Bệnh Ung Thư Cổ Tử Cung

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Phụ sảnTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh ung thư cổ tử cung có nguyên nhân chủ yếu là do virus HPV. Triệu chứng của bệnh vô cùng mờ nhạt nhưng có thể phát hiện sớm bằng cách tầm soát bằng xét nghiệm PAP và test HPV định kỳ. Sau ung thư vú, đây là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở nữ giới. Vì vậy, cần phải trang bị hiểu biết về bệnh để chủ động phòng ngừa và điều trị.

Tổng quan

Bệnh ung thư cổ tử cung (Cervical Cancer) là tình trạng tế bào ở cổ tử cung biến đổi, loạn sản và phát triển thành các tế bào ác tính. Đây là một trong những dạng ung thư thường gặp ở phụ nữ với tỷ lệ chiếm 21%, đồng thời là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong chỉ sau ung thư vú.

Cổ tử cung là cơ quan nối giữa âm đạo và tử cung. Cơ quan này thường có màu hồng, được tạo thành từ tế bào trụ và tế bào vảy. Vì là vị trí tiếp giáp của hai dạng tế bào nên cổ tử cung là khu vực dễ xuất hiện sự tăng sinh bất thường hay còn gọi là dấu hiệu tiền ung thư.

ung thư cổ tử cung là gì
Bệnh ung thư cổ tử cung là một trong những dạng ung thư thường gặp ở nữ giới (chiếm 21%)

Thống kê vào năm 2020 cho thấy, nước ta có khoảng 9.000 ca mắc mới và hơn ⅓ số ca đã tử vong. Ở Hoa Kỳ mỗi năm có 13.000 phụ nữ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung và tỷ lệ tử vong ở mức cao (khoảng 4.000 ca).

Ung thư cổ tử cung có nhiều loại khác nhau, nhưng chiếm 80 - 90% là ung thư biểu mô tế bào vảy và 10 - 20% còn lại là ung thư tế bào tuyến. Nguyên nhân thường do nhiễm virus HPV (Human Papilloma Virus) qua đường tình dục. Ngoài ra, bệnh cũng có thể liên quan đến những tác nhân khác nhưng rất ít gặp.

Phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung đều phát hiện ở độ tuổi trung niên (35 - 44 tuổi). Hiện nay, phụ nữ trên 20 tuổi được khuyến khích tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu tiền ung thư. Nhờ đẩy mạnh công tác này, tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung giảm dần 2% qua mỗi năm.

Phân loại bệnh

Có khá nhiều loại ung thư cổ tử cung, trong đó chiếm đa số là ung thư biểu mô tế bào vảy, kế tiếp là ung thư biểu mô tuyến.

nguyên nhân ung thư cổ tử cung là gì
Loại ung thư cổ tử cung thường gặp là ung thư biểu mô tế bào vảy

Bệnh ung thư cổ tử cung được chia thành các loại sau:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy
  • Ung thư biểu mô tuyến
  • Ung thư biểu mô tuyến - vảy
  • Ung thư biểu mô tế bào nhỏ
  • Ung thư hắc tố
  • U lympho
  • Ung thư mô liên kết - tuyến

Trong đó, khoảng 80 - 85% trường hợp là ung thư biểu mô tế bào vảy với nguyên nhân chủ yếu là do HPV. Các dạng ung thư cổ tử cung khác thường không liên quan đến virus và không thể phòng ngừa.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nhiễm HPV (Human Papilloma Virus) là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ung thư cổ tử cung. Virus này gây ra các u nhú ở người nhưng đa số những bệnh lành tính như mụn cóc, mụn cơm,... Ngoài HPV, ung thư cổ tử cung có thể do những nguyên nhân khác nhưng rất ít gặp.

Nguyên nhân trực tiếp

Nhiễm virus HPV qua đường tình dục là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư cổ tử cung, đặc biệt là ung thư biểu mô tế bào vảy. Hiện có đến 200 type HPV, trong đó có khoảng 40 type lây nhiễm qua đường tình dục và chỉ 15 type có liên quan đến bệnh ung thư.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, HPV type 16, 18, 45, 56 là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung và loạn sản tế bào. Trong đó, type 16 thường gây ung thư biểu mô vảy sừng và type 18 gây ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô kém biệt hóa cổ tử cung. So với type 16, type 18 có nguy cơ di căn (đặc biệt là di căn hạch) và khả năng tái phát cao.

nguyên nhân ung thư cổ tử cung là gì
Nhiễm HPV, đặc biệt là type 16 và 18 là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư cổ tử cung

Khoảng 90 - 100% trường hợp ung thư cổ tử cung dương tính với HPV. Do đó, nhiễm HPV vẫn được xem là nguyên nhân phổ biến nhất.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, HPV sẽ khiến các tế bào ở cổ tử cung biến đổi trong thời gian dài dẫn đến ung thư. Ngoài ung thư cổ tử cung, nhiễm virus này còn có liên quan đến ung thư miệng, ung thư họng, ung thư âm hộ, ung thư dương vật và hậu môn.

Yếu tố nguy cơ

Các type HPV có liên quan đến bệnh ung thư cổ tử cung thường lây nhiễm qua đường tình dục. Do đó, nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng khi có các yếu tố thuận lợi sau:

  • Đời sống tình dục không lành mạnh (nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm, không an toàn…)
  • Nhiễm Herpes virus
  • Suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV, tiểu đường, rối loạn chức năng tuyến giáp)
  • Hút thuốc lá
  • Thiếu dinh dưỡng

Thực tế, không phải trường hợp nào nhiễm HPV đều bị ung thư cổ tử cung. Nhiều nữ giới nhiễm HPV, kể cả các chủng có nguy cơ cao gần như không phát triển ung thư. Bởi các virus này đều chỉ phát triển ngắn hạn, sau đó bị đào thải dưới hoạt động của hệ miễn dịch. Lúc này, các thay đổi nhẹ ở tế bào cổ tử cung sẽ trở lại bình thường.

Tuy nhiên ở một số trường hợp, HPV không biến mất mà tồn tại trong một thời gian dài. Vì vậy, hệ miễn dịch kém, nhiễm HIV, tiểu đường… được xem là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Theo thời gian, những thay đổi ở tế bào cổ tử cung ngày càng trở nên nghiêm trọng dẫn đến loạn sản.

Triệu chứng và chẩn đoán

Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư cổ tử cung gần như không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Những thay đổi ở tế bào cổ tử cung có thể gây ra một số triệu chứng không điển hình như:

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung
Một vài dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung bao gồm đau khi giao hợp, chảy máu âm đạo bất thường, sụt cân...

  • Ra nhiều khí hư (số lượng dịch tiết nhiều hơn nhưng đôi khi không có thay đổi về màu sắc và mùi)
  • Đôi khi khí hư có lẫn máu và mùi rất hôi (thường là ở những trường hợp tế bào cổ tử cung bị hoại tử nhiều)
  • Kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài hơn so với trước đây
  • Ra máu ngoài chu kỳ và sau khi quan hệ tình dục
  • Đau vùng lưng dưới
  • Ung thư cổ tử cung giai đoạn nặng có thể gây đau tiểu khung, chèn ép trực tràng (táo bón, khó tiêu) và hệ tiết niệu (khó tiểu, tiểu rắt, tiểu nhiều lần).
  • Đau nhức chân
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải dù không lao động nặng

Các triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung rất mờ nhạt. Do đó, phụ nữ trên 30 tuổi hoặc đã sinh nở được khuyên nên tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu loạn sản.

Các triệu chứng cơ năng không đủ để đưa ra chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, nên thăm khám sớm. Sau khi sàng lọc các yếu tố nguy cơ, khai thác triệu chứng… bác sĩ sẽ khám lâm sàng. Thông qua khám bằng mỏ vịt có thể quan sát tổn thương thực thể ở cổ tử cung (tổn thương dạng sùi, loét).

Sau đó, xét nghiệm PAP (phết cổ tử cung) được thực hiện để tầm soát ung thư cổ tử cung và phát hiện sớm các dấu hiệu tiền ung thư. Dù vậy, vẫn cần thực hiện sinh thiết (sinh thiết bấm, sinh thiết hình nón) để đưa ra chẩn đoán chính xác.

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm PAP được thực hiện để chẩn đoán và phát hiện sớm các dấu hiệu tiền ung thư

Ngoài chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ yêu cầu soi cổ tử cung để xác định phạm vi của các tế bào ác tính. Siêu âm cũng được thực hiện để phát hiện ung thư di căn. Các xét nghiệm cận lâm sàng khác như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) xét nghiệm công thức máu toàn phần, hóa sinh máu… cũng có giá trị trong chẩn đoán và theo dõi bệnh.

Bên cạnh chẩn đoán xác định, các kỹ thuật chẩn đoán cũng giúp đánh giá giai đoạn của bệnh:

  • Giai đoạn I: Bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn I là giai đoạn nhẹ nhất với tổn thương chỉ khu trú ở cổ tử cung. Tế bào ác tính chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận và các cơ quan xa.
  • Giai đoạn II: Giai đoạn này được xác định khi tế bào ác tính phát triển ra ngoài phạm vi cổ tử cung và tử cung. Dù vậy, tế bào vẫn chưa di chuyển đến phần dưới của âm đạo hay các thành của khung chậu, hạch bạch huyết lân cận và các cơ quan xa.
  • Giai đoạn III: Lúc này, tế bào ung thư đã lan đến thành của khung chậu và phần dưới của âm đạo. Một số trường hợp ung thư đã lây lan đến các hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn đến những cơ quan xa.
  • Giai đoạn IV: Bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn IV là giai đoạn nặng nhất, tiên lượng vô cùng xấu. Trong giai đoạn này, tế bào ung thư đã xâm lấn vào trực tràng, bàng quang, thậm chí di căn đến những cơ quan xa như phổi và xương.

Biến chứng và tiên lượng

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Hiện nay, ung thư cổ tử cung là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở nữ giới chỉ sau ung thư vú. Do triệu chứng mờ nhạt và hiểu biết của cộng đồng về ung thư chưa thật sự được nâng cao nên tỷ lệ tiêm vaccine ngừa HPV, chủ động tầm soát ung thư còn khá thấp… Đây cũng là lý do khiến cho tỷ lệ tử vong do căn bệnh này vẫn đang ở mức cao.

Tiên lượng của ung thư cổ tử cung khác nhau ở từng trường hợp. Nếu phát hiện sớm ở giai đoạn tiền ung thư, khả năng sống sót lên đến 92%. Ở giai đoạn 1 là 80 - 90%, giai đoạn 2 là 50 - 65%, giai đoạn 3 có tỷ lệ sống sót chỉ 25 - 35% và giai đoạn cuối có tiên lượng xấu, dưới 15%.

Khi điều trị ung thư cổ tử cung, cần phải chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân. Tránh trường hợp bệnh nhân bị rối loạn lo âu, trầm cảm. Khi sức khỏe tâm thần và thể chất đều bị ảnh hưởng, thể trạng sẽ nhanh chóng bị suy sụp. Tiên lượng bệnh vì thế cũng sẽ xấu đi, tỷ lệ sống sót giảm.

Điều trị

Với sự phát triển của y học, đã có khá nhiều phương pháp tỏ ra hiệu quả trong điều trị ung thư cổ tử cung. Lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào thể trạng chung của bệnh nhân, giai đoạn bệnh và tổn thương tại chỗ.

Bệnh nhân có thể được điều trị bằng đơn trị liệu hoặc kết hợp giữa các phương pháp để gia tăng hiệu quả. Nhìn chung, các phương pháp đều được thực hiện với mục đích kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm thiểu nguy cơ gặp phải biến chứng.

Các phương pháp điều trị bệnh ung thư cổ tử cung bao gồm:

Phẫu thuật

Phẫu thuật thường được chỉ định cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn I, khi mà tế bào ung thư chỉ khu trú ở cổ tử cung, chưa di căn và lây lan sang các hạch bạch huyết. Trường hợp muốn duy trì khả năng sinh sản, có thể phẫu thuật bảo tồn bằng cách loại bỏ tế bào ác tính.

bệnh ung thư cổ tử cung và cách điều trị
Phẫu thuật được chỉ định với bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn I

Nếu đã sinh đủ con, bác sĩ sẽ khuyến khích cắt bỏ một phần âm đạo và cổ tử cung để loại bỏ triệt để ung thư. Sau khi phẫu thuật, phải theo dõi thường xuyên để chắc chắn ung thư không tái phát. Trường hợp muốn mang thai, phải đợi ít nhất 1 năm sau phẫu thuật.

Tỷ lệ tái phát sau khi phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung là khá thấp. Dù vậy, vẫn cần phết cổ tử cung định kỳ (xét nghiệm PAP) để sàng lọc nguy cơ mắc bệnh.

Trường hợp ung thư đã phát triển, lựa chọn tốt nhất là cắt bỏ tử cung kèm theo các hạch bạch huyết lân cận. Để ngăn ngừa tái phát, có thể kết hợp hóa trị và xạ trị sau phẫu thuật.

Hóa trị

Hóa trị, xạ trị là phương pháp được chỉ định cho những trường hợp ung thư cổ tử cung đã tiến triển (từ giai đoạn 2 đến giai đoạn 4). Hóa trị bao gồm sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm để tiêu diệt tế bào ác tính, đồng thời ngăn không cho vi khuẩn di chuyển vào máu, hạch bạch huyết làm ung thư di căn.

Hóa trị mang lại hiệu quả trong điều trị ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, cơ chế của thuốc có thể làm ảnh hưởng các tế bào khỏe mạnh gây ra khá nhiều tác dụng phụ như rụng tóc, ăn không ngon, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, mệt mỏi.

Xạ trị

Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị để kiểm soát tiến triển của tế bào ung thư. Tế bào ác tính sẽ bị tiêu diệt, từ đó giúp duy trì bệnh ở giai đoạn ổn định. Tránh trường hợp ung thư di căn theo đường máu và hạch bạch huyết.

Đối với ung thư cổ tử cung, xạ trị và hóa trị có thể được thực hiện sau phẫu thuật để phòng ngừa tái phát. Tương tự như hóa trị, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như rụng tóc, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, giảm trí nhớ…

Phòng ngừa

Bệnh ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine và xét nghiệm PAP, test HPV định kỳ. Nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp này, nguy cơ phát triển ung thư là rất thấp. Với những trường hợp đã nhiễm HPV các type có nguy cơ cao, nên nâng cao hệ miễn dịch để đào thải virus nhằm trả lại cấu trúc bình thường của tế bào cổ tử cung.

bệnh ung thư cổ tử cung và cách điều trị
Tiêm ngừa vaccine HPV là biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất hiện nay

Các biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung:

  • Tiêm vaccine HPV là phương pháp phòng ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất hiện nay. Vaccine này được khuyến khích tiêm cho nữ giới từ 9 - 26 tuổi, nhưng vẫn có thể tiêm sau 26 tuổi.
  • Sau khi nhiễm HPV, phải mất từ 3 - 7 năm, thay đổi ở các tế bào cổ tử cung mới có thể phát triển thành ung thư. Vì vậy, có thể phòng ngừa bằng cách tầm soát ung thư định kỳ. Hiện nay, các xét nghiệm được thực hiện để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV.
  • Nữ giới từ 21 - 29 tuổi đã quan hệ tình dục nên xét nghiệm PAP 3 năm/ lần.
  • Phụ nữ từ 30 - 65 tuổi nên thực hiện xét nghiệm PAP đồng thời với HPV 5 năm/ lần. Trường hợp có nguy cơ cao nên thực hiện 3 năm/ lần.
  • Thực hiện các biện pháp nâng cao hệ miễn dịch bao gồm tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ,...
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch bao gồm rối loạn tuyến giáp, tiểu đường, nhiễm HIV/ AIDS,..
  • Không hút thuốc lá và hạn chế lạm dụng bia rượu.
  • Quan hệ tình dục an toàn để giảm nguy cơ lây nhiễm HPV.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Các xét nghiệm nào được thực hiện để chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung?

2. Vì sao tôi bị ung thư cổ tử cung?

3. Lựa chọn tốt nhất với tình trạng sức khỏe hiện tại?

4. Khi điều trị ung thư cổ tử cung cần chăm sóc hay lưu ý gì?

5. Có cần kiêng quan hệ tình dục khi bị ung thư cổ tử cung?

6. Điều trị ung thư cổ tử cung mất bao lâu? Chi phí bao nhiêu?

7. Sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung, cần ở lại bệnh viện trong bao lâu?

8. Cần tái khám ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần?

9. Sau điều trị có cần tầm soát? Bao lâu nên thực hiện?

Bệnh ung thư cổ tử cung hiện vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe của nữ giới. Dù vậy, đây là bệnh ung thư duy nhất đã có vaccine phòng ngừa. Hơn nữa, tiến triển bệnh chậm nên có thể phát hiện sớm bằng xét nghiệm PAP và test HPV. Nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp trên, nữ giới có thể bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh nguy hiểm này.