Thuốc Casalmux có tác dụng gì?
Casalmux được dùng để điều trị rối loạn tiết dịch, khó thở do viêm phế quản, tắc nghẽn đường hô hấp mạn tính,… Cần tìm hiểu những thông tin về tác dụng phụ, chống chỉ định của thuốc để kiểm soát những rủi ro có thể phát sinh trong thời gian sử dụng.
- Tên thuốc: Casalmux
- Phân nhóm: thuốc tác dụng trên đường hô hấp
- Thành phần: Carbocistein, Salbutamol
Những thông tin cần biết về thuốc Casalmux
1. Thành phần
Thuốc Casalmux chứa các thành phần sau:
- Carbocistein: Thành phần giúp điều hòa đàm bằng cách cản trở kết nối disulphide của glycoprotein.
- Salbutamol: chọn lọc kích thích các thụ thể beta 2 có ở cơ tử cung, cơ trơn mạch máu, cơ trơn phế quản,…
2. Chỉ định
Thuốc Casalmux được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Rối loạn tiết dịch
- Khó thở do viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản, tắc nghẽn đường hô hấp mạn tính,…
Một số tác dụng khác của thuốc không được đề cập trong bài viết. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu có định dùng thuốc với mục đích khác.
3. Chống chỉ định
Casalmux chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Dị ứng hoặc mẫn cảm với những thành phần trong thuốc
- Bệnh nhân không dung nạp fructose
- Hội chứng không hấp thu glucose
- Thiếu men sucrose-isomaltase
Casalmux có chứa đường, do đó nếu bạn mắc bệnh tiểu đường hoặc những bệnh lý do lượng đường trong máu tăng cao, bạn nên thông báo với bác sĩ để được cân nhắc việc sử dụng thuốc.
4. Cách dùng – liều lượng
Thuốc được bào chế ở dạng thuốc bột. Bạn nên tham khảo thông tin in trên bao bì để sử dụng đúng cách. Hoặc có thể dùng thuốc theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
Thông thường, thuốc sẽ được dùng bằng cách khuấy tan với một ly nước lọc. Để thuốc hòa tan hoàn toàn và uống ngay sau đó. Với trẻ em, bạn có thể pha thêm một đường để trẻ dễ uống hơn.
Liều dùng:
- Người lớn: dùng 2 gói/liều, ngày dùng từ 2 – 3 liều
- Trẻ em từ 2 – 6 tuổi: dùng ½ gói/liều, ngày dùng từ 2 – 3 liều
- Trẻ em từ 7 – 12 tuổi: dùng 1 gói/liều, ngày dùng từ 2 – 3 liều
Bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng nếu liều dùng thông thường không đáp ứng với các triệu chứng. Không nên tự ý điều chỉnh liều nếu không có yêu cầu từ bác sĩ.
Tham khảo thêm: Thuốc Lysopaine có tác dụng gì?
5. Bảo quản
Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng trực tiếp, nơi ẩm thấp và để xa tầm với của trẻ em, thú nuôi. Không tiếp tục sử dụng khi thuốc có dấu hiệu biến chất, ẩm mốc hoặc hết hạn.
Sử dụng ngay thuốc sau khi pha. Không pha thuốc một lần và chia thành nhiều liều sử dụng. Điều này có thể khiến thuốc giảm tác dụng điều trị.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng Casalmux
1. Thận trọng
Vì Casalmux có chứa đường nên bạn cần thông báo với bác sĩ nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, rối loạn nhịp thất, rối loạn tuần hoàn động mạch vành, tăng huyết áp,…
Thời gian dùng thuốc tối đa không quá 3 tuần. Nếu sau thời gian này, triệu chứng không thuyên giảm bạn nên báo với bác sĩ để được đánh giá lại chẩn đoán ban đầu.
Phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú chỉ sử dụng thuốc khi có yêu cầu từ bác sĩ. Việc dùng thuốc tùy tiện có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi và trẻ nhỏ.
2. Tác dụng phụ
Thuốc Casalmux có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn trong thời gian sử dụng.
Tác dụng phụ thường gặp:
- Tim đập nhanh
- Run tay
- Tiêu chảy
- Đau dạ dày
- Buồn nôn
- Nôn mửa
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Co thắt phế quản
- Khô miệng
- Nổi mẩn đỏ
- Mề đay
- Tăng hàm lượng kali trong máu
Thông tin này chưa bao gồm toàn bộ những tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Casalmux. Nếu các triệu chứng nói trên có xu hướng nghiêm trọng hơn, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cách khắc phục.
3. Tương tác thuốc
Trước khi dùng thuốc, bạn nên trình bày với bác sĩ những loại thuốc mình đang sử dụng để được cân nhắc về tương tác thuốc có thể xảy ra.
Các loại thuốc có thể tương tác với Casalmux, bao gồm:
- Amoxicillin
- Thuốc lợi tiểu nhóm thiazide
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc điều trị tiểu đường
4. Nên ngưng thuốc khi nào?
Nên ngưng sử dụng Casalmux trong các trường hợp sau:
- Sử dụng thuốc đều đặn trong 3 tuần nhưng triệu chứng không thuyên giảm
- Xuất hiện triệu chứng ho kèm với sốt cao
- Có phản ứng dị ứng (phát ban, ngứa cổ họng, sưng mắt,…)
- Khi có yêu cầu từ bác sĩ
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Ospamox trị bệnh gì?
- Thuốc Cefobid: Liều lượng, cách dùng và tác dụng phụ
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!