Xuyên bối mẫu
Xuyên bối mẫu là vị thuốc phổ biến tại Trung Quốc. Vị thuốc có các củ như con ốc bện (bối tử) nên được gọi là Bối mẫu (theo Danh Y Biệt Lục). Xuyên bối mẫu có tác dụng nhuận phế trừ đàm (tiêu đờm), chỉ khái (trừ ho), thanh nhiệt tán kết nên thường dùng trong điều trị ho, ho lao, phế nhiệt, phế hư…
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Khổ thái, Càn mẫu, Khổ hoa, Thương thảo, Không thái, Ngõa lung ban, Điềm Bối mẫu (Cương mục thập di), Du đông sách mẫu (Hòa Hán Dược Khảo), Không thái…
Tên khoa học: Fritillaria roylel Hook.
Họ: Liliaceae (họ Loa kèn).
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả: Cây xuyên bối mẫu cao khoảng 40 – 60 cm. Cây có phần lá nhỏ, dài. Hoa có màu tím nhạt, thường chúc xuống đất.
Phân bố: Trung Quốc.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Củ. Vị thuốc Xuyên bối mẫu được sản xuất ở Tứ xuyên có hình cầu dẹt hoặc gần hình cầu viên chùy. Loại sản xuất ở huyện Tòng Xuyên có hình dạng như bồng còn, hình tròn, trơn bóng sạch sẽ, là vị thuốc tương đối tốt nên được gọi là Chân trâu Bối mẫu.
Thu hái, sơ chế: Thu hoạch củ vào tháng 8 – 10, rửa sạch, đem phơi khô trong bóng râm.
Chế biến:
- Xuyên bối mẫu đem rút bỏ phần vỏ, sấy khô, tán thành bột hoặc tầm với nước gừng sao vàng tán bột. Khi dùng, hòa nước thuốc thang đã sắc (loại này không dùng sắc).
- Bối mẫu bỏ phần lõi, đem sao với gạo nếp cho đến khi ngả màu vàng thì sảng bỏ phần gạo, lấy bối mẫu đem bảo quản và dùng dần. Hoặc, sau khi bỏ phần lõi, có thể tẩm bối mẫu với nước gừng sao vàng (theo Lô Công Bào Chích Luận).
Bảo quản: Nơi khô ráo, trong thùng đựng có lót vôi để không bị mọt.
4. Thành phần hóa học
Xuyên bối mẫu có chứa các thành phần hóa học sau:
- Tritimine
- Chinpeimine
- Các alkaloid: peiminin, peimin, peimitidin, fritimin, peimisin, peimidin.
5. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền, vị thuốc có tác dụng sau đây:
- Nhuận phế trừ đàm (tiêu đờm);
- Chỉ khái (trừ ho);
- Thanh nhiệt tán kết.
Xuyên bối mẫu là vị thuốc chủ đạo trong nhiều bài thuốc trị ho nổi tiếng của Đông Y. Vị thuốc có thể được dùng độc vị hoặc phối hợp với các dược liệu khác để tăng tác dụng trị bệnh.
Ngoài ra, Xuyên bối mẫu cũng được dùng trong nhiều vị thuốc trừ đờm, trị chảy máu cam, nôn ra máu, giúp lợi sữa.
6. Tính vị
Xuyên bối mẫu có vị đắng, tính hơi hàn.
7. Qui kinh
Phế và tâm.
8. Liều dùng, cách dùng
- Liều lượng: Dùng 3 – 10 gam / ngày.
- Cách dùng: Mỗi lần uống từ 1 – 2 gam, dùng thuốc kèm với thuốc thang hoặc cho vào thuốc hoàn tán.
9. Ứng dụng lâm sàng
Vị thuốc Xuyên bối mẫu được ứng dụng trong các bài thuốc sau đây:
Trị ho do mắc đờm ở phụ nữ có thai: Bối mẫu đem sao vàng, tán nhỏ, luyện với đường phèn thành viên thuốc bằng hạt ngô. Dùng 5 – 10 viên mỗi ngày.
Trị viêm tuyến vú mới sưng tấy:
Đem sắc uống 1 thang/ ngày, chia ra 2 – 3 lần uống. Thang thuốc gồm có:
- 10 gam bối mẫu, 10 gam thiên hoa phấn, 10 gam liên kiều, 10 gam đương quy, 10 gam lộc giác.
- 15 gam bồ công canh
- 6 gam thanh bì.
Ngoài ra, có thể giã bồ công anh để đắp nơi sưng tấy.
Trị lao hạch (chứng loa lịch): Đem 12 gam huyền sâm, 10 gam bối mẫu, 10 gam mẫu lệ tán thành bột, trộn đều, luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống dùng 10 gam, ngày dùng 2 lần, chiêu với nước sôi để nguội.
Trị viêm phế quản kéo dài (phế táo, thể âm hư):
- Phương thuốc Nhị Mẫu tán: Đem tán 10 gam Tri mẫu, 8 gam Xuyên bối mẫu thành bột hoặc sắc lấy nước uống vớ 3 lát gừng.
- Phương thuốc bối mẫu tán: Dùng 10 gam bối mẫu, 6 gam hạnh nhân, 10 gam mạch môn đông, 10 gam tử uyển, 6 gam trần bì, 4 gam cam thảo, tất cả đem sắc lấy nước uống.
- Phương thuốc: Dùng 8 gam bối mẫu, 3 gam cát cánh, 2 gam cam thảo, tất cả đem sắc nước uống, dùng trong ngày.
10. Kiêng kỵ
- Không dùng kế hợp đồng thời hai vị thuốc là Xuyên bối mẫu và Ô đầu vì chúng tương tác với nhau.
- Người bị thấp đàm, hàn đàm, tì vị hư hàng không được dùng.
Đều là bối mẫu nhưng cần phân biệt Xuyên bối mẫu và Triết bối mẫu để dùng thuốc trên đúng mục đích. Nếu có thắc mắc về vị thuốc trên, liên hệ với bác sĩ Đông y để biết thêm thông tin chi tiết.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!