Thuốc Triapremin: Công dụng, cách dùng và những lưu ý
Khi bạn gặp các vấn đề về da như viêm da, chàm, lang ben, nấm da… bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc Triapremin. Trước khi sử dụng thuốc bạn nên nắm rõ cách dùng, liều lượng và những lưu ý để tránh một số tác dụng không mong muốn.
- Tên thuốc: Triapremin
- Phân nhóm: Thuốc điều trị bệnh da liễu
- Dạng bào chế: Kem bôi ngoài da
Những thông tin cần biết về thuốc Triapremin
Thuốc Triapremin có xuất xứ từ Hàn Quốc, hiện đang được bán ở thị trường Việt Nam với giá khoảng 40.000 VNĐ/1tuýp. Bạn có thể tìm mua ở khắp các nhà thuốc trên toàn quốc.
1. Thành phần
Trong một tuýp thuốc Triapremin có chứa các thành phần chính như sau:
- Betamethasone dipropionate: Là một corticosteroid thượng thận với khả năng chống viêm khá cao. Hoạt chất này tương đối dễ hấp thụ khi dùng tại chỗ.
- Gentamicin sufate: Có tác dụng ức chế các loại vi khuẩn ưa khí gram âm.
- Clotrimazole: Là một dẫn chất tổng hợp của Imidazole được hấp thụ dễ dàng tại lớp sừng hóa và nang lông trên da.
2. Chỉ định
Triapremin thường được chỉ định trong một số trường hợp sau:
- Viêm da có đáp ứng với corticosteroid (xuất hiện biến chứng nhiễm trùng thứ phát).
- Bệnh chàm
- Vết hăm da
- Nấm da
- Lang ben
- Viêm da dị ứng
Ngoài ra, thuốc Triapremin còn có thể được chỉ định trong các trường hợp không được đề cập trên đây. Tuy nhiên, bạn không sử dụng thuốc cho các tình trạng da khác nếu chưa nhận được sự cho phép của bác sĩ.
3. Chống chỉ định
Thuốc Triapremin chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Những người quá mẫn với các thành phần trong thuốc
- Tiền sử dị ứng với nhóm Aminoglycosid
- Eczema tai ngoài kèm thủng màng nhĩ
- Vùng da bị trầy xước hay loét
4. Cách dùng
Triapremin là thuốc bôi tại chỗ được sử dụng trực tiếp lên da. Việc dùng thuốc đúng cách sẽ giúp bạn đảm bảo được hiệu quả điều trị.
- Vệ sinh sạch sẽ là lau khô tay cùng vùng da cần điều trị trước khi bôi thuốc
- Lấy một lượng thuốc vừa đủ ứng với khu vực da bị bệnh
- Dùng tay xoa thuốc nhẹ nhàng lên bề mặt da trong vài phút để thuốc thẩm thấu
- Rửa sạch tay sau khi tiếp xúc với thuốc
Trong trường hợp tay là khu vực cần điều trị, bạn có thể sử dụng tăm bông để thực hiện việc thoa thuốc.
5. Liều lượng
Bạn nên đọc kỹ tờ hướng dẫn đi kèm với tuýp thuốc để nắm rõ hơn liều dùng. Liều lượng dùng thuốc được đề cập dưới đây chỉ đáp ứng cho những trường hợp phổ biến.
- Dùng 1 lượng thuốc nhỏ vừa đủ để thoa 1 lớp mỏng cho vùng da bị bệnh.
- Bôi thuốc 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối.
Để có được kết quả điều trị tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều dùng phù hợp với tình trạng bệnh. Tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng hay tần suất khi bác sĩ chưa chỉ định.
6. Cách bảo quản thuốc
Nên vặn chặt nắp thuốc sau khi sử dụng. Để thuốc Triapremin ở nhiệt độ phòng, tránh độ ẩm cao và ánh nắng trực tiếp. Cần để ngoài tầm với của trẻ nhỏ.
Khi thuốc hết hạn hay có dấu hiệu biến chất, hư hỏng thì cần ngưng dùng. Xử lý thuốc không còn giá trị sử dụng theo đúng cách in trên tờ hướng dẫn để tránh gây hại tới môi trường.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Triapremin
1. Khuyến cáo
Những trường hợp nhạy cảm như phụ nữ mang thai hay cho con bú, trẻ em… cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và rủi ro trước khi dùng thuốc.
Tránh thoa thuốc trên phạm vi rộng, không băng kín khu vực da cần điều trị. Bởi điều này có thể kích thích phát sinh các phản ứng toàn thân nguy hiểm.
2. Tác dụng phụ
Thuốc Triapremin có thể khiến bạn gặp phải các tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Những tác dụng phụ thông thường sẽ thuyên giảm khi bác sĩ điều chỉnh liều lượng hay yêu cầu bạn nhưng dùng thuốc. Tuy nhiên, một số phản ứng nghiêm trọng sẽ phải cần đến phương pháp điều trị chuyên sâu.
Tác dụng phụ mà thuốc Triapremin có thể gây ra, bao gồm:
- Nóng da, nổi ban đỏ
- Ngứa, rỉ dịch
- Giảm sắc hồng cầu
- Mề đay
- Kích ứng da
- Bệnh vảy cá
- Khô da
- Rậm lông
- Viêm nang lông
- Viêm da bội nhiễm
- Giảm sắc tố da
Thông tin trên đây không bao quát hết tất cả tác dụng phụ của thuốc Triapremin. Vui lòng báo ngay cho bác sĩ nếu cơ thể xuất hiện bất cứ triệu chứng bất thường nào để kịp thời xử lý.
3. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc xảy ra sẽ khiến cho tác dụng điều trị của thuốc Triapremin suy giảm và tiềm ẩn nhiều phản ứng nghiêm trọng.
Một số loại thuốc sau đây có thể xảy ra tương tác với Triapremin:
- Sulfafurazol
- Calci
- Acetylcystein
- Cloramphenicol
- Actinomycin
- Clindamycin
- Heparin
- Doxorubicin
Danh sách trên chưa liệt kê đầy đủ các loại thuốc có thể tương tác với Triapremin. Vài gợi ý sau có thể giúp bạn tránh được tương tác thuốc trong qua trình điều trị với Triapremin.
- Không dùng chung Triapremin với bất cứ loại thuốc bôi tại chỗ nào khác
- Báo với bác sĩ về các thuốc bạn đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng, vitamin hay thảo dược.
4. Cách xử lý khi dùng thiếu hoặc quá liều
Dùng thiếu hay quá liều Triapremin cũng sẽ gây ra những tác động xấu. Thông thường quên sử dụng thuốc sẽ không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhưng quá liều lại gây ra những phản ứng nghiêm trọng. Bạn cần nắm được cách xử lý để giảm thiểu rủi ro trong mọi tình huống.
- Khi thiếu liều: Hãy bổ sung ngay lúc mà bạn nhớ ra. Nhưng nếu đã quá gần với kế hoạch dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên. Bạn không nên dùng thuốc với lượng gấp đôi để bổ sung liều.
- Khi quá liều: Cần chủ động tìm gặp bác sĩ để nhận được sự chăm sóc kịp thời.
5. Nên ngưng thuốc khi nào?
Trong một số trường hợp sau, bạn nên ngưng sử dụng Triapremin để đảm bảo an toàn cho sức khỏe:
- Bác sĩ yêu cầu bạn ngưng dùng thuốc
- Các phản ứng ngoại ý nghiêm trọng xảy ra
- Triệu chứng bệnh có xu hướng nặng thêm khi dùng thuốc
Có thể bạn quan tâm
- TOP 7 thuốc trị bệnh chàm tốt nhất hiện nay và lưu ý
- Ediva l-cystine là thuốc gì? Thông tin cần biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!