Thuốc Curam 1000 mg: Tác dụng phụ, liều dùng, cách sử dụng
Curam 1000 mg là một loại thuốc theo toa thuộc nhóm kháng sinh Penicillin, được sử dụng để điều trị và phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra như viêm tai giữa, viêm xoang cấp tính, các tổn thương mô mềm trên da do vi khuẩn, nhiễm trùng đường tiết niệu… Nếu sử dụng thuốc không đúng cách, Curam 1000 mg có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho người sử dụng.
- Tên hoạt chất: Amoxicillin.
- Tên thương hiệu: Curam.
- Nhóm thuốc: Penicillin.
- Dạng thuốc: Viên nén.
I/ Các thông tin cần biết về thuốc Curam 1000 mg
1. Thành phần
- Amoxicilline.
- Kali Clavulanate.
Vì Amoxicilline thuộc nhóm kháng sinh Penicillin nên Curam sẽ không có tác dụng trong điều trị các bệnh do virus gây ra như cảm lạnh, cảm cúm… Nắm rõ bản chất của thuốc sẽ giúp bạn sử dụng đúng cách, tránh được nguy cơ lạm dụng thuốc kháng sinh.
2. Chỉ định
Tương tự như các loại kháng sinh thuộc nhóm Penicillin khác, Amoxicilline có tác dụng ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn. Do đó nó được chỉ định để ngăn chặn và điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Cụ thể như sau:
- Viêm tai giữa.
- Viêm xoang.
- Viêm đường túi mật, đường mật.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu như viêm bàng quang, viêm bể thận.
- Viêm mô mềm trên da như bị áp xe, mụn nhọt…
- Viêm tủy xương.
- Nhiễm trùng ổ bụng.
- Viêm phế quản.
- Nhiễm trùng máu.
- Điều trị dự phòng trong các trường hợp bị nhiễm trùng do phẫu thuật.
- Bệnh lậu.
- Nhiễm trùng răng miệng.
- Viêm phổi.
Ngoài ra thuốc có thể được chỉ định trong việc điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng khác mà không được chúng tôi liệt kê ở đây. Nếu muốn biết rõ hơn các thông tin về vấn đề này, hãy trao đổi với các bác sĩ của bạn.
3. Chống chỉ định
Thuốc Curam chống chỉ định đối với các trường hợp sau:
- Người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc các loại kháng sinh beta – lactam khác.
- Bị dị ứng.
- Mắc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân.
- Bị bạch cầu lympho.
- Suy gan.
4. Liều dùng
Tùy vào từng đối tượng, thể trạng của từng người và bệnh lý cần điều trị mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn một liều lượng sử dụng phù hợp. Liều dùng thông thường của thuốc Curam 1000 mg được quy định như sau:
- Đối tượng trên 12 tuổi: Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 625 mg. Hoặc sử dụng thuốc với liều lượng 1000 mg, dùng 2 lần mỗi ngày.
- Trẻ em từ 2 – 12 tuổi: Uống 30 – 60 mg/ kg/ ngày.
- Trẻ dưới 2 tuổi: 30 – 40 mg/ kg/ ngày.
Thời gian dùng thuốc tối đa không quá 14 ngày. Sau khoảng thời gian này, bạn hãy đi tái khám để nắm rõ khả năng phục hồi của bệnh, từ đó có được hướng xử lý phù hợp.
5. Cách sử dụng
Để đảm bảo an toàn trong quá trình dùng thuốc, bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Chỉ được uống Curam 1000 mg khi có sự chỉ định của bác sĩ và phải tuân theo liều lượng và thời gian uống thuốc đã được quy định.
- Nên uống thuốc trước bữa ăn. Trong trường hợp bị đau dạ dày, bạn nên ăn trước rồi mới uống, tránh làm cho bệnh đau dạ dày trầm trọng hơn.
- Không được nhai hoặc nghiền nát viên thuốc dạng nén trước khi uống. Điều này có thể làm cho lượng thuốc cơ thể hấp thụ tăng lên quá nhiều, nguy cơ mắc các tác dụng phụ cũng do đó mà tăng theo.
- Không được dùng Curam quá 14 ngày, trừ khi có sự chỉ định.
- Nếu dùng thuốc cho trẻ em, bạn cần phải nắm rõ tình trạng sức khỏe cũng như là cân nặng của bé, từ đó xác định được chính xác liều lượng mà trẻ cần phải sử dụng.
- Không uống rượu hoặc các thức uống có cồn khác trong khi đang dùng Curam.
- Tuyệt đối không được tự ý đưa thuốc của mình cho người khác uống khi không có sự chỉ định.
- Sau khi đã dùng đủ liều lượng thuốc quy định, bạn cần phải đi tái khám để nắm rõ được tốc độ hồi phục của cơ thể.
6. Bảo quản
- Để thuốc xa tầm tay của trẻ em.
- Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh cất ở những nơi ẩm ướt, nhiều ánh nắng mặt trời.
- Không lưu trữ các loại thuốc đã cũ hoặc hết hạn.
Tham khảo thêm: Thuốc Xisat có công dụng gì?
II/ Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Curam 1000 mg
1. Tác dụng phụ
Giống như các loại thuốc kháng sinh khác, sử dụng Curam 1000 mg cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra các tác dụng phụ. Thông thường, thuốc sẽ gây ra những vấn đề như sau:
- Nổi mề đay.
- Ngứa da.
- Tiêu chảy.
- Viêm âm đạo.
- Buồn nôn, nôn.
- Rối loạn miễn dịch của các tế bào T.
- Đau dạ dày.
Bên cạnh đó, Curam 1000 mg có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn nữa. Hãy nhanh chóng liên hệ với các bác sĩ hoặc các trung tâm y tế để được xử lý kịp thời nếu cơ thể có các biểu hiện bất thường như sau:
- Vàng da, vàng mắt.
- Nước tiểu bị đục màu.
- Co giật.
- Phản ứng dị ứng nặng (da đỏ, ngứa, bị nổi mụn nước…)
- Tiểu ra máu.
- Viêm não, màng tủy sống.
- Tán huyết thiếu máu, đông máu.
- Viêm đại tràng giả mạc.
Trên đây là một danh sách không đầy đủ các tác dụng phụ của thuốc. Tùy vào thể trạng, mức độ hấp thụ thuốc ở từng người mà bạn có thể gặp phải các vấn đề khác nữa. Vì vậy để bảo đảm an toàn cho bản thân, tốt nhất là nên thông báo với các bác sĩ những biểu hiện bất thường mà bạn gặp phải khi sử dụng.
2. Thận trọng
Trước khi dùng Curam 1000 mg, cần thông báo đầy đủ với các bác sĩ những thông tin về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý của bản thân, nhất là khi thuộc các trường hợp sau đây:
- Dị ứng với Amoxicilline hoặc với bất cứ các loại thuốc khác.
- Có tiền sử dị ứng hoặc gia đình có người thân bị dị ứng.
- Mắc các vấn đề về gan, thận.
- Bị viêm đại tràng do vi khuẩn.
- Bệnh bạch cầu đơn nhân (bệnh nhiễm trùng do virus).
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
- Đối tượng dùng thuốc là người già và trẻ nhỏ.
- Thuốc có thể gây buồn ngủ, do đó cần phải cẩn thận khi lái xe, vận hành máy móc khi sử dụng Curam 1000mg.
3. Tương tác thuốc
Sử dụng đồng thời 2 hay nhiều loại thuốc có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của chúng, làm gia tăng các tác dụng phụ. Do đó, trước khi uống Curam 1000 mg, hãy nói với các bác sĩ về tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng, kể cả các loại vitamin và thảo dược, đặc biệt là:
- Probenecid.
- Thuốc chống đông máu.
- Allopurinol.
- Các loại thuốc tránh thai.
- Mycophenolate mofetil.
Đây là một danh sách không đầy đủ các loại thuốc có thể tương tác với Curam 1000 mg. Để được cung cấp thêm thông tin về vấn đề này, hãy trao đổi với các bác sĩ của bạn.
4. Cách xử lý khi dùng thiếu/ quá liều
- Dùng thiếu liều: Bổ sung liều đã quên ngay khi nhớ ra. Nếu chuẩn bị đến thời gian sử dụng liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều cũ. Tuyệt đối không được tự ý tăng gấp đôi liều lượng để sử dụng.
- Dùng quá liều: Liên hệ ngay với các trung tâm y tế hoặc bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý nếu thấy cơ thể có các biểu hiện bất thường.
Trên đây là những thông tin tham khảo về thuốc Curam 1000 mg. Để tránh những vấn đề không mong muốn trong quá trình điều trị, nắm vững các thông tin về liều lượng, cách sử dụng và các thông tin khác nữa về loại thuốc này là điều cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Vimotram – Kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn
- Thuốc Ciprobay: công dụng, cách dùng và liều dùng đúng
Hỏi đáp cùng chuyên gia
Chào bác sĩ . Bs cho e hỏi con gái e năm nay 23 tuổi , bé bị FO 5 hôm nay chỉ bị ngạt mũi và mũi chẩy xuống họng , ngày mùng 9/2 test còn 1 vạch mờ hiện vẫn còn mũi chẩy xuống họng , đã hết ngạt mũi ( c đang dùng Vitamin c và viên xông mũi họng , xịt rửa và nhỏ mũi ) vậy giờ c có dùng đc thêm kháng sinh curam 1000 mg này ko ak , trc đây c hay bị ngạt sổ mũi do viêm xoang . Nhờ bs tư vấn giúp , cảm ơn bs ak