Các loại xét nghiệm trào ngược dạ dày và lưu ý
Nội soi dạ dày, đo áp lực thực quản, theo dõi pH thực quản, chụp thực quản dạ dày – cản quang… là các phương pháp xét nghiệm trào ngược dạ dày thường được sử dụng. Nắm rõ các đặc điểm, ưu và nhược điểm của chúng sẽ giúp bệnh nhân dễ dàng hơn trong việc xác định cách chẩn đoán bệnh phù hợp.
Các phương pháp xét nghiệm trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày là tình trạng các dịch trong dạ dày (bao gồm cả thức ăn, men tiêu hóa, hơi…) bị trào ngược lên thực quản, thậm chí là lên cả miệng của bệnh nhân. Đây là bệnh lý cực kỳ phổ biến mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, nôn và buồn nôn, đau tức vùng thượng vị, khàn tiếng… gây khó chịu và làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Nghiêm trọng hơn, nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó, bệnh nhân nên đi khám và điều trị bệnh sớm.
Hiện nay, có khá nhiều phương pháp được áp dụng để chẩn đoán, xét nghiệm chứng bệnh này. Dưới đây là các loại xét nghiệm trào ngược trào ngược dạ dày thường được áp dụng:
1. Xét nghiệm trào ngược dạ dày bằng GerdQ
Đầu tiên, các bác sĩ cũng sẽ tiến hành chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân gặp phải. Để bước này diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và đem lại độ chính xác cao bác sĩ thường dùng phương pháp GerdQ.
GerdQ chẩn đoán trào ngược dạ dày dựa trên bộ câu hỏi và để bệnh nhân trả lời. Những vấn đề được hỏi là các thông tin về tiền sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe, đặc biệt là các triệu chứng lâm sàng trong vòng 7 ngày. Mỗi câu hỏi đều được quy về một thang điểm chuẩn . Dựa trên kết quả của những câu hỏi này, bác sĩ sẽ tổng hợp, tính toán tổng số điểm để kết luận về bệnh, mức độ trầm trọng của trào ngược dạ dày. Cụ thể:
- Tổng điểm từ 0 – 2: Khả năng bị bệnh thấp (chiếm 0%)
- Nếu số điểm đạt được dao động từ 3 – 7: Khả năng mắc bệnh thấp (chiếm 21.5%)
- Với số điểm từ 8 – 10: Khả năng bị bệnh chiếm 48,5%.
- Nếu đạt 11 – 18 điểm: Khả năng mắc bệnh trào ngược dạ dày chiếm 60.7%
Đây được xem là phương pháp chẩn đoán đơn giản, hiệu quả, không xâm lấn nên không gây khó chịu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, vì kết của phương pháp GerdQ mang yếu tố chủ quan của bệnh nhân. Do đó, để kết quả được chính xác đòi hỏi người bệnh phải theo dõi tình trạng sức khỏe của mình trong vòng 1 tuần. Đồng thời, cần trung thực khi thực hiện bộ câu hỏi.
2. Nội soi dạ dày thực quản
Hiện nay, nội soi dạ dày thực quản được xem là phương pháp xét nghiệm chẩn đoán trào ngược dạ dày tốt nhất. Khi thăm khám bệnh bằng cách này, các bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi mềm có gắn đầu dò camera và nguồn sáng để luồn sâu xuống dạ dày thông qua đường mũi hoặc đường miệng.
Thông qua đầu dò camera và các thiết bị hỗ trợ, các bác sĩ có thể quan sát được các hình ảnh trong niêm mạc thực quản và dạ dày một cách trực tiếp. Vì thế, những thương tổn của niêm mạc dạ dày, dù là rát nhỏ cũng sẽ dễ dàng được phát hiện. giúp cho việc chẩn đoán bệnh trở nên được dễ dàng và chính xác gần như là tuyệt đối.
Một ưu điểm nữa khi nội soi dạ dày là dễ dàng lấy mẫu sinh thiết trực tiếp để thực hiện các xét nghiệm. Điều này nhằm phát hiện xem có sự tồn tại của vi khuẩn Hp hay không hoặc giúp tầm soát ung thư. Đây là một lợi thế vượt trội so với nhiều phương pháp xét nghiệm trào dược dạ dày khác.
Hiện nay có 2 cách nội soi dạ dày:
- Nội soi không gây mê: Nếu nội soi không gây mê, bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu, đau đớn. Khi rút ống nội soi lại có thể khiến bệnh nhân bị buồn nôn, nhiều trường hợp còn làm trầy xước niêm mạc thực quản hoặc dạ dày. Vì có nhiều hạn chế nên nội soi dạ dày không gây mê thường ít khi được áp dụng.
- Nội soi dạ dày có gây mê: Cách nội soi này sẽ khắc phục được những nhược điểm của nội soi dạ dày không gây mê. Bệnh nhân sẽ được ngủ một giấc ngắn, sau khi thức dậy thì chẩn đoán đã được thực hiện xong. Chính vì thế mà bệnh nhân không cảm thấy khó chịu, đau đớn. Do mang lại nhiều ưu điểm, xét nghiệm trào ngược dạ dày bằng nội soi gây mê đang ngày được nhiều các bệnh nhân lựa chọn.
Bệnh nhân có thể thực hiện nội soi dạ dày thông qua đường mũi hoặc đường miệng. Ở mỗi loại đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Vì vậy, nên tham khảo thêm thông tin để lựa chọn cho bản thân cách thăm khám phù hợp.
Nội soi dạ dày tuy mang đến hiệu quả chính xác cao, nhưng đây là một phương pháp chẩn đoán xâm lấn. Do đó, để bảo đảm an toàn khi thực hiện, bệnh nhân cần chú ý một số điều sau đây:
- Trước khi nội soi cần phải nhịn ăn ít nhất là 6 tiếng. Không uống các loại nước có ga, có màu kể cả sữa để tránh làm cản trở quá trình nội soi. Chỉ nên uống ít nước lọc để giúp cơ thể bớt khát.
- Nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và nên có người thân đi cùng.
- Thông báo với các bác sĩ về các loại thuốc mê hoặc các chất được dùng trong quá trình nội soi.
- Hợp tác với bác sĩ để quá trình thực hiện được diễn ra nhanh, thuận lợi.
- Sau khi nội soi không nên về liền mà hãy chờ 1 vài tiếng sau để xem cơ thể có gặp vấn đề gì hay không.
- Không nên lái xe sau khi nội soi, nhất là với những người nội soi gây mê.
- Tránh ăn ngay sau khi nội soi để tránh nôn ói. Đồng thời, chỉ nên sử dụng những thực phẩm mềm, loãng.
Thông tin thêm: Các phương pháp nội soi dạ dày không đau & chi phí
3. Theo dõi pH thực quản
Theo dõi pH thực quản được tiến hành trong khoảng 24 giờ. Nó có tác dụng trong việc xác minh dòng trào ngược acid. Thông qua phương pháp xét nghiệm trào ngược dạ dày này, các bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng bệnh như đau tức ngực, ho mạn tĩnh, viêm thanh quản, hen suyễn… Từ đó, xác định được tần suất, thời gian cũng như là mố liên quan giữa các bệnh lý khác nhau.
Theo dõi pH thực quản thường được áp dụng khi thực hiện chẩn đoán điều trị thử, hoặc nội soi không đưa ra kết quả rõ ràng.
4. Chụp cản quang thực quản – dạ dày
Chụp cản quang thực quản cũng là một trong số các loại xét nghiệm trào ngược dạ dày thường được áp dụng. Các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống thuốc cản quang trước khi tiến hành chụp cản quang để cho lớp niêm mạc đường tiêu hóa được hiện rõ trên màn hình. Từ các hình ảnh được chụp, các bác sĩ có thể quan sát được thực quản, dạ dày và cả đường ruột. Nếu thực hiện chẩn đoán hẹp ống thực quản, bệnh nhân có thể được chỉ định một viên bari.
Cách chẩn đoán trào ngược dạ dày đã từng được đề xuất làm xét nghiệm sàng lọc trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, do độ nhạy cảm và độ đặc hiệu của phương pháp này không đủ nên nó không được chấp nhận. Vì thế phương pháp này chỉ được sử dụng để đánh giá các biến chứng do trào ngược dạ dày gây ra như loét, hẹp dạ dày… chứng khó nuốt ở những người phẫu thuật bệnh trào ngược. Đồng thời, nó cũng được sử dụng để kết hợp với những đánh giá từ phương pháp nội soi để mang lại kết quả tốt nhất.
Tuy hiếm khi xảy ra, nhưng khi sử dụng các loại thuốc cản quang cũng có thể gây ra những vấn đề xấu. Dưới đây là những vấn đề phổ biến mà bệnh nhân có thể gặp phải khi chụp cản quang:
- Sốc phản vệ: Điều này có thể xảy ra ngay cả khi bệnh nhân chỉ tiếp xúc với một lượng nhỏ thuốc. Các triệu chứng thường gặp khi bị sốc phản vệ gồm có: Nổi mề đay cấp, phát ban, phù mạch, nóng mặt, co thắt phế quản và thở rít, tụt huyết áp, mất ý thức…
- Gây hại cho thai nhi. Phụ nữ mang thai không được chỉ định thực hiện loại xét nghiệm này. Thay vào đó, họ có thể áp dụng các biện pháp an toàn hơn như siêu âm, cộng hưởng từ.
- Phơi nhiễm phóng xạ: Sau khi chụp cản quang, bệnh nhân có thể bị phơi nhiễm với ion hóa trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, vấn đề này thường hiếm khi xảy ra.
- Phản ứng với vật liệu tương phản: Bệnh nhân có thể được chỉ định tiêm tĩnh mạch ở cánh tay hoặc sử dụng thuốc nhuộm – chính là những vật liệu tương phản trước khi chụp cản quang. Dù là tỷ lệ gặp phải tình trạng này là rất it nhưng bệnh nhân cũng có thể bị phản ứng với những vật liệu này.
5. Xét nghiệm nhân trắc thực quản
Đây là một phương pháp xét nghiệm trào ngược dạ dày ngoại trú. Các bác sĩ sẽ tiến hành đưa một ống mỏng vào trong thực quản. Thông qua một bộ cảm biến được kết nối với ống mỏng đó để đo áp lực bên trong thực quản, đo sự co giãn của cơ bắp khi bệnh nhân nuốt. Mục đích của xét nghiệm này là nhằm xác định các chuyển động và áp lực trong thực quản, dẫn đến các triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng… Đồng thời, nó cũng có tác dụng xác định sức mạnh và sự phối hợp cơ bắp của thực quản khi nuốt.
Xét nghiệm nhân trắc thực quản chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày đóng vai trò trong việc đánh giá trào ngược dạ dày trước phẫu thuật. Điều này giúp loại trừ trường hợp bị rối loạn vận động ở những bệnh nhân bị xơ cứng bì hoặc đau thực quản.
6. Thử nghiệm thăm dò acid ambulatory (pH)
Thử nghiệm thăm dò acid ambulatory được tiến hành bằng cách: Các bác sĩ sẽ sử dụng một đầu thu hình ảnh nhỏ để luồn vào trong thực quản. Mục đích của việc này nhằm xác định được thời điểm bệnh nhân bị trào ngược dạ dày và thời gian mắc bệnh. Với đặc điểm mỏng nên đầu thu có thể dễ dàng được luồn từ mũi xuống thực quản.
Ngoài việc đặt đầu thu nhỏ ở thực quản, các bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân sử dụng đầu thu dạng viên nang. Nó cũng sẽ được kết nối với một cái máy để theo dõi sự bất thường diễn ra trong cơ thể. Đầu thu này sẽ được tống ra bên ngoài theo đường phân khoảng vài ngày sau đó.
Cần lưu ý gì khi thực hiện các loại xét nghiệm trào ngược dạ dày?
Có khá nhiều phương pháp xét nghiệm trào ngược dạ dày. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, cần tìm hiểu kỹ từng phương pháp. Sau đó, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện các loại xét nghiệm trào ngược dạ dày. Vì khi được thăm khám và điều trị ở những cơ sở y tế có bác sĩ giỏi, máy móc thiết bị hiện đại sẽ giúp đảm bảo an toàn và mang lại chất lượng tốt.
Trên đây là các loại xét nghiệm trào ngược dạ dày mà chúng tôi tổng hợp được. Nếu chưa biết nên chẩn đoán trào ngược dạ dày bằng phương pháp gì, bạn có thể tham khảo những thông tin trên đây để có được lời giải đáp.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Khám trào ngược dạ dày thực quản ở đâu được nhiều người tin tưởng?
- 5 bài thuốc nam chữa trào ngược dạ dày thực quản hiệu quả
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!