuyên môn cao về hiệu quả chữa bệnh và mức độ an toàn của những bài thuốc. Chúng tôi không đưa ra các chẩn đoán, những lời khuyên và phương pháp điều trị thay cho bác sĩ có chuyên môn.

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Đối tác

Ông Phạm Minh Đức - 0914530xxx
Thanh Trì, Hà Nội
Đặt mua 1 kg Cỏ Ngọt cách đây 1 phút