Nữ giới bị rụng tóc do đâu? Phải làm gì để phòng và điều trị?

Rụng tóc ở nữ giới có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào do nhiều nguyên nhân như rối loạn nội tiết tố, căng thẳng, thiếu hụt dưỡng chất hay một số vấn đề liên quan đến y tế. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hói đầu nếu không có biện pháp phòng tránh và điều trị phù hợp.

Nữ giới bị rụng tóc nguyên nhân do đâu?

Hiện tượng rụng tóc ở nữ giới do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Chúng bao gồm:

Đông trùng hạ thảo - quà sức khoẻ quý giá từ thiên nhiên, nâng tầm sức khoẻ, món quà được săn lùng nhất thời Covid. CLICK NHẬN NGAY ƯU ĐÃI.
  • Rối loạn nội tiết tố:

Sự mất cân bằng nội tiết tố có thể dẫn đến vô số vấn đề về sức khỏe và sắc đẹp, bao gồm cả tình trạng rụng tóc ở nữ giới.

Trong cơ thể, hormone đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh chu kỳ phát triển của tóc. Trong đó, nội tiết tố nữ Oestrogen giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của tóc. Ngược lại, việc dư thừa nội tiết tố nam Androgens lại có thể rút ngắn chu kỳ phát triển của tóc và khiến chị em phụ nữ bị rụng tóc nhiều.

  • Căng thẳng quá mức gây rụng tóc ở phụ nữ:

Stress, lo âu kéo dài làm tăng nồng độ androgen trong cơ thể, từ đó gây rụng tóc. Căng thẳng cũng có thể kích hoạt các vấn đề về da đầu, chẳng hạn như gàu, phá vỡ thói quen ăn uống và gây rối với hệ thống tiêu hóa. Tất cả đều có thể có tác động tiêu cực khiến mái tóc bị suy yếu và dễ bị gãy rụng.

Rụng tóc ở nữ giới
Căng thẳng kéo dài là một trong những nguyên nhân rụng tóc ở nữ giới

  • Thiếu máu, thiếu sắt:

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây rụng tóc ở nữ giới là thiếu sắt. Sắt rất cần thiết để sản xuất protein tế bào tóc. Nếu cơ thể bị thiếu hụt chất này, mái tóc của bạn sẽ bị ảnh hưởng.

Tình trạng thiếu máu cũng gây ra vấn đề tương tự. Việc thiếu máu não sẽ khiến cho tóc không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất để phát triển. Đó là lý do tóc bạn ngày càng suy yếu và dễ bị rụng.

  • Mắc bệnh suy giáp, cường giáp

Tuyến giáp đóng vai trò điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể bằng cách kiểm soát việc sản xuất protein và sử dụng oxy của mô. Bất kỳ sự mất cân bằng tuyến giáp nào cũng có thể ảnh hưởng đến nang tóc.

Ngoài ra, nếu suy giáp không được điều trị, nó có thể dẫn đến thiếu máu – một nguyên nhân gây rụng tóc ở nữ giới vừa được đề cập.

  • Thiếu hụt vitamin B12:

Việc thiếu vitamin B12 có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng. Chưa dừng lại ở đó, nó cũng có thể ảnh hưởng đến mái tóc của bạn. Tại sao vậy?

Thiếu vitamin B12 thường gây rụng tóc vì nó có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất các tế bào hồng cầu dẫn đến chứng thiếu máu. Nguyên nhân này thường gặp ở những người phụ nữ ăn chay vì vitamin B12 chỉ được tìm thấy trong các loại protein động vật như thịt, cá, trứng…

  • Giảm cân quá nhanh:

Sự giảm cân một cách đột ngột khiến cơ thể cũng như mái tóc bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Điều này khiến cho nữ giới bị rụng tóc nhiều, đặc biệt là khi áp dụng các phương pháp giảm cân thiếu khoa học như nhịn ăn, kiêng khem thái quá.

  • Rụng tóc ở phụ nữ do ảnh hưởng của tuổi tác:

Cùng với quá trình lão hóa theo tuổi tác sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh như khả năng lưu thông máu kém, chức năng hoạt động của hệ tiêu hóa suy giảm… Mái tóc của chị em cũng vì thế mà trở nên khô xơ và gãy rụng nhiều. Rụng tóc thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ trung niên thường do nguyên nhân này gây ra.

  • Tác dụng phụ của thuốc tân dược:

Một số thành phần có trong các loại thuốc chữa bệnh cao huyết áp, thuốc điều trị loãng máu hay thuốc chống suy nhược có thể gây rụng tóc ở nữ giới.

  • Các vấn đề ở da đầu:

Da đầu bị nhiễm nấm hoặc mắc bệnh vẩy nến, bệnh eczema có thể khiến nang tóc bị tổn thương. Những người phụ nữ mắc các căn bệnh trên có nguy cơ rụng tóc, hói đầu rất cao.

  • Hội chứng buồng trứng đa nang:

Đây là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hội chứng buồng trứng đa nang làm tăng nội tiết tố nam khiến chị em bị rụng tóc kèm theo hiện tượng rối loạn kinh nguyệt, nổi mụn trứng cá…

  • Di truyền:

Hiện tượng rụng tóc có khuynh hướng phát triển ở những người phụ nữ có người thân trong gia đình như mẹ, chị cũng từng gặp vấn đề này. Nếu có gen di truyền, họ có thể bị rụng tóc ngay từ khi còn trẻ.

  • Mang thai:

Nhiều phụ nữ bị rụng tóc khi mang thai do rối loạn nội tiết tố. Một số người lần đầu làm mẹ nên còn nhiều bỡ ngỡ và lo lắng dẫn đến rụng tóc.

Cách điều trị rụng tóc ở nữ giới

Rụng tóc ở nữ giới do thay đổi nội tiết tố, như mang thai, mãn kinh, hoặc căng thẳng có thể không cần điều trị. Hiện tượng rụng tóc sẽ tự dừng lại sau khi cơ thể điều chỉnh.

Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng dẫn đến rụng tóc thường được giải quyết thông qua thay đổi chế độ ăn uống, uống bổ sung thuốc bổ và vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ.

Một số phụ nữ bị rụng tóc nhiều nhưng không đáp ứng được với các phương pháp điều trị tự nhiên thì cần dùng đến thuốc hỗ trợ hay các liệu pháp khác. Chúng bao gồm:

1. Dung dịch bôi ngoài da Minoxidil (Rogaine)

Minoxidil là loại thuốc không kê đơn (OTC) thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định để điều trị rụng tóc cho cả nam và nữ. Thuốc được điều chế dưới dạng bột hoặc chất lỏng bôi trực tiếp lên da đầu mỗi ngày. Minoxidil hoạt động dựa trên cơ chế kéo dài thời gian tăng trưởng của tóc, giúp mái tóc có thêm thời gian để phát triển. Bạn cũng có thể cần sử dụng thuốc 6 tháng trở lên để ngăn ngừa tình trạng rụng tóc tái phát trở lại.

Thuốc Minoxidil chữa rụng tóc ở nữ giới
Nữ giới bị rụng tóc có thể được bác sĩ chỉ định dùng Minoxidil để điều trị

Trong quá trình sử dụng, cần lưu ý đến các tác dụng phụ của thuốc như: Kích ứng da đầu, mọc nhiều lông ở mặt và khu vực bàn tay tiếp xúc với thuốc, tim đập nhanh. Ngưng dùng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn gặp bất kì tác dụng phụ nào của thuốc.

2. Chữa bệnh rụng tóc ở nữ giới bằng thuốc Spironolactone ( Aldactone)

Thuốc Spironolactone có tác dụng điều trị rụng tóc ở nữ giới bằng cách điều chỉnh hormone trong cơ thể. Cụ thể, nó liên kết với các thụ thể androgen và làm giảm quá trình xử lý testosterone của cơ thể.

Nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết được những lợi ích và rủi ro bạn có thể gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc Spironolactone.

3. Cách chống rụng tóc ở nữ giới bằng Tretinoin

Trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định dùng Tretinoin kết hợp với Minoxidil để điều trị cho những trường hợp bị rụng tóc androgenic (một loại rụng tóc có liên quan đến sự chuyển hóa androgen).

Thuốc Tretinoin được sử dụng tại chỗ nhằm tác động đến sự tăng trưởng của các tế bào ở da đầu, cải thiện tình trạng rụng tóc. Thuốc có thể gây hại cho thai nhi, vì vậy không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, Tretinoin còn có thể gây ra các tác dụng phụ như: Kích ứng da đầu, ngứa da, đau nhức da…

4. Tiêm corticoid điều trị rụng tóc ở nữ giới

Nữ giới bị rụng tóc có thể cân nhắc điều trị bằng Corticoid theo đường tiêm nếu rụng tóc. Thuốc được sử dụng nhằm mục đích ức chế phản ứng miễn dịch và giúp nang tóc phát triển mạnh mẽ hơn.

Tình trạng rụng tóc sẽ được cải thiện rõ ràng sau 4 tuần. Bạn cũng có thể được yêu cầu tiêm Corticosteroid lặp lại sau mỗi 4 đến 6 tuần để duy trì được hiệu quả lâu dài.

Các tác dụng phụ của Corticosteroid bao gồm: Teo da, làm mỏng da đầu, khô da, rậm lông, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da.

5. Sử dụng thuốc Anthralin

Anthralin là sự lựa chọn an toàn để điều trị rụng tóc tại nhà cho nữ giới. Thuốc có thể được bôi lên da đầu mỗi ngày một lần và phát huy tác dụng sau khoảng 1 giờ.

Khi sử dụng thuốc bạn nên cẩn thận tránh để thuốc dính vào mắt và không bôi thuốc lên những vùng da bị trầy xước. Anthralin cũng có thể gây nhuộm màu da, vì vậy sau khi dùng bạn nên rửa sạch da bằng nước mát và xà phòng dịu nhẹ.

Sự phát triển tóc mới có thể nhìn thấy rõ trong hai đến ba tháng.

6. Chữa rụng tóc ở phụ nữ bằng liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu bao gồm ba bước:

  • Lấy máu của bệnh nhân (khoảng 30ml)
  • Sử dụng công nghệ chiết xuất ly tâm để phân tách lấy một lượng huyết tương có chứa nhiều tiểu cầu
  • Tiêm huyết tương trở lại da đầu
Cách điều trị rụng tóc ở nữ giới bằng liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu
Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu giúp cải thiện tình trạng rụng tóc ở phụ nữ nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn

Khi huyết tương giàu tiểu cầu được tiêm vào da, chúng sẽ kích thích cơ thể tăng cường sản xuất các tế bào nguyên bài sợi để tổng hợp collagen và cấu trúc nền của da đầu. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nang tóc phát triển.

Một số rủi ro có thể gặp khi áp dụng liệu pháp PRP: Làm tổn thương gây thần kinh và các mạch máu, nhiễm trùng, vị trí tiêm huyết tương bị vôi hóa hoặc để lại sẹo.

7. Trị rụng tóc ở nữ giới bằng dầu gội chứa Ketoconazole

Phụ nữ bị rụng tóc androgenic có thể cân nhắc dùng thử Ketoconazole 2%. Đây là một chất chống nấm, có khả năng giảm sản xuất testosterone và các nội tiết tố androgen khác dẫn đến rụng tóc. Ketoconazole có thể được tìm thấy trong dầu gội Nizoral.

Ketoconazole có thể gây ra tác dụng phụ nhưng không đáng kể.

8. Cách chữa rụng tóc nhiều ở nữ giới bằng liệu pháp laser

Phương pháp này còn có các tên gọi khác như: Liệu pháp ánh sáng đỏ hay laser lạnh. Các thiết bị laser phát ra ánh sáng có thể kích thích mọc tóc cho những người bị rụng tóc androgenic và hói kiểu, làm cho tóc mọc dày hơn.

Bạn có thể áp dụng điều trị bằng ánh sáng laser hai đến ba lần một tuần. Tùy theo tình trạng rụng tóc và cơ địa mỗi người và tình trạng rụng tóc có thể được cải thiện sau vài tuần đến vài tháng.

9. Châm cứu trị rụng tóc ở phụ nữ

Châm cứu là một liệu pháp điều trị bệnh tự nhiên của y học cổ truyền đã được ứng dụng trong hàng ngàn năm. Một số nhà nghiên cứu tin rằng nó có thể giúp giảm rụng tóc. Các kim được đưa vào da đầu có thể giúp lưu thông máu dưới da, kích thích nang tóc và thúc đẩy tóc mọc lại

Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn về tác dụng của châm cứu trong điều trị rụng tóc ở nữ giới. Nếu bạn có ý định thực hiện phương pháp này thì nên tìm đến những người có kinh nghiệm chuyên môn để được điều trị.

Cách ngăn ngừa rụng tóc cho nữ giới

Rụng tóc ở nữ giới có thể được điều trị khỏi nhưng không có gì đảm bảo chắc chắn rằng hiện tượng này không tái phát trở lại. Để ngăn ngừa rụng tóc, trước tiên bạn nên thói quen thay đổi chăm sóc da đầu và tạo kiểu tóc. Ngoài ra, cần chú ý về chế độ dinh dưỡng hàng ngày và kiểm soát tốt tâm lý của mình.

Dưới đây là một số cách phòng ngừa rụng tóc tại nhà cho nữ giới:

  • Thay đổi thói quen tạo kiểu tóc:

Tránh xa các kiểu buộc chặt, như bím tóc, búi tóc hoặc tết tóc đuôi ngựa. Khi chải tóc hay gội đầu nên thao tác nhẹ nhàng, để tóc khô tự nhiên. Xem xét chuyển sang dùng lược có răng rộng nếu cần thiết để không tạo quá nhiều lực kéo lên chân tóc.

Cách phòng ngừa rụng tóc ở nữ giới
Để ngăn ngừa rụng tóc, chị em không nên cột tóc quá chặt

Một số hóa chất có trong thuốc uốn, duỗi, nhuộm có thể tổn hại đến da đầu và khiến tóc bị rụng. Bạn nên hạn chế sử dụng nếu không muốn mái tóc ngày càng xơ xác và thưa thớt.

  • Cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho tóc:

Để tóc phát triển khỏe mạnh thì cơ thể cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là protein, Fe, Zn và vitamin B12. Bạn có thể bổ sung các chất này bằng cách ăn thịt nạc, các loại ru xanh, cá, hàu, rau dền, thịt bò…

Nếu bạn nghi ngờ mình bị thiếu một số vitamin nhất định, hãy đến bác sĩ để được xét nghiệm máu và sử dụng chất bổ sung theo hướng dẫn.

  • Massage đầu

Massage đầu thường xuyên giúp làm tăng lượng máu đến da đầu. Điều này sẽ giúp tóc được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và có khả năng phát triển tốt hơn.

  • Tránh stress, căng thẳng

Như đã đề cập, căng thẳng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến nữ giới bị rụng tóc. Bạn nên giữ ổn định tâm lý bằng cách tập thể dục dưỡng sinh, yoga, đi bơi, ngồi thiền, xem phim, nghe nhạc hay trò chuyện cùng người thân…

Việc điều trị và phòng ngừa rụng tóc ở nữ giới chỉ mang lại hiệu quả tốt khi được thực hiện một cách kiên trì. Bạn có thể tham khảo thông tin bài viết cung cấp để hiểu rõ hơn về chứng rụng tóc ở phái mình nhưng việc áp dụng cần có sự tham vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

Những điều cần biết về rụng tóc do di truyền

Rụng tóc do di truyền còn được gọi là chứng hói tiến triển, xảy ra ở cả nam và nữ giới. Mặc dù tình trạng này không gây nguy hiểm...

Hói đầu khi còn trẻ – Nỗi lo lắng của thanh niên thời đại

Hói đầu khi còn trẻ có thể phát sinh do thiếu máu, di truyền, căng thẳng thần kinh kéo dài...

Rụng tóc do căng thẳng: Nguyên nhân và cách điều trị

Rụng tóc do căng thẳng là tình trạng khá phổ biến nhưng nó ít được chú ý và nhận biết...

Bị rụng tóc nên bổ sung vitamin gì để cải thiện?

Tương tự các cơ quan trên cơ thể, tóc cần vitamin và dưỡng chất để phát triển và duy trì...

Dùng nha đam trị rụng tóc – Mọc lại nhanh, óng mượt

Nha đam là một trong những nguyên liệu thiên nhiên được nhiều tín đồ làm đẹp lựa chọn để chăm...

Tóc của trẻ sơ sinh có những đặc điểm gì?

Trẻ sơ sinh bị rụng tóc trước trán – Có phải hói?

Trẻ sơ sinh rụng tóc trước trán là vấn đề khiến nhiều ông bố và bà mẹ hoang mang, lo...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.