Viêm màng bao hoạt dịch khớp gối là gì? Điều trị như thế nào?
Viêm màng bao hoạt dịch khớp gối có xu hướng phát sinh ở những người thường xuyên di chuyển, vận động và mang vác nặng. Nếu không điều trị, tình trạng viêm ở bao hoạt dịch ở thể chuyển sang giai đoạn mãn tính và gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Viêm màng bao hoạt dịch khớp gối là gì ?
Màng bao hoạt dịch là cơ quan nằm ở giữa xương, da/ gân, đóng vai trò là chất đệm giúp khớp vận động dễ dàng. Tuy nhiên khi khớp bị chấn thương hoặc vận động mạnh, màng bào hoạt dịch có thể bị kích thích, dẫn đến tình trạng viêm và gây đau đớn.
Viêm màng bao hoạt dịch khớp gối là tình trạng viêm cấp hoặc mãn tính của màng bao hoạt dịch. Tình trạng này thường xuất hiện ở những khớp có mức độ hoạt động cao như khớp gối, khớp vai và cổ tay.
1. Triệu chứng
Khác với u nang bao hoạt dịch khớp gối, tình trạng viêm bao hoạt dịch có xu hướng phát sinh triệu chứng ngay cả trong giai đoạn đầu.
Các triệu chứng đặc trưng của viêm bao hoạt dịch khớp gối, gồm:
- Khớp sưng đỏ, đau nhức và nóng
- Bên ngoài khớp có dấu hiệu bầm tím, đỏ da hoặc phát ban
- Khớp gối cứng, khó di chuyển, vận động
- Khi ấn vào khớp thấy đau nhức
Các triệu chứng của bệnh có thể bùng phát trong 2 tuần và sau đó thuyên giảm dần. Tuy nhiên nếu không can thiệp điều trị, bệnh sẽ tái phát nhiều lần và chuyển sang giai đoạn mãn tính.
2. Nguyên nhân
Viêm bao hoạt dịch khớp gối có thể hình thành do những nguyên nhân sau:
- Hoạt động quá mức: Vận động khớp thường xuyên khiến các bao hoạt dịch quanh khớp gối bị kích thích và dẫn đến tình trạng viêm.
- Tính chất công việc: Những công việc đòi hỏi phải vận động khớp thường xuyên như vận động viên, nhạc công,… có thể làm tăng nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch.
- Chấn thương: Tác động vật lý mạnh vào khớp gây tổn thương các cơ quan bên trong và hình thành tình trạng viêm.
- Thoái hóa khớp: Khớp suy yếu và lão hóa khiến các cơ quan xung quanh phải chịu áp lực lớn khi cơ thể vận động. Dần dần các cơ quan này bị tổn thương và phát sinh phản ứng sưng viêm.
- Biến chứng của một số bệnh lý khác: Các bệnh lý gây rối loạn chuyển hóa như gút, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp,.. có thể làm tăng nguy cơ viêm ở bao hoạt dịch.
3. Biến chứng
Nếu không điều trị từ sớm, viêm bao hoạt dịch khớp gối có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính, gây kích thích tiết dịch, hình thành u nang hoặc gây tràn dịch khớp gối. Ngoài ra, bệnh có thể gây tê liệt và làm mất hoàn toàn chức năng vận động của khớp.
Chẩn đoán viêm bao hoạt dịch khớp gối
Chẩn đoán viêm bao hoạt dịch khớp gối bao gồm các thủ tục sau:
- Chẩn đoán lâm sàng: Thông qua biểu hiện lâm sàng, bác sĩ có thể quan sát triệu chứng bên ngoài và phạm vi chuyển động của khớp.
- X-Quang: Hình ảnh từ X-Quang mô phỏng rõ cấu trúc bên trong tế bào xương. Xét nghiệm này được thực hiện nhằm loại trừ khả năng gãy/ nứt hoặc loãng xương.
- MRI: Hình ảnh từ MRI biểu hiện rõ tình trạng của các mô mềm bên trong khớp. Xét nghiệm này được thực hiện trong trường hợp khớp không có các biểu hiện lâm sàng rõ rệt.
- Xét nghiệm dịch khớp: Bác sĩ sẽ sử dụng kim tiêm để hút dịch khớp và quan sát dưới kính hiển vi.
Điều trị viêm màng bao hoạt dịch khớp gối
Điều trị viêm bao hoạt dịch chủ yếu là các biện pháp bảo tồn. Nếu thực hiện điều trị theo chỉ định của bác sĩ, các triệu chứng của bệnh đều đáp ứng tốt và nhanh chóng thuyên giảm.
- Dùng thuốc: Thuốc chống viêm không steroid và acetaminophen được sử dụng nhằm làm giảm cơn đau, hạ thân nhiệt và cải thiện tình trạng viêm ở màng hoạt dịch.
- Vật lý trị liệu: Cơn đau do viêm bao hoạt dịch có thể kéo dài trong nhiều tuần. Vì vậy bạn cần phối hợp việc dùng thuốc với các phương pháp vật lý trị liệu (laser, hồng ngoại, nhiệt trị liệu, sóng ngắn trị liệu,…).
- Tiêm corticoid: Tiêm corticoid chỉ được thực hiện khi các biện pháp trên không thể cải thiện cơn đau. Corticoid có tác dụng chống viêm mạnh mẽ, tuy nhiên hoạt động của loại thuốc này có thể gây hư hại các khớp khỏe mạnh và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Ngoài các biện pháp trên, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi để khớp được thư giãn và phục hồi. Bên cạnh đó, có thể thực hiện chườm lạnh, sử dụng nẹp khớp gối,… để cải thiện cơn đau và các triệu chứng đi kèm.
Bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bảo tồn có thể phải thực hiện thủ thuật ngoại khoa. Tuy nhiên trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng vì phẫu thuật có thể đi kèm với những rủi ro nghiêm trọng như trật khớp, nhiễm trùng, tắc mạch máu và tổn thương dây thần kinh.
Phòng ngừa viêm bao hoạt dịch khớp gối
Tình trạng tái phát nhiều lần của viêm bao hoạt dịch khớp gối khiến bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính và có nguy cơ hình thành các biến chứng nguy hiểm. Do đó bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh lý này.
- Tránh hoạt động khớp quá mức. Bạn có thể nghỉ ngơi 5 – 10 phút sau một thời gian hoạt động dài để tránh gây tổn thương và kích thích màng bao hoạt dịch.
- Thực hiện điều trị nhằm kiểm soát tiến triển của bệnh viêm đa khớp dạng thấp, tiểu đường và bệnh gút.
- Thay đổi các thói quen gây áp lực lên khớp gối như ngồi xổm, mang vác nặng,…
Thực hiện điều trị sớm sẽ giúp bạn cải thiện cơn đau và dự phòng các biến chứng do bệnh viêm màng bao hoạt dịch khớp gối gây ra. Ngược lại, tình trạng chủ quan có thể khiến triệu chứng trở nên nặng nề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phạm vi chuyển động của khớp.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- Nguy cơ tràn dịch khớp gối sau chấn thương
- Nên làm gì khi bị tràn dịch khớp gối nhẹ?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!