Những loại thuốc nào có thể gây rụng tóc?
Rụng tóc là tác dụng phụ thường gặp phải khi dùng thuốc tây trị bệnh. Tuy vậy, bạn không cần quá lo lắng vì phần lớn các trường hợp rụng tóc do thuốc đều được cải thiện khi ngưng điều trị.
I. Tại sao thuốc có thể gây rụng tóc?
Rụng tóc là vấn đề mà nam, nữ giới bất kỳ mọi độ tuổi đều có thể gặp phải. Ở một số người, rụng tóc diễn ra tạm thời nhưng cũng có nhiều trường hợp rụng tóc vĩnh viễn (được gọi là hói). Rụng tóc có thể do vấn đề về sức khỏe, di truyền, hoặc do tác dụng phụ của việc dùng thuốc điều trị.
Thuốc có thể gây rụng tóc bằng cách can thiệp vào chu kỳ mọc tóc bình thường. Chu trình mọc tóc được chia làm 3 giai đoạn: anagen, catagen, telogen. Trong đó, giai đoạn anagen, kéo dài từ hai đến sáu năm, tóc mọc 0.3 – 0.4 mm một ngày và tối đa là 1 cm trong một tháng. Giai đoạn telogen, kéo dài khoảng ba tháng, đây là giai đoạn tóc nghỉ, nang tóc không còn hoạt động và bắt đầu rụng đi, nhường chỗ cho vòng đời tóc mới.
Thuốc có thể gây nên hai dạng rụng tóc chính là: Anagen effluvium và Telogen effluvium.
- Anagen effluvium: Đây là dạng rụng tóc liên quan trực tiếp đến tế bào chân tóc, kiềm hãm quá trình mọc tóc. Loại rụng tóc này thường xảy ra trong vòng vài ngày đến vài tuần sau khi dùng thuốc, phổ biến ở đối tượng dùng thuốc hóa trị ung thư.
- Telogen effluvium: Đây là dạng rụng tóc hằng ngày, tóc mỏng và thưa dần theo thời gian sau khi dùng thuốc 2 – 4 tháng.
Mức độ nghiêm trọng của rụng tóc do thuốc phụ thuộc vào loại thuốc đang sử dụng, liều lượng cũng như độ nhạy cảm với loại thuốc đó.
Tìm hiểu thêm: Rụng tóc ở trẻ em: Những thông tin mà mẹ không nên bỏ qua
II. Những loại thuốc có thể gây rụng tóc
Dưới đây là danh sách những loại thuốc có tác dụng phụ là rụng tóc:
Vitamin A:
Dùng vitamin A liều cao có thể gây rụng tóc.
Thuốc trị mụn
Một loại thuốc trị mụn trứng cá có chứa nhiều vitamin A và dẫn xuất của nó như isotretinoin (Accutane) và tretinoin (Retin-A) có thể gây rụng tóc. Nếu không muốn bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc điều trị, bạn nên hỏi thăm chuyên gia da liễu để được tư vấn sản phẩm phù hợp hơn.
Kháng sinh
Dùng thuốc kháng sinh thường xuyên có thể gây mỏng tóc. Thuốc kháng sinh có thể gây thiếu hụt vitamin B và huyết sắc tố trong cơ thể. Sự thiếu hụt này có thể gây thiếu hụt dưỡng chất nuôi tóc, tóc trở nên khô yếu và dễ gãy rụng, nang tóc teo lại, khó mọc tóc mới.
Thuốc chống nấm
Một số thuốc chống nấm Voriconazole có tác dụng phụ là gây rụng tóc.
Thuốc chống đông máu
Thuốc chống đông máu như heparin và warfarin được sử dụng để làm loãng máu và ngăn ngừa cục máu đông và một số vấn đề sức khỏe ở người mắc bệnh tim mạch. Những loại thuốc này có thể gây rụng tóc nếu dùng liên tục trong vòng ba tháng.
Thuốc giảm cholesterol
Một số loại thuốc statin (thuốc hạ mỡ máu) như Simvastatin (Zocor) và Lipitor (atorvastatin) được báo cáo là có thể gây rụng tóc.
Thuốc ức chế miễn dịch
Một số loại thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng để điều trị bệnh tự miễn như lupus và viêm khớp dạng thấp có thể gây rụng tóc. Các loại thuốc thuộc nhóm này bao gồm: Methotrexate, Cyclophosphamide (Cytoxan), Leflunomide (Arava), và Etanercept (Enbrel).
Thuốc chống co giật
Các loại thuốc ngăn ngừa co giật, như axit valproic (Depakote) và trimethadione (Tridione) có tác dụng phụ là gây rụng tóc.
Thuốc huyết áp
Thuốc chẹn beta sau có thể gây rụng tóc nếu như dùng trong thời gian dài đó là:
- Metoprolol (Lopressor)
- Timolol (Blocadren)
- Nadolol (Corgard)
- Atenolol (Tenormin)
- Propranolol (Inderal và Inderal LA)
Một số loại thuốc ức chế men chuyển cũng có thể dẫn đến tóc mỏng, đó là:
- Enalapril (Vasotec)
- Captopril (Capoten)
- Lisinopril (Prinivil, Zestril)
Thuốc chống trầm cảm và thuốc tâm thần
Một số người dùng thuốc điều trị trầm cảm và ổn định tâm trạng có thể bị rụng tóc. Các loại thuốc này gồm:
- Paroxetine hydrochloride (Paxil)
- Amitriptyline (Elavil)
- Fluoxetine (Prozac)
- Protriptyline (Vivactil)
- Sertraline (Zoloft).
Thuốc giảm cân
Thuốc giảm cân như Phentermine có thể gây rụng tóc nhưng tác dụng phụ thường không được liệt kê trong hướng dẫn dùng thuốc.
Bên cạnh đó, việc ăn kiêng cấp tốc cũng có thể gây thiếu hụt protein, biotin và acid folic, dẫn đến tình trạng rụng tóc không kiểm soát.
Thuốc trị bệnh Gút
Thuốc trị gút như allopurinol (Lopurin và Zyloprim) đã được báo cáo là có thể gây rụng tóc.
Hóa trị
Một số thuốc được dùng trong hóa trị liệu bệnh ung thư và bệnh tự miễn có thể gây rụng tóc anagen. Kiểu rụng tóc này diễn ra nhanh, chỉ sau khoảng 2 tuần dùng thuốc. Không chỉ tóc, lông mi, lông mày cũng có thể bị rụng.
Thuốc hóa trị có xu hướng gây rụng tóc bao gồm: adriamycin, cyclophosphamide, dactinomycin, daunorubicin, tamoxifen, fluorouracil, docetaxel, etoposide, doxorubicin,topotecan, vinorelbine, ifosfamid, paclitaxel, irinotecan, methotrexate, nitrosureas…
Những loại thuốc này được bào chế để tiêu diệt các tế bào ung thư đang phát triển trong cơ thể. Tuy nhiên, chúng cũng đồng thời tấn công và phá hủy các tế bào phát triển nhanh như tế bào chân tóc. Sau khi hóa trị liệu kết thúc, tóc sẽ được mọc lại.
Xem thêm: Rụng tóc do hóa trị ung thư phải làm sao để khắc phục?
III. Cách khắc phục rụng tóc do ảnh hưởng của thuốc điều trị
Trước khi dùng thuốc điều trị bệnh, bạn nên hỏi thăm ý kiến chuyên gia về tác dụng phụ tiềm ẩn.
Nếu như rụng tóc là do tác dụng phụ của thuốc, tóc sẽ mọc lại sau khi bạn ngưng dùng thuốc trị bệnh. Tuy nhiên, nếu như việc ngưng dùng thuốc không thể cải thiện tình trạng rụng, mỏng tóc, bạn có thể sử dụng finasteride (Propecia ) hoặc minoxidil (Rogaine) để chậm rụng tóc và kích thích mọc tóc mới.
Nếu như đang tiến hành hóa trị liệu, bạn có thể áp dụng biện pháp hạ nhiệt da đầu – dùng túi đá chườm lên đầu trong vài phút trước khi hóa trị khoảng nửa giờ đồng hồ để ngăn tình trạng rụng tóc. Bên cạnh đó, làm mát da đầu còn giúp giảm lưu lượng máu đến các nang tóc, khiến các loại thuốc hóa trị khó đi vào tế bào nang tóc hơn, nhờ đó mà giảm hoạt tính của thuốc điều trị lên tóc.
Sau khi điều trị bằng hóa trị, tóc thường mọc lại rất nhanh, nhưng tóc có thể mọc mỏng hơn. Lúc này, bạn có thể dùng Minoxidil để kích thích tóc mọc trở lại.
Trên đây, bài viết vừa cung cấp danh sách một số thuốc có thể gây rụng tóc, cần thận trọng trước khi dùng. Tốt nhất, nên hỏi thăm ý kiến chuyên gia về những tác dụng phụ tiềm ẩn bạn có thể gặp phải trước khi dùng thuốc điều trị để có điều chỉnh phù hợp.
ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán và phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm
- 7 thuốc chống rụng tóc – Giúp phục hồi, mọc lại nhanh nhất
- Bị rụng tóc nên bổ sung vitamin gì để cải thiện?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!