Tê tay khi mang thai: Mẹ đã biết gì về triệu chứng này?
Tê tay khi mang thai là một vấn đề xảy ra khá phổ biến, nhưng không phải ai cũng có hiểu biết về nó. Tình trạng này không chỉ cản trở các hoạt động thường ngày, mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng vốn đã có nhiều bất ổn của bà bầu.
I/ Tê tay khi mang thai – nguyên nhân do đâu?
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ sẽ phải đối mặt với những thay đổi vô cùng lớn. Chính vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi nhiều bà bầu nhận ra bản thân gặp phải những triệu chứng bất thường trong suốt 9 tháng thai kỳ.
Tê tay tuy không phải là một trong những dấu hiệu mang thai điển hình nhưng tình trạng này lại khá phổ biến, được hình thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
1/ Huyết áp thấp làm bà bầu bị tê tay khi mang thai
Nhiều phụ nữ mang thai thừa nhận rằng huyết áp của họ không còn được ổn định như trước, thậm chí thường xuyên bị hạ huyết áp trong một vài khung giờ nhất định trong ngày.
Theo đó, huyết áp bị tụt sẽ có thể tác động đến nhiều thứ trong cơ thể và một trong số đó là làm giảm lưu lượng máu cung cấp đến tứ chi. Lúc này, các mô không nhận được đủ máu để nuôi dưỡng trong thời gian dài, các dây thần kinh sẽ bắt đầu phản ứng lại bằng cách tạo ra cảm giác tê tay chân.
2/ Tê tay trong thai kỳ do khớp dịch chuyển
Trong giai đoạn mang thai, cơ thể người phụ nữ sẽ có sự thay đổi đáng kể ở các loại hormone. Các chuyên gia đã nghiên cứu và đưa ra nhận định rằng, trong số các hormone mà cơ thể sản xuất để đáp ứng với quá trình nuôi dưỡng cơ thể thai nhi, có 1 loại trong đó có khả năng nới lỏng các khớp.
Tên của loại hormone này là Relaxin, nhiệm vụ của nó là hỗ trợ cho xương chậu của phụ nữ mở ra đủ để em bé đi qua trong quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên, Relaxin không chỉ xuất hiện một cách giới hạn ở xương chậu mà còn có thể ảnh hưởng đến các khớp lớn nhỏ khác trong cơ thể.
Đó cũng chính là lý do mà bà bầu thỉnh thoảng cảm thấy mình có thể di chuyển linh hoạt hơn. Nhưng đồng thời với ưu điểm đó là hậu quả do loại hormone này mang lại cho các chi. Cụ thể, kết quả của sự nới lỏng khớp này là các dây thần kinh bị chèn ép khi xương bị di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu.
Sự chèn ép gây ra cho các dây thần kinh chắc chắn sẽ dẫn đến cảm giác ngứa ran. Hơn nữa, bà bầu thường sẽ có xu hướng nằm nghiêng (thay vì nằm ngửa), điều này vô tình khiến cho các khớp vai dễ bị di chuyển, đè lên dây thần kinh và dẫn đến cảm giác tê tay thường xuyên.
3/ Bà bầu gặp hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay có những dấu hiệu đặc trưng là đau nhức cả cánh tay, tê 2 bàn tay, ngứa tay. Hội chứng này khá phổ biến, xảy ra khi có sự tích tụ chất lỏng trong các mô ở cổ tay, khiến cho dây thần kinh nối xuống bàn tay và các ngón tay phải chịu sự chèn ép.
Ngoài các cảm giác kể trên, bà bầu bị hội chứng ống cổ tay sẽ còn cảm nhận rõ ràng là khả năng cầm nắm đồ vật của mình trở nên yếu hơn trước, cũng như gặp vài khó khăn trong việc di chuyển các ngón tay.
Hội chứng này chủ yếu xảy ra vào tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ. Một người đã từng mắc phải tình trạng tương tự trước ở lần mang thai trước thì nguy cơ tái phát là rất cao. Thậm chí, những triệu chứng của hội chứng ống cổ tay vẫn sẽ tồn tại sau khi bạn sinh con.
Một đặc điểm để nhận dạng bệnh lý này là nó sẽ thường ảnh hưởng đến tay thuận của bà bầu, đặc biệt là ở ngón giữa và ngón trỏ. Các yếu tố tăng nguy cơ mắc phải hội chứng ống cổ tay bao gồm: Song thai, thừa cân và ngực phát triển quá nhanh.
Mặc dù những triệu chứng của nó khiến bạn rất khó chịu nhưng các mẹ cũng đừng quá lo lắng vì hội chứng này sẽ dần dần biến mất sau 3 tháng sinh con.
II/ Tê tay khi mang thai – khắc phục và ngăn ngừa
1/ Các biện pháp khắc phục
Tình trạng tê tay khi mang thai có thể xảy ra khá thường xuyên với những cơn tê ran rất khó chịu ở một số người, nhưng cũng có những biểu hiện không rõ ràng với nhóm người khác. Điều trị càng sớm, kết quả thu được càng khả quan.
Điều trị tê tay có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào việc bạn có tìm ra được nguyên nhân gây bệnh.
Huyết áp thấp:
Đối với bà bầu bị tê tay do nguyên nhân là huyết áp thấp, bạn có thể khắc phục nó bằng cách dùng lực siết chặt bàn tay thành nắm đấm. Đồng thời di chuyển cánh tay nhẹ nhàng để giảm đi tình trạng tay bị tê.
Khớp dịch chuyển:
Nếu bạn bị tê tay khi mang thai do chứng khớp dịch chuyển, bạn có thể cải thiện nó bằng cách nghỉ ngơi nhiều hơn. Hãy lưu ý chọn cho mình những chiếc nệm mềm, cũng như thay đổi tư thế thường xuyên để giải tỏa áp lực lên các khớp.
Hội chứng ống cổ tay:
Riêng về hội chứng này, các mẹ có thể tự thực hiện tại nhà các bài tập hỗ trợ cho liệu trình của bác sĩ, cụ thể như sau:
+ Luyện tập và xoa bóp
- Bà bầu dùng 1 tay nắm nhẹ lấy cổ tay và bắt đầu xoa bóp theo hình xoáy ốc, hành động này có khả năng làm giảm tắc nghẽn và làm giảm chất lỏng tích tụ bên trong các khớp.
- Bước tiếp theo, bạn nhẹ nhàng duỗi thẳng bàn tay và cánh tay ra (không dùng lực quá nhiều vì có thể làm tổn thương ống cổ tay).
- Nhờ người khác xoa bóp bàn tay và cổ tay một cách nhẹ nhàng, xoa bóp theo hướng về phía sau nách và sau đó tiến tới vai, cổ và lưng trên.
+ Xoa bóp bấm huyệt
(bà bầu có thể nhờ người thân thực hiện hộ nếu cả 2 tay đều bị tê)
- Chụm 3 đầu ngón tay (ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út) lại với nhau, sau đó đặt lên cổ tay.
- Vị trí cần bấm là huyệt nội quan, huyệt này giúp cho mẹ bầu giảm đi cảm giác tê tay một cách đáng kể. Huyệt nội quan nằm giữa 2 gân lớn ở cổ tay, bạn có thể dùng ngón cái để cảm nhận.
- Dùng lực nhấn mạnh huyệt này trong 10 giây, từ từ thả ra.
- Thực hiện tương tự với cổ tay còn lại.
Hiệu quả của việc bấm huyệt nội quan đúng cách không chỉ về bệnh lý mà còn giúp tinh thần của mẹ bầu được thoải mái. Ngoài ra, bạn cũng có thể pha một ít trà thảo mộc cho thai phụ uống để thư giãn tinh thần, giảm viêm, giảm đau và giúp ngủ ngon hơn.
2/ Các biện pháp ngăn ngừa
Tình trạng tê tay trong thời gian mang thai không chỉ cần phải điều trị kịp thời mà còn phải ngăn ngừa. Để có thể làm được điều này, thai phụ cần xây dựng cho mình một chế độ ăn lành mạnh và giữ cân nặng ở mức hợp lý.
Dưới đây là những mẹo nhỏ giúp cho các mẹ có thể dễ dàng xây dựng cho mình thực đơn tốt cho sức khỏe, ngăn ngừa đau tay:
- Uống nhiều nước, bạn có thể uống nước nhiều hơn khi chưa mang thai.
- Ăn nhiều trái cây, rau củ mỗi ngày. Nếu cảm thấy lười ăn thì bạn có thể ép chúng để lấy nước uống.
- Tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin B6, vì loại vitamin này có thể bảo vệ hoạt động của hệ thần kinh, cụ thể như: Bơ, tỏi, hạt phỉ, hạt hướng dương, hạt vừng, thịt nạc, rau có màu xanh đậm, cá thu, cá hồi, cá ngừ v.v…
Hy vọng những thông tin mang tính tham khảo về tình trạng tê tay khi mang thai trên để giúp cho các mẹ có thêm hiểu biết cần thiết. Mọi thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
ĐỌC NGAY
- Bị tê tay chân khám ở đâu tốt nhất tại TP HCM và Hà Nội?
- Tê bì chân tay khi ngủ có nguy hiểm không? Cách điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!