Cảnh giác với chứng loãng xương ở người trẻ tuổi
Những tưởng bệnh loãng xương chỉ có ở người già nhưng ngay cả những đối tượng mới ngoài 20 tuổi cũng có thể mắc căn bệnh này. Chứng loãng xương ở người trẻ thường bắt nguồn từ việc lạm dụng bia rượu hoặc ít vận động. Việc sớm sử dụng thuốc điều trị kết hợp lối sống khoa học có thể giúp đẩy lùi căn bệnh này.
Loãng xương là sự suy giảm mật độ và kết cấu của xương. Bệnh xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa quá tình tiêu hủy và tái tạo các tế bào xương mới khiến xương trở nên xốp, giòn và dễ gẫy. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ tuổi mãn kinh và người già. Tuy nhiên, ngày nay tình trạng loãng xương ở những đối tượng trẻ tuổi đang gia tăng mạnh. Nhiều trường hợp tìm đến bệnh viện khám và điều trị bệnh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Nguyên nhân gây loãng xương ở người trẻ tuổi
Chứng loãng xương ở người trẻ tuổi có thể bắt nguồn từ một trong những nguyên nhân sau:
- Di truyền: Bệnh loãng xương có thể phát triển ngay từ khi còn trẻ nếu trong gia đình bạn có bố mẹ hay anh chị cũng từng bị loãng xương.
- Thiếu hụt estrogen: Estrogen là một loại nội tiết tố nữ có tác dụng bảo vệ xương. Vì một số lý do nào đó, chẳng hạn như suy giảm buồng trứng, căng thẳng… nồng độ Estrogen trong cơ thể sụt giảm khiến xương cũng bị suy yếu. Điều này gây loãng xương ở những người phụ nữ trẻ tuổi.
- Thiếu chất dinh dưỡng: Nhiều người trẻ vì mải mê với công việc mà ăn uống qua loa, thường xuyên ăn các thức ăn nhanh nhiều chất béo nhưng nghèo nàn về giá trị dinh dưỡng. Tình trạng này được duy trì trong thời gian dài khiến họ bị thiếu hụt dưỡng chất, đặc biệt là canxi, vitamin A, B, D, kẽm. Đây chính là điều kiện thuận lợi để bệnh loãng xương phát triển.
- Tác dụng phụ của thuốc: Nguy cơ bị loãng xương cao cũng xảy ra ở một số đối tượng trẻ tuổi đang dùng thuốc corticosteroid, thuốc chữa viêm loét dạ dày, thuốc chống ung thư, kháng sinh nhóm quinolon hay một số loại thuốc tân dược khác. Chúng gây loãng xương ở người trẻ theo nhiều cách khác nhau như phá hủy mô xương, làm giảm khả năng hấp thu canxi.
- Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Những người trẻ tuổi thường có khuynh hướng che chắn kín mít toàn cơ thể mỗi khi ra ngoài trời. Hậu quả là họ có thể bị thiếu hụt vitamin D dẫn đến loãng xương. Ngoài ra, những trường bị bệnh nặng nằm bất động lâu ngày cũng dễ bị bệnh vì nguyên nhân này.
- Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu: Những chất này ngăn chặn quá trình hấp thu canxi của cơ thể và khiến canxi bị đào thải nhiều qua đường tiểu.
- Ít vận động: Sự phát triển của công nghệ cùng với guồng quay của công việc khiến người trẻ tuổi không có nhiều thời gian cho việc luyện tập thể dục. Hậu quả là cơ bắp bị lão hóa, hoạt động chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể bị trì trệ dẫn đến loãng xương và nhiều căn bệnh khác.
- Do bệnh tật: Bệnh loãng xương còn được tìm thấy ở những người trẻ tuổi mắc bệnh cường giáp, tiểu đường, tim mạch hoặc các trường hợp đang chạy thận nhân tạo.
ĐỌC NGAY: Mách bạn 10 cách phòng bệnh loãng xương hiệu quả
Bệnh loãng xương ở người trẻ tuổi có triệu chứng như thế nào?
Cũng tương tự như ở những đối tượng khác, người trẻ bị loãng xương có thể gặp các triệu chứng sau:
- Đau nhức xương, đau lưng
- Dáng đứng lom khom, gù lưng
- Giảm chiều cao do bị sụt lún đốt sống
- Móng tay chân giòn, dễ gãy
- Có cảm giác ớn lạnh trong người, đổ nhiều mồ hôi…
- Một số trường hợp còn bị tụt nướu do xương hàm bị tiêu hủy
Bệnh loãng xương ở người trẻ tuổi thường tiến triển một cách âm thầm, các triệu chứng lại dễ bị nhầm lẫn với các căn bệnh khác. Vì vậy, nếu có các dấu hiệu trên, bạn nên thăm khám để xác định chính xác bệnh và điều trị bệnh cho đúng.
Cách chữa loãng xương ở người trẻ tuổi
Để điều trị chứng loãng xương ở người trẻ, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc như bisphosphonates, Alendronate (Fosamax); Estrogen agonists; Ibandronate (Boniva); Risedronate (Actonel, Atelvia). Các thuốc này có tác dụng làm chậm tiến trình tiêu hủy và cải thiện mật độ xương.
Ngoài việc sử dụng thuốc, lối sống khoa học cũng góp phần cải thiện bệnh. Trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày bạn cần lưu ý:
- Duy trì thói quen luyện tập hàng ngày: Bạn có thể tập yoga, chạy bộ hay tập thể dục nhịp điệu… Những bài tập này giúp làm tăng sức chịu đựng và sự dẻo dai của cơ bắp, đồng thời kích thích cơ thể đẩy nhanh tiến độ tái tạo các tế bào xương mới. Chú ý tập luyện vừa sức bởi việc vận động quá mạnh bởi trong giai đoạn bị bệnh, xương rất yếu và dễ gãy
- Hạn chế hoặc tránh sử dụng các chất gây hại cho xương khớp: Chúng bao gồm rượu bia, thuốc lá, cà phê, soda…
- Cung cấp đủ canxi cho cơ thể: Để đẩy lùi bệnh loãng xương ở người trẻ tuổi thì việc cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể là rất quan trọng. Bạn có thể tăng cường canxi cho cơ thể bằng cách ăn các loại thực phẩm như tôm, cua, sữa, rau màu xanh đậm, các sản phẩm từ đậu nành… Trường hợp thiếu canxi nghiêm trọng, hãy bổ sung thuốc canxi theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tránh để tăng cân, béo phì: Xương khớp được ví như một bộ khung có trách nhiệm nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Việc dư thừa cân nặng sẽ làm tăng gánh nặng cho xương, khiến xương dễ bị tổn thương khi có tác động từ bên ngoài.
- Tắm nắng: Để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào các thời điểm từ 6-9 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều sẽ giúp cơ thể tổng hợp vitamin D3, qua đó hấp thu được nhiều canxi hơn.
Nhìn chung, bệnh loãng xương ở người trẻ tuổi có thể được chữa khỏi nhưng cần có thời gian. Bạn nên tiến hành điều trị sớm và kiên trì, tránh chủ quan để bệnh tiến triển nặng gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Người bệnh loãng xương nên ăn gì và kiêng gì để cải thiện?
- 10 loại sữa tốt cho người bị loãng xương nên uống mỗi ngày
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!