Hẹp môn vị là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Hẹp môn vị là bệnh lý ít gặp, xuất hiện chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mặc dù không gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng nếu không điều trị sớm, trẻ có thể còi cọc và chậm phát triển.

bệnh hẹp môn vị
Hẹp môn vị thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Tìm hiểu về hẹp môn vị

Môn vị là cơ quan tiếp nối giữa cuống dạ dày và hành tá tràng. Thức ăn từ dạ dày sẽ được chuyển qua môn vị và di chuyển xuống ruột non để tiếp tục quá trình tiêu hóa.

Hẹp môn vị là tình trạng cơ của môn vị dày và to lên bất thường. Hiện tượng này khiến không gian của môn vị bị hẹp lại bất thường, gây khó khăn khi thức ăn di chuyển đến ruột non.

Hẹp môn vị không quá phổ biến và thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

1. Triệu chứng

Dấu hiệu hẹp môn vị thường xuất hiện ở trẻ từ 3 – 5 tuần tuổi, rất ít trường hợp xảy ra ở trẻ lớn hơn 3 tháng tuổi. Các triệu chứng thường gặp, bao gồm:

Nôn mửa sau khi ăn

Vì thành môn vị dày lên nên thức ăn/ sữa không thể di chuyển xuống ruột non. Tình trạng này sẽ dẫn đến ứ đọng thức ăn/ sữa tại dạ dày khiến trẻ bị nôn mửa sau khi ăn. Nôn mửa thường nhẹ khi mới xuất hiện nhưng sẽ nghiêm trọng dần khi thành môn vị dày hơn.

triệu chứng hẹp môn vị
Trẻ bị hẹp môn vị thường nôn mửa sau khi bú sữa

Khi nôn, sữa thường có mùi khó chịu vì có lẫn axit dạ dày. Sau khi nôn mửa, trẻ thường đói ngay sau đó. Trong trường hợp nặng nề, dịch nôn có thể chứa máu.

Phân có dấu hiệu bất thường

Khi vấn đề xuất hiện ở môn vị, phân được bài tiết cũng sẽ có những dấu hiệu bất thường. Phân của trẻ bị hẹp môn vị có thể ít hơn bình thường do thức ăn không được chuyển xuống tá tràng.

Ngoài ra, sự thay đổi bất thường ở môn vị có thể khiến hoạt động của hệ tiêu hóa mất cân bằng. Trẻ có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy.trong thời gian này.

Không tăng cân hoặc giảm cân

Khác với người trưởng thành, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có xu hướng tăng cân rất nhanh. Tuy nhiên trẻ bị hẹp môn vị thường có xu hướng yếu ớt, không tăng hoặc giảm cân nhanh chóng.

Ngoài ra, việc nôn mửa thường xuyên khiến trẻ bị mất nước, mệt mỏi và da nhăn hơn bình thường.

Co thắt dạ dày

Khi thức ăn ứ đọng, thành dạ dày sẽ co thắt dữ dội để đẩy thức ăn. Lúc này bạn sẽ nhận thấy những gợn sóng trên bụng trẻ – nhất là trước khi trẻ nôn mửa.

Đau bụng

Đây là triệu chứng thường gặp nhất của hẹp môn vị. Lượng thức ăn không được tiêu hóa sẽ gây khó chịu trong dạ dày và gây ra cơn đau. Trẻ thường có xu hướng quấy khóc khi cơn đau xuất hiện.

2. Nguyên nhân

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra hẹp môn vị. Tuy nhiên, một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này.

Các yếu tố rủi ro bao gồm:

  • Giới tính: Hẹp môn vị có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở bé trai.
  • Chủng tộc: Các chuyên gia cho biết, tình trạng này phổ biến hơn ở người da trắng có nguồn gốc Bắc Âu. Ít gặp ở người Mỹ gốc Phi hay người Châu Á.
  • Sinh non: Trẻ sinh non, thiếu tháng có nguy cơ bị hẹp môn vị cao hơn những trẻ được sinh đủ tháng.
  • Di truyền: Nếu người mẹ từng mắc phải vấn đề này, bé trai có đến 20% nguy cơ gặp phải tình trạng hẹp môn vị.
  • Hút thuốc khi mang thai: Thành phần độc hại trong khói thuốc là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề ở trẻ nhỏ, trong đó có hẹp môn vị.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Nếu trẻ sơ sinh dùng kháng sinh sớm (Erythromycin), trẻ có nguy cơ bị hẹp môn vị cao hơn. Ngoài ra, trẻ cũng có thể mắc phải bệnh lý này nếu mẹ sử dụng thuốc kháng sinh trong những tháng cuối thai kỳ.
  • Các vấn đề khác ở cơ quan tiêu hóa: Nếu hẹp môn vị xuất hiện ở người lớn, nguyên nhân có thể do viêm, loét dạ dày – tá tràng, loét bờ cong nhỏ dạ dày. Các cơ quan này gần môn vị, do đó khi tổ chức của tá tràng bị xơ hóa, môn vị có thể bị tổn thương và thu hẹp.

3. Biến chứng

Hẹp môn vị có thể gây ra một số biến chứng sau:

  • Làm chậm quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ
  • Kích ứng dạ dày
  • Xuất huyết dạ dày
  • Vàng da

Chẩn đoán hẹp môn vị

Trước khi tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi chi tiết về các triệu chứng lâm sàng. Sau đó bác sĩ sẽ có thể thực hiện những xét nghiệm cần thiết nhằm đáp ứng cho quá trình chẩn đoán.

nguyên nhân hẹp môn vị
Siêu âm, xét nghiệm máu,… là những thủ thuật được thực hiện để chẩn đoán hẹp môn vị

Các xét nghiệm thường được chỉ định trong chẩn đoán hẹp môn vị, bao gồm:

  • Xác định khối u ở bụng: Trẻ bị hẹp môn vị thường có khối u nhỏ, cứng, kích thước nhỏ bằng quả ô liu.
  • Siêu âm: Qua hình ảnh từ siêu âm, bác sĩ có thể quan sát được những dấu hiệu bất thường ở môn vị. Trẻ thường không được ăn trước khi thực hiện siêu âm. Điều này đảm bảo hình ảnh thu được rõ ràng nhất có thể.
  • Xét nghiệm máu: Hẹp môn vị có thể gây mất nước. Do đó bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ các thành phần điện giải trong cơ thể.

Trên thực tế, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm khác để chẩn đoán đúng tình trạng mà trẻ gặp phải.

Điều trị hẹp môn vị

Hẹp môn vị thường được điều trị bằng phẫu thuật. Thủ thuật phẫu thuật cho hẹp môn vị được gọi là pyloromyotomy. Phẫu thuật này được thực hiện nhằm loại bỏ những dơ dày của môn vị nhằm làm giảm tắc nghẽn.

Nếu trẻ có sức khỏe kém và bị mất nước nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiến hành bù nước và truyền dịch để phục hồi thể trạng trước khi thực hiện phẫu thuật.

hẹp môn vị là gì
Nội soi và phẫu thuật pyloromyotomy thường được chỉ định trong điều trị hẹp môn vị

Ngoài ra, nội soi cũng có thể được chỉ định để điều trị hẹp môn vị. Kỹ thuật này tạo một vết mổ nhỏ ở rốn, sau đó bác sĩ sử dụng dụng cụ nội soi để quan sát khu vực môn vị và tiến hành làm giảm tắc nghẽn.

Hầu hết trẻ sau khi được phẫu thuật phục hồi khá nhanh, thường là sau 3 – 4 giờ sau phẫu thuật. Trẻ có thể bú lại sau khoảng thời gian này. Tuy nhiên vị trí phẫu thuật có thể bị sưng, do đó trẻ có thể bị nôn một lượng nhỏ thức ăn.

Sau 24 – 48 giờ, trẻ sẽ được về nhà và có thể ăn uống bình thường.

Sau khi thực hiện phẫu thuật, trẻ có thể gặp phải một số biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng. Tuy nhiên, tỷ lệ gặp phải biến chứng rất thấp. Nếu nhận thấy trẻ có nguy cơ gặp phải những biến chứng sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ thực hiện những biện pháp ngăn ngừa từ trước.

Chăm sóc bệnh nhân hẹp môn vị

Ngoài những biện pháp điều trị chuyên sâu, bạn nên thực hiện chế độ chăm sóc tại nhà để hỗ trợ quá trình chữa bệnh.

Chăm sóc bệnh nhân hẹp môn vị:

  • Chườm ấm ở vết mổ nếu trẻ cảm thấy khó chịu
  • Chia nhỏ bữa ăn để tránh áp lực lên dạ dày và môn vị
  • Tái khám theo lịch của bác sĩ
  • Quan sát các biểu hiện của trẻ. Nếu nhận thấy trẻ bị sốt cao, nôn mửa, mệt mỏi,… trong 1 – 3 ngày, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.