Táo mèo
Táo mèo còn có tên gọi khác là Sơn tra, thuộc họ Hoa hồng (danh pháp khoa học: Rosaceae). Táo mèo được sử dụng để làm dược liệu vì có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như kích thích tiêu hóa, tăng vị giác, thúc đẩy đào thải cholesterol,…

Tìm hiểu về táo mèo
1. Tên gọi, phân nhóm
- Tên gọi khác: Chua chát, Sơn tra
- Tên khoa học: Docynia indica
- Họ: Hoa hồng (danh pháp khoa học: Rosaceae)
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Táo mèo là cây gỗ bán thường xanh, chiều cao trung bình từ 2 – 5m. Cành cây khi nhỏ có màu nâu tía, rậm lông, khi già không có lông và chuyển thành màu nâu đen. Lá kèm, hình mác, đỉnh nhọn, thường rụng sớm. Cuống lá dài khoảng 0.5 – 2cm, có phủ lông tơ. Lá nguyên, hiếm khi có răng cưa.
Hoa mọc thành cụm, mỗi cụm có khoảng 3 – 5 bông, đường kính 2.5cm. Đài hoa có hình chuông, lá đài hình mác tam giác, đều được phủ lông tơ. Cánh thuôn dài, có màu trắng, 1 bông hoa có khoảng 30 nhị. Quả táo, hình cầu, màng vàng, đường kính khoảng 2 – 3cm. Cây ra hoa vào khoảng tháng 2 – 3, sai quả vào tháng 8 – 9.
Phân bố:
Táo mèo thường sinh sống ở các sườn núi, bụi rậm có độ cao từ 2000 – 3000m. Phân bố chủ yếu ở Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, vùng Tây Nam Trung Quốc và Việt Nam.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Quả của cây táo mèo được sử dụng để làm thuốc.

Thu hái: Thu hái khi cây ra quả, chủ yếu là vào mùa thu.
Chế biến: Đem quả thái mỏng và phơi khô.
Bảo quản: Nơi khô thoáng.
4. Thành phần hóa học
Táo mèo có thành phần hóa học đa dạng, bao gồm: acid crataegic, vitamin C, protid, calci, sắt, ursolic, acetylcholin, acid citric, acid cafiic, hydrat cacbon, phospho, acid oleanic, phytosterin…
5. Tác dụng dược lý
+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Nước cất táo mèo có tác dụng phòng và giảm thiếu máu cơ tim đối với đông vật thực nghiệm.
- Tác dụng hạ áp, cường tim, tăng lưu lượng mạch vành, chống loạn nhịp tim và giãn mạch máu.
- Giảm xơ vữa động mạch, hạ lipit huyết. Cơ chế của táo mèo là tăng cường quá trình bài tiết cholesterol chứ không giảm hấp thu thành phần này.
- Nước táo mèo có khả năng tăng enzyme trong bao tử giúp tiêu hóa tốt hơn.
- Táo mèo còn có khả năng ức chế các khuẩn gây bệnh như lỵ, mũ xanh, tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn, bạch hầu, liên cầu beta.
- Ngoài ra táo mèo còn làm tăng tính thẩm thấu của mao mạch, an thần và làm co cơ tử cung.
+Theo y học cổ truyền:
- Kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon.
6. Tính vị
- Vị chua, lạnh, không độc (theo sách Tân tu bản thảo).
- Vị chua, ngọt, hơi ôn (theo sách Bản thảo cương mục).
- Vị chua, ngọt, không độc (theo sách Nhật dụng bản thảo).
7. Qui kinh
- Nhập thái âm kinh và túc dương minh (theo sách Bản thảo kinh sơ).
- Nhập Tỳ kinh (theo sách Lôi công bào chế dược tính giải).
- Nhập Tỳ Can nhị kinh (theo sách Dược phẩm hóa nghĩa).
8. Liều dùng, cách dùng
Ngày dùng từ 5 – 10g ở dạng nước sắc, ngâm rượu hoặc dạng cao nấu.
9. Bài thuốc
Một số bài thuốc từ táo mèo:

- Bài thuốc cho người cao huyết áp, béo phì thường xuyên bị chóng mặt, đau đầu, hoa mắt: Dùng hà diệp 20g, sơn tra 15g, đem tán vụn và hãm với nước sôi khoảng 20 phút. Dùng uống thay nước trà.
- Bài thuốc thanh nhiệt, trừ đàm cho người cao huyết áp và rối loạn lipit máu: Dùng lá trà tươi, cúc hoa, táo mèo mỗi thứ 10g đem hãm với nước sôi trong 15 phút. Dùng uống thay nước trà mỗi ngày.
- Bài thuốc trị cao huyết áp thuộc thể can nhiệt ứ: Dùng sơn tra 24g, kim ngân hoa 15, cúc hoa 15g, tang diệp 12g đem sấy khô, tán nhỏ và hãm với nước sôi trong 15 phút. Dùng uống thay nước trà.
- Bài thuốc tiêu thực tích, khứ ứ huyết: Dùng gạo tẻ 50g, sơn tra 50g và một lượng đường phèn vừa đủ. Đem sơn tra bỏ hạt, lấy thịt thái mỏng, sau đó đem nấu cháo với gạo tẻ, thêm đường phèn và ăn trong ngày.
- Bài thuốc nhuận tràng, thông tiện: Dùng thảo quyết minh, sơn tra sao đen mỗi thứ 12g với hoa cúc trắng 9g, đem tất cả sấy khô, tán nhỏ và hãm với nước sôi trong 20 phút. Dùng uống thay nước trà hằng ngày.
- Bài thuốc bổ khí hoạt huyết, ích tâm kiện não: Dùng hoàng kỳ 30 – 60g, tang ký sinh 15 – 30g, sơn tra 9 – 15g, hoàng kỳ 30 – 60g, đan sâm 20 – 40g đem sắc 2 lần, mỗi lần sắc trong 30 phút. Đem nước sắc 2 lần nấu cô lại còn khoảng 300 – 400ml, chia thành nhiều lần uống trong ngày.
- Bài thuốc bổ can thận, giáng áp, thanh can nhiệt: Dùng sinh đỗ trọng, thảo quyết minh, sơn tra mỗi thứ 16g, hoàng bá 6g, sinh đại hoàng 3g, râu ngô tươi 62g đem sắc với 6 chén nước, sắc còn 3 chén. Chia thành nhiều lần uống trong ngày.
- Bài thuốc cường tim, lợi thủy, giáng áp: Dùng sơn tra, hải đới mỗi thứ 30g, chanh 3 quả và mã thầy 10 củ. Sơn tra đem bỏ hạt, thái mỏng, mã thầy bóc vỏ, thái vụn, hải đới đem rửa sạch và cắt thành khúc ngắn, chanh cắt lát. Đem các vị sắc kỹ, chia thành nhiều lần uống trong ngày.
- Bài thuốc hoạt huyết, giáng áp: Dùng táo mèo, táo tây mỗi thứ 30g, đường phèn 1 ít, rau cần tây 3 cây. Đem rau cần đi rửa sạch và cắt khúc, táo mèo và táo tây đem bỏ hạt và thái mỏng. Tất cả đem hấp cách thủy với 300ml nước trong khoảng 30 phút. Sau đó đem xuống, cho thêm 1 ít đường phèn và chia thành nhiều lần dùng hết trong ngày.
- Bài thuốc hoạt huyết hóa ứ: Dùng đậu xanh 150g, sơn tra 150g với một ít đường phèn. Đem sơn tra bỏ hạt và thái mỏng, đậu xanh đem rửa sạch và ngâm trong vòng 30 phút. Sau đó đem sắc kỹ, cho thêm 1 ít đường phèn và uống hết trong ngày.
- Bài thuốc dưỡng âm lương huyết, làm mềm mạch máu, thích hợp với người bị cao huyết áp thuộc thể âm hư: Dùng sơn tra 500g, đường trắng 100g, sinh địa 200g. Đem sinh địa rửa sạch, sau đó thái lát, sơn tra bỏ hạt và thái phiến. Đem sắc cho nhừ, thêm ít đường và điều thành dạng cao lỏng. Mỗi lần dùng 2 thìa canh, ngày dùng 3 lần.
- Bài thuốc trị cao huyết áp thuộc thể can dương thượng xung, triệu chứng đau đầu, mặt đỏ, chóng mặt, ngực sườn đau tức, chảy máu cam: Dùng quyết minh tử, sơn tra mỗi thứ 30g, đại táo 4 quả và nửa lá sen tươi, thịt lợn nạc 150g, gia vị. Đem sơn tra bỏ hạt và thái mỏng, đại táo bỏ hạt, quyết minh tử rửa sạch, thịt lợn rửa rồi đem thái miếng, lá sen rửa và thái mỏng. Đem tất cả vào nồi hầm cho nhừ, thêm gia vị và chia thành nhiều lần ăn trong ngày.
10. Lưu ý
Một số loại táo có hình dạng tương tự như táo mèo, tuy nhiên tác dụng dược lý lại không giống nhau. Bạn đọc nên lựa chọn đúng nguyên liệu để đạt được kết quả điều trị như mong muốn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- Cây chó đẻ răng cưa: Bài thuốc chữa bệnh và một số lưu ý
- Dây thìa canh: Công dụng dược liệu và cách dùng