Hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em
Viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em là tình trạng viêm đường hiêu hóa dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy (thậm chí là cả hai), đôi khi kèm với sốt và đau quặn bụng. Bệnh gây mất nước, mất cân bằng chất điện giải trong cơ thể.
Viêm dạ dày ruột cấp phổ biến ở đối tượng trẻ dưới 5 tuổi ở những quốc gia đang phát triển và chậm phát triển – nơi có môi trường sống còn nhiều bất cập, khó tiếp cận được dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng. Mỗi năm, có khoảng 2 triệu trẻ em tử vong vì căn bệnh trên. Tuy nhiên, nếu biết cách chăm sóc và điều trị, hậu quả sẽ không quá nghiêm trọng.
I. Nguyên nhân viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em
Dưới đây là danh sách những tác nhân có thể gây viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em:
1. Vi rút (∼70%)
- Vi rút Rota
- Norovirus (virus giống Norwalk)
- Adenovirus
- Calicillin
- Astroviruses
- Enterovirus
Theo giới chuyên môn, nguyên nhân gây viêm dạ dày ruột cấp ở đối tượng trẻ em hiện nay là vi rút, trong đó phổ biến nhất là vi rút Rota và Norovirus. Khi xâm nhập vào cơ thể, Rota và Norovirus làm tổn thương tế bào ruột non, gây sốt và tiêu chảy nhẹ (không có lẫn máu).
Vi rút thường lây lan theo đường phân – miệng hoặc đường hô hấp, bùng phát thành những đợt dịch lớn vào cuối mùa đông ở những nước ôn đới và gây bệnh quanh năm ở những nước nhiệt đới. Trẻ từ 3 tháng tuổi đến 2 tuổi là lứa dễ bị nhiễm khuẩn nhất.
2. Động vật nguyên sinh (<10%)
- Cryptosporidium
- Giardia lamblia
- Entamoeba histolytica
3. Vi khuẩn (10-20%)
- Campylobacter jejuni, Salmonella: Sau khi xâm nhập vào cơ thể, chúng tấn công niêm mạc ruột non và ruột già, gây viêm kèm theo các triệu chứng như: sốt cao, máu lẫn trong phân.
- Escherichia coli (E.Coli), Shigella: Nhiễm Shigella dysenteriae hoặc độc tố Shiga do Escherichia Coli tiết ra có thể gây viêm đại tràng xuất huyết ( tiêu chảy ra máu). Bệnh chuyển biến phức tạp hơn ở những trẻ bị hội chứng tan máu bẩm sinh.
- Salmonella typhi và S paratyphi: Đây là loại vi khuẩn có thể gây thương hàn ở trẻ với triệu chứng tiêu biểu là: tiêu chảy, sốt cao, táo bón, giảm bạch cầu. Ngoài ra, chúng còn gây ảnh hưởng đến thần kinh trung ương bao gồm cả não.
- Vibrio cholerae (vi khuẩn tả): Độc tố do vi khuẩn tả Vibrio cholerae tiết ra không gây hại đến niêm mạc dạ dày ruột có thể khiến trẻ bị tiêu chảy nghiêm trọng.
- Yersinia enteratioitica.
4. Giun sán
- Giun tròn (Strongyloides stercoralis)
Viêm dạ dày ruột cấp có thể lây từ người này sang người khác thông qua đường ăn uống và hô hấp. Ăn thực phẩm bẩn, đồ ăn không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là thịt chưa nấu chín hoặc không bảo quản đúng cách như thịt bò, thịt bò, thịt lợn và hải sản chính là một cách đưa mầm bệnh đi vào cơ thể. Ngoài ra, bệnh viêm dạ dày cấp cũng có thể được lây nhiễm qua việc sử dụng nguồn nước bị nhiễm khuẩn.
II. Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em
Khi bị viêm dạ dày ruột cấp, trẻ thường xuất hiện các triệu chứng sau:
- Tiêu chảy: Trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc nước ít nhất 3 lần trong vòng 24 giờ. Trong trường hợp trẻ bị nhiễm trùng, phân có thể lẫn với máu và chất nhầy.
- Đau hoặc chuột rút ở bụng: Cơn đau sẽ thuyên giảm sau khi triệu chứng tiêu chảy biến mất.
- Sốt cao, đau đầu, đau nhức tay chân…
- Ăn kém.
Nếu chỉ bị viêm dạ dày ruột nhẹ, triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm và biến mất trong vòng vài ngày. Thông thường, trẻ nôn mửa trong 1 – 2 ngày. Tiêu chảy xuất hiện sau khi hết nôn, kéo dài trong vòng 5 – 7 ngày. Trẻ có thể đi ngoài phân lỏng trong vòng 1 tuần hoặc thậm chí là lâu hơn.
Tiêu chảy và nôn khiến cho trẻ bị mất nước (vì chất lỏng liên tục thất thoát ra ngoài). Những trẻ bị mất nước nhẹ sẽ có biểu hiện khát nước. Còn trẻ bị mất nước nghiêm trọng sẽ xuất hiện một số biểu hiện như: bơ phờ, cáu kỉnh, uể oải…, cần bù nước và chăm sóc kịp thời.
Một số dấu hiệu mất nước do viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em gồm:
- Mắt trũng sâu
- Không có nước mắt khi khóc
- Khô miệng
- Tiểu ít
- Thường mất tập trung, uể oải, mệt mỏi
III. Biến chứng viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em
Viêm dạ dày ruột có thể gây một số biến chứng sau:
- Mất cân bằng chất điện giải trong cơ thể: Chất điện giải bị mất qua phân do bị tiêu chảy hoặc nôn mửa mà không được bù đắp đủ. Đây là biến chứng mà bất kì trẻ nào cũng có thể gặp phải.
- Hội chứng ruột kích thích: Đôi khi, viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em cũng làm kích hoạt hội chứng ruột kích thích.
- Hội chứng tiêu chảy kéo dài: Hiếm gặp.
- Suy dinh dưỡng: Đây là rủi ro thường phát sinh ở những nước đang phát triển.
- Không dung nạp được Lactose: Khi bị viêm dạ dày ruột cấp, niêm mạc ruột non của trẻ có thể bị tổn thương. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu enzym lactase – enzym cần thiết để chuyển hóa đường trong sữa. Không dung nạp được Lactose, trẻ có thể gặp phải một số vấn đề như đau bụng, đầy hơi… Tình trạng trên được cải thiện khi niêm mạc ruột phục hồi.
IV. Cách điều trị viêm dạ dày và ruột cấp ở trẻ em
Do hệ thống miễn dịch của trẻ có khả năng loại bỏ nhiễm trùng nên các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ruột cấp sẽ nhanh chóng ổn định trong một vài ngày. Trẻ có thể được điều trị tại nhà nếu bệnh không đáng ngại và chỉ nhập viện nếu biểu hiện viêm dạ dày ruột cấp dữ dội.
Hiện nay, phương pháp điều trị chủ yếu cho trẻ bị viêm dạ dày cấp đó là nghỉ ngơi tại giường và bổ sung đầy đủ chất lỏng. Rất hiếm trường hợp viêm dạ dày ruột cấp phải dùng đến kháng sinh (cho bệnh nhiễm trùng) và thuốc chống nôn mửa (để hạn chế tiêu chảy).
1. Bổ sung nước:
Trẻ em được khuyến khích nên bổ sung nhiều chất lỏng để bù nước cho cơ thể.
+ Đối với trẻ em và trẻ sơ sinh:
Trẻ sơ sinh nên tiếp tục bú hoặc uống sữa công thức kèm theo dung dịch điện giải đường uống (dung dịch bù nước đường uống, có dạng bột, được bán sẵn tại các nhà thuốc).
Bố mẹ không nên cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dùng đồ uống chứa quá nhiều caffein, đồ uống có gas, nước ép trái cây… Các loại thức uống này có chứa nhiều đường nhưng lại ít muối (chất điện giải) để bù đắp cho lượng chất điện giải mà cơ thể đã thất thoát.
+ Đối với trẻ em vị thành niên:
Mặc dù nước uống thể thao chứa ít chất điện giải hơn so với dung dịch điện giải nhưng trẻ vị thành niên vẫn có thể dùng thay cho nước trái cây, soda vì chúng có chứa ít lượng đường.
Tùy thuộc vào mức độ triệu chứng trẻ mắc phải, bố mẹ sẽ có các ứng phó như sau:
+ Trường hợp trẻ bị nôn:
Cho trẻ bổ sung nhiều chất lỏng để ngăn tình trạng mất nước. Sau khi uống, bố mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe. Nếu nhận thấy trẻ không bị nôn, cách 15 – 20 phút, bố mẹ nên cho trẻ uống một ngụm nhỏ chất lỏng và tăng dần thể tích để cơ thể hấp thu. Khi nhận thấy trẻ nôn và tiêu chảy ít hơn, bố mẹ có thể cho bé ăn uống như bình thường vào ngày hôm sau.
+ Trẻ bị tiêu chảy nhưng nôn ít:
Trẻ cần được cung cấp đủ nước và chất điện giải để bù lượng chất điện giải thất thoát do tiêu chảy. Không giống như trường hợp viêm dạ dày ruột cấp gây nôn, trẻ bị tiêu chảy vẫn có thể uống nhiều nước và ăn uống bình thường. Tuy nhiên, tiêu chảy nặng có thể làm giảm sự hấp thu của các sản phẩm chứa đường sữa, khiến cho tiêu chảy càng nghiêm trọng hơn, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý.
Nếu trẻ không thể uống từng ngụm chất lỏng hoặc có biểu hiện mất nước nghiêm trọng như khô miệng, lờ đờ, khóc không ra nước mắt…, bố mẹ nên nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời. Các trường hợp mất nước nghiêm trọng sẽ được bù đắp bằng cách tiêm tĩnh mạch. Kể cả khi không có những biểu hiện vừa được liệt kê trên nhưng các triệu chứng viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ kéo dài từ 1 – 2 ngày, bố mẹ cũng nên đưa con mình đến bệnh viện để thăm khám.
2. Dùng Thuốc:
Đây không phải là cách điều trị ưu tiên khi trẻ bị viêm dạ dày ruột cấp:
- Thuốc chống tiêu chảy: Thuốc chống tiêu chảy Loperamid thường không được được áp dụng điều trị viêm dạ dày ruột cấp (trừ khi có chỉ định của chuyên gia) vì thuốc có thể gây tác dụng phụ.
- Thuốc chống nôn: Đối với trường hợp trẻ bị nôn mửa và mất nước nghiêm trọng, các chuyên gia có thể chỉ định trẻ dùng thuốc giảm nôn Ondansetron đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc không có tác dụng điều trị bênh viêm dạ dày ruột cấp do nhiễm vi rút. Các bác sĩ chỉ chỉ định kháng sinh khi biết chắc chắn tác nhân gây bệnh là vi khuẩn. Các loại kháng sinh thường dùng là Metronidazole và nitazoxanide.
Tham khảo thêm: Phác đồ điều trị viêm dạ dày ở trẻ em – Cập nhật mới nhất
3. Probiotic
Probiotic là những loại vi khuẩn tự nhiên được tìm thấy trong cơ thể, và một số loại thực phẩm. Probiotic như lactobacillus (thường có trong sữa chua) có thể rút ngắn một chút thời gian tiêu chảy (một ngày) nếu mọi người bắt đầu dùng chúng ngay sau khi phát bệnh. Tuy vậy, men vi sinh có thể không thể điều trị được được bệnh viêm dạ dày ruột cấp. Bệnh nhân cần được truyền tĩnh mạch hay nhập viện.
V. Hướng dẫn phòng ngừa viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ
Viêm dạ dày ruột cấp có thể lây lan từ người này sang người khác. Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, cần áp dụng những biện pháp sau:
- Với trẻ sơ sinh, bố mẹ cần thay tả cho trẻ sau mỗi lần trẻ đi vệ sinh. Bố mẹ cũng cần cho trẻ bú mẹ vì điều này có thể hạn chế khả năng viêm dạ dày ruột cấp nhiều hơn so với trẻ bú bình.
- Tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng hay nước ấm sau khi đi vệ sinh.
- Ăn chín uống sôi, không ăn đồ ăn vỉa hè, thức ăn ôi, thiu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Thường xuyên làm sạch nhà vệ sinh bằng chất khử trùng. Ngoài ra, cần làm sạch tay cầm xả nước, bệ toilet, bề mặt nhà tắm, tay nắm cửa hằng ngày vì đây là nơi sinh sống của phần lớn vi khuẩn gây bệnh.
- Không nên cho trẻ bơi vào 2 tuần sau đợt tiêu chảy cuối cùng nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm Cryptosporidium.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với vật nuôi.
- Như đã trình bày, vi rút Rota là tác nhân gây bệnh viêm dạ dày phổ biến nhất. Do đó, bạn có thể cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng tránh khi trẻ từ 2 -3 tháng tuổi.
Trên đây, bài viết vừa cung cấp cái nhìn tổng quát về bệnh viêm dạ dày cấp ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, cách điều trị… Hy vọng thông tin trên sẽ hữu ích đến bố mẹ có con nhỏ bị bệnh. Nếu có bất kì thắc mắc nào, bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp.
Thuocdantoc.vn không đưa lời khuyên, chẩn đoán và điều trị y khoa.
THÔNG TIN THÊM
- Lập kế hoạch chăm sóc trẻ bị viêm dạ dày ruột cấp
- Viêm dạ dày mạn tính ở trẻ em – Những điều mẹ cần biết sớm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!