Các nguyên nhân gây bệnh loãng xương – Biết để tránh
Loãng xương có thể khiến xương trở nên xốp, giòn và dễ gãy ngay cả khi bạn va chạm nhẹ hoặc cúi xuống hay ho. Chính vì vậy, để cải thiện tình trạng này, người bệnh cần tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh loãng xương, từ đó có hướng điều trị cụ thể.
Xương là một mô sống của cơ thể hình thành nhờ sự liên kết giữa canxi phốt phát và collagen. Theo các chuyên gia y khoa, xương luôn ở trạng thái đổi mới liên tục. Theo ước tính, cứ 10 năm cơ thể sẽ tạo một lớp mô xương mới thay thế cho lớp xương cũ đã bị bào mòn. Tuy nhiên, nếu quá trình tái tạo và phá vỡ xương mất cân bằng, tạo chậm và hủy diễn ra nhanh sẽ dẫn đến hiện tượng loãng xương. Và nguyên nhân gây loãng xương có thể là do các yếu tố dưới đây.
1. Tuổi tác
Theo các nhà khoa học, tuổi tác chính là nguyên nhân gây loãng xương. Khi còn trẻ, lượng xương tạo ra sẽ nhanh hơn lượng xương cũ bị phá vỡ. Chính vì vậy, bộ xương thường phát triển khỏe mạnh và cứng cáp nhất là khi bước vào độ tuổi 20 tuổi.
Tuy nhiên, theo thời gian, đặc biệt là sau 35 tuổi tốc độ sản sinh các mô mới của xương ngày càng giảm dần. Lúc này, quá trình tạo xương suy giảm trong khi đó quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn bình thường. Chưa kể đến, tuổi tác càng cao, khả năng hấp thụ canxi càng thấp dẫn đến hậu quả là xương dễ bị giòn và gãy.
2. Rối loạn hormone sinh dục
Theo bác sĩ nội tiết tại Trung tâm y tế Virginia Mason ở Seattle, Paul Mystkowski cho hay: Sự thay đổi hormone sinh dục testosterone và estrogen ở nam và nữ đều có mối quan hệ mật thiết với tình trạng loãng xương.
Thông thường, hai loại hormone này đóng vai trò như chất kiểm soát số lượng tế bào hủy xương osteoclasts. Tuy nhiên, khi phụ nữ bước qua độ tuổi mãn kinh, lượng hormone estrogen sẽ bị suy giảm và làm tăng tốc độ mất xương. Và theo thời gian, tuổi tác càng tăng thì nguy cơ bị loãng xương và gãy xương xảy ra ở những đối tượng này càng cao.
Không chỉ riêng chị em bước qua giai đoạn mãn kinh mới có khả năng bị loãng xương. Những phụ nữ trẻ tuổi có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc đã ngừng xuất hiện kinh nguyệt vẫn có nguy cơ bị tổn thương mật độ xương. Ngoài ra, những chị em đã phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng cũng có thể bị loãng xương.
Còn đối với nam giới, testosterone có thể chuyển đổi thành estrogen giúp bảo tồn xương. Nhưng nếu nồng độ testosterone trong cơ thể quá thấp, khả năng bị loãng xương ở nam giới xảy ra khá cao.
3. Thiếu vitamin D
Vitamin D rất hữu ích đối với sức khỏe xương khớp. Chúng giúp làm tăng khả năng hấp thụ và sử dụng canxi, phốt phát ở đường ruột. Đồng thời còn giúp tăng tái hấp thu canxi ở thận và giúp tham gia quá trình canxi hóa sụn tăng trưởng. Mặt khác, vitamin D còn đóng vai trò điều hòa nồng độ canxi ổn định trong máu.
Tuy nhiên, nếu thiếu vitamin D, đường ruột và thận sẽ không hấp thu đủ canxi. Lúc này, lượng canxi trong máu sẽ suy giảm. Khi đó, cơ thể sẽ huy động canxi từ xương để ổn định canxi trong máu. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng loãng xương.
4. Mất cân bằng nội tiết tố khác
Một số hormone đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh mật độ xương trong cơ thể. Cụ thể như hormone tăng trưởng và hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, có quá nhiều hormone tuyến cận giáp có thể sẽ gây mất canxi trong xương. Và nếu tình trạng này kéo dài có thể làm kết cấu của xương bị loãng và dễ bị gãy.
5. Thiếu canxi
Canxi chính là thành phần chính cấu tạo nên xương. Chính vì vậy, chúng rất cần thiết cho quá trình tái tạo xương mới trong suốt quá trình tu sửa của cuộc đời. Bên cạnh đó, canxi tồn tại trong máu cũng giữ vai trò quan trọng giúp điều hòa nhịp tim, dây thần kinh, cơ bắp.
Tuy nhiên, khi thức ăn không cung cấp đủ canxi duy trì trong máu thì nồng độ canxi sẽ tạm thời giảm xuống. Khi đó, thông tin sẽ truyền đến dây thần kinh trung ương và tác động đến tuyến cận giáp. Lúc này, chúng sẽ tiết ra hormone và chuyển hóa canxi từ dạng hợp chất cơ trong xương sang dạng ion và đưa vào máu. Theo thời gian, nếu lượng canxi không được bổ sung đầy đủ cho cơ thể từ thức uống và thực phẩm, canxi trong xương có thể bị rút dần và dẫn đến tình trạng xương mỏng, giòn và rất dễ gãy.
Tham khảo thêm: 10 cách phòng bệnh loãng xương hiệu quả nên áp dụng
6. Lười tham gia hoạt động
Các nhà khoa học cho biết, lối sống ít vận động cũng là nguyên nhân gây bệnh loãng xương. Việc thường xuyên tham gia các hoạt động thể dục thể thao sẽ giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Khi đó, các dưỡng chất cần thiết như canxi, MK7, vitamin D sẽ được đưa vào cơ thể, giúp quá trình hấp thu và tái tạo xương diễn ra thuận lợi hơn.
Ngược lại, nếu lười vận động, cơ thể sẽ không nhận đủ dinh dưỡng dẫn đến quá trình loãng xương sẽ diễn ra sớm và đôi khi trầm trọng hơn. Chưa kể đến, lối sống ít vận động sẽ khiến các cơ bắp, xương khớp và dây chằng ngày càng suy yếu. Theo thời gian, chúng có thể hình thành nhiều bệnh lý nguy hiểm như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm,…
7. Thường xuyên sử dụng chất kích thích
Theo nghiên cứu được thực hiện tại Châu Âu, Úc và Bắc Mỹ cho biết, những người sử dụng 2 ly rượu mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Nguyên nhân có thể là do độc tố có trong rượu và thuốc lá tác động trực tiếp lên tế bào xương, làm giảm lượng khoáng của xương. Chính vì vậy, để ngăn ngừa loãng xương, bệnh nhân nên uống rượu với liều lượng nhất định.
8. Thường xuyên hút thuốc lá
Thuốc lá và bệnh loãng xương thường có mối quan hệ với nhau. Theo các nghiên cứu về thuốc lá và sức khỏe của xương đã cho thấy, thuốc lá chính là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh loãng xương. Lý do là vì thuốc lá chứa lượng lớn hoạt chất nicotine tác động lên tế bào xương. Lâu dần, chúng sẽ làm giảm mật độ xương và khiến xương dễ bị xốp và gãy. Điều này cho thấy, những đối tượng hút thuốc lá trong thời gian dài thường có mật độ xương thấp và nguy cơ gãy xương cao hơn những người khác.
9. Thuốc tây
Một vài loại thuốc thường có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình hình thành và phát triển xương. Chính vì vậy, khi sử dụng thuốc, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc tránh trường hợp thuốc làm giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương.
Một số loại thuốc dưới đây có thể gây loãng xương cho nên người bệnh nên cẩn thận.
- Thuốc Corticosteroid
- Thuốc điều trị viêm đại tràng
- Thuốc viêm khớp dạng thấp
- Thuốc hen suyễn
- Thuốc chữa bệnh vẩy nến
- Thuốc chống động kinh
Ngoài các nguyên nhân gây bệnh loãng xương nêu trên, bệnh có thể xảy ra do yếu tố di truyền hoặc do một số bệnh lý về đường tiêu hóa gây ra.
Loãng xương thường khiến xương bị suy yếu và làm tăng nguy cơ gãy xương. Do đó, để cải thiện bệnh, người bệnh nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bác sĩ chuyên môn.
Có thể bạn quan tâm
- 10 loại sữa tốt cho người bị loãng xương, nên uống mỗi ngày
- Loãng xương ở người già: Thông tin về bệnh, cách phòng và điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!