Tác dụng của nhân sâm đối với sức khỏe & những điều cần chú ý khi dùng
Nhân sâm là dược liệu rất quý hiếm. Với tác dụng đại bổ ích nguyên khí, nhân sâm được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh như suy nhược, mệt mỏi, thiếu máu, hen phế quản, tiểu đường, hen phế quản, tâm thần bất ổn,…
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Dã nhân sâm, viên sâm, sâm.
Tên dược: Radix ginseng.
Tên khoa học: Panax ginseng.
Họ: Ngũ gia bì (danh pháp khoa học: Araliaceae).
Phân nhóm: Hiện nay, nhân sâm có rất nhiều loại. Hai loại chính được sử dụng làm dược liệu là – Sâm Cao ly (nhân sâm Hàn Quốc) và Sâm Ngọc Linh (nhân sâm Việt Nam).
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Nhân sâm là cây thân củ sống lâu năm, chiều cao trung bình khoảng 60cm. Lá mọc vòng, lá lép có nhiều lá chét mọc thành hình tương tự chân vịt, lá có cuống dài. Cây ra hoa, kết quả khi được 3 năm tuổi.
Hoa mọc vào đầu mùa hạ, có màu xanh nhạt, mọc ở đầu cành. Quả mọng, kích thước bằng hạt đậu xanh, khi chín có màu đỏ, hơi dẹp. Trong quả thường chứa 2 hạt nhưng hạt nhân sâm có chất lượng thường mọc ở cây từ 4 – 5 tuổi.
Phân bố:
Nhân sâm phân bố chủ yếu ở các nước Châu Á, tập trung nhiều ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó Sâm Cao Ly của Hàn Quốc được đánh giá là vị thuốc rất quý vì sinh sống trong điều kiện địa lý tốt. Sâm Ngọc Linh của Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng núi Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum).
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Rễ củ.
Thu hái: Thời điểm thu hái thích hợp nhất là vào tháng 9 – 10 hằng năm, chỉ thu hoạch rễ của cây 6 năm tuổi.
Chế biến:
+Tẩm rượu sau đó ủ mềm, thái lát, lót giấy vào chảo và sao với lửa nhỏ (theo Trung Y).
+Tán bột uống hoặc sắc uống.
+Hấp trong nồi cơm cho mềm, sau đó thái mỏng và dùng liền. Hoặc tẩm với nước gừng, sao với gạo nếp cho vàng (theo kinh nghiệm Việt Nam).
Bảo quản: Dễ bị nấm và sâu mọt nên bảo quản trong lọ kín, dưới đáy nên lót vôi sống hoặc gạo rang.
4. Thành phần hóa học
Nhân sâm là một trong những dược liệu có chứa thành phần hóa học rất đa dạng, bao gồm: Panaxisdes, maltose, nicotinic acid, panaxtriol, riboflavin, gensemin, protopanaxatriol,…
5. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
+Tác dụng ức chế và gia tăng vỏ não, nhân sâm có tác dụng điều hòa khi hai quá trình này bị rối loạn. Thành phần saponin ở lượng nhỏ có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh và tác dụng ức chế khi được dùng ở lượng lớn.
+Tăng khả năng phòng vệ trước những tác nhân gây hại và tăng khả năng thích nghi của cơ thể.
+Tác dụng hồi phục huyết áp do mất máu vừa hạ huyết áp ở những người bị cao huyết áp.
+Chống lại ACTH khiến tuyến thượng thận bị phì đại vừa có tác dụng ức chế corticoid làm teo tuyến thượng thận.
+Tác dụng hạ đường huyết cao do chế độ dinh dưỡng vừa có tác dụng tăng đường huyết do insulin gây ra.
+Tăng hiệu suất hoạt động của thể lực và tư duy, giảm mệt mỏi. Cải thiện chức năng não bộ ở người cao tuổi, chống lão hóa và tăng trí nhớ, độ tập trung của não bộ.
+Tăng cường khả năng thực bào của hệ tế bào võng nội bì, khả năng miễn dịch của cơ thể và hiệu suất chuyển hóa của tế bào.
+Thực nghiệm cho thấy nhân sâm có khả năng tăng cường sức đề kháng ở động vật đối với mọi bệnh tật.
+Dịch nhân sâm làm tăng khả năng co bóp tim, nếu dùng liều cao có thể giảm co bóp. Dùng cho động vật suy tuần hoàn cấp, nhận thấy dược liệu có tác dụng cường tim rõ rệt.
+Nhân sâm thông qua tuyến yên và vùng dưới đồi nhằm tạo ra ACTH làm tăng cAMP của vỏ tuyến thượng thận và tạo ra tác dụng hưng phấn. Ngoài ra, thân và lá của thảo dược này cũng có tác kích thích hormone ở cả đực và cái.
+Thành phần saponin trong dược liệu giúp tăng cường sự hợp thành sinh vật học lipoprotein và cholesterol, thúc đẩy chuyển hóa lipid trong gan của chuột cống. Tuy nhiên khi gây tăng cholesterol ở thỏ thì nhận thấy nhân sâm có tác dụng ngăn ngừa tăng choslesterol và hạn chế hình thành xơ vữa động mạch.
+Giảm tác hại của chất phóng xạ đối với cơ thể.
+Tăng chức năng thải độc của gan, bảo vệ gan, tăng khả năng thích nghi của thị lực đối với điều kiện thiếu ánh sáng và nâng cao thị lực.
+Saponin Rh2 trong nhân sâm có khả năng ức chế hoạt động và sự sinh trưởng của tế bào ung thư.
+Nhân sâm có độc ít.
Theo y học cổ truyền:
+Tác dụng: Đại bổ ích nguyên khí (an tinh thần, minh mục, thông huyết mạch, bổ ngũ tạng, điều trung trị khí, điều trung,…).
+Dùng sống có tác dụng tả hỏa. Khi tẩm sao có tác dụng bổ nguyên khí và bổ tân dịch.
6. Tính vị
Vị ngọt, hơi đắng, tính hơi hàn.
7. Qui kinh
Qui vào kinh Phế, thông 12 kinh lạc.
8. Liều dùng, cách dùng
Có rất nhiều cách dùng nhân sâm, có thể dùng sắc uống, tán bột, ngâm rượu, nấu cao,… Mỗi ngày dùng từ 3 – 15g, liều cao có thể sử dụng đến 40g.
9. Bài thuốc
Với tác dụng dược lý đa dạng, nhân sâm được ứng dụng vào nhiều bài thuốc chữa bệnh.
- Bài thuốc chữa chứng vong âm vong dương (tự ra mồ hôi, chảy máu nhiều, khí thoát, mạch trầm vi tế, suy tuần hoàn cấp,…): Sâm phụ thang: Dùng phụ tử chế 4 – 16g và nhân sâm 3 – 6g, đem sắc uống 6 lần là khỏi. Hoặc dùng bài Độc sâm thang: Dùng sâm 4 – 12g đem chưng cách thủy, uống nhiều lần.
- Bài thuốc trị tiêu chảy kéo dài do tỳ vị hư, rối loạn tiêu hóa: Tứ quân tử thang: Dùng bạch truật 12g, cam thảo 4g, nhân sâm 4g với bạch linh 12g, đem sắc uống.
- Bài thuốc trị bệnh cảm ở người có khí hư: Sâm tô ẩm: Dùng tô diệp 12g, cát căn 12g, bán hạ 4g, chỉ xác 4g, cam thảo 3g, đại táo 2 quả, phục linh 12g, tiền hồ 4g, trần bì 4g, cát cánh 4g, sinh khương 3 lát đem sắc, sau đó cho thêm mộc hương 3g vào sau. Nhân sâm 4g đem sắc riêng rồi trộn đều vào uống.
- Bài thuốc trị viêm phế quản mãn tính, hen phế quản và tâm phế mạn: Nhân sâm Hồ đào thang: Dùng hồ đào nhục 12g với nhân sâm 4g, đem sắc uống. Hoặc dùng bài Nhân sâm định suyễn thang: Dùng thục địa 20g, hồ đào nhục 16g, ngũ vị tử 8g, thục phụ phiến 12g với tắc kè 8g, đem sắc uống. Đem sâm 8g sắc riêng rồi trộn đều uống.
- Bài thuốc trị chứng thiếu máu: Bài Tứ vật thang gia thêm nhân sâm: Dùng thục địa hàng 12 – 24g, đương quy 12 – 16g, nhân sâm vừa đủ, bạch thược 12 – 16g, xuyên khung 6 – 8g, sắc nước uống. Hoặc dùng bài Đương quy bổ huyết thang gia thêm sâm: Dùng nhân sâm vừa đủ, đương quy 12 – 16g, hoàng kỳ 20 – 40g, sắc uống.
- Bài thuốc trị tiểu đường: Tiêu khát ẩm: Dùng thục địa 24g, thiên môn đông 12g, nhâm sâm 16g, kỷ tử 16g, sơn thù nhục 12g đem sắc uống. Cát lâm sâm 8g đem sắc riêng rồi trộn đều vào mùa uống.
- Bài thuốc trị tỳ hư trẻ em: Trẻ trên 3 tuổi: Đem hồng sâm 6g sắc với nước, còn lại 60ml, gia thêm đường mía. Chia thành 2 lần, dùng hết trong ngày, duy trì trong 7 – 14 ngày. Trẻ dưới 3 tuổi: Dùng ½ liều của trẻ trên 3 tuổi.
- Bài thuốc trị hồn phách không định, hốt hoảng và kinh quý: Dùng phục linh 10g, ích trí nhân 6g, nhân sâm 10g, viễn chí 6g, mạch môn 8g, đem sắc uống.
- Bài thuốc trị lao lực quá độ, thoát dương muốn chết: Dùng phụ tử chế 8g, mạch môn 8g, sâm 12g, nhục quế 6g và ngũ vị 6g, đem sắc uống.
- Bài thuốc trúng lạnh tiết tả: Dùng can khương 6g, chích thảo 4g, nhân sâm 10g, bạch truật 7g, thêm nhục quế và phụ tử 4g nếu bệnh nặng, đem sắc uống.
- Bài thuốc trị nôn mửa do tỳ vị hư: Dùng hoắc hương 8g, quất hồng 6g, sâm 10g, mộc qua 6g, đem sắc uống. Nếu dùng cho sản phụ, thêm tỳ bà diệp và trúc nhự mỗi thứ 6g.
- Bài thuốc trị sinh xong huyết vựng: Dùng tô mộc 10g, nhân sâm và đương quy, mỗi thứ 10g. Sắc uống với đồng tiện.
- Bài thuốc trị đới hạ không dứt: Dùng hoàng liên 10g, liên nhục 8g, hoạt thạch 6g, sâm 12g, ô mai 8g, thăng ma 6g với nhục đậu khấu 6g, đem sắc uống.
- Rượu nhân sâm giúp cường tâm, an thần, vượng tinh lực, giải nhiệt, lợi tiểu,…: Dùng thiên ma, dâm dương hoắc, địa phu tử và xuyên khung, nhân sâm đều 40g, đem ngâm với 3l rượu trong 45 ngày.
10. Lưu ý
Kiêng kỵ khi dùng nhân sâm:
- Phụ nữ sau sinh huyết xông lên, mới thổ huyết hoặc bệnh sơ cảm mới phát: Kiêng dùng.
- Không sử dụng đồi thời với tạo giáp, lê lô và ngũ linh chi (theo sách Bản thảo kinh tập).
- Chứng thực nhiệt: Không nên dùng sâm.
- Kiêng uống trà và ăn củ cải khi dùng sâm (theo sách Bản thảo tập yếu).
Nhân sâm có thể tương tác với một số thực phẩm và thuốc điều trị như rượu, caffeine, thuốc chuyển hóa qua Cytochrom P450 2D6, Furosemide, thuốc trị trầm cảm (MAOIs), thuốc trị tiểu đường, thuốc chống đông máu,….
Ngoài ra, dược liệu này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như mất ngủ, đau ngực, huyết áp không ổn định, rối loạn kinh nguyệt, nhức đầu, tiêu chảy, phát ban, chóng mặt, chảy máu âm đạo, thay đổi tâm trạng,… và một số tác dụng phụ hiếm gặp hơn.
Nhân sâm là một trong những dược liệu quý hiếm và có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên trước khi sử dụng, bạn cần trao đổi với bác sĩ để hạn chế các tác dụng không mong muốn.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!