Bòng bong là gì? Bòng bong dùng để chữa bệnh gì?

Bòng bong hay còn được gọi tên khác trong Đông y là Hải kim sa. Đây là một trong những vị thuốc nam quý trong khi tàng dược liệu Y học cổ truyền. Bòng bong có vị ngọt, tính hàn được quy bào kinh Bàng quang và Tiểu trường, có tác dụng tả thấp nhiệt, lợi thấp, thông lâm.

Những thông tin cần thiết về Bòng bong và bài thuốc chữa bệnh của dược liệu này
Những thông tin cần thiết về Bòng bong và bài thuốc chữa bệnh của dược liệu này

1. Tên gọi khác – Phân nhóm

  • Tên gọi khác: Hải kim sa, Thạch vĩ dây, Thòng bong, Bòng bong dẻo, Dương vĩ
  • Tên dược: Spora Lygodii
  • Tên khoa học: Lygodium flexuosum
  • Họ: Thuộc họ Thòng bong (Schizaeaceae)

2. Đặc điểm sinh thái

Mô tả: Cây bòng bong thuộc cây dây leo, có thân rễ dài. Lá dài và có nhiều cặp lá chét, mỗi lá chét có nhiều lá chét con mang ở tử nang quanh mép lá trong đó có nhiều túi bào tử. Mỗi bào tử có hình 4 mặt hay gần giống như hình cầu với mộ mặt dẹt, có màu xanh xám hoặc vàng.

Phân bố: Cây Bòng bong thường được tìm thấy nhiều ở các tỉnh phía Bắc nước ta và các tỉnh miền Nam nước ta như Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang,… Cây thường mọc hoang, thường thấy ở bụi rậm, bờ rào, ở những nơi đất ẩm, có ít ánh sáng. Hiện nay, loại cây này được sử dụng khá nhiều để làm cảnh.

3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

Bộ phận dùng: Sử dụng toàn cây để làm thuốc (phần lá, dây và rễ).

Thu hái: Hầu như thu hái quanh năm.

Chế biến: Dùng thuốc sau khi được rửa sạch. Có thể dùng ở dạng tươi hoặc khô (tùy thuộc vào từng bài thuốc trị bệnh khác nhau).

Bảo quản: Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nếu là sản phẩm khô, nên bảo quản trong bao bì để được sử dụng lâu dài.

Cây Bòng bong thường mọc hoang ở những nơi ẩm ướt, có ánh sáng
Cây Bòng bong thường mọc hoang ở những nơi ẩm ướt, có ánh sáng

4. Thành phần hóa học

Trong cây Bòng bong có chứa các Acid hữu cơ và Flavonoid.

5. Tính vị – Quy kinh

Bòng bong có vị ngọt, tính hàn, được quy vào kinh Bàng quang và Tiểu trường.

6. Tác dụng dược lý

Theo dược lý hiện đại: Chưa có tài liệu nào nghiên cứu.

Theo Y học cổ truyền: Trong Đông y, cây Bòng bong có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp và thông lâm. Với những công dụng được kể trên, cây Bòng bong có tác dụng chữa bệnh cho một số đối tượng sau:

  • Viêm thận, phù thũng
  • Viêm gan
  • Viêm bàng quang, viêm tiết niệu
  • Tiểu ra dưỡng chất
  • Tiểu gắt, bí tiểu
  • Sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật

7. Cách dùng – Liều lượng

Cách dùng: Dùng Bòng bong cùng với các vị thuốc khác (tùy thuộc vào từng bài thuốc), dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc tán thành bột mịn để sử dụng.

Liều lượng: Dùng 10 – 20 gram/ ngày.

8. Những bài thuốc từ Bòng bong

Dưới đây là những bài thuốc từ Bòng bong trong Y học cổ truyền:

Bài thuốc từ Bòng bong chữa niệu đạo nóng rát, nhiệt chứng, tâm phiền, miệng đắng, lưỡi đỏ:

Dùng Bòng bong và Kim tiền thảo mỗi vị 60 gram; Sa tiền tử và Tiêu thạch mỗi vị 15 gram; Kê nội kim và Thạch vi mỗi vị 12 gram cùng với 9 gram Đông qùy tử. Mỗi ngày sử dụng một thang thuốc trên để sắc lấy nước dùng, chia phần nước sắc thành 3 phần nhỏ. Sử dụng thuốc khi thuốc còn nóng.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa đầy bụng, trướng bụng do tỳ thấp trướng mãn, chữa ăn uống không tiêu:

Dùng 30 gram Bòng bong, 8 gram Bạch truật cùng với 2 gram Cam thảo. Đem một thang thuốc trên sắc cùng với lượng nước vừa đủ. Dùng khi thuốc còn nóng, nếu nguội nên hâm nóng lại trước khi sử dụng. Mỗi ngày sử dụng một thang thuốc.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa trứng bụng gây khó thở khi nằm, toàn thân phù thũng:

Dùng 15 gram Bòng bong cùng với 15 gram hạt Bìm bìm sống, 15 gram hạt Bìm bìm sao vàng, 15 gram Cam toại. Đem tất cả các nguyên liệu trên nghiền nát thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 8 gram bột sắc cùng với một bát nước. Dùng thuốc mỗi ngày một lần trước mỗi bữa ăn.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa ứ trệ, bụng dưới bí bách, có sỏi và nhiệt ứ:

Dùng Bòng bong và Hổ phách mỗi vị 9 gram; 60 gram Kim tiền thảo; Biển súc, Cù mạch, Mộc thông, Trư linh, Sa tiền, Phục linh, Trạch tả mỗi vị 15 gram; 18 gram Hoạt thạch; 10 gram Ngưu tất cùng với 3 gram Cam thảo. Đem một thang thuốc trên sắc lấy nước để dùng. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm. Nếu có khí hư thì dùng thêm các vị thuốc khác, như: 16 gram Thục địa, 15 gram Hoàng kỳ, 12 gram Đương quy, 8 gram Xuyên khung và 12 gram Bạch thược. Nếu khí ứ trệ huyết thì dùng thêm 12 gram Nga truật, 10 gram Trần bì và 8 gram Mộc hương.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa viêm gan:

Dùng 15 gram Bòng bong, 20 gram Xa tiền thảo cùng với 30 gram Nhân trần. Mỗi ngày sử dụng một thang thuốc trên cùng với một lượng nước phù hợp. Nên dùng thuốc khi còn nóng, nếu thuốc nguội nên hâm nóng lại trước khi sử dụng.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa tiêu chảy, táo bón:

Dùng một lượng vừa đủ cây Bòng bòng rửa sạch bụi bẩn rồi đem sắc cùng với một ít nước, sắc đến cô đặc để dùng mỗi ngày một lần.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa chứng tiểu tiện khó khăn, bụng dưới bí bách, nước tiểu đục, gây nên những cơn đau:

Dùng Bòng bong và Mang tiêu mỗi vị 100 gram cùng với 40 gram Hổ phách và 20 gram Bằng sa. Đem các vị thuốc trên tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 5 – 8 gram uống cùng với nước sôi để nguội. Mỗi ngày sử dụng 3 lần (sáng, trưa và tối).

Bài thuốc từ Bòng bong chữa đái dưỡng thấp:

Dùng Bòng bong và Hoạt thạch mỗi vị 40 gram cùng với 10 gram Cam thảo. Đem tất cả các nguyên liệu trên tán nhỏ rồi trộn đều. Mỗi lần sử dụng 8 gram cùng với nước sắc Mạch môn (khoảng 20 gram) hoặc nước sắc Cỏ bấc đèn (khoảng 10 gram). Mỗi ngày sử dụng thuốc 3 lần (sáng, trưa và tối).

Bài thuốc từ Bòng bong chữa tiểu tiện lẫn sỏi sạn:

Dùng Bòng bong, Bạch mao căn (rễ Cỏ tranh), Hoạt thạch mỗi vị 30 gram; 60 gram Kim tiền thảo và 12 gram Xa tiền thảo (cỏ Mã đề). Đem một thang thuốc trên sắc cùng với một lượng nước phù hợp, sắc đến khi cô đặc rồi chia thành 2 phần uống mỗi ngày.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa sỏi niệu đạo:

Dùng 30 gram Bòng bong, 30 gram Mã đề và 15 gram Biển súc. Đem một thang thuốc trên sắc để lấy nước dùng. Nên dùng thuốc khi thuốc còn ấm.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa tiểu tiện xuất huyết:

  • Dùng một lượng Bòng bong đem tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 8 gram hòa với nước đường để uống. Mỗi ngày sử dụng 3 lần.
  • Dùng dây Bòng bong và Biển súc mỗi vị 15 – 20 gram. Đem hai vị thuốc trên sắc cùng với một ít nước để dùng.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa tiểu tiện khó khăn:

Dùng 60 – 90 gram Bòng bong đem sắc cùng với một lượng nước phù hợp, thêm một ít đường. Dùng thuốc thay cho nước trà.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa đi ngoài có máu:

Dùng 60 – 90 gram dây và lá Bòng bong, đem rửa sạch với nước để loại bỏ bớt tạp chất rồi đem sắc cùng với nước. Chia lượng nước vừa sắc được thành 2 – 3 lần mỗi ngày (sử dụng thuốc trong ngày).

Bài thuốc từ Bòng bong chữa viêm tuyến vú:

Dùng 25 – 30 gram Bòng bong sắc kỹ cùng với nửa phần nước và nửa phần rượu. Chia lượng nước sắc được thành 3 phần nhỏ để uống trong ngày và sử dụng vào sáng, trưa và buổi tối.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa chứng ra nhiều bạch đới ở phụ nữ:

Dùng một lượng dây Bòng bong đem rửa sạch rồi cắt thành từng đoạn nhỏ. Sau đó đem nấu kỹ cùng với một ít thịt lợn nạc. Dùng thịt và uống nước canh, không sử dụng phần bã thuốc.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa di tinh, mộng tinh:

Dùng một nắm dây Bòng bong đem đốt tồn tính rồi nghiền nát thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 4 – 6 gram hòa nước nước sôi để dùng.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa bỏng do lửa:

Dùng một ít Bòng bong đem đốt tồn tính rồi nghiền nát thành bột mịn. Sau đó trộn cùng với một ít dầu vừng rồi đem thoa lên vị trí bị bỏng. Giữ yên trong khoảng 15 – 20 phút rồi rửa lại sạch nước lạnh.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa mụn rộp loang vòng:

Dùng một nắm lá và dây cây Bòng bong tươi, rửa sạch bằng nước lạnh rồi đem giã nát, sau đó đem đắp vào vết thương. Mỗi ngày thực hiện 2 lần.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa vết thương bị ong đốt:

Dùng một nắm lá Bòng bong tươi đem rửa sạch bằng nước lạnh rồi giã nát. Sau đó đem đắp lên vị trí bị ong đốt.

Bài thuốc từ Bòng bong chữa vết thương phần mền:

  • Dùng 40 gram lá trầu không (tươi), 20 gram phèn phi cùng với 2 lít nước. Đem lá trầu không sửa sạch qua nước rồi nấu cùng với 2 lít nước. Để nước nguội dần, chắc lọc lấy phần nước và bỏ đi phần bã, cho phèn phi vào cùng, đánh cho tan phèn. Dùng phần nước để rửa vết thương.
  • Sau khi rửa vết thương, người bệnh nên tiếp tục băng vết thương bằng bài thuốc sau đây: Dùng một nắm lá Mỏ quạ còn tươi đem rửa sạch qua nước rồi giã nhỏ, sau đó đắp lên vết thương. Mỗi ngày thực hiện rửa vết thương và thay băng một lần. Sau 3 – 5 ngày hoặc bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm thì 2 ngày thay băng một lần.
  • Trong trường hợp vết thương tiến triển tốt thì người bệnh nên thay thuốc đắp sau: Dùng lá Bòng bong và lá Mỏ quạ với liều lượng bằng nhau. Đem rửa sạch bằng nước lạnh rồi giã nát, sau đó đem đắp lên vết thương. Mỗi ngày rửa vết thương và thay băng 1 lần. Sau 3 – 5 ngày, người bệnh lại tiếp tục thay đổi bài thuốc khác.
  • Dùng lá Bòng bong, lá Mỏ quạ và lá cây Hàn the với liều lượng bằng nhau. Đem rửa qua nước để lọc bỏ bụi bẩn, rồi đem giã nát, sau đó đắp thuốc lên vết thương, 2 – 3 ngày thay băng một lần.

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc cũng thông tin cần biết về cây Bòng bong và những bài thuốc chữa bệnh từ loại cây này. Tuy nhiên, thông tin chỉ mang giá trị tham khảo, công dụng dược lý của loại dược liệu này chưa được giới nghiên cứu dược lý công bố chính thức về công dụng của loại dược liệu này. Do đó, bạn đọc không được tự ý sử dụng dược liệu này khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ hoặc lương y.

ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đối tác

Ông Phạm Minh Đức - 0914530xxx
Thanh Trì, Hà Nội
Đặt mua 1 kg Cỏ Ngọt cách đây 1 phút