Xạ trị ung thư cổ tử cung và thông tin cần biết
Xạ trị ung thư cổ tử cung là một trong những biện pháp điều trị được áp dụng phổ biến hiện nay. Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn các rủi ro đối với cơ thể người bệnh. Do đó, trước khi thực hiện, bác sĩ luôn trao đổi với bệnh nhân và người thân về các vấn đề xoay quanh phương án điều trị này.
Xạ trị ung thư cổ tử cung là gì?
Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung được áp dụng phổ biến bên cạnh phẫu thuật và hóa trị. Các tế bào ung thư dưới tác động của tia X và bức xạ ion hóa sẽ bị phá vỡ và ngăn ngừa sự phát triển bên trong cơ quan sinh sản của phụ nữ.
Hiện nay, phương pháp này có hai hướng điều trị là xạ trị bên trong hoặc xạ trị bên ngoài cổ tử cung. Trong đó, xạ trị bên trong sẽ cấy xạ cũng như đặt chất phóng xạ bên trong cổ tử cung để tiêu diệt tế bào ác tính.
Người bệnh có thể được chỉ định xạ trị ung thư cổ tử cung sau khi phẫu thuật điều trị không thành công hoặc dành cho trường hợp tái phát bệnh. Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết trước khi tiến hành xạ trị, điển hình là xét nghiệm máu để kiểm tra bệnh nhân có bị thiếu máu không. Nếu cơ thể người bệnh không đủ máu sẽ được truyền máu trước khi xạ trị.
Tìm hiểu thêm: Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung mới nhất
Các phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cung hiện nay
Như đã đề cập, xạ trị ung thư cổ tử cung có hai hướng điều trị là xạ trị ngoài hoặc xạ trị trong. Cụ thể như sau:
Xạ trị ngoài chữa ung thư cổ tử cung
Phương pháp xạ trị ngoài gần giống như phương pháp chụp X quang. Tuy nhiên, với xạ trị, lượng phóng xạ được sử dụng với liều cao hơn nhiều phương pháp chụp X quang thông thường. Đây là biện pháp được sử dụng điều trị chính cho căn bệnh ung thư cổ tử cung.
Xạ trị ngoài thường được kết hợp song song với phương pháp hóa trị trong quá trình điều trị cho người bệnh. Một số trường hợp xạ trị vẫn được tiến hành riêng biệt nhằm mục đích điều trị tại chỗ khu vực ung thư di căn.
Ngoài ra, trường hợp người bệnh không đủ sức khỏe đáp ứng cả hai cách điều trị sẽ được thực hiện xạ trị để điều trị chính. Thời gian thực hiện xạ trị thường kéo dài trong 6 – 7 tuần, cách 5 ngày người bệnh sẽ được xạ trị ngoài một lần.
Xạ trị trong chữa ung thư cổ tử cung
Xạ trị trong là biện pháp tiếp cận khối u với khoảng cách gần nhất. Theo đó, bác sĩ sẽ đưa một nguồn phóng xạ vào trong hoặc ở nơi gần khối u, thời gian phóng xạ ngắn hơn biện pháp phóng xạ từ bên ngoài.
Những trường hợp ung thư cổ tử cung, thông thường người bệnh sẽ được điều trị theo hướng xạ trị ở trong khoang. Nguồn phóng xạ lúc này sẽ được đặt trong một thiết bị y tế chuyên dụng, cho vào âm đạo hoặc trong cổ tử cung. Một số trường hợp xạ trị trong được xem xét để thực hiện cùng với xạ trị ngoài nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.
Đối với xạ trị trong, chuyên gia chia phương pháp này tiếp tục thành 2 loại chính là liều thấp và liều cao. Cụ thể:
- Xạ trị trong suất liều thấp: Phương pháp này được thực hiện trong vài ngày. Người bệnh được sắp xếp nằm trên giường bệnh ở phòng riêng trong quá trình điều trị. Các dụng cụ giữ chất phóng xạ tại chỗ được trang bị tại phòng bệnh. Các nhân viên y tế sẽ chăm sóc người bệnh thay cho người thân với các biện pháp bảo hộ nhằm tránh sự phơi nhiễm bức xạ.
- Xạ trị trong suất liều cao: Phương pháp này được thực hiện từng đợt cách nhau ít nhất 7 ngày tại bệnh viện. Chất phóng xạ sẽ được đưa vào cơ thể người bệnh vài phút rồi bỏ ra. Người bệnh không lưu lại bệnh viện hoặc nằm yên trong thời gian quá lâu.
Biện pháp xạ trị trong thường được chỉ định cho bệnh nhân đã thực hiện phẫu thuật cắt tử cung. Trong âm đạo người bệnh đặt một thiết bị có dạng hình ống chứa vật chất phóng xạ. Trường hợp bệnh nhân chưa cắt bỏ tử cung ống nhỏ chứa vật chất phóng xạ sẽ được đưa vào tử cung cùng với một thiết bị hình tròn khác đặt ở gần vị trí cổ tử cung để tiến hành xạ trị.
Người bệnh thường phải trải qua xạ trị ung thư cổ tử cung từ 3 – 5 tuần. Mỗi lần xạ trị không kéo dài quá lâu. Người bệnh không cần gây mê và không cảm thấy khó chịu trong quá trình thực hiện.
Xem thêm: Triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu & hướng điều trị
Chi phí thực hiện xạ trị ung thư cổ tử cung
Chi phí xạ trị ung thư cổ tử cung là bao nhiêu? Đây là thắc mắc của nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, con số cụ thể còn tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người bệnh. Các yếu tố ảnh hưởng có thể kể đến như:
- Mức độ ung thư cổ tử cung: Dựa vào tình trạng bệnh lý (giai đoạn ung thư), bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp cho từng người bệnh. Chi phí điều trị cũng sẽ chênh lệch khác nhau ở mỗi bệnh nhân.
- Thể trạng người bệnh: Trường hợp bệnh nhân có tuổi cao, sức khỏe kém hoặc bị suy nhược cơ thể phải sử dụng các dịch vụ chăm sóc, sử dụng thuốc hỗ trợ. Chi phí điều trị xạ trị cho những đối tượng này sẽ cao hơn những bệnh nhân có thể trạng bình thường khác.
- Cơ sở y tế và dịch vụ: Điều trị ung thư nói chung và ung thư cổ tử cung nói riêng thông thường phải sử dụng phòng điều trị riêng biệt với sự theo dõi của chuyên gia y tế, bác sĩ chuyên khoa. Việc chăm sóc, điều trị bệnh lúc này sẽ cần bỏ ra chi phí cao hơn so với việc chăm sóc bởi người thân.
Người bệnh có thể phải tốn nhiều chi phí hơn nếu chọn lựa cơ sở y tế và dịch vụ chăm sóc đặc biệt. Do đó, tùy theo nhu cầu, điều kiện của từng người mà bác sĩ sẽ sắp xếp phác đồ điều trị sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả nhất. Điều cần thiết là người bệnh nên chọn địa chỉ y tế uy tín, đáng tin cậy để thăm khám và chữa trị.
Các tác dụng phụ của xạ trị ung thư cổ tử cung
Xạ trị ung thư cổ tử cung giúp người bệnh loại bỏ tế bào ác tính, ngăn ngừa tình trạng phát triển, di căn ra các cơ quan khác. Tuy nhiên tương tự như các phương pháp điều trị khác, xạ trị cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ trong quá trình điều trị như sau:
Tác dụng phụ ngắn hạn khi xạ trị
Tùy thuộc vào phương pháp xạ trị trong hay xạ trị ngoài mà người bệnh sẽ gặp phải các vấn đề ngắn hạn. Cụ thể như sau:
Đối với xạ trị ngoài: Một số vấn đề có thể phát sinh khi điều trị:
- Người bệnh bị suy giảm chức năng hệ tiêu hóa, xảy ra tình trạng đau dạ dày, đại tiện phân lỏng hoặc tiêu chảy, cơ thể có cảm giác muốn nôn và nôn.
- Xạ trị có thể làm tổn thương da khi những tia phóng xạ tiếp xúc và phá hủy tế bào da. Do đó, người bệnh có thể bị kích ứng nhẹ, đỏ da trong thời gian ngắn. Một số trường hợp bị lột da nhẹ, tiết dịch gây viêm nhiễm.
- Viêm bàng quang trong trường hợp xạ trị tác động lên vùng chậu, người bệnh gặp khó khăn trong việc tiểu tiện.
- Âm đạo bị đau khi tia xạ ảnh hưởng lên vùng âm hộ, âm đạo. Khu vực nhạy cảm có thể chảy dịch.
- Kinh nguyệt rối loạn tạm thời bởi tác động của tia phóng xạ lên buồng trứng. Một số bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng mãn kinh sớm khi điều trị ung thư cổ tử cung bằng xạ trị ngoài.
- Hồng cầu sụt giảm gây nên tình trạng thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, nguy cơ nhiễm trùng tăng cao.
Đối với xạ trị trong: Người bệnh có thể đối mặt với tác dụng phụ ngắn hạn sau đây:
- Âm đạo bị kích ứng, đỏ, khó chịu, dịch có thể có hoặc không. Vấn đề này có thể xảy ra ở cả khu vực âm hộ. Nguyên nhân là do tia xạ trong chỉ được phát ngắn hạn nên các tác động sẽ tập trung vào khu vực cổ tử cung, thành âm đạo.
- Một số tác dụng phụ khác xảy ra khi xạ trị trong tương tự như xạ trị ngoài. Chẳng hạn tình trạng tiêu chảy, buồn nôn, bàng quang viêm nhiễm, gây thiếu máu, khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược,…
Tác dụng phụ dài hạn khi xạ trị
Bên cạnh những tác dụng phụ ngắn hạn kể trên, người bệnh sau khi điều trị ung thư cổ tử cung bằng xạ trị có thể gặp phải các vấn đề như sau:
- Hẹp âm đạo: Nguyên nhân là do tia phóng xạ hình thành sẹo trong âm đạo khiến khu vực này thu hẹp diện tích. Đồng thời, các mô sẹo ảnh hưởng làm giảm khả năng co dẫn, khiến âm đạo trở nên ngắn hơn dẫn đến các cơn đau xuất hiện khi quan hệ tình dục.
- Khô âm đạo: Âm đạo đều xảy ra tình trạng khô hạn ngay cả khi người bệnh điều trị xạ trị trong hay ngoài. Vấn đề này cũng làm cho hoạt động tình dục của phụ nữ bị ảnh hưởng không nhỏ.
- Xương yếu: Phóng xạ có thể làm xương trở nên yếu hơn, giòn và dễ gãy. Các vị trí thường bị tác động nhất là khu vực xương hông. Tình trạng này kéo dài từ 2 – 4 năm sau khi kết thúc quá trình xạ trị.
- Sưng chân: Hạch bạch huyết khu vực chậu chịu ảnh hưởng của xạ trị làm cho thoát dịch ở chân. Phù hạch bạch huyết kéo theo hiện tượng sưng nặng ở chân, tích dịch.
Trên đây là những tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải khi điều trị ung thư cổ tử cung bằng phương pháp xạ trị. Trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ trao đổi trực tiếp về các vấn đề này với người bệnh hoặc người thân. Đồng thời, bác sĩ cũng tư vấn những hướng xử lý, chăm sóc cũng như cảnh báo các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình điều trị.
Chăm sóc sau xạ trị ung thư cổ tử cung
Để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, bạn đọc nên tìm hiểu phương pháp chăm sóc bệnh nhân trong và sau khi xạ trị ung thư cổ tử cung. Một vài lưu ý như sau:
Chăm sóc trong khi xạ trị
Thông thường, bệnh nhân trong quá trình xạ trị sẽ được bác sĩ và các nhân viên y tế chăm sóc tại bệnh viện. Lúc này, người thân không cần chăm sóc người bệnh để hạn chế sự ảnh hưởng của phóng xạ đến cơ thể.
- Kế hoạch xạ trị, quá trình thực hiện được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa xạ trị. Bác sĩ cũng là người chịu trách nhiệm trong suốt quá trình điều trị ung thư cho bệnh nhân.
- Về phần thiết bị xạ trị, điều khiển máy móc, hỗ trợ bác sĩ về kế hoạch điều trị có sự góp mặt của kỹ sư vật lý y học. Người ngày cũng sẽ đảm nhận vai trò chăm sóc bệnh nhân.
- Người vận hành thiết bị xạ trị, thực hiện xạ trị hàng ngày cho người bệnh là các kỹ thuật viên xạ trị.
- Tại phòng chăm sóc bệnh nhân xạ trị sẽ có các điều dưỡng viên thuộc lĩnh vực này hỗ trợ và săn sóc người bệnh. Người này cũng sẽ kiểm tra các thông tin, theo dõi tác dụng phụ và xử lý khi cần thiết.
Chăm sóc sau xạ trị
Người bệnh sau khi xạ trị sẽ được theo dõi, chăm sóc bởi chuyên gia về dinh dưỡng, sức khỏe, kết hợp với kỹ thuật viên vật lý trị liệu, người thân và chính người bệnh. Quá trình này có vai trò quan trọng đối với sự hồi phục sức khỏe sau xạ trị. Kế hoạch thường được triển khai như sau:
- Các vùng da bị tổn thương sau điều trị cần được vệ sinh, chăm sóc đúng phương pháp. Hạn chế việc tiếp xúc với hóa chất kích thích, không cọ sát da. Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý bôi bất kỳ loại thuốc nào khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.
- Lựa chọn quần áo thoải mái, rộng rãi, không mặc đồ quá chật, bó sát. Người bệnh lúc này có thể tiếp xúc da với không khí tuy nhiên cần tránh ánh mặt trời chiếu trực tiếp vào khu vực xạ trị.
- Chế độ dinh dưỡng đủ chất, nhất là bổ sung vitamin, chất xơ, khoáng chất. Người bệnh được khuyến khích ăn đầy đủ dưỡng chất giúp cơ thể sớm phục hồi.
- Sau điều trị, cần kiêng quan hệ tình dục trong vòng vài tháng.
- Vận động cơ thể nhẹ nhàng giúp máu huyết lưu thông, giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để sức khỏe cải thiện tốt hơn.
Xạ trị ung thư cổ tử cung là biện pháp điều trị mang lại tác dụng tích cực. Tuy nhiên, người bệnh sẽ không tránh khỏi một vài tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, trước khi tiến hành xạ trị, bệnh nhân và người thân có thể trao đổi các thắc mắc trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ giải đáp.
Có thể bạn quan tâm
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối chữa được không?
- Bị ung thư cổ tử cung nên ăn gì, kiêng gì tốt nhất?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!