Làm thế nào để lấy lại giọng nói khi bị viêm thanh quản?
Mất giọng là triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm thanh quản. Tình trạng này kéo dài sẽ gây cản trở cho giao tiếp và công việc hàng ngày của bệnh nhân. Vậy làm thế nào để lấy lại giọng nói khi bị viêm thanh quản? Những mẹo đơn giản dưới đây có thể sẽ giúp ích cho bạn.
Bệnh viêm thanh quản xảy ra do bị nhiễm virus hoặc phải nói liên tục trong thời gian dài khiến cho niêm mạc thanh quản cũng như dây thanh bị kích ứng và bị viêm. Điều này khiến cho giọng nói của người bệnh trở nên khàn khàn, yếu ớt hoặc thậm chí là bị mất giọng.
Cách để khôi phục giọng nói nhanh nhất là tìm cách điều trị chứng viêm thanh quản, cải thiện tình trạng kích ứng ở dây thanh quản. Tin vui là một số giải pháp chữa trị tại nhà có thể giúp khắc phục tình trạng này.
Làm thế nào để lấy lại giọng nói nhanh nhất khi bị viêm thanh quản?
Có nhiều cách khắc phục tại nhà đang được mọi người áp dụng để lấy lại giọng nói khi bị viêm thanh quản. Chúng bao gồm:
1. Hạn chế nói to, nói nhiều
Nói quá nhiều là một trong những nguyên nhân gây viêm thanh quản và mất giọng ở một số đối tượng như giáo viên, ca sĩ hay các nhà diễn thuyết… Điều tốt nhất bạn có thể làm để nhanh chóng lấy lại giọng nói của mình đó chính là để cho dây thanh được nghỉ ngơi bằng cách hạn chế nói chuyện.
Hãy cố gắng thực hiện nghiêm túc điều này trong ít nhất 1 đến 2 ngày. Nếu bắt buộc phải nói, bạn nên nói chuyện nhỏ nhẹ hoặc trang bị micro khi nói để mọi người có thể nghe được những điều bạn muốn truyền đạt mà không phải gắng sức nói to.
Tuy nhiên một vấn đề cần lưu ý là bạn không nên nói chuyện theo kiểu thì thầm. Khi nói chuyện theo kiểu này, dây thanh có thể bị kéo chặt lại khiến cho tiến trình hồi phục trở nên chậm hơn.
2. Tắm với nước ấm
Nước ấm có thể giúp xoa dịu cơn đau họng và làm ẩm dây thanh âm. Bạn có thể tắm dưới vòi hoa sen hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm.
Thêm một chút tinh dầu thảo dược, chẳng hạn như tinh dầu hoa sen, tinh dầu bạch đàn hay tinh dầu oải hương vào nước ấm sẽ giúp tinh thần được thư giãn và làm bạn quên đi cảm giác khó chịu ở cổ họng.
3. Xông hơi
Thêm một cách để lấy lại giọng nói khi bị viêm thanh quản đơn giản đó chính là xông hơi. Bạn chỉ cần nấu một nồi nước sôi, đưa đầu lại gần nồi nước với khoảng cách an toàn và trùm khăn kín từ đầu tới cổ để xông. Hơi nước bạn hút vào sẽ giúp làm ẩm thanh quản và xoa dịu tình trạng kích ứng.
Khi xông hơi, hãy hít thở sâu bằng miệng từ 3-5 phút. Trong quá trình thực hiện, nếu hơi nóng làm bạn khó chịu thì nên ngưng lại ngay.
Bỏ túi: 10 Biện pháp điều trị viêm thanh quản tại nhà cực hay
4. Ăn uống khi thức ăn còn ấm
Uống nước hay ăn các món ăn lỏng (cháo, súp) khi còn ấm sẽ giúp làm dịu cổ họng bị kích thích. Ngoài nước lọc đã được đun sôi, bạn có thể uống nước trà xanh. Loại nước này chứa nhiều chất chống oxy hóa, có thể giúp bảo vệ các tế bào và thúc đẩy tổn thương ở thanh quản nhanh lành hơn.
Với nước ấm, bạn có thể uống 4-5 lần một ngày, đặc biệt là những khi cổ họng đang bị đau. Chú ý tránh uống cà phê hay trà đen trong thời gian bị bệnh bởi chúng có thể gây mất nước và khiến giọng nói lâu hồi phục hơn.
5. Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ
Khi ngủ vào ban đêm, cơ thể của chúng ta thường bài tiết ra ít nước bọt và vi khuẩn cũng tích tụ trong miệng nhiều hơn. Điều này có thể khiến cho miệng và cổ họng bị khô, tình trạng kích ứng ở các dây thanh cũng trở nên trầm trọng hơn.
Việc sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ sẽ giúp bạn tránh được tình trạng trên và giúp hỗ trợ đẩy nhanh quá trình bình phục tổn thương ở dây thanh quản. Tuy nhiên, khi sử dụng máy tạo độ ẩm cần chú ý sử dụng nước tinh khiết để tạo ẩm và vệ sinh máy thường xuyên để tránh gây nhiễm khuẩn không khí trong phòng ngủ.
6. Súc họng bằng nước muối pha loãng
Nhờ có đặc tính sát khuẩn mạnh, muối sẽ giúp chữa lành các mô bị kích thích trong cổ họng. Bạn lấy một thìa cà phê muối quậy tan trong một ly nước ấm. Dùng nước này súc họng 2-3 lần mỗi ngày cho đến khi giọng nói trở lại bình thường.
7. Dùng viên ngậm
Hiện nay trên thị trường có bán một số viên ngậm có thể giúp làm dịu cơn đau họng. Việc ngậm chúng trong miệng cũng kích thích nước bọt được tiết ra nhiều hơn để làm ẩm cổ họng, ngăn ngừa tình trạng kích ứng thanh quản.
Hãy thử một viên ngậm có chứa mật ong. Nó có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm tự nhiên nên sẽ giúp hỗ trợ điều trị bệnh viêm thanh quản và khôi phục giọng nói cho bạn.
8. Tăng cường chất lỏng
Nhiễm virus là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm thanh quản. Cố gắng nghỉ ngơi và uống nước nhiều để giúp cơ thể loại bỏ được vi rút và nhanh chóng phục hồi thanh quản cũng như giọng nói.
Trong thời gian bị bệnh, mỗi ngày bạn nên uống ít nhất 10 ly nước lớn.
Tìm hiểu thêm: Chế độ ăn uống khi bị viêm thanh quản: Thực phẩm nên ăn và cần kiêng
9. Nhai kẹo cao su
Tương tự như viên ngậm, nhai kẹo cao su làm tăng sản xuất nước bọt, giữ cho cổ họng luôn ẩm ướt và xoa dịu kích ứng. Lựa chọn các loại kẹo cao su không đường để tránh bị dư thừa calo khi bạn nhai chúng nhiều lần trong ngày.
10. Ngừng uống rượu hoặc hút thuốc
Uống rượu và hút thuốc có thể gây mất nước và khiến bệnh viêm thanh quản lâu lành. Điều này có thể làm chậm tiến trình hồi phục của giọng nói. Ngừng sử dụng các chất kích thích này ngay nếu bạn muốn bệnh của mình nhanh chóng được chữa lành.
11. Dùng thuốc
Nếu bạn là người có công việc phụ thuộc vào khả năng nói hoặc hát thì có thể xem xét sử dụng các loại thuốc như thuốc giảm đau hay các thuốc kháng viêm: Corticosteroid, Ibuprofen (Advil, Motrin) hay Naproxen (Aleve). Các thuốc trên có thể gây ra tác dụng phụ không tốt, vì vậy hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng.
Nếu tình trạng mất giọng do viêm thanh quản của bạn kéo dài hơn hai tuần, đừng ngần ngại đi khám bác sĩ. Bạn có thể bị viêm thanh quản mạn tính hoặc viêm thanh quản do trào ngược axit và cần đến các phương pháp điều trị khác thích hợp hơn.
*** Lưu ý: Thông tin thuocdantoc.vn cung cấp chỉ có giá trị tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm khi bạn áp dụng mà không thông qua ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Bị viêm thanh quản khàn tiếng kéo dài phải làm sao?
- Viêm thanh quản trào ngược – Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!