Thuốc Tobramycin có tác dụng gì?
Thuốc Tobramycin là kháng sinh thuộc nhóm aminoglycoside, hoạt động bằng cách ngăn chặn quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn, từ đó tiêu diệt chúng. Thuốc được chỉ định trong trường hợp bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Tobramycin không đặc hiệu với nấm, virus và một số vi khuẩn yếm khí.
- Tên hoạt chất: Tobramycin
- Phân nhóm: Thuốc kháng sinh
Những thông tin cần biết về thuốc Tobramycin
1. Chỉ định
Tobramycin được chỉ định cho trường hợp nhiễm khuẩn đường niệu, xương, hệ tuần hoàn và máu (nhiễm trùng máu), hệ tiêu hóa, mắt, hệ thần kinh trung ương, đường hô hấp và các mô mềm…
Thuốc có thể được dùng cho những mục đích điều trị khác đã được phê duyệt nhưng không được liệt kê trong bài viết. Liên hệ với bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
2. Chống chỉ định
Không dùng Tobramycin trong những trường hợp sau:
- Mẫn cảm hoặc dị ứng tobramycin hoặc các loại kháng sinh tương tự (gentamicin, amikacin, neomycin, kanamycin, paromomycin, streptomycin).
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Trẻ em dưới 6 tuổi.
3. Dạng bào chế – hàm lượng
Thuốc có những dạng bào chế và hàm lượng sau đây:
- Thuốc hít theo yêu cầu
- Thuốc nhỏ mắt 0.3%
- Dung dịch tiêm 80 mg.
4. Cách dùng
Bệnh nhân đọc kĩ thông tin được in trên nhãn dán, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về cách sử dụng thuốc trước khi dùng.
Hướng dẫn chung:
- Dùng đúng liều lượng. Liều dùng được quy định dựa trên mức độ nhiễm khuẩn, khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhân. Người bệnh có thể thực hiện một số xét nghiệm (nồng độ thuốc trong máu, khả năng thanh thải của thận) để xác định liều dùng phù hợp.
- Tobramycin hoạt động tốt khi hàm lượng thuốc được duy trì trong cơ thể ở mức ổn định. Vậy nên, bạn cần sử dụng thuốc trong khoảng thời gian đều nhau.
- Không tự ý ngưng điều trị bằng Tobramycin kể cả khi triệu chứng có biểu hiện thuyên giảm. Việc ngưng thuốc khi chưa hết lộ trình có thể khiến cho vi khuẩn tiếp tục phát triển, tăng nguy cơ tái nhiễm.
- Thông báo với chuyên gia y tế, người có chuyên môn nếu như bệnh vãn tiếp diễn hoặc chuyển biến xấu đi.
Đối với các dạng thuốc cụ thể:
- Thuốc tiêm: Thuốc được dùng tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch theo chỉ dẫn và thực hiện của bác sĩ. Các liều thuốc thường cách nhau khoảng 8 giờ.
- Thuốc hít: Sử dụng kèm với dụng cụ phun sương (đối với dung dịch hít) hoặc thiết bị Podhaler (đối với bột hít khô).
- Thuốc nhỏ mắt: Không dùng thuốc chung cho nhiều người để tránh lây nhiễm. Không dùng thuốc trên quá 15 ngày (tính từ ngày đầu tiên mở nắp).
5. Liều dùng
Dưới đây là liều dùng thuốc Tobramycin do nhà sản xuất quy định. Những thông tin được cung cấp sau đây không thể thay thế cho chỉ định của chuyên gia y tế. Luôn tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước khi dùng thuốc điều trị.
Liều sử dụng thuốc có thể thay đổi cho phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ nhiễm trùng… Tuy nhiên, bệnh nhân không được tự ý thay đổi liều dùng thuốc khi chưa được sự cho phép của chuyên gia.
Liều dùng cho người lớn
Liều dùng cho người bị bỏng ngoài, nhiễm trùng da hoặc mô mềm, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng ổ bụng, viêm phổi, viêm tủy xương, viêm thận – bể thận, viêm màng bụng, viêm màng não, viêm màng tim…:
- Nhiễm trùng nặng: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 1 mg/kg sau mỗi 8 giờ.
- Nhiễm trùng nguy hiểm tính mạng: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 5 mg/kg/ngày, chia làm 3 – 4 lần tiêm hoặc giảm xuống còn 3 mg/kg/ngày (theo chỉ định lâm sàng).
Liều dùng cho người bị bệnh xơ nang:
Đối với dạng thuốc tiêm:
- Tiêm tĩnh mạch 5-10 mg/kg/ngày, chia thành 2 – 4 lần dùng thuốc (hoặc tiêm 10-15 mg/kg/ngày, chia thành 3 – 4 lần dùng thuốc).
- Bạn cũng có thể tiêm 7-15 mg/kg tĩnh mạch trong mỗi 24 giờ.
Đối với dạng thuốc hít:
- Với dạng dung dịch hít: Dùng 300 mg dung dịch hít qua dụng cụ phun sương trong khoảng 15 phút, thực hiện 2 lần/ngày.
- Với dạng bột hít: Dùng thiết bị Podhaler (TM), hít lượng bột của 4 viên nang 28 mg hai lần một ngày.
- Thời gian điều trị: 28 ngày..
Liều dùng cho trẻ em:
Liều dùng cho trẻ bị nhiễm trùng:
- Trẻ sinh non, trẻ sinh đủ tháng (1 tuần tuổi trở xuống): Tiêm bắp hoặc tính mạch 4 mg/kg/ngày, chia thành 2 liều, mỗi liều tiêm cách nhau 12 giờ.
- Trẻ lớn hơn 1 tuần tuổi: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 6-7,5 mg/kg/ ngày, chia thành 3 – 4 liều, mỗi lần tiêm cách nhau từ 6 – 8 giờ.
Liều dùng cho trẻ bị xơ nang:
Đối với dạng thuốc tiêm:
- Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm truyền 2,5 mg/kg sau mỗi 6 giờ (hoặc 3,3 mg/kg sau mỗi 8 giờ).
Đối với dạng thuốc hít:
- Thuốc dùng cho trẻ trên 6 tuổi.
- Trẻ hít 300 mg thuốc (dạng dung dịch) bằng bình phun sương trong vòng 15 phút, ngày thực hiện 2 lần. Hoặc, trẻ hít lượng bột cảu 4 viên nang 28 mg bằng thiết bị Podhaler (TM), thực hiện 2 lần một ngày.
- Thời gian điều trị: 28 ngày.
6. Bảo quản
Thuốc Tobramycin nên được bảo quản trong môi trường khô ráo, thoáng mát ở nhiệt độ phòng. Không đặt thuốc trong ngăn đá tủ lạnh, nơi ẩm ướt, nơi có ánh sáng chiếu trực tiếp…
Bảo quản thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và động vật nuôi trong nhà.
Trong trường hợp thuốc bị biến chất, quá hạn sử dụng, tuyệt đối không sử dụng để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Tobramycin
1. Thận trọng/ Cảnh báo
Thông báo cho bác sĩ và thận trọng khi dùng thuốc nếu bạn mắc một trong các vấn đề về sức khỏe sau:
- Vấn đề thính giác;
- Vấn đề về hô hấp (tức ngực, ho, thở khò khè).
- Bệnh về thần kinh như parkinson
- Bệnh thận.
Thuốc có thể gây tổn thương thính giác cho thai nhi nếu mẹ dùng thuốc trên trong thai kỳ. Do đó, không dùng Tobramycin cho đối tượng phụ nữ đang mang thai.
Thận trọng khi dùng Tobramycin ở đối tượng đang cho con bú bởi thuốc có thể gây phát ban do nấm hoặc đi ngoài ra máu ở trẻ em. Tốt nhất, phụ nữ đang cho con bú không nên sử dụng trừ khi lợi ích lớn hơn yếu tố nguy cơ.
2. Tác dụng phụ
Trong quá trình dùng thuốc Tobramycin, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:
Tác dụng phụ phổ biến:
- Chảy máu mũi
- Khó thở
- Sốt
- Sổ mũi
- Hắt xì
- Nghẹt mũi
- Thay đổi giọng nói.
Tác dụng phụ ít gặp:
- Đi ngoài phân đen
- Đau ngực
- Ớn lạnh
- Ù tai, mất thính lực
- Tiểu đau, tiểu khó khăn
- Viêm họng
- Lở loét hoặc xuất hiện các đốm trắng trên môi, miệng
- Tức ngực
- Chảy máu bất thường
- Bầm tím
- Mệt mỏi, yếu cơ.
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Ho
- Tim đập nhanh
- Khàn tiếng
- Đau hoặc sưng các khớp
- Đau miệng hoặc cổ họng
- Thở mạnh
- Đỏ da
- Sưng bí mặt, mắt, môi, tay, chân.
- Khó nuốt.
Danh sách trên chưa bao gồm tất cả các tác dụng phụ có thể gặp phải khi điều trị bằng Tobramycin, liên hệ với chuyên gia để biết thêm những biểu hiện không mong muốn gặp phải.
Không phải ai cũng gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc trên điều trị. Tuy nhiên, khi xảy ra những biểu hiện không mong muốn, cần liên hệ với chuyên gia ngay để có hướng khắc phục kịp thời.
3. Tương tác thuốc
Tobramycin có thể tương tác với những loại thuốc sau:
- Advair Diskus (salmeterol/ flnomasone)
- Albuterol (Ventolin HFA, ProAir HFA, Ventolin, Proventil, ProAir RespiClick, Proventil HFA, AccuNeb, ProAir Digihaler, respirol, Vospire ER, Volmax, Airet).
- azithromycin (Azithromycin, Gói Zithromax, Zmax, Z-Pak)
- Atrovent (ipratropium)
- Benadryl (diphenhydramine)
- Creon (pancrelipase).
- Dexamethasone (Decadron, Decadron-LA, HiDex, Dexamethasoneas Dalopol LA, Decaject LA, Zema Pak, Decaject, Dxevo, Solurex LA, Solurex, Dexacen-4, Adrenocot, Dexasone LA, Dexacort-LA, Dexone, Primethasone).
- dexamethasone dùng trong nhãn khoa (Dextenza, Decadron, Maxidex, Phosphate, Ophthalmic, Ozurdex, Decadron Ocumeter, AK-Dex, Dexasol, Ocu-Dex, Dexycu.)
- Erythromycin (EryPed, Ery-Tab, Erythrocin, E-Mycin, Ilosone, Erythrocin Lactobionate, Eryc, Erythrocin Stearate Filmtab, PCE Dispertab, Robimycin, Wyamycin…)
- Flonase (Thuốc xịt mũi).
- Lasix (furosemide)
- Vitamin D3 (cholecalciferol)
- Zofran (ondansetron)
- Xopenex (levalbuterol)
- Zyrtec (cetirizine)
- Keppra (levetiracetam).
Danh sách trên chưa bao gồm tất cả những thuốc điều trị có khả năng tương tác với Tobramycin. Tương tác thuốc có thể làm giảm hiệu quả trị bệnh hoặc làm tăng nguy cơ mắc phải tác dụng phụ. Để đảm bảo an toàn, bạn nên thông báo với chuyên gia những loại thuốc đang sử dụng (bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, vitamin, thảo dược…). Nếu như phát hiện có tương tác xảy ra, chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn cách điều chỉnh phù hợp.
4. Quá liều và cách xử trí
Quá liều Tobramycin có thể làm xuất hiện các triệu chứng sau:
- Môi, móng tay hoặc da xanh tái.
- Chóng mặt
- Buồn ngủ
- Thở không đều, thở nông.
Dùng thuốc quá liều trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc phải tác dụng phụ hoặc gây ngộ độc. Người bệnh cần điều chỉnh liều dùng cho phù hợp để tránh những tác động tiêu cực do việc dùng thuốc không đúng cách ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trên đây là một số thông tin về thuốc tobramycin. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc dùng thuốc trên điều trị, liên hệ với nhân viên y tế để sớm được giải đáp.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Ceftazidime: Công dụng, cách dùng và thận trọng
- Diethylcarbamazine là thuốc gì? Thông tin cần biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!