Phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu có thể bạn chưa biết
Viêm đường tiết niệu là một căn bệnh nguy hiểm, có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Hiểu về phác đồ điều trị viêm tiết niệu sẽ giúp cho bạn chủ động hơn trong quá trình ngăn ngừa và chữa bệnh.
Nhiễm trùng hệ tiết niệu (hay viêm đường tiết niệu) là tình trạng vi trùng xâm nhập vào đường tiết niệu, bệnh được chia thành 2 dạng trên và dưới. Theo đó, một người sẽ bị nhiễm trùng đường tiểu dưới khi vi khuẩn ảnh hưởng đến niệu đạo, bàng quang, tuyến tiền liệt và nhiễm trùng đường tiểu trên khi vi khuẩn xâm nhập bể thận, nhu mô thận.
I. Đại cương
Viêm đường tiết niệu không phải là một bệnh lý hiếm gặp, mà ngược lại, tỷ lệ bệnh nhân đang có xu hướng tăng lên theo thời gian. Nữ giới dễ bị nhiễm trùng đường tiểu hơn nam giới do cấu tạo của bộ phận sinh dục, với tỷ lệ từ 20-40%.
II. Nguyên nhân gây bệnh
E.coli là nguyên nhân chủ yếu gây viêm tiết niệu (80% trường hợp bệnh là do chủng vi khuẩn này gây ra). Ngoài ra, một vài loại vi khuẩn Gram dương (+) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh, chẳng hạn như liên cầu khuẩn nhóm D, tụ cầu vàng (loại tụ cầu này thường gây ra các viêm nhiễm tuyến tiền liệt, áp xe thận và nhiễm khuẩn sau phẫu thuật).
Một số yếu tố khác cũng khiến cho một người đang khỏe mạnh bị viêm đường tiết niệu, bao gồm:
- Có sỏi trong đường tiết niệu.
- Nước tiểu bị ứ trệ.
- Bệnh lý u phì đại tuyến tiền liệt.
- Người mắc các bệnh làm giảm khả năng chống đỡ của cơ thể như đái tháo đường, suy giảm hệ miễn dịch, lão hóa nhanh, suy nhược v.v…
III. Chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng
1. Chẩn đoán qua các triệu chứng lâm sàng
Dựa theo giải phẫu sinh lý của đường tiết niệu, chúng ta có thể chia căn bệnh này thành 2 nhóm như sau:
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên
Chỉ trạng thái nhiễm khuẩn của thận kéo dài tới miệng niệu quản, chủ yếu là ở nhu mô thận và thành của đài bể thận với các triệu chứng điển hình như sau:
- Sốt cao từ 39-40 độ C.
- Người rét run, mạch đập nhanh.
- Đau thắt lưng nghiêng về một bên.
- Nước tiểu đục, tiểu ra máu, tiểu buốt.
- Trường hợp nhiễm khuẩn xảy ra trên đường tiết niệu đã bị tắt nghẽn do sỏi thận hoặc chít hẹp niệu quản…thì trước đó, bệnh nhân sẽ chịu các cơn đau quặn ở lưng (vị trí của thận).
- Kết quả khám lâm sàng có thể cho thấy nhiều tổn thương gây đau ở vùng hố thắt lưng, thận lớn.
- Mất ngủ, gầy sút, buồn nôn, nôn.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới
Một người được chẩn đoán là bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới khi bàng quang, niệu đạo và kể cả bộ phận sinh dục của nam giới bị nhiễm khuẩn. Bệnh có thể xảy ra ở các hình thái như: Viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tiền liệt tuyến, viêm tinh hoàn cấp, viêm mào tinh cấp…Theo đó, các triệu chứng của nhiễm khuẩn được xác định bao gồm:
- Viêm tuyến tiền liệt và tinh hoàn sẽ kèm theo sốt cao (39 độ C) nhưng viêm bàng quang cấp tính thì lại không kèm theo sốt.
- Các triệu chứng kích thích bàng quang dễ thấy như tiểu buốt, tiểu gắt, đau tức hạ vị, nước tiểu đục, lẫn trong nước tiểu có máu hoặc mủ.
- Viêm mào tinh hoàn sẽ có cảm giác đau dữ dội ở bìu (dễ nhầm lẫn với chứng xoắn thừng tinh).
- Kết quả khám lâm sàng cho thấy cảm giác đau nhiều khi ấn vào hạ vị, đồng thời phát hiện cầu bàng quang có tình trạng ứ nước, tiền liệt tuyến sưng to, tinh hoàn có 1 bên sưng đỏ và sờ vào thấy nóng.
Bên cạnh 2 chứng bệnh phổ biến trên, có nhiều trường hợp bị nhiễm khuẩn tiết niệu rất ít hoặc không có các biểu hiện lâm sàng. Bệnh chỉ được phát hiện khi bệnh nhân được xét nghiệm.
2. Chẩn đoán qua các triệu chứng cận lâm sàng
Xét nghiệm nước tiểu:
- Bệnh nhân được xác định đã bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu khi số lượng bạch cầu ở trong nước tiểu >100/ml.
- Xét nghiệm nước tiểu là một bước rất quan trọng cho việc chẩn đoán, vì vậy trước khi tiến hành xét nghiệm cần sát trùng kỹ bộ phận sinh dục, đồng thời bỏ đi nước tiểu đầu để tránh tạp khuẩn.
Xét nghiệm máu:
Khi bị viêm đường tiết niệu, kết quả xét nghiệm máu sẽ cho thấy những thay đổi cụ thể, bao gồm:
- Hàm lượng bạch cầu tăng (đặc biệt là bạch cầu đa nhân trung tính).
- Tốc độ lắng máu (VS) tăng cao đáng kể so với mức bình thường.
- Định lượng Ure, Creatinin máu dùng để đánh giá chức năng thận có sự thay đổi.
Chụp hệ tiết niệu:
Thủ thuật này chủ yếu là để phát hiện ra trong đường tiết niệu có sỏi cản quang hay không. Chụp hệ tiết niệu sẽ được áp dụng đối với mọi nhiễm khuẩn đường tiết niệu lần đầu và nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới tái phát.
Siêu âm:
Kỹ thuật siêu âm giúp cho ra kết quả chính xác, thuận tiện, có thể thực hiện nhiều lần với giá thành thấp. Siêu âm cho phép chẩn đoán tình trạng tắc nghẽn đường tiểu, dị vật, khối u v.v…nếu có.
IV. Điều trị
1. Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên (viêm thận, bể thận)
- Điều trị kháng sinh mạnh bằng cách kết hợp 2 loại kháng sinh: 1 loại dùng thông thường qua đường uống và Gentamicin TB.
- Liều dùng Gentamicin 80mg: 3-5mg/kg/ngày, dùng liên tục trong 7 ngày và cần chú ý chức năng thận.
- Liều dùng Ciprofloxacin 0,5g: 15-20mg/kg/ngày, thời gian điều trị kéo dài từ 10-14 ngày.
Sau khi kết thúc liệu trình điều trị bằng kháng sinh, bệnh nhân cần được xét nghiệm nước tiểu.
ĐỌC NGAY: Viêm đường tiết niệu uống thuốc gì giúp giảm triệu chứng bệnh?
2. Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới
- Uống nhiều nước hơn lượng nước thường ngày.
- Sulfamid (Cotrim forte): 2 viên/ngày, Ciprofloxacin 0,5g: 15-20mg/kg/ngày, Nitrofuran: 150mg/ngày để sát khuẩn niệu đạo.
- Tất cả các kháng sinh cần dùng trong ít nhất 10 ngày.
- Ngay khi kết thúc đợt điều trị, cần kiểm tra nước tiểu của bệnh nhân.
Trên đây là phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu mà bạn có thể tham khảo. Tuy bệnh không gây thiệt mạng nhưng lại khiến cho chất lượng cuộc sống của bạn sụt giảm đáng kể. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ với bác sĩ, những thông tin thuocdantoc.vn vừa cung cấp không thể thay thế cho điều trị.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Viêm tuyến tiền liệt có gây ung thư hay không?
- 6 cách chữa viêm đường tiết niệu tại nhà đơn giản
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!