Đau cổ do nguyên nhân nào gây ra? Cách điều trị
Đau cổ là triệu chứng đau nhức xương khớp thường gặp. Tình trạng này có thể do tư thế làm việc sai lệch hoặc vận động cổ quá mức. Tuy nhiên, đau cổ cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh lý tiềm ẩn.
Nguyên nhân gây ra triệu chứng đau cổ
Đau cổ có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:
1. Căng cơ
Cổ được tạo thành từ đốt sống, đĩa đệm và các dây chằng, dây thần kinh bao xung quanh. Khi một trong các cơ quan này bị tổn thương, bạn có thể bị đau nhức và tê bì ở cổ.
Căng cơ là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra triệu chứng đau cổ. Đây là tình trạng cơ bắp, dây chằng ở cổ bị kéo giãn quá mức.
Tình trạng này có thể do các hoạt động sau gây ra:
- Tư thế làm việc sai lệch
- Duy trì một tư thế quá lâu
- Ngủ sai tư thế
- Tập luyện sai cách
2. Chấn thương
Cổ có thể bị tổn thương khi té ngã, tai nạn khi tham gia giao thông hay chơi thể thao,… Tác động vật lý từ chấn thương có thể khiến mô mềm, dây chằng bị sưng viêm và đau nhức ở cổ.
Trong trường hợp chấn thương nặng nề, đốt sống và đĩa đệm có thể bị nứt hoặc gãy.
3. Các vấn đề về tim
Đau cổ cũng có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim. Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ gây đau cổ mà còn làm phát sinh những biểu hiện như:
- Khó thở
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đổ mồ hôi
- Đau cánh tay
Đau tim là tình trạng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Do đó nếu nhận thấy những triệu chứng nêu trên, bạn nên gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện để được xử lý kịp thời.
4. Viêm màng não
Viêm màng não là tình trạng màng bao quanh não và tủy sống bị viêm. Bệnh lý này có thể gây ra các triệu chứng như sốt, cứng cổ, đau nhức cổ, vai gáy,…
Viêm màng não là bệnh lý nguy hiểm. Nếu không xử lý kịp thời, người bệnh có thể tử vong hoặc đối diện với những biến chứng vĩnh viễn.
Bệnh lý này thường do vi khuẩn, vi nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh để chỉ định phương pháp điều trị tương ứng.
5. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh rối loạn tự miễn ảnh hưởng đến hệ thống xương khớp. Bệnh hình thành do hệ miễn dịch của cơ thể gặp vấn đề và tự tấn công vào các sụn khớp khỏe mạnh.
Viêm khớp dạng thấp gây đau, sưng và kích thích lên khớp cùng với các mô mềm xung quanh. Mặc dù tình trạng này thường xuất hiện ở khớp ngón tay, tuy nhiên trong một số trường hợp bệnh có thể phát sinh ở cổ và gây ra các triệu chứng ở vị trí này.
6. Loãng xương
Loãng xương hình thành do mật độ xương giảm mạnh. Tình trạng này khiến xương khớp suy yếu và dễ bị nứt, gãy.
Nếu không được điều trị sớm, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng và phải can thiệp phẫu thuật.
7. Hội chứng đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa là rối loạn thần kinh gây đau khắp cơ thể. Tình trạng này có thể gây nhức mỏi, tê bì ở khắp cơ thể và tập trung chủ yếu ở khu vực cổ, vai.
8. Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy trong đĩa đệm tràn ra bên ngoài. Lượng nhân nhầy này gây chèn ép lên dây chằng và các dây thần kinh lân cận, từ đó làm phát sinh các cơn đau nhức. Nếu đĩa đệm cổ bị tổn thương, nó sẽ gây ra các cơn đau cổ trầm trọng.
Ngoài ra, đĩa đệm bị thoát vị thường có diện tích mỏng hơn bình thường. Tình trạng này làm thu hẹp không gian giữa các cột sống và tăng thêm căng thẳng lên cơ quan này.
9. Hẹp cột sống
Hẹp cột sống là tình trạng cột sống bị thu hẹp và gây chèn ép lên tủy sống. Nếu mức độ thu hẹp không đáng kể, các triệu chứng có thể không xuất hiện.
Tuy nhiên nếu mức độ thu hẹp lớn, dây thần kinh có thể bị chèn ép và gây ra các vấn đề tiêu cực. Hẹp cột sống có thể gây đau cổ, ngoài ra còn đau lưng, tê chân, mông, mất thăng bằng, tê tay,…
Ngoài ra, đau cổ có thể do một số nguyên nhân khác như nhiễm trùng, dị tật cột sống bẩm sinh, khối u ở cổ, ung thư cột sống,…
Tham khảo thêm: Đau cổ khi ngủ dậy do đâu? Cách khắc phục
Khi nào đi khám bác sĩ ?
Thông thường, đau cổ chủ yếu do các dây chằng xung quanh bị kéo giãn quá mức. Trong trường hợp này, cơn đau có xu hướng biến mất trong vài ngày hoặc vài tuần. Nếu triệu chứng tiếp tục kéo dài và nghiêm trọng hơn, bạn cần đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, bạn cần chủ động gặp bác sĩ nếu phát sinh các triệu chứng như:
- Đau cổ nghiêm trọng
- Xuất hiện cục u ở cổ
- Sốt
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Yếu cơ
- Ngứa ran
- Cơn đau lan xương cánh tay và chân
- Giảm khả năng vận động của cánh tay
- Rối loạn chức năng bàng quang hoặc ruột
Nếu bạn bị chấn thương ở cổ, bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Chẩn đoán nguyên nhân gây đau cổ
Đau cổ có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán trước khi đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Ngoài kiểm tra thể chất và đặt câu hỏi về các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh lý, chấn thương, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu: Giúp bác sĩ xác định bạn có gặp vấn đề về rối loạn tự miễn và nhiễm trùng hay không.
- X-Quang: Hình ảnh từ X-Quang cho phép bác sĩ quan sát tình trạng của đốt sống và đĩa đệm ở cổ.
- Quét CT: Xét nghiệm này cho hình ảnh cắt lớp các cơ quan trong cơ thể. Qua hình ảnh này, bác sĩ có thể xác định được mật độ xương và các khối u bất thường.
- Chụp MRI: Hình ảnh từ MRI hiển thị rõ tình trạng của các mô mềm trong cơ thể như đĩa đệm, dây chằng và dây thần kinh bao quanh cột sống.
- Điện cơ: Cho phép bác sĩ kiểm tra phản ứng của cơ bắp và dây thần kinh ở cổ nhằm xác định có sự chèn ép lên các cơ quan này hay không.
- Chọc dò tủy sống: Được thực hiện nhằm loại trừ khả năng bị viêm màng não, ung thư cột sống,…
Trên thực tế, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện các xét nghiệm khác nhằm đáp ứng cho quá trình chẩn đoán bệnh.
Đau cổ được điều trị như thế nào ?
Tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị tương ứng. Các biện pháp có thể được chỉ định:
1. Thuốc
Thuốc được sử dụng nhằm cải thiện cơn đau cổ và các triệu chứng đi kèm. Với đau cổ do căng cơ, thuốc có thể giúp giảm cơn đau hoàn toàn.
Tuy nhiên đối với trường hợp đau cơ do các bệnh lý mãn tính, việc sử dụng thuốc chỉ các tác dụng làm giảm triệu chứng và không có khả năng điều trị bệnh dứt điểm.
Các loại thuốc có thể được chỉ định, gồm có:
- Thuốc giảm đau
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc corticosteroid
- Kháng sinh – nếu bạn được chẩn đoán nhiễm trùng
2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là biện pháp điều trị đau cổ được các chuyên gia khuyến khích thực hiện. Việc lạm dụng thuốc có thể làm phát sinh những triệu chứng nghiêm trọng, vì vậy bạn nên kết hợp với vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng bệnh.
Bác sĩ có thể đề nghị bạn tập những động tác trị liệu để cải thiện đau cổ, tăng phạm vi chuyển động, độ linh hoạt và dẻo dai của đốt sống cổ.
Nếu triệu chứng phát sinh liên tục, các biện pháp giảm đau như liệu pháp nhiệt, châm cứu, điều trị chỉnh hình, massage trị liệu, kích thích dây thần kinh quyên da (TENS),… có thể được áp dụng.
3. Phẫu thuật
Rất ít trường hợp bệnh nhân đau cổ phải thực hiện phẫu thuật. Phương pháp này chỉ được áp dụng khi đốt sống, đĩa đệm hoặc dây thần kinh bị chèn ép và tổn thương nghiêm trọng.
Phẫu thuật ở cổ có thể gây tổn thương lên các dây thần kinh trung ương. Chính vì vậy, bạn cần trao đổi với bác sĩ về lợi ích và nguy cơ trước khi quyết định can thiệp ngoại khoa.
Trường hợp đau cổ do các vấn đề về tim hay viêm màng não, bạn bắt buộc phải điều trị nội trú tại bệnh viện.
Các biện pháp giảm đau cổ tại nhà
Nếu cơn đau cổ do căng cơ và có mức độ nhẹ, bạn có thể thực hiện các biện pháp giảm đau ngay tại nhà.
- Thực hiện chườm nóng 2 lần/ ngày hoặc ngâm mình trong bồn tắm để làm giảm sưng và cải thiện cơn đau ở cổ.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa như Ibuprofen hoặc Acetaminophen có thể làm giảm tình trạng đau nhức và cứng cổ.
- Luyện tập thể dục thường xuyên để tăng cường độ linh hoạt và phạm vi chuyển động của đốt sống. Tuy nhiên bạn chỉ nên luyện tập các bộ môn có cường độ nhẹ như yoga, bơi lội,…
- Sử dụng gối ngủ mềm, có độ cao phù hợp với cổ và đầu.
- Thay đổi tư thế và vận động cổ sau 1 – 2 giờ làm việc.
- Cải thiện các tư thế làm việc, sinh hoạt và luyện tập sai lệch. Duy trì các tư thế này có thể khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
- Massage cổ để kích thích dây thần kinh và mạch máu nhằm làm giảm tình trạng cứng và nhức cổ.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- Chớ xem thường chứng đau cổ ở trẻ em
- Vẹo cổ khi ngủ dậy: Nguyên nhân và cách xử lý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!