Cây kim ngân hoa: Tác dụng dược lý và Một số bài thuốc chữa bệnh
Cây kim ngân hoa có tên khoa học Lonicera japonica Thunb, thuộc họ Cơm Cháy. Kim ngân hoa được sử dụng làm dược liệu vì có tác dụng dược lý đa dạng như thanh nhiệt, trị ôn bệnh phát nhiệt, rôm sảy, ghẻ lở, mụn nhọt, giang mai, hắc lào,…
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Nhẫn đông hoa, Kim ngân hoa lộ, Tỉnh ngân hoa, Song bào hoa, Nhị bảo hoa, Ngân hoa than, Ngân hoa,…
Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb
Họ: Cơm cháy (Caprifolianceae)
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Kim ngân hoa là cây dạng dây leo, thân dài trung bình từ 9 – 10m. Thân rỗng bên trong, có rãnh chạy dọc thân, cành nhiều, màu xanh khi non và chuyển thành màu đỏ nâu khi già.
Lá mọc đối xứng, hình trứng dài, phiến lá dài từ 38 – 40cm, rộng 1.5 – 5cm. Lá kim ngân hoa mọc quanh năm, ngay cả khi trời rét. Hoa mọc tháng 3 – 5, có màu trắng khi mới nở và sau chuyển thành màu vàng, mọc ở kẽ lá. Mỗi cuống có 2 hoa. Nụ hoa hình gậy, dài 25cm, hơi cong, đường kín khoảng 5mm. Nụ được phủ lông ở bên ngoài, có màu vàng đến màu vàng nâu. Quả màu đen, hình cầu, mùa quả từ tháng 6 – 8.
Phân bố:
Mọc hoang ở vùng rừng núi, chủ yếu ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh,…
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Hoa kim ngân khi mới chớm nở được thu hái làm dược liệu. Dây, lá và thân ít khi được sử dụng.
Thu hái: Thời điểm thu hái thích hợp nhất là vào mùa hạ, khi hoa sắp nở. Hái hoa khi sương đã tan, khoảng 9 – 10 giờ sáng.
Chế biến: Đem thái mỏng, sấy hoặc phơi khô. Sau khi được chế biến, dược liệu có chất nhẹ, mùi thơm, vị hơi đắng và giòn.
Bào chế:
+Hoa tươi: Đem giã nát, vắt lấy nước đem đun sôi và uống.
+Hoa khô: Sắc uống hoặc sấy nhẹ với lửa cho khô rồi đem đi tán bột.
+Hoa tươi hoặc khô: Đem đi ngâm rượu với tỷ lệ 1:5.
Bảo quản: Nơi khô thoáng, tránh ẩm, nên đựng trong hũ có lót vôi sống để tránh mốc, biến chất và đổi màu.
4. Thành phần hóa học
Kim ngân hoa có chứa các thành phần hóa học đa dạng, bao gồm Tannin, Luteolin, Scolymozid, Inositol, Loganin, Cryptoxantin, Isochlorogenic acid, Chlorogenic acid, Stigmasterol, Stimasteryl-D-Glucoside, b-Sitosterol-D-Glucoside,…
5. Tác dụng dược lý
+Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc từ hoa Kim ngân có tác dụng ức chế mạnh đối với trực khuẩn thương hàn, tụ cầu khuẩn và trực khuẩn lỵ Shiga (theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
- Tác dụng đối với đường huyết: Nước sắc từ hoa Kim ngân có tác dụng ngăn chặn choáng phản vệ ở chuột lang (theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
- Tác dụng chuyển hóa chất béo: Kim ngân hoa có khả năng thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
- Tác dụng kháng viêm: Giải nhiệt, giảm chất xuất tiết và tăng tác dụng thực bào của tế bào bạch cầu (theo Trung Dược Học).
- Tác dụng chống lao: Nước từ hoa kim ngân có tác dụng ức chế Mycobacterium tuberculosis (theo Chinese Hebral Medicine).
- Tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh: Tác dụng này của kim ngân hoa bằng 1/6 so với cà phê (theo Trung Dược Học).
- Tác dụng kháng virus: Nước sắc từ hoa kim ngân làm giảm hoạt động của virus cảm cúm (theo Chinese Hebral Medicine).
- Tác dụng đối với nhãn khoa: Nước sắc từ kim ngân hoa có tác dụng đối với trường hợp viêm kết mạc mạn và giác mạc loét (theo Chinese Hebral Medicine).
- Tác dụng chuyển hóa Lipit: Mức cholesterol có giảm khi uống nước sắc hoa kim ngân – thực nghiệm được thực hiện đối với chuột đồng (theo theo Chinese Hebral Medicine).
- Tác dụng trong quá trình điều trị bệnh nhiễm khuẩn: Dùng nước sắc hoa kim ngân tiêm vào bắp hoặc huyệt nhận thấy có hiệu quả đối với lỵ, viêm phổi cấp tính và mãn tính, quai bị,… (theo Chinese Hebral Medicine).
- Tăng bài tiết dịch vị và mật (theo Trung Dược Học).
- Tác dụng lợi tiểu (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Làm giảm cholesterol trong máu (theo Trung Dược Học).
- Có tác dụng thu liễm do có chứa Tannin ((theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Không có độc tính: Dùng nước sắc kim ngân cho chuột nhắt trắng uống liên tục 7 ngày với liều gấp 150 lần liều dùng điều trị. Chuột vẫn sống bình thường, tiến hành giải phẫu các cơ quan đều không nhận thấy có dấu hiệu khác thường (theo Tài Nguyên Cây Thuốc Vị Thuốc Việt Nam).
+Theo y học cổ truyền:
- Thanh nhiệt, giải chư sang (theo Trấn Nam Bản Thảo).
- Tán độc, bổ hư, liệu phong, tiêu thủng, dùng lâu ngày tăng tuổi thọ (theo Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
- Giải độc, thanh nhiệt, trị ôn bệnh phát nhiệt, rôm sảy, ghẻ lở, mụn nhọt, giang mai, hắc lào (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
- Giải độc, thanh nhiệt, giải trừ uế trọc tà, khí ôn dịch, trị ôn bệnh phát sốt, mụn nhọt, hắc lào, rôm sảy, nhiệt lỵ, giang mai (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
- Chỉ tiêu khát (theo Y Học Nhập Môn).
- Khu phong, tán nhiệt, trừ thấp, chỉ lỵ, tiêu thủng, liệu tý (theo Bản Thảo Hối Ngôn).
- Thanh nhiệt, giải độc (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
6. Tính vị
Vị ngọt, tính hàn (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách và Đông Dược Học Thiết Yếu).
Vị đắng, tính bình (theo Trấn Nam Bản Thảo).
Vị ngọt, đắng, tính hơi hàn, khí bình, không độc (theo Bản Thảo Dược Tính Đại Toàn).
7. Qui kinh
Qui vào kinh Phế, Tâm, Vị (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Qui vào kinh Phế, Vị (theo Trung Dược Học).
Qui vào kinh Phế, Tâm, Vị, Tỳ (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
Qui vào kinh túc Thái âm Tỳ, Dương minh Vị (theo Đắc Phối Bản Thảo).
Qui vào kinh Phế (theo Lôi Công Bào Chích Luận).
8. Liều dùng, cách dùng
Dùng mỗi ngày từ 12 – 20g. Có thể dùng đơn lẻ để sắc nước uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Tham khảo thêm: Những công dụng của cây kim vàng đối với sức khỏe
9. Bài thuốc
Một số bài thuốc kim ngân hoa:
- Bài thuốc trị mụn nhọt: Dùng cả cành, lá của kim ngân hoa 80g, cam thảo 40g, hoàng kỳ 160g đem cắt nhỏ và chưng với 1 cân rượu ngâm trong 2 – 3 giờ đồng hồ. Sau đó đem bỏ bã và uống dần.
- Bài thuốc trị phát bối, ung nhọt mới phát: Dùng nửa cân kim ngân hoa đem sắc với 10 chén nước, còn lại 2 chén. Thêm đương quy 80g tiếp tục sắc còn lại 1 chén.
- Bài thuốc trị vú có khối kết, đỏ, sưng to và chảy nước: Dùng kim ngân hoa và hoàng kỳ sống, mỗi thứ 20g, cam thảo 4g, đương quy 32g, 50 lá ngô đồng đem sắc với ½ chén nước, ½ chén rượu.
- Bài thuốc trị phúc mạc viêm, viêm ruột dư cấp: Dùng kim ngân hoa 120g, địa du 40g, cam thảo 12g, ý dĩ nhân 20g, mạch môn 40g, hoàng cầm 16g, huyền sâm 80g, đương quy 80g sắc uống.
- Bài thuốc dự phòng não viêm: Dùng kim ngân hoa, hạ khô thảo, bồ công anh mỗi vị 20g, sắc uống.
- Bài thuốc trị lở ngứa, mụn nhọt: Dùng kim ngân hoa 6g và cam thảo 3g đem sắc với 200ml nước, còn lại 100ml. Chia làm 2 – 3 lần trong ngày.
- Bài thuốc trị cảm cúm: Dùng kim ngân hoa 6g với cam thảo 3g đem sắc với 200ml nước, còn lại 100ml. Chia làm 2 – 3 lần trong ngày.
- Bài thuốc trị sởi: Dùng cỏ ban, kim ngân hoa mỗi vị 30g. Dùng tươi, giã nát, thêm nước và gạn uống.
- Bài thuốc trị thái âm ôn bệnh mới phát, sốt mà không sợ lạnh: Dùng kim ngân hoa, liên kiều mỗi thứ 40g, bạc hà, khổ cát cánh mỗi thứ 24g, cam thảo sống 20g, trúc diệp 16g, đạm đậu xị 20g, ngưu bàng tử 24g, kinh giới tuệ 16g đem tán thành bột. Mỗi lần dùng 24g uống với nước Vi căn tươi sắc.
- Bài thuốc trị nhọt độc, phát bối: Dùng cam thảo sao 40g, kim ngân hoa 160g đem đi tán bột. Mỗi lần dùng 16g sắc với 1 chén rượu, 1 chén nước, sắc còn lại 1 chén. Đem bỏ bả và uống khi còn nóng.
- Bài thuốc trị sữa không xuống: Dùng hoàng kỳ nướng mật, kim ngân hoa, đương qui, cam thảo mỗi thứ 10g. Đem sắc với ½ chén rượu.
- Bài thuốc trị lở ngứa, mụn nhọt: Dùng kim ngân hoa 20g, cam thảo 12g, đem sắc, uống. Đồng thời dùng hoa kim ngân tươi trộn rượu đắp lên chỗ đau.
- Bài thuốc trị quai bị, họng đau: Dùng liên kiều, trúc diệp, ngưu bàng tử mỗi thứ 12g, kim ngân hoa 16g, cát cánh, kinh giới tuệ mỗi thứ 8g, cam thảo và bạc hà mỗi thứ 4g, đậu xị 18g đem sắc uống.
- Bài thuốc trị dị ứng, ung nhọt: Dùng ké đầu ngựa 4g với kim ngân hoa 10g đem sắc với 200ml, còn lại 100ml. Chia thành 2 lần uống trong ngày.
10. Lưu ý
Kiêng kỵ khi dùng kim ngân hoa:
- Tỳ vị hư hàn, mồ hôi ra nhiều, tiêu chảy không phải do nhiệt: Cẩn thận khi dùng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
- Tỳ vị hư hàn, mụn nhọt, tiêu chảy loại âm tính: Không nên dùng (theo Lâm sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn có ý định áp dụng các bài thuốc từ dược liệu kim ngân hoa.
Có thể bạn quan tâm
- Bạch đồng nữ: Công dụng và các bài thuốc chữa bệnh hay
- Hy thiêm (Cây chó đẻ hoa vàng): Tác dụng, liều dùng
Hỏi đáp cùng chuyên gia
Cháu muốn dùng kim ngân hoa để giảm cân thì liều lượng dùng như thế nào a