Viêm bàng quang có tự khỏi không, khi nào cần trị?
Viêm bàng quang không thể tự khỏi. Khi gặp phải những triệu chứng như tiểu ra máu, nước tiểu đục, đau rát khi tiểu, đau bụng dưới,… bệnh nhân cần phải điều trị gấp vì bệnh đang ở giai đoạn viêm nặng. Bệnh nhân điều trị viêm bàng quang bằng cách dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Viêm bàng quang có tự khỏi không?
Viêm bàng quang là căn bệnh thường gặp ở nữ giới. Tuy nhiên, nam giới cũng có nguy cơ bị mắc phải căn bệnh này. Bệnh viêm bàng quang do vi khuẩn ở trong bàng quang làm tổn thương các mô, gây ra bệnh.
Những triệu chứng cho biết bạn đang bị mắc bệnh viêm bàng quang là:
- Tiểu ra máu;
- Đau rát, nóng rát trong lúc đi tiểu;
- Tiểu nhiều lần trong ngày, lượng nước tiểu không nhiều;
- Thường có cảm giác buồn tiểu, phải đi tiểu gấp;
- Đau lưng, đau ở giữa lưng;
- Đau bụng dưới;
- Sốt nhẹ;
- Trẻ em có triệu chứng đái dầm vào ban ngày.
Khi gặp phải những triệu chứng trên, bạn có thể đã bị mắc viêm bàng quang. Theo các chuyên gia, cơ chế gây ra bệnh viêm bàng quang thường là:
- Biến chứng bệnh lý: Một số bệnh lý như sỏi thận, đái tháo đường, viêm gan, phì đại tuyến tiền liệt, tổn thương tủy sống,… có thể gây ra bệnh viêm bàng quang;
- Biến chứng do điều trị y học: Một số thủ thuật hoặc thuốc men có thể gây ra tình trạng viêm bàng quang như xạ trị, đặt ống thông tiểu, thuốc hóa trị,…;
- Vi khuẩn tấn công: Vi khuẩn tấn công vào bàng quang qua đường niệu đạo, sau đó gây viêm bàng quang. Một số loại vi khuẩn gây ra viêm bàng quang là: E. coli, Proteus, Enterococcus, Mycoplasma, Chlamydia,…
Viêm bàng quang là căn bệnh không thể tự khỏi, người bệnh cần phải được điều trị đúng cách để bệnh không trở nên nặng nề hơn. Khi thấy có các dấu hiệu như tiểu ra máu, đau lưng, đau rát lúc tiểu,… điều đó cho biết tình trạng viêm bàng quang đang ở mức độ nặng, cần phải được điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị viêm bàng quang như thế nào?
1. Điều trị nội khoa
Tùy vào nguyên nhân gây ra bệnh ở bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc phù hợp.
Đối với người bị viêm bàng quang do vi khuẩn gây ra, người bệnh sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc kháng sinh để điều trị. Các loại thuốc được dùng để điều trị viêm bàng quang phổ biến hiện nay là: thuốc Trimethoprim, thuốc Amoxicillin, thuốc Nitrofurantoin, thuốc Sulfamethoxazole, thuốc Ciprofloxacin,… Người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý tăng liều dùng, ngưng dùng thuốc.
Đối với trường hợp bệnh nhân bị viêm bàng quang do xạ trị hoặc hóa trị, người bệnh sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng viêm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tăng cường uống nước để đào thải bớt các chất kích thích bàng quang.
Đối với người bị bệnh viêm bàng quang do biến chứng từ những bệnh lý khác, bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng thuốc kháng viêm để điều trị triệu chứng. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tập trung điều trị căn bệnh gốc. Từ đó, chứng viêm bàng quang sẽ thuyên giảm dần.
Xem thêm: 7 Cách Chữa Viêm Bàng Quang Bằng Thuốc Nam Hiệu Quả Nhất
2. Tự chăm sóc tại nhà
Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cũng cần chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe tại nhà. Đây là một cách hỗ trợ điều trị bệnh viêm bàng quang, giúp cho bệnh mau chóng thuyên giảm.
Người bệnh viêm bàng quang nên:
- Uống nhiều nước lọc để đào thải vi khuẩn, độc tố ra khỏi cơ thể;
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nên ăn các loại thực phẩm như: rau tươi, thịt nạc, trái cây tươi;
- Tránh ăn thức ăn cay nóng, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ. Các loại thực phẩm này kích thích bàng quang, khiến cho tình trạng viêm nhiễm trở nên nặng nề hơn;
- Kiêng dùng bia, rượu, thuốc lá, cà phê, nước trà, nước cam và nước chanh;
- Chườm túi ấm ở vùng bụng dưới để giảm cảm giác đau tức bụng;
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ để ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang qua đường tiết niệu;
- Giữ tinh thần lạc quan, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Biện pháp phòng tránh bệnh viêm bàng quang
Viêm bàng quang gây ra những bất tiện trong sinh hoạt thường ngày, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chính vì thế, chúng ta cần chú ý đến việc phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Sau đây là những biện pháp giúp phòng tránh bệnh viêm bàng quang:
- Thay quần lót, vệ sinh sạch sẽ vùng kín hàng ngày để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang qua niệu đạo;
- Đối với nữ giới, nên dùng băng vệ sinh thay vì dùng tampon trong những ngày hành kinh. Nên thường xuyên thay băng vệ sinh trong ngày;
- Chọn mặc quần lót có chất liệu cotton thoải mái, giúp thông thoáng và hút ẩm tốt;
- Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục;
- Uống nước đầy đủ mỗi ngày;
- Đi tiểu ngay khi cơ thể có nhu cầu, không nên nhịn tiểu;
- Tăng cường vận động, rèn luyện thể chất để cơ thể trao đổi chất, giúp hệ bài tiết làm việc tốt hơn, nước tiểu dễ dàng lưu thông hơn;
- Ăn uống đầy đủ chất để cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống lại vi khuẩn gây bệnh;
- Điều trị dứt điểm những bệnh lý như sỏi thận, viêm niệu đạo, phì đại tuyến tiền liệt,…;
- Duy trì một lối sống lành mạnh, tránh dùng bia rượu, thuốc lá, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
Tóm lại, viêm bàng quang là căn bệnh viêm cấp tính, không thể tự khỏi. Bệnh còn có thể tái phát nhiều lần trong đời. Người bệnh cần điều trị bệnh từ sớm, điều trị đúng cách, dứt điểm và chăm sóc cơ thể đúng cách để phòng tránh bệnh tái phát.
Có thể bạn quan tâm:
- Viêm bàng quang có lây không, có cần kiêng quan hệ?
- Cách Dùng Cây Mã Đề Chữa Viêm Bàng Quang Hiệu Quả Và Lưu Ý Cần Biết
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!