Tủy Răng Là Gì? Tác Dụng – Tầm Quan Trọng Với Răng Lợi

Tủy răng có cấu trúc khá phức tạp, nằm giữa lớp ngà răng, men răng cứng, chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh. Đây là nơi dẫn truyền cảm giác và đảm nhiệm vai trò cung cấp dinh dưỡng nuôi răng. Mặc dù được bao bọc trong không gian khép kín nhưng tủy có thể bị vi khuẩn xâm nhập, tấn công gây viêm nhiễm.

Tủy răng là gì?

Tủy răng nằm trong khoang tủy, đây là mô liên kết đặc biệt chứa đựng nhiều dây thần kinh, mạch máu và các bạch mạch. Tủy được lớp ngà răng cứng, men răng cứng bao bọc trong một không gian tương đối khép kín. Bên trong chia thành 2 phần gồm tủy buồng và ống tủy. Bộ phần này đảm nhận chức năng chính là dẫn truyền cảm giác và nuôi dưỡng răng.

Tủy răng là gì?
Tủy chứa đựng nhiều dây thần kinh và mạch máu

Từng độ tuổi và hệ răng như răng sữa, răng vĩnh viễn sẽ có một số điểm khác biệt về cấu trúc buồng tủy. Khác với men răng cứng hay ngà răng, tủy răng là một mô lỏng lẻo với 75% là nước, phần còn lại là các chất hữu cơ. Phần mô này sẽ được bảo vệ bởi 2 lớp cứng bên ngoài. Về nguồn gốc, tủy răng bắt nguồn từ ngoại trung mô, hình thành từ nhú răng.

Quá trình hình thành tủy răng

Như đã đề cập, tủy răng phát triển từ nhú răng, theo các chuyên gia, phần nhú răng này tương tự như ngà răng. Quá trình hình thành tủy sẽ theo các giai đoạn phát triển chính của răng gồm hình thành nụ răng, chỏm răng,… sau đó từ nhú răng tạo hình thành tủy. Cụ thể như sau:

Từ tuần thứ 6 của thai kỳ, thai nhi trong bụng đã bắt đầu có những dấu hiệu phát triển răng. Lúc này, lá răng sẽ được tạo hình từ sự phát triển của các mô miệng, chúng được nhân lên sau đó xâm lấn vào tế bào ngoại trung mô. Giai đoạn phát triển đầu tiên, làm nền tảng cho sự hình thành nụ răng về sau.

Tiếp đến khi biểu mô đã phát triển cơ quan men cũng là lúc nụ răng tiến triển hình thành chỏm răng. Các bước phát triển dần dần từ các mô răng sẽ giúp nhú răng có được cấu trúc cơ bản. Khi các tế bào trung mô ngưng tụ nhiều hơn cũng là lúc nhú răng hình thành rõ ràng. Phần nhú răng, nang răng cùng với các cơ quan biểu mô men răng kết hợp sẽ tạo thành mầm răng.

Trải qua các quá trình phát triển, phân chia, hệ mao mạch hình thành, vị trí nằm ở khu vực ngoại vi nhú răng. Khi mầm răng đạt đến ngưỡng phát triển tạo thành hình thân răng, chân răng khiến mô nhú răng thu hẹp dần, tăng sinh dọc theo chiều dài chân răng. Theo các nhà khoa học, phần tủy thực chất là nhú răng trưởng thành.

Cấu trúc của tủy răng

Tủy răng được phân thành 2 phần chính gồm tủy buồng và hệ thống ống tủy. Để bạn đọc có được hình dung về cấu trúc tủy rõ nét hơn, dưới đây là các thông tin cơ bản:

Cấu trúc giải phẫu

  • Buồng tủy

Buồng tủy là nơi chứa tủy nằm ở thân răng. Hình dạng buồng tủy giống như hình dạng của thân răng, bên trong chứa tủy buồng.  Phần ngà răng ở sát buồng tủy phía trên được gọi là thành trần buồng tủy, phần ngà ở dưới giữa chân răng và thân răng là sàn buồng tủy.

Cấu trúc trần buồng tủy không bằng phẳng, bề mặt thường lồi lõm với nhiều sừng tủy tương ứng các múi, các thủy. Trong khi đó tại sàn buồng tủy lại có rất nhiều lỗ thông, chúng nối giữa buồng tủy và ống tủy hay còn gọi là lỗ ống tủy.

Cấu trúc của tủy răng
Tủy là phần quan trọng trong cấu trúc răng
  • Hệ thống ống tủy chân

Ống tủy chân hay còn gọi là khoang chứa tủy nằm ở phần chân răng. Các ống tủy trong răng có hình dạng nhỏ, chúng chạy dọc theo giữa chân răng. Đến phần tiếp giáp cổ răng, ống tủy có phần thắt lại. Sau khi nghiên cứu trên tiêu bản khử canxi, và bơm chất màu, các nhà khoa học cho rằng ống tủy có chiều dài và các nhánh phụ như một hệ thống thu nhỏ.

Tại mỗi chân răng sẽ có một hoặc nhiều ống tủy, ngoài ra còn có các ống tủy phụ nằm bên trong tạo thành một cấu trúc tương đối phức tạp. Cấu trúc này sẽ có sự khác biệt nhất định giữa răng sữa và răng vĩnh viễn. Theo đó, thông thường ở răng vĩnh viễn, hốc tủy có thể thay đổi tùy thuộc vào hình dạng, độ lớn của răng và số lượng ống tủy.

Ở người cao tuổi, hốc tủy dần dần thu hẹp lại, nhất là tại khu vực vùng sàn buồng tủy, sừng tủy buồng, trong khi đó phần thành hai bên thường không quá thu hẹp như các vùng lân cận. Ngoài ra, khi tuổi tác càng cao đường kính của ống tủy chân cũng sẽ hẹp dần.

Còn đối với các răng mới, ống tủy và lỗ chóp thường mở rộng hơn. Ngược lại khi răng đã hình thành hoàn thiện, mọc lâu trên cung hàm, có chân răng cứng chắc thường sẽ có lỗ chóp hẹp, hình dạng delta. Hệ thống ống tủy có khả năng thay đổi đường đi cũng như hình dạng, không cố định.

Quan sát giải phẫu học một chiếc răng qua mặt cắt ngang nhìn thấy ống tủy tròn, dẹt hoặc có hình elip. Trong các chân răng tròn và các chân răng có hình chóp chứa bên trong một ống tủy, trong khi chân răng dẹp hoặc hình elip lại chứa nhiều ống tủy hơn.

Cấu trúc mô học

Bên cạnh cấu trúc giải phẫu, về mô học tủy chứa nhiều thành phần bao gồm tế bào, sợi và các chất cơ bản, mạch máu, bạch hạch và dây thần kinh. Cụ thể như sau:

  • Tế bào: Tủy là nơi chứa nhiều tế bào như nguyên bào ngà, nguyên bào sợi, tế bào trung mô chưa biệt hóa và nhiều tế bào khác. Trong đó, lớp nguyên bào sợi là thành phần nhiều nhất trong tủy, các tế bào trung mô là các tế bào dự trữ để thay thế cho các tế bào ngà chết đi.
  • Sợi và các chất căn bản: Đây là thành phần có nhiều trong tủy bao gồm các sợi ưa bạc, tơ, bó sợi collagen. Mỗi sợi sẽ có các vai trò nhất định giúp hình thành và duy trì chức năng của răng lợi.
  • Mạch máu: Tủy chứa hệ thống mạch máu dày đặc để nuôi răng phát triển.
  • Các mạch bạch huyết: Mạch bạch huyết trong tủy có cấu trúc đặc biệt và dễ phân biệt. Bởi chúng có cấu tạo thành nội mô mỏng, không có màng đáy và hồng cầu, tuy nhiên sẽ có van. Mạch bạch huyết chạy xuyên qua tủy trên đường đi của mạch máu, chúng chạy dọc đến phần chóp sau đó thoát ra ngoài tủy thông qua các lỗ chóp và ống tủy bên.
  • Sợi thần kinh: Tủy chứa hệ thống thần kinh dày đặc với nhiệm vụ truyền thông tin cảm giác đến não bộ. Các sợi thần kinh đi vào răng thông quá lỗ chóp của tủy, cùng với hệ thống mạch máu và mạch bạch huyết.

Mô tủy có cấu trúc không đồng nhất với nhau, có nhiều nhánh và hình thành một mạng lưới phức tạp bên ngoài tủy thân răng. Ngoài ra, qua nghiên cứu các nhà khoa học nhận thấy phần tủy thân và tủy chân (một phần lớn) có kết cấu phân vùng, bao gồm phần trung tâm và ngoại vi.

Vai trò của tủy răng

Tủy răng được nghiên cứu xác định cấu trúc giải phẫu và các mô học chi tiết. Ngoài ra theo phân tích hóa học, người ta chỉ ra rằng phần tủy chứa đến 75% là nước, trong khi đó các chất hữu cơ khác chỉ chiếm khoảng 25% còn lại. Nhờ cơ chế vận mạch mà áp lực bên trong tủy được duy trì ở mức ổn định từ 8mmHg đến 15mmHg.

Vai trò của tủy răng
Tủy đảm nhận chức năng quan trọng gồm dẫn truyền cảm giác và cung cấp dinh dưỡng nuôi răng

Mặc dù được bao bọc bởi 2 lớp men răng và ngà cứng, tuy nhiên tủy hoàn toàn có khả năng bị viêm nhiễm. Khi vi khuẩn tấn công gây hại cho tủy, áp lực bên trong sẽ tăng lên đến 35mmHg hoặc có khả năng cao hơn. Lúc này, tủy có thể bị hủy hoại một cách nhanh chóng và khó phục hồi như trạng thái ban đầu.

Cũng trong quá trình hư hại tủy, người bệnh sẽ nhận thấy các triệu chứng bất thường làm ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống, nhất là chức năng nhai của răng giảm, gây hại sức khỏe. Điều này cho thấy vai trò của mô tủy là cực kỳ quan trọng trong cấu trúc răng lợi. Theo đó, chức năng của tủy răng có thể kể đến như:

  • Chức năng tạo ngà: Tủy đảm nhận vai trò tạo ngà răng khi gặp tổn thương mô cứng, đồng thời còn là nguồn cung cấp dinh dưỡng nuôi dưỡng và phục hồi ngà răng.
  • Chức năng dinh dưỡng: Tủy chứa các mạch máu nuôi dưỡng răng. Trường hợp răng bị hư hỏng hoại tử tủy nặng, tủy chết thường sẽ không còn chức năng này, điều đó dẫn đến hiện tượng răng yếu, mất cảm giác.
  • Chức năng thần kinh: Tủy cũng là nơi chứa đựng hệ thống dây thần kinh giữ vai trò dẫn truyền cảm giác từ răng đến não bộ. Nhờ chức năng này mà con người có thể cảm nhận được các kích thích tác động đến răng như khi tiếp xúc với thức ăn, thức uống có nhiệt độ quá nóng, quá lạnh,… Ngoài ra, nhờ chứa nhiều dây thần kinh nên khi răng bị chấn thương, tác động mạnh sẽ tạo ra cảm giác đau, buốt, khó chịu,…
  • Chức năng bảo vệ: Tủy có vai trò quan trọng, tạo ngà răng và duy trì hệ miễn dịch cho răng phát triển khỏe mạnh.

Viêm tủy – Các vấn đề thường gặp

Như các bạn đã biết, mặc dù tủy nằm trong không gian khép kín, được bao bọc bởi 2 lớp răng cứng. Tuy nhiên, tủy vẫn có khả năng bị viêm nhiễm do vi khuẩn tấn công sâu. Các bệnh lý về tủy ngày càng có xu hướng gia tăng, một số trường hợp nghiêm trọng có khả năng dẫn đến hoại tử.

Nguyên nhân gây bệnh về tủy thường có liên quan đến vấn đề sâu răng, vi khuẩn từ lỗ hỏng trên răng tấn công vào trong tủy, lúc này người bệnh sẽ gặp phải nhiều triệu chứng bất thường hơn. Ngoài ra, nhiều yếu tố khác tác động đến tủy gây bệnh tại bộ phận này như nhiễm độc hóa chất, đứt mạch máu nuôi tủy, mòn răng, vỡ răng hoặc các tác động từ bên ngoài,…

Trong số các bệnh lý về tủy, viêm tủy có tỷ lệ cao. Dưới đây là các mức độ viêm thường gặp:

  • Viêm tủy có phục hồi

Đây là tình trạng nhẹ, viêm nhiễm xảy ra ở tủy nhưng không nặng nề và có khả năng phục hồi mà không cần can thiệp điều trị quá chuyên sâu. Giai đoạn này bệnh nhân thường không nhận thấy quá nhiều triệu chứng bất thường hoặc thậm chí có trường hợp không nhận thấy triệu chứng.

Dấu hiệu thường gặp là hiện tượng ê buốt nhẹ khi ăn thức ăn nóng, lạnh, quá chua, cay,… Sau thời gian ngắn cảm giác khó chịu sẽ tự biến mất và không kèm theo bất kỳ phản ứng kích thích nào khác. Viêm tủy mức độ nhẹ dễ bị bỏ qua và khó phát hiện chủ động, chỉ khi thăm khám định kỳ hoặc bệnh tiến triển nặng sang giai đoạn nặng hơn mới phát hiện viêm tủy răng.

Viêm tủy răng - Các vấn đề thường gặp
Viêm tủy có thể gây ra các biến chứng nguy hại nếu không được chữa trị đúng cách
  • Viêm tủy không phục hồi

Tình trạng viêm tủy nặng không phục hồi có thể gây đau hoặc cũng có trường hợp không đau. Trường hợp bệnh nhân đau nhức do viêm tủy nặng có thể kéo dài, đột ngột xuất hiện hoặc tái phát nhiều lần. Đặc biệt cơn đau có khả năng lan ra các cùng như nửa đầu, hai bên tai,…

Trường hợp bệnh nhân không cảm nhận được cơn đau hoặc các cảm giác bất thường có khả năng tủy đã chết hoàn toàn. Thông qua thăm khám bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán về mức độ viêm và tiên lượng hiệu quả hồi phục cho người bệnh.

Ở các đối tượng viêm tủy không phục hồi thường kèm theo dấu hiệu khác trên răng như đốm vàng, đỏ sẫm hoặc nhiều lỗ sâu răng. Dựa vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định hướng giải quyết sao cho phù hợp nhất.

  • Viêm tủy cấp và mãn tính

Viêm tủy cấp gây ra các triệu chứng gồm đau nhức răng kéo dài, nhất là vào ban đêm, tăng độ nhạy cảm răng, đau liên tục. Trường hợp răng có mủ bên trong cơn đau sẽ dữ dội kèm theo cảm giác khó chịu ở tai, răng nhô cao hơn bình thường kèm theo hiện tượng lung lay nhẹ.

Viêm tủy mãn tính là hệ quả của việc không điều trị tủy đúng cách, kịp thời. Tình trạng viêm cấp chuyển biến dai dẳng gây ra hiện tượng viêm mãn tính khó phục hồi. Cơn đau kéo dài hơn, âm ỉ hoặc đau nhói gây khó chịu làm người bệnh ăn uống không ngon miệng, ảnh hưởng sức khỏe tổng thể.

  • Hoại tử tủy

Tủy bị hoại tử, chết tủy là tình trạng viêm nhiễm nặng, không còn khả năng phục hồi. Người bệnh thường không còn cảm giác khi bị hoại tử tủy. Một số trường hợp đau ở ổ viêm, lan sang chân răng.

Nhận biết bệnh về tủy càng sớm giúp bạn phòng tránh được các hệ lụy không mong muốn, nhất là tác động ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Để chủ động hơn trong việc phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời, chuyên gia khuyến khích bạn nên thăm khám răng định kỳ tại bệnh viện hoặc phòng khám nha khoa uy tín.

Chăm sóc tủy răng phòng bệnh nha khoa

Tủy đảm nhận vai trò quan trọng, giúp dẫn truyền cảm giác và cung cấp dinh dưỡng từ mạch máu nuôi răng. Do đó, khi tủy bị viêm nhiễm nặng chức năng của răng cũng suy giảm, nhiều khả năng phát sinh biến chứng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Chăm sóc tủy răng phòng bệnh nha khoa
Chăm sóc răng miệng, phòng bệnh về tủy

Chính vì thế, ngay từ bây giờ, bạn đọc nên chủ động kiểm tra, thăm khám răng để phát hiện sớm các vấn đề đang gặp phải. Đồng thời điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe răng miệng, phòng bệnh nha khoa trong đó có tình trạng viêm tủy. Một số lưu ý như sau:

  • Vệ sinh răng miệng hàng ngày, đánh răng với lực vừa phải, không nên chải mạnh làm tổn thương răng sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công gây hại cho răng nói chung, ảnh hưởng tủy nói riêng.
  • Lựa chọn các sản phẩm vệ sinh phù hợp, như bàn chải kích thước vừa với khuôn miệng, lông chải không quá cứng, kem đánh răng không chứa chất độc hại, nước súc miệng thân thiện không gây kích ứng,…
  • Thăm khám nha khoa định kỳ, kiểm tra tình trạng răng miệng, lấy cao răng giảm nguy cơ vi khuẩn lưu trú gây bệnh nha khoa.
  • Ăn uống đủ chất, không nên ăn những món quá cứng, có nhiều cạnh sắc nhọn dễ làm tổn thương răng. Hạn chế ăn nhiều đồ ăn chua, cay, quá lạnh hoặc quá nóng làm răng nhạy cảm hơn.
  • Hạn chế sử dụng đồ uống chứa cồn, chứa ga, chất kích thích làm bào mòn men răng, tác động đến ngà răng gây hư hại tủy.
  • Bổ sung đủ vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Ưu tiên các thực phẩm lành mạnh như rau củ quả, trái cây tươi, tuy nhiên bạn cũng nên bổ sung chất đạm và các dưỡng chất khác từ thịt, cá trứng sữa,… Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh toàn diện.

Tủy răng là phần quan trọng, dễ viêm nhiễm. Vì thế, việc chăm sóc răng cần chú trọng đến các vấn đề như vệ sinh, dinh dưỡng,… để răng khỏe mạnh, ngăn nguy cơ vi khuẩn tấn công gây hại đến tủy. Trường hợp mắc các bệnh lý về tủy nên chủ động khám chữa sớm, phòng tránh nguy cơ biến chứng gây hại cho hệ thống răng lợi và nhất là tác động làm suy giảm sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Có thể bạn quan tâm:

Nguyên nhân và triệu chứng viêm tủy răng mãn tính

Viêm Tủy Răng Mãn Tính: Cách Điều Trị và Phòng Ngừa

Viêm tủy răng mãn tính gây ra các triệu chứng kéo dài, tuy nhiên sẽ mờ nhạt hơn giai đoạn...

Viêm tủy răng uống thuốc gì? Các loại thường dùng

Viêm Tủy Răng Uống Thuốc Gì? 8 Loại Thuốc Tốt Nhất

Viêm tủy răng uống thuốc gì? Câu hỏi được nhiều người bệnh quan tâm. Hiện nay với sự phát triển...

Nguyên nhân gây viêm tủy răng số 6,7

Viêm Tủy Răng Số 6,7: Dấu Hiệu và Biến Chứng Khó Lường

Viêm tủy răng số 6,7 là vấn đề nha khoa nhiều người gặp phải hiện nay. Trường hợp tủy bị...

Chẩn đoán và chữa trị viêm tủy răng cho bà bầu

Bà Bầu Bị Viêm Tủy Răng và Cách Chữa Trị An Toàn Cho Mẹ

Bà bầu bị viêm tủy răng cảm thấy đau nhức khó chịu, các triệu chứng bất thường ảnh hưởng đến...

Tủy răng bị thối là gì?

Tủy Răng Bị Thối: Nguyên Nhân, Tác Hại, Giải Pháp Điều Trị

Tủy răng bị thối nếu không được điều trị kịp thời có thể phát sinh các biến chứng nguy hiểm....

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.