Viêm xoang khi mang thai có ảnh hưởng gì? Cần làm gì?
Bệnh viêm xoang khi mang thai thường gây nghẹt mũi, đau đầu kéo dài khiến nhiều mẹ bầu lo lắng. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh thậm chí còn gây ảnh hưởng xấu đến thai kỳ. Chính vì vậy, việc tìm ra được một phương pháp điều trị viêm xoang khi mang thai an toàn, hiệu quả là mong muốn chung của chị em.
Viêm xoang khi mang thai là gì?
Bệnh viêm xoang là hiện tượng sưng viêm xảy ra ở lớp lót nằm trong các hốc xoang trên mặt. Tùy theo vị trí xoang bị ảnh hưởng mà bệnh được chia thành các loại như viêm xoang bướm, viêm xoang trán, viêm xoang sàng hay viêm xoang sàng. Nếu bị viêm nhiều xoang cùng lúc thì được gọi là viêm đa xoang.
Phụ nữ mang thai là đối tượng có tỷ lệ mắc viêm xoang khá cao. Căn bệnh này có thể xảy ra ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ và đôi khi còn kéo dài đến sau sinh. Khi niêm mạc xoang bị viêm, chất dịch tiết ra nhiều nhưng không được dẫn lưu ra ngoài khiến cho bà bầu thường xuyên bị nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu hoặc đau nhức mặt.
Cũng như những đối tượng khác, bệnh viêm xoang ở phụ nữ mang thai tiến triển một cách âm thầm và thường chỉ được phát hiện khi có các triệu chứng rầm rộ bên ngoài. Ở giai đoạn cấp tính, các dấu hiệu của bệnh kéo dài từ 3 – 4 tuần. Tuy nhiên nếu không có biện pháp kiểm soát tốt, tình trạng nhiễm trùng trong xoang có thể tiến triển nặng hơn và chuyển sang giai đoạn mãn tính. Lúc này, việc điều trị viêm xoang khi mang thai càng trở nên khó khăn. Nghiêm trọng hơn, bà bầu còn phải đối mặt với nhiều biến chứng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi.
Xem thêm: 7 cách trị viêm xoang sàng tại nhà đơn giản, hiệu quả
Triệu chứng bệnh viêm xoang khi mang thai
Các dấu hiệu của bệnh viêm xoang có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Khi bệnh bước vào giai đoạn tiến triển, bà bầu có thể nhận thấy một số triệu chứng bất thường dưới đây:
- Nghẹt mũi liên tục. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mũi khiến cho bà bầu khó thở, mệt mỏi.
- Có thể sốt hoặc không sốt
- Có cảm giác đau và áp lực quanh mặt
- Sổ mũi. Dịch mũi đặc, màu vàng hoặc màu xanh
- Dịch nhầy trong xoang có thể chảy xuống phía sau cổ họng gây cảm giác vướng víu, kích ứng và khiến cho bà bầu bị ho.
- Đau nặng đầu
Thông thường, một đợt viêm xoang cấp tính có thể kéo dài từ 3 – 4 tuần. Trường hợp bà bầu bị viêm xoang mạn tính, các dấu hiệu trên thường kéo dài quá 12 tuần.
Các triệu chứng của viêm xoang khi mang thai rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm mũi thông thường, bệnh cảm cúm hoặc các vấn đề khác ở mũi xoang như polyp mũi, viêm mũi dị ứng… Để không bị nhầm lẫn, chị em nên tới bệnh viện kiểm tra khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.
Khi nào nên thăm khám bác sĩ?
Phụ nữ bị viêm xoang khi mang thai có thể khỏi nếu được chăm sóc và điều trị tốt tại nhà. Tuy nhiên, nếu như việc dùng thuốc không kê đơn, biện pháp tại nhà không phát huy hiệu quả hoặc xuất hiện những triệu chứng sau, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám:
- Sốt cao hơn 38 độ C
- Ho và khạc đờm ra chất nhầy có màu xanh lá hoặc vàng.
- Nhiễm trùng xoang tái phát
Viêm xoang nếu không sớm điều trị, vi trùng gây bệnh có thể lây sang những bộ phận khác của cơ thể như xương, da, mắt, ảnh hưởng đến khứu giác. Bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não (viêm màng trong não hay tủy sống).
Nguyên nhân gây viêm xoang khi mang thai
Nhiễm virus, vi khuẩn hoặc nấm là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm xoang ở phụ nữ mang thai. Các tác nhân gây bệnh này tấn công vào cơ thể khi gặp các điều kiện thuận lợi như:
- Thay đổi thời tiết đột ngột. Không khí lạnh và khô hanh khiến cho niêm mạc xoang bị khô, kích ứng và sưng phù.
- Do dị ứng khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như lông chó mèo, bụi bẩn hay phấn hoa…
- Hệ miễn dịch suy yếu khi mang thai
- Ăn uống, nghỉ ngơi không đầy đủ trong thai kỳ khiến cho sức đề kháng giảm. Từ đây, vi khuẩn, virus có cơ hội phát triển mạnh và tấn công vào cơ thể gây viêm xoang khi mang thai.
- Vệ sinh mũi xoang, răng miệng không sạch sẽ hoặc không đúng cách
- Chấn thương ở vùng mũi xoang cũng có thể ảnh hưởng đến niêm mạc xoang
- Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ làm tăng lưu lượng máu đến mao mạch và các màng ở vùng mũi xoang. Tình trạng này khiến cho niêm mạc xoang bị sưng phù, tắc nghẽn dịch, từ đó kích thích sự phát triển của vi khuẩn.
- Ngoài ra, bệnh viêm xoang khi mang thai còn được xem là biến chứng của các bệnh lý như cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, lệch vách ngăn mũi, viêm nha chu, viêm tai giữa, viêm VA hay polyp mũi.
Viêm xoang khi mang thai có ảnh hưởng gì không?
Bệnh viêm xoang ở phụ nữ mang thai mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp tới em bé trong bụng nhưng những triệu chứng mà bệnh gây ra lại tác động tiêu cực đến sức khỏe của bà bầu trong suốt thai kỳ.
- Tình trạng nghẹt mũi, khó thở, đau đầu diễn ra thường xuyên khiến cho mẹ bầu mệt mỏi, lo lắng, từ đó ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của chị em.
- Những cơn hắt hơi xảy ra với tần suất liên tục có thể kích thích cơn gò tử cung nhưng thường không quá nghiêm trọng.
- Khi không được điều trị tốt, tình trạng nhiễm trùng trong xoang có thể lây lan dẫn đến một số biến chứng như viêm tai giữa, viêm amidan hay viêm đường hô hấp dưới.
- Một số loại thuốc tây được sử dụng để chữa viêm xoang nếu lạm dụng bừa bãi cũng có thể gây tác dụng phụ không tốt cho sự phát triển của em bé trong bụng.
Để giảm thiểu những tác hại của bệnh viêm xoang và có một thai kỳ khỏe mạnh, chị em nên tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ để được tư vấn cách điều trị bệnh an toàn, hiệu quả nhất.
Chẩn đoán bệnh viêm xoang khi mang thai
Khi đến thăm khám bệnh tại cơ sở y tế, bạn có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau:
- Nội soi mũi: Bác sĩ dùng một ống mỏng có gắn camera đưa vào trong mũi để kiểm tra tình trạng các hốc xoang.
- Xét nghiệm hình ảnh: Chụp CT, MRI có thể được chỉ định để giúp chuyên gia chẩn đoán chính xác vấn đề bạn đang mắc phải.
Tùy vào trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể yêu cầu nuôi cấy mũi và xoang để xác định chính xác nguyên nhân của nhiễm trùng hoặc chỉ định xét nghiệm dị ứng để xem dị ứng có phải là tác nhân gây viêm xoang hay không.
Cách điều trị viêm xoang khi mang thai
Các phương pháp thường được lựa chọn để chữa viêm xoang khi mang thai bao gồm:
1. Dùng thuốc trị viêm xoang khi mang thai
Mối quan tâm lớn nhất của phụ nữ bị viêm xoang khi đang mang thai là dùng thuốc điều trị có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên thai nhi. Tuy vậy, hiện nay các chuyên gia đã nghiên cứu và điều chế các loại thuốc không kê đơn (OTC) an toàn khi dùng cho đối tượng đang trong thai kỳ. Chẳng hạn, bạn có thể dùng Acetaminophen (Tylenol) để giảm đau họng và đau đầu do viêm xoang.
Một số thuốc điều trị khác cũng được đánh giá là an toàn cho phụ nữ đang trong thai kỳ là:
- Thuốc thông mũi giúp giảm nghẹt mũi, khó thở cho bà bầu, làm thông thoáng đường thở.
- Thuốc kháng dị ứng histamin có tác dụng cải thiện tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi và các triệu chứng khác liên quan đến bệnh viêm xoang dị ứng ở phụ nữ mang thai.
- Thuốc long đờm giúp làm giảm độ đặc của chất nhầy trong mũi
- Thuốc giảm ho dùng cho bệnh nhân bị chảy nước mũi xuống cổ họng dẫn đến ho nhiều
- Thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, tiêu diệt vi khuẩn. Một số loại thuốc kháng sinh có thể gây dị tật cho thai nhi. Vì vậy, bà bầu chỉ nên sử dụng thuốc do bác sĩ kê đơn, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Không dùng Aspirin (Bayer) để trị viêm xoang khi mang thai vì thuốc có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Thuốc Ibuprofen (Advil) cũng được khuyến cáo có thể làm giảm nước ối, tăng nguy cơ sẩy thai, cần đặc biệt thận trọng.
2. Cách khắc phục viêm xoang khi mang thai tại nhà
Các loại thuốc như thuốc giảm ho, thuốc giảm đau và thuốc thông mũi có thể làm giảm các triệu chứng nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu muốn hạn chế tối đa khả năng dùng thuốc, bạn có thể áp dụng một số biện pháp điều trị tại nhà sau:
- Bổ sung nước, chất lỏng để giảm đau họng, loãng dịch nhầy, cải thiện tình trạng nghẹt mũi. Các loại thức uống tốt cho sức khỏe như: nước, trà decaf, nước ép cam quýt…
- Dùng nước muối sinh lý (mua tại nhà thuốc hoặc pha theo tỉ lệ muối và nước là 1:9) để giảm viêm, giảm triệu chứng.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm vào ban đêm để giữ cho mũi thông thoáng và làm mỏng lớp chất nhầy.
- Kê cao đầu khi ngủ vì điều này có thể ngăn chất nhầy tích tụ trong xoang vào ban đêm.
- Súc miệng bằng nước muối ấm để làm dịu cơn đau họng hoặc ngậm viên ngậm trị đau họng.
- Thư giãn và nghỉ ngơi để cải thiện hệ thống miễn dịch, giúp chống lại bệnh nhiễm trùng.
- Nếu bị đau mặt hoặc đau đầu do viêm xoang, hãy đặt túi chườm nóng hoặc xoa nhẹ trán. Tắm nước ấm cũng có thể giúp giảm đau đầu do xoang nhưng cần lưu ý nước tắm không được quá nóng.
Với việc hạn chế được những hạn chế của cả phương pháp điều trị bằng mẹo dân gian và thuốc tây, đông y được coi là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất trong chữa trị viêm xoang khi mang thai. Thuốc đông y sử dụng thảo dược tự nhiên và có cơ chế điều trị bệnh từ gốc. Đồng thời nâng cao sức đề kháng cho mẹ bầu trong suốt quá trình điều trị. Đặc biệt, thầy thuốc có thể gia thêm các thảo dược an thai, hỗ trợ cho thai nhi phát triển khỏe mạnh trong bài thuốc trị viêm xoang cho mẹ.
Có thể bạn quan tâm
- 10 cách chữa viêm xoang bằng thuốc Nam, cây cỏ quanh nhà
- Bệnh viêm xoang có di truyền không, làm sao ngừa?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!