Viêm tai giữa không đặc hiệu là gì?
Viêm tai giữa không đặc hiệu hay còn gọi là viêm tai giữa nung mủ không đặc hiệu. Bệnh lý này là giai đoạn khởi phát sau của viêm tai giữa xung huyết. Nếu không tiến hành điều trị kịp thời, bệnh có thể gây co kéo màng nhĩ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực.
Tìm hiểu về bệnh viêm tai giữa không đặc hiệu
Viêm tai giữa không đặc hiệu hay còn gọi là viêm tai giữa nung mủ không đặc hiệu. Thuật ngữ này đề cập đến giai đoạn khởi phát của viêm tai giữa cấp tính sau khi chấm dứt giai đoạn xung huyết.
Viêm tai giữa giai đoạn xung huyết là tổn thương tai giữa đi kèm với triệu chứng tích tụ chất lỏng phía sau màng nhĩ. Thông thường giai đoạn xung huyết sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên ở một số trường hợp, sau khi kết thúc giai đoạn này, bệnh có thể khởi phát trở lại ở dạng viêm tai giữa không đặc hiệu.
1. Nguyên nhân
Nguyên nhân trực tiếp hình thành viêm tai giữa nung mủ không đặc hiệu là do niêm mạc tai bị viêm nhiễm khiến dịch ứ đọng trong ống tai. Khi có điều kiện thích hợp, vi khuẩn có sẵn trong tai sẽ sinh trưởng và hình thành mủ ở cơ quan này.
Các nguyên nhân gián tiếp khiến dịch bị ứ đọng trong ống tai có thể là:
- Do dị ứng với thực phẩm, không khí, nấm mốc,…
- Mắc bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp như cảm cúm, viêm VA, cảm lạnh, viêm amidan,…
- Không vệ sinh tai đúng cách
- Cho trẻ nằm khi bú bình
- Hệ miễn dịch suy giảm
Trong đó hệ miễn dịch suy giảm được xem là nguyên nhân phổ biến nhất khiến tai bị viêm nhiễm kéo dài. Chính vì vậy mà đối tượng chủ yếu của bệnh viêm tai giữa thường là trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV, thay ghép nội tạng,…).
2. Triệu chứng
Khác với viêm tai giữa giai đoạn xung huyết, viêm tai giữa không đặc hiệu sẽ phát sinh triệu chứng ngay khi mới hình thành.
Các triệu chứng của bệnh, bao gồm:
- Cảm giác ứ đọng dịch bên trong tai
- Ù tai
- Có thể rỉ dịch/ mủ ra bên ngoài
- Đau nhức tai
- Sốt nhẹ
Triệu chứng của bệnh có thể khiến trẻ nhỏ mệt mỏi, lười ăn, quấy khóc và phản ứng chậm với lời nói.
3. Biến chứng
Nếu không tiến hành điều trị và loại bỏ mủ bên trong tai, bệnh viêm tai giữa không đặc hiệu có thể khiến các chuỗi xương con nằm trong vòm họng bị dính liền nhau. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực, gây co kéo màng nhĩ, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Điều trị viêm tai giữa không đặc hiệu
Trước khi chỉ định phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành xác định mức độ tổn thương ở ống tai giữa.
+Tổn thương tai nhẹ
Trong trường hợp tổn thương tai ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị tại chỗ bằng cách vệ sinh tai và sử dụng kháng sinh.
Nên thực hiện vệ sinh tai thường xuyên nhằm làm loãng mủ và dịch nhầy, tăng dẫn lưu và loại bỏ mủ ra khỏi ống tai. Bên cạnh đó việc sử dụng kháng sinh sẽ được thực hiện nhằm mục đích ức chế vi khuẩn và ngăn ngừa tái phát.
Kháng sinh thường được chỉ định dùng trong 7 – 14 ngày và cần phải duy trì ngay cả khi triệu chứng đã chấm dứt. Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc sớm hơn thời gian dự kiến. Điều này có thể làm tăng chủng vi khuẩn không nhạy cảm và tăng nguy cơ tái phát.
+Tổn thương tai nặng
Bệnh nhân viêm tai giữa không đặc hiệu có mức độ nặng hơn cần được điều trị nội khoa và theo dõi chặt chẽ. Thông thường bệnh nhân sẽ phải điều trị trong khoảng 14 ngày. Quá trình điều trị bao gồm truyền tĩnh mạch và sử dụng kháng sinh.
+Thủng màng nhĩ & không đáp ứng điều trị nội khoa
Với bệnh nhân bị thủng màng nhĩ và không đáp ứng với phương pháp bảo tồn, cách điều trị duy nhất là phẫu thuật để chỉnh sửa. Các thủ thuật ngoại khoa được áp dụng, bao gồm:
Phẫu thuật vá màng nhĩ
Phẫu thuật này được thực hiện nhằm vá lại phần màng nhỉ bị thủng. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ tiến hành chỉnh hình xương con nếu cơ quan này có nguy cơ bị ảnh hưởng. Việc chỉnh hình xương con nhằm phục hồi chức năng của màng nhĩ, cải thiện thính lực và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.
Phẫu thuật khoét rỗng đá chũm
Phẫu thuật này được thực hiện cho bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bảo tồn. Ở những trường hợp này, tình trạng chảy mủ thường có xu hướng kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nghe của người bệnh.
Phẫu thuật khoét rỗng đá chũm gồm có hai dạng – bán phần và toàn phần. Phẫu thuật này được thực hiện nhằm loại bỏ phần tai giữa, giúp xoang chũm, hang chũm và ống thông hang thông thoáng. Từ đó cải thiện khả năng thính lực của người bệnh.
Chăm sóc và phòng ngừa viêm tai giữa không đặc hiệu
Để giúp bệnh được kiểm soát tốt bạn nên thực hiện chế độ chăm sóc phù hợp trong thời gian điều trị. Bên cạnh đó cần chủ động thực hiện những biện pháp nhằm ngăn ngừa viêm tai giữa tái phát.
Các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa bệnh tái phát:
- Vệ sinh tai thường xuyên, nên sử dụng dung dịch rửa tai thay vì dùng các dụng cụ thông thường. Tác động từ những dụng cụ này có thể làm tổn thương niêm mạc và vô tình đưa vi khuẩn vào ống tai giữa.
- Giữ cho tai khô ráo khi tắm rửa, bơi lội. Nếu nước vào bên trong tai, cần thực hiện các cách loại bỏ nước ra khỏi tai để tránh nhiễm trùng.
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên nhằm hạn chế tình trạng vi khuẩn đi qua tai và gây tổn thương cơ quan này.
- Nên bế hoặc cho trẻ ngồi khi bú. Bú khi nằm có thể khiến sữa chảy vào tai và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh trường.
- Tránh tiếp xúc với những tác nhân dị ứng như phấn hoa, lông chó mèo, nấm mốc, khói thuốc lá,…
- Vệ sinh chăn, gối, đồ dùng bằng vải thường xuyên để hạn chế vi khuẩn tiềm ẩn.
- Tăng cường miễn dịch bằng cách ăn uống điều độ và luyện tập thường xuyên.
- Thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường.
Viêm tai giữa không đặc hiệu có thể để lại những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến thính lực và tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên nếu phát hiện và điều trị bệnh sớm, hầu hết các trường hợp đều đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- Cách chữa viêm tai giữa bằng lá hẹ ít ai biết
- Viêm tai giữa tái phát nhiều lần do những nguyên nhân không ngờ
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!