Rụng tóc do căng thẳng (Stress) và cách khắc phục
Rụng tóc do căng thẳng (stress) là tình trạng khá phổ biến nhưng nó ít được chú ý và nhận biết sớm. So với những nguyên nhân khác, căng thẳng có thể dẫn đến nhiều tình trạng rụng tóc nguy hiểm.
Tại sao căng thẳng gây rụng tóc?
Căng thẳng (stress) là một phản ứng của cơ thể đối với những kích thích về thể chất hoặc cảm xúc. Một cuộc cãi vã, quá tải trong công việc, thậm chí đói bụng cũng có thể gây nên căng thẳng cấp tính. Nếu sự căng thẳng kéo dài trong một khoảng thời gian nó sẽ biến thành căng thẳng mãn tính.
Khi bạn gặp căng thẳng, cortisol cùng các hóa chất và hormone khác sẽ được giải phóng. Điều này có nghĩa là nếu bạn bị căng thẳng mãn tính, mức độ cortisol và các hóa chất sẽ được sản xuất liên tục. Những chất này có thể ảnh hưởng đến tóc bằng cách ngăn chặn sự sản xuất các chất thúc đẩy tóc phát triển hoặc tác động trực tiếp đến các mô nang tóc.
Thông thường, mỗi ngày tóc sẽ rụng dưới 100 sợi theo chu kỳ phát triển của nó, đây là một trường hợp bình thường. Tuy nhiên, ở những người căng thẳng mãn tính, số lượng tóc rụng có thể hơn 100 sợi, nhưng thực tế khá ít người nhận ra sự thay đổi này cho đến khi tóc trở nên mỏng hơn hoặc xuất hiện các dấu hiệu khác như nóng rát da đầu, rụng lông tóc toàn thân.
Các loại rụng tóc liên quan đến căng thẳng
Có 3 loại rụng tóc liên quan đến căng thẳng, gồm:
- Telogen effluvium: trong trường hợp này, căng thẳng khiến các nang tóc đang phát triển đến giai đoạn nghỉ ngơi. Khoảng 1 tháng sau, những sợi tóc này đột ngột rụng đi khi chải hoặc gội đầu.
- Trichotillomania: là một hội chứng nghiện giật tóc, lông mày hoặc lông ở những khu vực khác trên cơ thể. Người mắc hội chứng này luôn bị thôi thúc giật tóc (đôi khi là ăn) lông và tóc. Trầm cảm và căng thẳng là những nguyên nhân kích hoạt hội chứng này.
- Alopecia areata: hay còn gọi là bệnh hói đầu, rụng tóc từng vùng. Đặc trưng của bệnh này là một hoặc nhiều mảng rụng tóc hình tròn, hình oval trên da đầu. Nó cũng gây rụng lông ở những khu vực khác hoặc rụng lông tóc toàn bộ cơ thể.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị căng thẳng
Có một số yếu tố khiến bạn bị căng thẳng như:
- Mang thai và sinh con
- Thuốc chống trầm cảm
- Bệnh mãn tính
- Trải qua một cuộc phẫu thuật, tiêm chủng hoặc chấn thương
Rụng tóc do căng thẳng không phải là tình trạng vĩnh viễn. Tóc sẽ giảm rụng và mọc trở lại nếu tình trạng căng thẳng được loại bỏ. Tuy nhiên nếu bạn nhận thấy tóc rụng loang lổ, rụng đột ngột, rụng nhiều hơn nữa thì hãy thông báo cho bác sĩ da liễu.
Xem thêm: Rụng tóc khi mang thai: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
Điều trị rụng tóc do căng thẳng
Nếu bạn bị rụng tóc do căng thẳng, điều đầu tiên cần phải làm đó là quản lý và kiểm soát mức độ căng thẳng của bản thân. Để giảm sự căng thẳng, bạn hãy:
- Ngủ đủ giấc, khoảng 7-8 tiếng mỗi ngày
- Uống nhiều nước, ăn uống lành mạnh
- Tránh ăn hoặc uống quá nhiều đường, chứa quá nhiều caffein
- Thường xuyên tập thể dục
- Thực hiện các bài tập yoga, thiền
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, nghe nhạc êm dịu hoặc trò chuyện cùng mọi người
- Hạn chế tạo kiểu tóc, tránh sử dụng quá nhiều hóa chất trên da đầu
Nếu bạn quản lý và kiểm soát được căng thẳng thì tóc sẽ mọc lại sau vài tháng.
Trong trường hợp người bệnh bị rụng tóc từng vùng, biện pháp điều hoà hệ miễn dịch tại chỗ và điều trị miễn dịch chung sẽ được kết hợp để điều trị. Việc điều trị nên được thực hiện càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi các nang tóc chưa bị phá hủy và có khả năng mọc trở lại.
Các biện pháp điều trị bao gồm:
- Glucocorticoides tiêm tại chỗ: được dùng cho các bệnh nhân bị Alopecia areata có tổn thương giới hạn ở da đầu, chân mày và râu. Glucocorticoides toàn thân cũng rất hiệu quả nhưng ít khi dùng vì có nhiều tác dụng phụ, thường được chỉ định nếu tình trạng bệnh tiến triển nhanh hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
- Minoxidil: Dung dịch Minoxidil 5% dùng tại chỗ có hiệu quả nhất trong việc điều trị rụng tóc từng vùng ở nữ giới. Việc điều trị cần kéo dài cho đến khi tóc mọc lại hoàn toàn.
- Kích thích miễn dịch tại chỗ: Đây là phương pháp điều trị tương đối hiệu quả cho các bệnh nhân bị rụng tóc từng vùng mãn tính với số lượng tóc rụng >50% da đầu. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được thoa một loại kháng nguyên ví dụ diphenylcyclopropenone haydiphencyprone hay squaric acid dibutyl ester nồng độ 2% lên da đầu và rửa sạch sau 48 giờ. Vùng da đó sẽ bị viêm da tiếp xúc, tiếp tục thoa kháng nguyên pha loãng với liều lượng tăng dần lên vùng da bị rụng tóc mỗi tuần 1 lần. Vùng da đó sẽ bị phát ban, tróc vẩy, ngứa nhưng tóc sẽ mọc lên sau 3-12 tháng.
Để ngăn ngừa rụng tóc do căng thẳng thì điều quan trọng là bạn nên kiểm soát sự căng thẳng của bản thân. Nếu nhận thấy tình trạng rụng tóc tiếp diễn, kéo dài hoặc nghiêm trọng thì nên thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay đưa ra biện pháp điều trị thay cho bác sĩ chuyên môn.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!