Nguy cơ tràn dịch khớp gối sau chấn thương
Tràn dịch khớp gối sau chấn thương là tình trạng khá phổ biến. Để giảm nguy cơ gặp phải tình trạng này, bạn cần điều trị chấn thương dứt điểm, nghỉ ngơi và tái khám thường xuyên.
Vì sao chấn thương gây tràn dịch khớp gối?
Tràn dịch khớp gối là tình trạng khớp gối tích tụ dịch nhầy, sinh ra hiện tượng sưng viêm, nóng rát và đau nhức. Nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng này là do màng bao hoạt dịch bị kích thích, dẫn đến sự tăng tiết dịch khớp quá mức.
Có rất nhiều nguyên nhân gián tiếp khiến mang bao hoạt dịch bị tổn thương và kích thích – trong đó có chấn thương. Chấn thương trong khi lao động, sinh hoạt và vui chơi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tràn dịch khớp gối.
Nguyên nhân là do áp lực vật lý từ bên ngoài tác động vào khớp, gây tổn thương các cơ quan bên trong và gián tiếp thúc đẩy hoạt động tăng tiết của bao hoạt dịch.
So với các nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối khác như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, gout, thoái hóa khớp,… tràn dịch khớp gối sau chấn thương có thể phòng ngừa và kiểm soát hoàn toàn.
Giảm nguy cơ tràn dịch khớp gối sau chấn thương
Tràn dịch khớp có thể khiến đầu gối sưng đau dữ dội, nóng rát và giảm khả năng vận động. Hơn nữa, bệnh có thể tiến triển và gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Chính vì vậy việc phòng ngừa và làm giảm nguy cơ mắc bệnh là điều cần thiết.
1. Điều trị chấn thương dứt điểm
Chấn thương không được điều trị dứt điểm có thể lan rộng và gây tổn thương các cơ quan bên trong khớp. Không chỉ tăng nguy cơ mắc bệnh tràn dịch khớp gối, chấn thương không được chữa trị hoàn toàn có thể gây hoại tử vô mạch, viêm khớp, nhiễm trùng,… và nhiều vấn đề tiêu cực khác.
Chính vì vậy khi gặp chấn thương, bạn nên tiến hành thăm khám để được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, cần thực hiện điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng bỏ dở khi triệu chứng có những bước cải thiện ban đầu.
Thời gian điều trị chấn thương còn phụ thuộc vào mức độ hư hại khớp và khả năng phục hồi của từng cá thể. Để đảm bảo khớp ổn định trở lại, bạn chỉ được ngưng điều trị khi bác sĩ chuyên khoa cho phép.
2. Thực hiện vật lý trị liệu
Một số chấn thương nghiêm trọng có thể khiến bạn khó khăn trong việc vận động trở lại. Trong trường hợp này, cần thực hiện những bài tập vật lý trị liệu để cải thiện chức năng, phạm vi chuyển động và ổn định cấu trúc khớp.
Với những chấn thương nặng, nếu không tiến hành vật lý trị liệu, khớp có thể bị tổn thương trở lại khi bạn di chuyển và vận động.
Mỗi tổn thương trong hệ thống xương khớp đều cần rất nhiều thời gian để hồi phục hoàn toàn. Các tổn thương này có thể tồn tại trong một thời gian dài – ngay cả khi triệu chứng lâm sàng đã chấm dứt.
3. Giảm hiệu suất hoạt động khớp
Như đã đề cập, tổn thương ở xương khớp cần nhiều thời gian để khôi phục hoàn toàn. Vì vậy sau khi điều trị chấn thương, bạn cần giảm hiệu suất hoạt động nhằm giúp khớp thư giãn và phục hồi các cơ quan bị hư hại.
Trong thời gian này, cần tránh những bộ môn thể thao có cường độ luyện tập cao. Nếu phải mang vác vật nặng, bạn nên sử dụng thiết bị hỗ trợ để tránh gây chèn ép lên khớp tổn thương.
4. Thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý
Bạn có thể cải thiện triệu chứng do chấn thương và thúc đẩy quá trình phục hồi xương khớp bằng chế độ ăn uống thích hợp.
Các thành phần có trong thực phẩm không chỉ cung cấp năng lượng cho cơ thể mà còn tăng cường độ chắc khỏe và dẻo dai của xương khớp. Trong thời gian sau chấn thương, bạn nên chú trọng nhóm thực phẩm giàu vitamin D, canxi, vitamin C, axit amin, khoáng chất và các thành phần chống oxy hóa.
Bên cạnh đó, cần hạn chế những thực phẩm có khả năng gây viêm và kích thích cơn đau như đường, thức ăn nhanh, nước ngọt có gas, rượu bia,…
5. Tái khám thường xuyên
Các biện pháp dự phòng không có khả năng ngăn chặn hoàn toàn bệnh tràn dịch khớp gối. Vì vậy, bạn nên chủ động tái khám thường xuyên để bác sĩ kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường.
Tràn dịch khớp gối ở giai đoạn sớm thường dễ điều trị và đáp ứng tốt hơn với các biện pháp bảo tồn. Hơn nữa ở giai đoạn này, bệnh không ảnh hưởng nhiều đến chức năng hoạt động và ít có nguy cơ phát sinh biến chứng.
Thực hiện nghiêm túc các biện pháp dự phòng có thể làm giảm nguy cơ tràn dịch khớp gối sau chấn thương. Nếu bạn từng có tiền sử mắc các bệnh về màng bao hoạt dịch, cần thông báo với bác sĩ để được chỉ định các biện pháp dự phòng chuyên sâu.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- Vật lý trị liệu trong điều trị tràn dịch khớp gối
- Tràn dịch khớp gối chữa ở đâu? [Danh sách 9 địa chỉ uy tín nhất]
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!