Mối quan hệ giữa viêm mũi dị ứng và hen phế quản
Theo các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, có đến 78% bệnh nhân mắc bệnh hen phế quản đều có các triệu chứng liên quan đến mũi, trong đó có đến 38% bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng. Đồng thời, nghiên cứu này đã xác định được viêm mũi dị ứng thường sẽ xuất hiện trước hen phế quản và việc kiểm soát được viêm mũi dị ứng cũng làm giảm được các triệu chứng của hen phế quản. Hãy tìm hiểu về rõ hơn về mối quan hệ giữa viêm mũi dị ứng và hen phế quản.
Mối quan hệ giữa viêm mũi dị ứng và hen phế quản
1. Theo nghiên cứu dịch tễ học
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy viêm mũi dị ứng và hen phế quản thường xảy ra cùng với nhau, các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường xuất hiện từ 28% – 78% ở những người bị hen phế quản. Đồng thời, có tới 19 – 39% bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng có nguy cơ bị hen phế quản.
Trong một nghiên cứu dành cho trẻ em từ 13 đến 17 tuổi mắc cả hai bệnh là viêm mũi dị ứng và hen phế quản cho thấy 59% các triệu chứng của viêm mũi sẽ xuất hiện trước hoặc triệu chứng của hai bệnh đều xuất hiện trong vòng một năm. Một nghiên cứu tương tự dành cho các sinh viên đại học cho thấy có tới 64% sinh viên bị viêm mũi dị ứng trước khi bị hen phế quản và 21% sinh viên mắc hai bệnh cùng một lúc. Điều này cho thấy viêm mũi dị ứng thường xảy ra trước hen phế quản.
Bên cạnh đó, vào năm 1994 Settipane và cộng sự của ông đã thực hiện một nghiên cứu và cho thấy rằng tỉ lệ bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao gấp ba lần so với những người thông thường.
Thông qua chương trình Viêm mũi dị ứng và tác động của nó đối với bệnh hen phế quản các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng: viêm mũi dị ứng là một yếu tố có nguy cơ gây nên hen phế quản.
2. Theo nghiên cứu sinh lý
Hệ thống hô hấp được bao phủ bởi một biểu mô, vì vậy các đường dẫn khí ở hệ hô hấp có chung đặc tính nhạy cảm với các chất gây dị ứng đường hô hấp. Dưới đây là những tương đồng của viêm mũi dị ứng và bệnh lý hen suyễn.
Phản xạ mũi – phế quản
Khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng, bệnh viêm mũi dị ứng sẽ gây ra những phản ứng tức thời dẫn đến nghẹt mũi và chảy nước mũi do tăng tính thấm thành mạch, điều này rất dễ dẫn đến co thắt phế quản, giãn phế quản phản xạ.
Theo các nghiên cứu đã chứng minh không có sự lắng đọng của chất gây dị ứng vào phổi nên sự co thắt phế quản gây nên hen phế quản là do tác động trực tiếp của viêm mũi dị ứng.
Người viêm mũi dị ứng thở bằng miệng
Khi bị viêm mũi dị ứng sẽ gây nên tắc nghẽn mũi do sưng mô và dịch nhầy bị giữ lại, từ đó người bệnh sẽ chuyển từ thở bằng mũi sang thở bằng miệng. Điều này sẽ làm tăng cường độ co thắt phế quản ở người bệnh dễ dẫn đến hen phế quản.
Thở bằng mũi ít có nguy cơ dẫn đến hen phế quản là vì:
- Khi thở bằng mũi không khí sẽ được làm ấm và làm ẩm trước khi nó được đưa vào hệ thống hô hấp.
- Các chất gây dị ứng và chất ô nhiễm trong khí khó xâm nhập vào bên trong phổi hơn nhờ chức năng của mũi.
Từ các nghiên cứu trên ta có thể thấy viêm mũi dị ứng và hen phế quản thường xảy ra cùng nhau và viêm mũi dị ứng có thể là một yếu tố gây nên hen phế quản.
Tác dụng của điều trị viêm mũi dị ứng và hen phế quản
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng và hen suyễn thường rất giống nhau, vì vậy nhiều ghi nhận cho thấy khi điều trị viêm mũi dị ứng và bệnh hen phế quản có thể giống nhau. Thông thường, loại thuốc được sử dụng để điều trị cho cả hai là corticosteroid.
1. Tác dụng điều trị viêm mũi dị ứng đối với hen phế quản
Các nghiên cứu cho thấy sự lắng đọng của corticosteroid để điều trị viêm mũi dị ứng trong phổi có tác dụng dụng điều trị các tác nhân gây nên bệnh hen phế quản. Bên cạnh đó, corticosteroid có tác dụng ngăn ngừa sự gia tăng phản ứng phế quản liên quan đến phơi nhiễm phấn hoa theo mùa ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng và hen suyễn.
Các thuốc chống viêm như montelukast và cetirizine, khi được sử dụng cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng cũng có tác dụng cải thiện các triệu chứng của hen phế quản.
Một số loại thuốc kháng histamine cũng cho thấy hiệu quả làm giảm đồng thời các triệu chứng của viêm mũi dị ứng và hen phế quản. Khi sử dụng thuốc kháng histamine để điều trị cho viêm mũi dị ứng nó còn có tác dụng ngăn chặn được tình trạng xảy ra hen phế quản.
Khi điều trị kết hợp montelukast và cetirizine cho bệnh nhân hen phế quản bị viêm mũi dị ứng có khả năng làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc xịt và cải thiện được triệu chứng của bệnh.
2. Tác dụng của điều trị hen phế quản đối với viêm mũi dị ứng
Theo một nghiên cứu lâm sàng, những người mắc bệnh hen phế quản được điều trị bằng montelukast đã cải thiện được 70% các triệu chứng của viêm mũi dị ứng và 60 -90% các triệu chứng của hen phế quản.
3. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch được áp dụng riêng cho những bệnh nhân viêm mũi dị ứng dạng nặng, nó giúp giảm bơ các kích thích ở tế bào viêm và giảm sự bài tiết các chất trung gian.
Khi thực nghiệm điều trị ở một nhóm bệnh nhân viêm mũi dị ứng bị hen phế quản, liệu pháp miễn dịch giúp cải thiện được các triệu chứng của hen phế quản.
Vì vậy, chúng ta thấy được rằng, viêm mũi dị ứng và hen phế quản có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi chúng ta giảm các tác nhân gây viêm mũi dị ứng nó còn giúp kiểm soát được các cơn hen phế quản hiệu quả. Viêm mũi dị ứng còn là một nguyên nhân dẫn đến bệnh hen phế quản phát triển. Viêm mũi dị ứng có thể tác động lên hen phế quản và ngược lại.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!