Bệnh viêm bàng quang cấp tính và cách điều trị
Viêm bàng quang cấp tính là dạng nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp. Bệnh có xu hướng phát sinh ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nếu không được điều trị, bạn có thể đối mặt với tình trạng nhiễm trùng ở thận.
Tổng quan về bệnh viêm bàng quang cấp tính
Viêm bàng quang cấp tính là tình trạng nhiễm trùng bàng quang một cách đột ngột. Bệnh thường do vi khuẩn từ niệu đạo di chuyển đến bàng quang và phát sinh bệnh tại cơ quan này.
Viêm bàng quang thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nguyên nhân được xác định từ do giải phẫu học hệ thống sinh sản ở từng giới. Ở phụ nữ, hậu môn và niệu đạo ở gần nhau. Do đó vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào niệu đạo và di chuyển đến bàng quang.
1. Triệu chứng
Viêm bàng quang cấp tính làm phát sinh các triệu chứng một cách đột ngột và gây ra cảm giác khó chịu khi tiểu tiện. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Buồn tiểu ngay cả khi bạn vừa đi tiểu
- Đau, nóng rát khi đi tiểu
- Khó tiểu
- Nước tiểu có mùi hôi
- Nước tiểu đục và có màu đậm
- Cảm nhận thấy áp lực đè lên bàng quang và bụng dưới
- Sốt nhẹ
- Ớn lạnh
- Máu trong nước tiểu
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra viêm bàng quang cấp tính chính là vi khuẩn Escherichia coli (E. coli). E. coli thường xâm nhập vào niệu đạo và sau đó di chuyển đến bàng quang. Khi vào bàng quang, vi khuẩn sẽ bám vào niêm mạc và sinh sản với tốc độ nhanh chóng. Khi thành niêm mạc bị tổn thương, bàng quang có thể bị viêm và sưng.
Ngoài vi khuẩn, một số yếu tố khác cũng có thể khiến bàng quang bị viêm. Chẳng hạn như:
- Tác dụng phụ của các loại thuốc (Cyclophosphamide, Ifosfamide,…)
- Xạ trị vùng chậu
- Sử dụng ống thông tiểu trong một thời gian dài
- Dị ứng với một số sản phẩm như dung dịch vệ sinh phụ nữ, kem dưỡng, gel bôi trơn,…
- Biến chứng của các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt lành tính,…
3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm bàng quang cấp tính, bao gồm:
- Quan hệ tình dục
- Sử dụng một số biện pháp tránh thai như đặt vòng, thuốc diệt tinh trùng,…
- Mãn kinh ở phụ nữ
- Sỏi thận
- Sử dụng kháng sinh trong thời gian dài
- Suy yếu hệ thống miễn dịch (HIV, thực hiện liệu pháp ức chế miễn dịch,…)
- Từng phẫu thuật đường tiết niệu
- Mang thai
4. Biến chứng
Hầu hết viêm bàng quang cấp tính đều được điều trị hoàn toàn bằng kháng sinh. Tuy nhiên ở một số trường hợp, vi khuẩn có thể di chuyển đến thận và gây nhiễm trùng tại cơ quan này.
Các triệu chứng nhiễm trùng thận, bao gồm:
- Đau dữ dội ở lưng và bên sườn
- Sốt cao
- Ớn lạnh
- Nôn mửa
- Buồn nôn
XEM THÊM: Viêm bàng quang mãn tính và những điều cần biết
Chẩn đoán viêm bàng quang cấp tính
Trước tiên, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về tiền sử bệnh lý và các triệu chứng lâm sàng mà bạn gặp phải. Ngoài ra, bạn cần chủ động trình bày với bác sĩ những loại thuốc đang sử dụng và tình trạng mang thai (nếu có).
Sau đó, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện các xét nghiệm sau đây:
Xét nghiệm nước tiểu
Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu để xác định sự hiện diện của vi khuẩn. Sau khi chắc chắn có nhiễm trùng, xét nghiệm nuôi cấy nước tiểu có thể được thực hiện nhằm chẩn đoán chính xác loại vi khuẩn gây bệnh.
Nội soi bàng quang
Nội soi bàng quang là chẩn đoán sử dụng ống nội soi nhỏ để quan sát bàng quang thông qua niệu đạo. Từ đó bác sĩ có thể nhận thấy tình trạng ở thành bàng quang và chẩn đoán đúng vấn đề mà bạn gặp phải.
Xét nghiệm hình ảnh
Xét nghiệm hình ảnh ít khi được yêu cầu trong chẩn đoán viêm bàng quang cấp tính. Tuy nhiên trong trường hợp không thể xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng, xét nghiệm hình ảnh sẽ được cân nhắc thực hiện.
Hình ảnh từ siêu âm, X-quang,… sẽ giúp bác sĩ xác định liệu có khối u hay cấu trúc bất thường có thể gây ra tình trạng viêm ở bàng quang.
Điều trị viêm bàng quang cấp tính
Viêm bàng quang cấp tính thường được điều trị bằng kháng sinh trong 3 – 7 ngày. Tuy nhiên nếu tình trạng không phải do vi khuẩn, bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân cụ thể để chỉ định phương pháp thích hợp.
Trong trường hợp này, thời gian điều trị có thể kéo dài hơn so với viêm bàng quang cấp do vi khuẩn.
Các triệu chứng có thể biến mất sau khoảng 1 – 2 ngày. Tuy nhiên bạn cần tiếp tục sử dụng thuốc theo thời gian được chỉ định. Ngưng thuốc sớm có thể khiến vi khuẩn tái phát và gây bệnh trở lại.
Ngoài kháng sinh, bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc giảm đau đường tiết niệu – Phenazopyridine nhằm làm giảm triệu chứng do viêm bàng quang gây ra.
Trường hợp bị viêm bàng quang do dị ứng, tác dụng phụ của thuốc, xạ trị,… bạn không nên tự ý điều trị. Cần gặp trực tiếp bác sĩ để được chỉ định phương pháp thích hợp.
Biện pháp chăm sóc viêm bàng quang cấp tại nhà
Bên cạnh việc dùng kháng sinh, thuốc giảm đau, bạn có thể thực hiện các biện pháp tại nhà để cải thiện triệu chứng do viêm bàng quang cấp tính gây ra.
Các biện pháp kiểm soát triệu chứng ngay tại nhà, bao gồm:
- Uống nhiều nước nhằm kích thích tần suất tiểu tiện.
- Chườm ấm là biện pháp giảm đau đơn giản nhưng khá hiệu quả. Bạn nên đặt túi chườm ở bụng dưới để làm giảm các triệu chứng do viêm bàng quang gây ra.
- Tránh thực phẩm cay nóng, trái cây có vị chua, cà phê,… Những thực phẩm và đồ uống này có thể khiến các triệu chứng đau và nóng rát khi tiểu tiện trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngăn ngừa viêm bàng quang cấp tính tái phát
Để ngăn ngừa viêm bàng quang cấp tính và các vấn đề nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, bạn cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Các biện pháp đề phòng viêm bàng quang tái phát:
- Sử dụng băng vệ sinh dạng miếng thay vì sử dụng tampon. Đồng thời nên thay băng nhiều lần trong ngày để đảm bảo vệ sinh
- Trao đổi bác sĩ trước khi lựa chọn sản phẩm cho vùng kín
- Tắm vòi sen thay vì tắm bồn. Tắm bồn là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn từ hậu môn di chuyển lên niệu đạo
- Vệ sinh vùng kín mỗi ngày
- Làm sạch khu vực sinh dục và hậu môn trước và sau khi hoạt động tình dục
- Đi tiểu trước và sau khi quan hệ
- Tránh mặc quần áo bó sát. Nên lựa chọn quần lót thoáng mát và có khả năng hút mồ hôi tốt. Thay quần lót mỗi ngày để đảm bảo vệ sinh
- Uống nhiều nước, khoảng 2 – 4 lít mỗi ngày tùy vào nhu cầu của cơ thể
- Hạn chế dùng rượu và thức uống có caffeine
Nếu bị viêm bàng quang tái phát nhiều lần, bác sĩ có thể đề nghị bạn:
- Sử dụng kem dành riêng cho vùng kín nếu bạn bị khô âm đạo do mãn kinh
- Uống một liều kháng sinh sau khi quan hệ tình dục
- Uống kháng sinh hàng ngày để ngăn ngừa nhiễm trùng bàng quang
Hầu hết các trường hợp viêm bàng quang cấp tính đều được chữa trị dứt điểm và không để lại biến chứng. Tuy nhiên nếu bạn có hệ miễn dịch suy yếu, tình trạng nhiễm trùng thận có thể xảy ra. Cần chú ý những dấu hiệu bất thường để kịp thời phát hiện và điều trị biến chứng do bệnh lý này gây ra.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
THAM KHẢO THÊM
- 7 cách chữa viêm bàng quang tại nhà đơn giản nhưng ít người biết
- Chữa viêm bàng quang ở đâu, bệnh viện nào tốt?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!